CÁC CỤ TỔ MỞ ĐẦU “NGŨ CHI BÁT PHÁI” CỦA HỌ VŨ Ở LÀNG ...

Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào Danh mục TIN TỨC TIN HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ DOANH NHÂN CÂU LẠC BỘ THƠ CA HOAT ĐỘNG TỪ THIỆN TIN KHẮP NƠI Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG NHẮN TÌM BÀ CON DÒNG HỌ KHỞI NGUỒN, LỊCH SỬ DÒNG HỌ VŨ-VÕ THỦY TỔ LÀNG MỘ TRẠCH KHOA BẢNG DANH NHÂN ĐỊA DANH LỊCH SỬ GIA PHẢ NGHỀ, LÀNG NGHỀ PHONG TỤC, TẬP QUÁN TRUYỀN THUYẾT VỀ DÒNG HỌ VŨ-VÕ NGHIÊN CỨU, TRAO ĐỔI HỌ VŨ-VÕ VIỆT NAM HỌ VŨ-VÕ BÀ RỊA VŨNG TÀU HỌ VŨ-VÕ CẦN THƠ HỌ VŨ-VÕ AN GIANG HỌ VŨ-VÕ BẠC LIÊU HỌ VŨ-VÕ BẮC NINH HỌ VŨ-VÕ BẾN TRE HỌ VŨ-VÕ BÌNH ĐỊNH HỌ VŨ-VÕ BÌNH DƯƠNG HỌ VŨ-VÕ BÌNH PHƯỚC HỌ VŨ-VÕ BÌNH THUẬN HỌ VŨ-VÕ CÀ MAU HỌ VŨ-VÕ ĐĂK LẮK HỌ VŨ-VÕ ĐĂK NÔNG HỌ VŨ-VÕ ĐỒNG NAI HỌ VŨ-VÕ ĐỒNG THÁP HỌ VŨ-VÕ GIA LAI HỌ VŨ-VÕ HÀ GIANG HỌ VŨ-VÕ HÀ NAM HỌ VŨ-VÕ HÀ NỘI HỌ VŨ-VÕ HÀ TĨNH HỌ VŨ--VÕ HẢI DƯƠNG HỌ VŨ-VÕ HẢI PHÒNG HỌ VŨ-VÕ TP. HỒ CHÍ MINH HỌ VŨ-VÕ HƯNG YÊN HỌ VŨ-VÕ HÒA BÌNH HỌ VŨ-VÕ KHÁNH HÒA HỌ VŨ-VÕ KIÊN GIANG HỌ VŨ-VÕ LÂM ĐỒNG HỌ VŨ-VÕ LẠNG SƠN HỌ VŨ-VÕ LÀO CAI HỌ VŨ-VÕ TỈNH LONG AN HỌ VŨ-VÕ NAM ĐỊNH HỌ VŨ-VÕ NGHỆ AN HỌ VŨ-VÕ NINH BÌNH HỌ VŨ-VÕ NINH THUẬN HỌ VŨ-VÕ PHÚ THỌ HỌ VŨ-VÕ PHÚ YÊN HỌ VŨ-VÕ QUẢNG BÌNH HỌ VŨ-VÕ QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG HỌ VŨ-VÕ QUẢNG NGÃI HỌ VŨ-VÕ QUẢNG NINH HỌ VŨ-VÕ QUẢNG TRỊ HỌ VŨ-VÕ THÁI BÌNH HỌ VŨ-VÕ THÁI NGUYÊN HỌ VŨ-VÕ THANH HÓA HỌ VŨ-VÕ THỪA THIÊN HUẾ HỌ VŨ-VÕ TIỀN GIANG HỌ VŨ-VÕ TUYÊN QUANG HỌ VŨ-VÕ VĨNH PHÚC HỌ VŨ-VÕ YÊN BÁI HỌ VŨ-VÕ CANADA HỌ VŨ-VÕ CỘNG HÒA CZECH HỌ VŨ-VÕ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC CÁC HỌ BẠN SƯU KHẢO HỌ VŨ-VÕ ĐIỆN BIÊN HỌ VŨ-VÕ TỈNH BẮC GIANG THƯ VIỆN SÁCH VỀ HỌ VŨ-VÕ SỬ THI, TRIẾT HỌC SƯU KHẢO NGHIÊN CỨU SƯU KHẢO NGHIÊN CỨU HỘI ĐỒNG DÒNG HỌ VŨ-VÕ PHƯƠNG NAM VĂN TẾ CÔNG ĐỨC VÀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH NGHĨA TRANG DÒNG HỌ VŨ-VÕ PHƯƠNG NAM TƯ LIỆU HỌ VŨ-VÕ TƯ LIỆU HỌ VŨ-VÕ Thống kê Đang online: 153 Truy cập hôm nay: 4,894 Lượt truy cập: 11,778,064 Hỗ trợ trực tuyến Vũ Hữu Chính Vũ Hữu Chính Quảng cáo CÁC CỤ TỔ MỞ ĐẦU “NGŨ CHI BÁT PHÁI” CỦA HỌ VŨ Ở LÀNG MỘ TRẠCH (HẢI DƯƠNG)

