Các Công Cụ Dùng Trong Mixing & Mastering 101: Compressor - MCMA
Có thể bạn quan tâm
Mình là Glu, kỹ thuật viên thu âm của MCMA Studio.
Ở bài viết compressor – phần 1 mình đã trình bày về các thông số Threshold (ngưỡng nén), Ratio (tỉ lệ nén), Make up Gain (âm lượng bù lại) và Gain reduction (GR – âm lượng bị giảm).
Link bài Compressor – phần 1: https://mcma.training/cac-cong-cu-dung-trong-mixing-mastering-101-compressor/
Bài này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các thông số còn lại là Attack (thời gian dây dưa từ khi được kích hoạt cho tới khi nén cực đại), Release (thời gian dây dưa từ khi bị ngắt kích hoạt cho tới khi ngưng nén hoàn toàn), Knee (cái này không tạm dịch được nữa). Ngoài ra mình sẽ nói thêm về Side chain ở cuối bài.
Transient và sustain – lý do phải quan tâm đến thông số attack và release của compressor
Nếu ở bài trước chúng ta tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát dynamic range của compressor thì ở bài này, chúng ta cùng bàn về khả năng shape (định hình) âm thanh của công cụ này. Trước hết chúng ta cần hiểu transient và sustain của âm thanh là gì.
Một âm thanh từ khi phát ra cho tới khi tắt đi có thể được chia làm 2 phần chính, là transient (phần đầu) và sustain (phần mình).
- Transient là phần đầu âm thanh. Thường có âm lượng lớn đột ngột và tắt đi nhanh, đồng thời chứa nhiều tần số cao nên transient giúp cho âm thanh “đập vào mặt” người nghe, nói hoa mỹ là “punchy”.
- Sustain là phần mình của âm thanh. Phần này chứa các tiếng ngân và rền vang của nhạc cụ.
Để hiểu rõ hơn tác động của compressor đến transient và sustain của âm, mình sẽ dùng một đoạn trống làm ví dụ. Cùng nghe qua đoạn trống chưa được compress:
Nếu nghe kỹ bạn sẽ thấy đoạn trống này còn có tiếng to tiếng nhỏ, chúng ta có thể dùng compressor để làm đều âm thanh lại. Để các bạn nghe rõ tác dụng của compressor, mình thiết lập các thông số threshold, ratio ở mức cao. Sau đó mình bù make up gain để cho âm lượng trước và sau comp không khác biệt.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng thử nghiệm một tí với thông số attack. Mình sẽ comp 1 lần với attack thấp nhất (0.005ms) và một lần với attack vừa phải (khoảng 9ms). Mọi người cùng nghe sự khác biệt và cùng nhìn hình sóng âm của 2 lần comp dưới đây.
Với thiết lập attack thấp nhất, compressor sẽ đè đầu tất cả các đỉnh transient do chúng cao hơn phần sustain. Kết quả sau khi nén âm thanh không chỉ đều hơn mà phần sustain (phần “thịt” của tiếng trống và âm của phòng) được đẩy cao lên. Tỉ lệ tương quan transient/sustain thay đổi đáng kể.
Với thiết lập attack 9ms, bạn có thể nghe thấy âm trống nảy hơn, “punchy” hơn nhưng vẫn nghe được âm sustain rõ hơn so với âm trống chưa qua comp.
Vậy thông số attack là gì mà thay đổi có 9ms thôi đã có sự khác biệt đến vậy?
Attack
Mình tạm dịch attack là “thời gian dây dưa từ khi được kích hoạt cho tới khi nén cực đại”. Mọi người đã biết compressor được kích hoạt khi có một âm thanh lớn vượt ngưỡng threshold đi qua nó. Tuy nhiên compressor không sật 1 phát nén ngay với lực cực đại. Lực nén sẽ tăng dần từ 0 cho tới giá trị cực đại trong một khoảng thời gian được quy định bởi thông số attack. Attack có đơn vị là ms.
Nhìn lại 2 đoạn âm thanh bị comp ở trên, bạn đã hiểu vì sao khi dùng attack = 9ms kết quả lại có transient cao hơn attack = 0.005ms chưa? Đó là do compressor đã tha chết cho phần transient thuộc 9 ms đầu tiên, giúp một phần transient lọt qua mà không bị nén, từ đó bảo toàn một phần độ “punchy” của âm trống.
Mẹo: nên để attack ngắn khi muốn nén hết transient của âm, đẩy âm lùi ra sau bản mix. Nên để attack dài khi muốn bảo toàn một phần transient của âm, giúp âm giữ được đổ nảy, độ nổi bật giữa bản mix.
Các compressor phần cứng như Teletronix LA-2A có giá trị attack cố định không thay đổi được nên người ta chỉ dùng nó cho một số loại tín hiệu nhất định như vocal. Các compressor phần mềm như Pro-C2 cho phép tùy chỉnh attack từ rất nhanh (0.005ms) đến chậm (250ms) nên phù hợp với nhiều loại tín hiệu âm thanh khác nhau.
Release
Mình tạm dịch release là “thời gian dây dưa từ khi bị ngắt kích hoạt cho tới khi ngưng nén hoàn toàn”. Khi âm thanh hết vượt ngưỡng threshold, compressor cũng không ngừng nén ngay lập tức mà nó sẽ giảm dần độ nén cho tới khi về 0 trong một khoảng thời gian, được quy định bởi release. Giá trị của release có thể từ vài ms cho đến vài s.
Hãy nghe đoạn âm thanh dưới đây (comp với release dài ~600ms) và so sánh với hai đoạn âm thanh audio 2 và audio 3 ở trên (comp với release ngắn ~ 100ms).