CÁC CỤ TỔ MỞ ĐẦU “NGŨ CHI BÁT PHÁI”

CỦA HỌ VŨ Ở LÀNG MỘ TRẠCH (HẢI DƯƠNG)

Là người chuyên khảo cổ sử và cổ phả Việt Nam trong nhiều năm. Tôi họ Vũ nhưng không phải là “người Mộ Trạch”, đã về làng cổ này 4, 5 lần trong 20 năm (1986 – 2006). Tôi có quan tâm đến nội dung các Cổ phả họ Vũ của làng này từ lâu nay. Nhất là chuyến du khảo dài ngày cùng anh Vũ Hữu Chính và Vũ Huy Thuận. Tôi may mắn “ăn ở 3 ngày đêm” trong làng Mộ Trạch, chiêm bái Miếu, Đình và 8, 9 Từ Đường của các Chi, Phái họ Vũ, họ Lê. Đã khảo sát văn hóa và di tích thờ phụng của làng quê mệnh danh “Tiến sĩ Sào” trong quá khứ vàng son đời Lê, Mạc, Lê - Trịnh, Tây Sơn. Được gặp các cụ, các ông Thủ Từ, Trưởng ban Di Tích, trưởng các Chi, Phái, đã hỏi han, ghi chép các chi tiết và một số các cụ còn đọc biết chữ Hán Nho Cổ như tôi, cùng trao đổi…

Như thế, tôi là khách quan và người đi sưu khảo nên đã thấy những gì lạ lẫm, có thể các bà con Họ Vũ ở Mộ Trạch và Hà Nội, Hải Dương và Sài Gòn chưa nhìn ra? Cũng có thể các ông, các cụ quá tin vào Tiền Nhân? Đã không biết rằng các bậc tiền nhân khi viết phả cũng chưa tường tận các đời trước, chỉ dựa vào các sử liệu phả không đầy đủ, các truyện ký và cả truyền thuyết nên không thể tránh khỏi có những điều chưa thật rõ ràng. Tên cuốn phả lớn nhất dòng họ Vũ Mộ Trạch này có tên là: Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích (MTVTTHST), cũng có nghĩa là:”Sự tích các thế hệ họ Vũ Mộ Trạch”, chứ không phải là gia phả đầy đủ trong các gia đình (thường chỉ khoảng 5-6 thế hệ). Vì thế, đời sau có thấy điều gì còn tồn nghi thì có thể dùng khoa học lịch sử hiện đại để kiểm chứng, phát hiện và nếu có những tư liệu chính xác mà cải chính, nhưng tồn nghi đó thì âu cũng là điều đáng quý, chứ không hẳn là “phạm tội bất kính với tổ tiên” như một số người quan niệm.

Quan điểm này, tôi có trao đổi với anh Vũ Huy Thuận ở tuổi ngoài 50 cũng có học thức hiện đại, cởi mở và cả ông Vũ Đình Triều- nhà giáo (ông tham gia Vũ Tộc Tương tế Hội Sài Gòn 1970-1975), tuổi 75, rất quan tâm, yêu mến họ Vũ làng Chằm của ông suốt 50 năm qua. Ông Triều cũng cho chúng tôi có lý và bảo: Cứ nêu ra những gì thấy trong cổ phả có điều nghi vấn, để các bà con họ Vũ -Võ trong nước có trình độ khoa học lịch sử thẩm định và làm sáng tỏ. Đó là làm rõ một số chi tiết về nguồn gốc Ngũ Chi, Bát Phái họ Vũ Mộ Trạch, mà trước nay không chú ý hoặc cũng thấy bất hợp lý nhưng không có chuyên môn để khảo cứu, phát hiện! Cũng có thể cứ thấy các cụ đời xưa viết sao thì tin thế, mà không dám phân tích các điểm tồn nghi. Chỉ vì các Nho gia xưa, cũng chép theo các tư liệu không đấy đủ của cổ nhân để lại, nên có thể đã có phỏng đoán, hiểu sai, lầm lẫn tên, tuổi và thế hệ các tiền nhân…

Tôi đã đọc rất kỹ cả bản dịch của các ông Võ Văn Sổ, Vũ Thế Khôi, cụ Vũ Huy Chân, ông Vũ Duy Mền là 4 người giỏi chữ Nho. Tất cả 4 vị đều hiểu kỹ về nội dung bộ: Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích của nhóm cụ Vũ Phương Lan soạn năm 1769. Tôi đã được đọc Microfilm Bộ phả đó ở Viện Khảo Cổ Sài Gòn từ thập niên 60, khi là Sinh viên Văn khoa và sau đó 10 năm, tôi là chuyên viên Nha Văn khố lưu trữ Quốc gia, phụ trách kho tư liệu Hán Nôm ở đó. Tôi rất thích bộ cổ phả ấy, nhưng thấy chỉ viết về họ Vũ Mộ Trạch, nên chưa đọc kỹ và nghiên cứu sâu.

Năm 1996, tham gia vào Ban Liên lạc Họ Vũ-Võ- Đặng Vũ TP.HCM và khu vực phía Nam đến nay là 10 năm làm Uỷ Viên. Tôi thích chuyên khảo về họ Vũ- Võ toàn quốc (và các họ khác, chứ không thích họp hành,…). Cũng như nhiều bà con tham gia vào Ban Liên Lạc, tôi có chủ đích đi tìm nguồn gốc tổ tiên và huyết thống nối kết, cũng như thiên cư ra sao? Thật sự, chỉ có các chi phái họ Vũ ở Mộ Trạch, Hành Thiện, Thạch Lỗi, Mi Thữ, Ngọc Quan, Lạc Tràng, Vĩnh Trụ, Phương Để, Lộng Điền, Bái Dương, Sa Lung, Địch Điệp, Phong Lâm, Yên Trường, Hà Hoàng (Hà Tĩnh), Thần Phù (Huế) và khoảng hơn chục chi họ Vũ-Võ khác trong nước ta là còn giữ được gia phả trên mười đời. Riêng Mộ Trạch có đến 26, 27 đời họ Vũ của các Chi, còn các Phái thì trên 20 đời.

Họ Vũ Mộ Trạch đã có một truyền thống nối tiếp nhau soạn phả 4, 5 trăm năm qua (tiêu biểu là các Chi Ba, Chi Năm, Phái Kỷ, Canh, Mậu, Giáp, Đinh..)

Năm ông Tổ đầu tiên của Ngũ Chi là:

1-Vũ Tùy (không rõ năm sinh) Huyện Thừa: Khởi tổ chi Một (cha ông T.Sĩ Đôn).

2-Vũ Tấn (không rõ năm sinh) Thầy Thuốc: Khởi tổ chi Hai (ông nội Hương Cống Hưu).

3-Vũ Hữu (Trạng Toán) Hiển Đức Đường (1441 – 1511): đỗ Hoàng Giáp Tiến Sĩ năm 1463 (Quí Mùi) là khởi tổ chi Ba (cha ông cống Vũ Vĩnh Phu).

4-Vũ Tráng (chưa rõ năm sinh) đỗ Hương cống, Lang Trung, Thầy giáo và là khởi tổ chi Bốn.

5-Vũ Phong (Trạng Vật) Đình Úy, chỉ huy Sứ. là khởi tổ chi Năm (Lệ Trạch Đường) chi 5 có nhiều ông thành đạt và học giỏi.

Năm vị này không thể là con trai của cụ Bá Khiêm và bà Thị Nương. Đọc phả xưa phải nhận định xem niên đại các Cụ sinh sống có hợp lý không? Bởi thế, có nhiều người hiện nay do không thạo chữ Nho, không thuộc Việt sử cũ, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, đã ồn ào đưa ra ý kiến, công bố nhầm lẫn, có khi chỉ vì sự trùng tên.