Ở audio 4, phần transient đã bị nén thấp đi, nhưng phần sustain lại không được đẩy cao lên nhiều như ở audio 2 và 3. Bạn có thể đoán được lý do không?
Đó là do khi đặt release của compressor dài, nó sẽ không chỉ nén các đỉnh transient mà còn “sẵn đà” nén luôn cả phần sustain ở sau (đoạn không vượt ngưỡng threshold). Việc này làm cho sự tương quan giữa transient và sustain của âm không thay đổi quá nhiều sau khi bị compress.
Mẹo: Khi chỉ muốn dùng compressor để kiểm soát dynamic mà không muốn nó tác động nhiều đến tỉ lệ transient/sustain của âm, bạn nên để attack ngắn và release dài (như audio 4).
Tuy nhiên nếu để release quá dài, lực nén của compressor chưa kịp hồi về 0 thì đã phải nén đỉnh transient tiếp theo, là điều ta không mong muốn. Nếu để release quá ngắn, compressor có thể làm đoạn âm thanh bị distortion do liên tục nén – nhả trong khoảng thời gian ngắn. Đoạn guitar dưới đây được compress với release cực ngắn ở nửa đầu và release vừa phải ở nửa sau (sử dụng reacomp – reaper):
Qua các ví dụ trên bạn đã thấy được sức mạnh của thông số attack và release đối với việc cắt gọt âm thanh chưa? Sử dụng compressor để shape âm thanh là một kỹ thuật đòi hỏi rèn luyện nhiều. Một số nhà sản xuất đã giúp người dùng làm việc này dễ hơn bằng cách tự động hóa các thông số attack và release, thay đổi giao diện sử dụng của comp từ đó ra đời một dòng plug-in gọi là “Transient shaper” (Hình 6).
Knee
Như ở bài trước ta đã biết, compressor sẽ nén những đỉnh âm lượng cao hơn threshold, sẽ tha chết cho các đỉnh thấp hơn. Tuy nhiên đó là chỉ khi ta để thông số knee là 0dB – còn gọi là hard knee (hình 7).
Nếu để knee rộng – ví dụ 24dB (soft knee) compressor sẽ mở rộng threshold ra thành một vùng rộng 24dB. Lúc này threshold không còn là “lằn ranh” giữa không nén và nén nữa mà là một “vùng chuyển tiếp”. Vùng này có tỉ lệ nén (ratio) tăng dần từ 0% đến 100% mức ta chỉ định giúp compressor nén các đỉnh âm lượng khác nhau được mượt mà, tự nhiên hơn. Các đỉnh âm thanh được khoanh tròn ở hình 8 chưa chạm đến threshold, tuy nhiên vẫn bị nén là do đã chạm vào “vùng chuyển tiếp” quy định bởi knee.
Mẹo: Các nguồn âm có nhiều đỉnh âm lượng cao thấp khó lường (như vocal) sẽ khó đặt threshold, ta nên để knee rộng (soft knee). Các nguồn âm có các đỉnh âm lượng lớn nhỏ rạch ròi như trống có thể để knee hẹp (hard knee).
Side chain
Cuối cùng nhưng không thể thiếu đó là chức năng side chain trên compressor. Chức năng này cho phép chúng ta thay đổi tín hiệu kích hoạt compressor hoạt động.
Bài viết đã dài nên mời bạn xem qua video mình đã quay để giải thích về sidechain trên compressor cũng như trên các hiệu ứng khác của Ableton ở đường link bên dưới.
Vậy là chúng ta đã cùng đi qua tất cả các thông số quan trọng của một compressor. Hy vọng đã giúp bạn hiểu hơn về công cụ này. Nếu bạn còn thắc mắc hay cần trao đổi thêm thì đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới nhé.
Để không bỏ lỡ các bài blog tiếp theo của MCMA, bạn hãy like page chính thức của học viện tại: https://www.facebook.com/mcma.vn/
Mình là Glu và hẹn gặp lại mọi người ở bài viết tiếp theo về các công cụ dùng trong mixing – mastering 101.
Bài viết liên quan
- Các công cụ dùng trong mixing & mastering 101: Compressor – phần 1
- Các công cụ dùng trong mixing & mastering 101: Equalizer
- Hậu kỳ vocal – Vocal Post Production là gì và các bước thực hiện
Từ khóa » Dynamic Range Audio Là Gì
-
Cách Dynamic Range, Compression Và Headroom ảnh Hưởng đến ...
-
DYNAMIC RANGE & HEAD ROOM (03) - SOUND
-
Dải động Là Gì ? | VNAV - Mạng Nghe Nhìn Việt Nam
-
Dynamic Range Là Gì Tại Sao Lại Có Câu High Dynamic Range Là Gì
-
Dynamic Range Day - Ngày Của Những Bản Thu Không Dùng ...
-
Thuật Ngữ Dynamic Range - Dải Tần Nhạy Sáng - Tinhte
-
HDR Là Gì? - Cơn Bão Số
-
Dải động Dolby Là Gì? Cách Thiết Lập Ra Sao? | Sony VN
-
Audio Dynamics 101: Compression & Gating Cơ Bản - Tạp Chí MIX
-
DYNAMIC RANGE CONTROL Tiếng Việt Là Gì - Trong Tiếng Việt Dịch
-
GREATER DYNAMIC RANGE Tiếng Việt Là Gì - Trong Tiếng Việt Dịch
-
What Is Dynamic Range, And Why Does It Matter? - Yamaha Music
-
Dynamic Trong âm Nhạc Là Gì - Xây Nhà
-
Công Nghệ 4K HDR Là Gì? Điểm Khác Biệt Của Tivi 4K HDR