Như người ta đã viết: ông Vũ Dự là cháu nội cụ Nghè Hữu (chi Ba, đời 3) mà lại là Công thần Vũ Dự, đã góp phần tiêu diệt phe vua Lê Nghi Dân (1459). Rồi đưa hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi Vua (1460), đặt niên hiệu Quang Thuận, là Lê Thánh Tông Hoàng Đế sau đó. Mà họ không biết rằng lúc đó ông Vũ Hữu mới có 19 tuổi, làm sao có cháu nội là tướng cầm quân dẹp bọn nghịch thần: Phạm Đồn, Phan Ban? Chẳng lẽ, cháu nội hơn tuổi ông nội Vũ Hữu (1441) hay sao? Cổ phả (1769) lúc chép về ông Vũ Dự, con cả ông Vĩnh Phu, không hề nhắc đến chuyện phế lập vua Nghi Dân, Thánh Tông. Mặc dù, ông Dự làm quan Võ rất lớn Tả Đô Đốc Đô Đốc Phủ tước Tri Lễ Bá. Đó là đời vua Tương Dực (1510-1514), sau thời Lê Nghi Dân hơn 50 năm. Còn người tên Vũ Dự đời vua Thánh Tông (1460-1497) là vị võ tướng khác, hơn ông Vũ Hữu từ 10-15 tuổi, chỉ là trùng tên Vũ Dự! Đây là ông giáo Vũ Huy Phú sai lầm do bị hạn chế về quốc sử, nên “vơ vào” làng Mộ Trạch, bị các nhà sử học Pháp-Việt phê phán. Cũng như cụ Tiến sĩ Vũ Công Tể (1687-1745) quê ở Hải Bối, Yên Lãng (Kinh Bắc-nay thuộc Đông Anh, à Nội) đỗ Thám Hoa, Mậu Tuất (1718), đã bị đời nay nhầm lẫn, vơ vào phái Kỷ (của chị BS Thành). Chỉ vì trong phả họ Vũ, phái Kỷ ở Mộ Trạch có một cụ trùng tên: Vũ Công Tể, chỉ đỗ Hương cống, sống trước ông Thám Hải Bối: Công Tể khoảng 35-40 tuổi. Cụ Công Tể của Mộ Trạch là em ruột Tiến sĩ Vũ Công Bình (sinh 1640). Không thể nhầm lẫn như vậy mà mang tiếng “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Cả hai trường hợp trên chỉ là trùng tên, đời sau hiểu lầm. Chứ 4 nho gia họ Vũ đời Hậu Lê rất thông tuệ, không thể nhầm lẫn.

Về Bát Phái, theo khảo cứu của chúng tôi, khi soạn phả “MTVTTHST”, bốn cụ nho gia họ Vũ mới sắp xếp những phái (ngành) họ Vũ không rõ nguồn gốc từ ai? Rồi đặt thành tám phái, đều không rõ tên khởi tổ 6,7 vị mới gọi tên là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân (giống như ngày nay là A,B,C,D…). Chứ tên gọi 8 phái đó không hề có từ trước. Nghĩa là, từ 1769 Kỷ Sửu (Cảnh Hưng 30) trở đi, dù thực chất đã có từ trước, gọi theo chỗ ngồi dự việc họ, việc làng ở đình Mộ Trạch trong việc Hương -Ẩm mà thôi ( như Giáp Bình Chính, Xuân Chính, Đoan Chính).

PHÁI GIÁP:

Không phải phái này là con trưởng hay đàn anh bảng phái sau đâu! Theo ý kiến riêng, có lẽ Cụ Tổ mở đầu của phái Giáp đã xuất hiện sớm nhất? So với 7 cụ Khởi Tổ 7 phái tiếp theo chăng? Không biết Ngài tên gì cả! Chỉ chép là Vũ Công = (ông họ Vũ) có tên hiệu là Chân Nhân. Đây là cụ khởi Tổ của phái Giáp.

Có lẽ, cụ Tổ Chân Nhân sinh vào khoảng những năm 1425 – 1430? Vì con trai cụ là ông Hoàng Giáp Tiến sĩ Vũ Quỳnh (sinh năm Quí Dậu 1453), đời vua Nhân Tông. Thì Cha là cụ Chân Nhân được triều đình Lê Thánh Tông tặng cho chức Tham Chính (lúc đó cụ đã mất lâu rồi) vì ông Quỳnh đỗ Tiến sĩ năm 1478 (sau ông Vũ Hữu 15 năm) đã ra làm quan. Nên biết: đời xưa, lúc còn sống, vua ban cho chức tước thì gọi là Phong. Lúc chết, vua cho chức tước thì gọi là Tặng. Bởi thế mới có thành ngữ cổ: Sinh phong, Tử tặng (sống được phong chức, chết được tặng chức).

Chỉ khi soạn gia phả, ba cụ họ Vũ mới bàn nhau, sắp xếp thành 8 phái để nhận biết và phân biệt. Như trên đã nói: Giáp, Ất, Bính, Đinh … chỉ là cách gọi thứ tự như A, B, C, D … ngày nay thôi. Chứ không là tên riêng, biệt hiệu như kiểu: Truy Viễn Đường, Hiển Đức Đường, Thế Khoa Đường, Quang Trạch Đường, … Xin chớ nhầm. Vì, nay theo văn hóa Tây Phương, lớp trẻ và nhiều người lầm tưởng Giáp, Ất, Bính, Đinh … là danh từ riêng. Không phải vậy!

Thế hệ thứ hai của phái Giáp là ông Tiến sĩ Vũ Quỳnh (1453 – 1516). Ông là Sử gia và làm chức Đô Tổng Tài Quốc Sử Quán. Tác giả một bộ Việt sử gồm 26 cuốn và tác giả vài sách có giá trị cao. Tên tư là Thủ Phác, tên hiệu là Đốc Trai. Vợ ông họ Lê (Mộ Trạch) đời thứ 6, sinh được 2 trai, 4 gái. Có 1 gái thứ 2 gả cho Trạng nguyên Lê Nại. Năm 1514, có loạn đảo chính Vua Lợn: Lê Tương Dực (Hồng Thuận), ông bị loạn quân giết ở Thăng Long cùng nhà kiến trúc nổi danh Vũ Như Tô (có thuyết cho: Như Tô ở làng Chằm – Mộ Trạch). Phái này chỉ truyền có 8 đời. Hết đời Mạc (1592), ông Nhân Đài dẫn theo con nhỏ là Nhân Bả, bỏ làng Chằm sơ tán xuống Sơn Nam Thượng (Phú Xuyên). Cháu ông là Vũ Phúc Nhẫn đổi ra họ Nguyễn (bị Nhóm cụ Phương Lan biên tập, xếp nhầm vào Phái Ất). Năm 1687, ông Phúc Nhẫn (1623-1690) về hưu, sau khi làm quan Võ Chánh Đô Tổng Binh coi phía Nam thành Thăng Long. Nhớ lời cha dặn (cụ Nhân Bả), ông Phúc Nhẫn đưa 2 con trai về làng cũ và nhận dòng Họ. Ông cho con thứ là Vũ Phúc Ninh ở lại lập ra dòng Quang Trạch Đường ở làng Mộ Trạch và cải lại họ Vũ như xưa. Còn ông Phúc Nhẫn và trưởng nam (Phúc Khang) là ông Phủ Lỵ quay về làng Đường Xuyên, thuộc huyện Phú Xuyên (Phù Vân cũ) ở Sơn Nam trấn, lập ra Chi họ Vũ: Quang Đại Đường từ giữa thế kỷ 17 (khoảng 1685 – 1690) cho đến nay vẫn còn và đã tìm được bà con ở Mộ Trạch (ông Hịch, ông Tình, bà Son …). Hai bên Quang Đại Đường (Thường Xuyên) và Quang Trạch Đường (Mộ Trạch) đến nay ngoài 8 đời ghi trong MTVTTHST đều được thêm 15 đời nữa.

PHÁI ẤT:

Cụ khởi Tổ là Vũ Công (ông họ Vũ) và không nhớ tên thật là gì! Phả cổ chỉ chép: “Nhà xưa ở ngõ Nam, chỗ ngồi (họp việc làng, ăn cổ ở Đình) hương ẩm ở giáp Xuân Chính”.

Đây thêm một cụ: “Vũ Công” thứ hai làm khởi Tổ phái Nhì; năm 1767 – 1769, được xếp làm Khời Tổ Phái Ất (chứ không phải đã có phái Ất từ đời Nhà Lê Sơ, khoảng triều Vua Lê Nhân Tông (1442 – 1459).

“Cụ khởi Tổ Vũ Công” không biết tên gì (do lâu đời quên đi)? Cổ phả chép: Vợ cụ là Thị Mỗ (không thể phiên âm là Mụ) nghĩa là: Bà không rõ tên, họ Vũ, có tên gì đó? (Mỗ là X, Y, Z … ngày nay).

Quan trọng nhất là đoạn truy khảo được 5, 6 đời họ Vũ bên ngoại: “Cụ Vũ Loa sinh Vũ Thị Việt, Thị Việt sinh Vũ Thị Hiện. Vũ Thị Hiện sinh ra ông Vũ Ân. Vũ Ân sinh Vũ Chinh. Vũ Chinh cưới Thị Phụng, sinh ra Vũ Nguyên Trừng. Nguyên Trừng là cha bà thị Mỗ”. Mà bà Thị Mỗ là vợ Khởi Tổ Phái Ất. Bà có Tổ 5 đời trước sống vào quãng 1320? Mà con trai bà là ông Vũ Nhân Trung, làm quan đời Lê Thánh Tông (Hồng Đức). Ông Nhân Trung đỗ Hương Cống năm đầu đời Quang Thuận (1460). Có thể ngang tuổi ông Vũ Hữu (1441 – 1511) của Chi Ba?

Vậy, cụ Vũ Công + Thị Mỗ là “khởi Tổ ông bà”, phải sinh vào quãng những năm 1418 – 1420? Hoặc sớm hơn vài ba năm (1415?). Rõ ràng, Khởi Tổ Phái Ất có trước Khởi Tổ Chi Ba một thế hệ (= 25 năm).

Đời thứ hai phái Ất là 3 anh em ông Vũ Nhân Trung, Vũ Thế Mãn và Thế Hảo. Hai ông: Trung, Mãn đều đỗ Hương Cống, ông Ba Hảo văn võ toàn tài, làm quan đời Cảnh Thống (1498 – 1504 = Vua Hiến Tông). So với ông Hoàng Giáp Vũ Hữu (chi Ba), ông Cống Trung, Cống Mãn có thể ngang tuổi hoặc trẻ hơn vài bốn tuổi.

Đời thứ ba Phái Ất: có ông Vũ Quang Lộc là trưởng Tôn, (con cả của ông Nhân Trung). Con ông Hai Thế Mãn là tiến sĩ Vũ Cán (đỗ năm 1502) – Hoàng giáp Vũ Cán (1475 – 1549): rất thông minh khác thường, uyên bác kinh sách. Là bạn cao niên hơn với Trạng Trình (Bỉnh Khiêm kém 16 tuổi) có trao đổi văn chương thơ phú với nhau. Ông

Cán làm quan lễ Bộ Thượng thư Nhập Thị Kinh Diên, tước Lễ Độ Bá thời vua Mạc Đăng Doanh (1530 – 1540) có được ban tên Thụy là Cung Lượng, hiệu là Tùng Hiên, thọ 75 tuổi. Ông Cán có 2 cháu nội trai: Vũ Ký, Vũ Duẫn, đậu Hương Cống, làm quan cho Nhà Mạc.

Đời thứ 4 phái Ất có ông Vũ Cảnh là con trai duy nhất của cụ Cán. Đỗ Hương Cống, thi Hội vài lần không đậu, làm Lang Trung Bộ Hộ. Cha của 2 ông Ký và Duẩn.

- Đời thứ 6 phái Ất có ông Vũ Tảo (con cụ Trị, chắt cụ Quang Lộc, sinh ra hai ông Uyên và Diễn). Ông Tảo tinh thông y học, làm lang y có tiếng. Từng chữa bệnh cho vua nhà Mạc, được vua yêu quý lắm. Làng Mộ Trạch và nhà ông được vinh dự đón vua Mậu Hợp về chơi nhà ông ở Vườn Luyện. Vì đường vào xóm nhà ông hẹp, nên làng phải mở rộng hơn 1 trượng (chừng 5-6 mét nay) cho xe vua đi qua. Vua Mạc ban cho ông chày cối bằng đá để tán, giã thuốc. Ông làm quan đến chức: Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Lương Y, tước Lương Trạch Bá, hiệu: Thảo Hiên. Vợ tên Vũ thị Hành, đời 5 chi nhất, sinh ra Uyên và Diễn.

- Đời thứ 9 phái Ất có ông Tiến sĩ Vũ Trác Lạc (1635-1700). Ông đỗ Tiến sĩ năm Bính Thân (1656), lúc 22 tuổi. Cùng 2 ông người họ Vũ Mộ Trạch là Vũ Đăng Long, Công Lượng trong danh sách có 6 Tiến sĩ. Vì thế có giai thoại: “Một nhà họ Vũ Mộ Trạch bằng nửa thiên hạ” (nhất gia bán thiên hạ của vua Tự Đức đời Nguyễn khen). Ông Nghè Trác Lạc làm quan đến chức Tham Chính Thừa Ti Sứ Nghệ An. Vợ ông là con gái của tiến sĩ Vũ Đình Lương (chi ba), sinh 3 trai: Trác Kỳ, Trác Việt, Trác Oánh (đời 10) đều đỗ Hương cống. Riêng Trác Oánh thấy bạo chúa Trịnh Giang tàn ác, trác táng. Ông khởi nghĩa, xưng Minh Công, chống triều đình chúa Trịnh, cùng 2 nghĩa sĩ: Nguyễn Cừ, Tuyển năm 1739-1741. Sau ông trốn đâu mất.

- Phái Ất này truyền có 14 đời. Đến thời Tây Sơn (1789-1802) và đời Nguyễn Minh Mạng (1820-1840) thì có 3 ông Trác Siêu, Quần, Quán thuộc thế hệ chót. Phần gia phả chi Ất này được nhóm cụ Phương Lan chép đến đời 11 là cùng ( thời điểm 1750-1769). Từ đời 10 trở đi đến 14 là thế hệ sau chép bổ sung thời Nguyễn về sau.

- Phái Ất có 2 tiến sĩ Nho học (Vũ cán, Trác lạc) và 9 Hương Cống đời Lê, Mạc, Lê Trung Hưng. Hình như không còn nhiều ở Mộ Trạch hiện nay?

*Nghiên cứu kỹ các gia phả cổ ở họ Vũ làng Mộ Trạch xưa. Chúng tôi cho rằng cả 2 phái Giáp, Ất không phải thuộc dòng dõi hậu duệ của Tổ Vũ Nạp, cùng 2 ông Nghiêu Tá, Hán Bi (Nông). Mà thực chất là một dòng có tổ tiên song hành với dòng của cụ Vũ Nạp. Cùng là hậu duệ xa đời Ngài Thuỷ Tổ Vũ Hồn? Nghĩa là không một gốc xa xăm với ngũ chi của 5 anh em ông Vũ Hữu, dòng Vũ Nạp. Gốc tổ tiên trên “2 ông khởi tổ Vũ Công” này phải có từ đời Lý (1010-1225) hoặc đời Trần (1226-1400)? Không phải dòng dõi cụ Vũ Nhữ Tiếp, Trọng Phục, Quý Tế ngành thứ. Hai phái Giáp Ất có viễn tổ cũng khác nhau hoàn toàn với 6 phái sau nữa.

3/Phái BÍNH

Đây là một phái cũng có cụ Khởi Tổ không nhớ được tên gì? Cũng phải gọi là Vũ Công (ông họ Vũ). Nhưng có con cháu học giỏi, làm quan to. Nên Vũ Công này được tặng chức Thái Bảo, tước Nhân Khánh Bá và tên hiệu là CHÂN THIỆN (tức tên cúng cơm, lúc chết mới đặt cho để đọc khấn lúc giỗ kị theo tục xưa). Vợ cụ Khởi tổ Vũ Công là cụ bà Vũ Thị Quý (con gái tổ Thị Mỗ, phu nhân của khởi tổ phái Ất). Như thế “Vũ Công” khởi tổ phái Bính (hiệu Chân Thiện) là con rể của cụ Khởi Tổ “Vũ Công” của phái Ất.

Cũng từ đó, chứng minh được thời gian khởi đầu phái Bính là giữa thế kỷ 15 (khoảng từ 1445 – 1450) đời vua Lê Nhân Tông, ngang thế hệ cụ Hoàng giáp Thượng Thư Vũ Hữu (1441 – 1511), khởi Tổ chi Ba. Không hiểu sao cụ Khởi Tổ Chân Thiện có ba người con trai lớn thất lạc đi đâu không rõ? Cổ phả quên mất tên ba vị ấy. Vì không còn ở làng Mộ Trạch đời vua Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497).

Phái Bính, thời cụ Phương Lan làm phả “Thế hệ sự tích” 1767-1769. Sắp xếp vào Phái Bính là nhờ có tư liệu gia phả về vị Tổ thứ hai, con út của Khởi Tổ Chân Thiện có tục danh là: ÔNG BÔ (không rõ tên thật).

Ông Bô là một trí thức Nho học cao, sinh năm Mậu Tuất (1472), là học trò của hai người cậu ruột: ông Vũ Nhân Trung (Đông Hiên) và Vũ Thế Hảo (Cẩn Trai), thế hệ hai của chi Ất (phải chăng dụng ý cụ Vũ Phương Lan làm phả đã xếp “họ Vũ nhà Ông Bô” vào phái kế tiếp của phái Ất, vì là họ ngoại, cháu ngoại phái này?).

Ông Bô đỗ Hương Cống đời Thống Nguyên (1522 – 1526) Lê Chiêu Tông? Lúc đó ông Bô đã hơn 50 tuổi. Tôi ngờ rằng, đoạn này chép nhầm? Ông Bô sinh năm 1472, thì phải đỗ Hương Cống thời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Thống (1498 – 1504) mới hợp lý? Lúc đó ông Bô đã gần 30 tuổi. Cảnh Thống và Thống Nguyên là 2 niên hiệu dễ nhớ lẫn lộn nhau? Ông Bô là thầy học dạy cho ba ông Tiến Sĩ Mộ Trạch: Lê Quang Bí, Nhữ Mậu Tổ và Vũ Tĩnh (là con trai duy nhất của ông Bô với một bà thíêp - vợ nhỏ - quê ở làng Trâm Khê, cùng Tổng Thì Cử). Như thế, ông Bô là một thầy giáo giỏi. Nên đời ấy gọi ông là TÔN SƯ. Ông Bô làm quan cho nhà Mạc, chuyên về giáo dục (Huấn Đạo phủ Tân Hưng và Lễ Kinh Học Chính) vào thời Lê Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh (1526-1540). Năm 1545, thăng chức Lễ Kinh Giáo Thụ xong về hưu. Năm Đinh Mùi (1547) Cổ phả chép nhầm là Ất Mùi là sai! Hoặc a. Khôi, a. Mền đọc lộn Đinh ra Ất, vì chữ viết nhanh và tháu?). Ông Bô thọ 70 tuổi. Như thế không phải ông sinh năm 1472 (bản in sai) mà là Mậu Tuất 1478 (đời Thánh Tông) mất 1547 là đúng.

Thế hệ Ba phái Bính là ông Tiến Sĩ Vũ Tĩnh (1525 – 1587) thọ 63.

Trong một bài chuyên khảo trước đây, tôi đã viết đưa anh Thuận đọc và bác Thiện Nhiễu, Thiện Trừu (thuộc họ Vũ làng Trắm: Phong Lâm, một nhánh chi Bính). Tôi phát hiện cụ Thủy Tổ họ Vũ ở Phong Lâm là 1 trong 3 ông con trai lớn của Khởi Tổ phái Bính (Ngài Chân Thiện), đã dời làng Mộ Trạch đến Phong Lâm, đời Lê Thánh Tông, lập nghiệp ở đó. Đến nay đã có khoảng 20 đời. Và bà con họ Vũ Phong Lâm xác nhận có gốc từ Phái Bính Mộ Trạch từ lâu rồi. Nhưng cứ nhận cụ Nghè Vũ Tĩnh là 1 ông Tổ trực hệ thì không đúng! Thuỷ tổ Vũ Tộc Phong Lâm là bác ruột cụ Nghè Vũ Tĩnh. Chỉ có bàng hệ với nhau thôi. Vì cụ Nghè Vũ Tĩnh và con cụ làm quan to cho nhà Mạc nên sau năm 1592 – 1600, Nhà Lê Trung Hưng, chúa Trịnh trả thù những ai dính dáng hay phò giúp nhà Mạc. Bởi thế con cháu cụ Vũ Tĩnh bỏ Mộ Trạch, trốn tránh về Sơn Nam Thượng Trấn (Hà Đông, Hà Tây nay) ở làng Yên (An) Trường, huyện Chương Đức (nay Chương Mỹ), đến nay có 18 đời. Phải chăng Chi Bính còn có một ngành lưu lạc từ đời Lê Thánh Tông đi Chí Linh, Đông triều? Vì chiến tranh 30 năm 1945-1975, mất hết gia phả, chưa xác nhận được rõ ràng?

Như thế đến đầu thế kỷ 17, phái Bính tàn tạ ở Mộ Trạch và cuối thế kỷ 18, lúc cụ Phương Lan soạn phả (1767-1769), cũng còn vài ba người, có lẽ còn sống ở làng hoặc từ làng Yên Trường, Chương Đức trở về nhận họ. Nên cụ Phương Lan ghi nhận được 10 thế hệ phái Bính thôi! Hai ông Duy Đản và Duy Cản là đời thứ 10 phái Bính, cũng thấy chép trong sách Yên Trường, Vũ tộc phả ở huyện Chương Mỹ nay. Hai ông sống trước thời cụ Phương Lan ít năm, nên cụ có tư liệu chép vào gia phả phái Bính. Chi tiết phái Bính Mộ Trạch xin xem trong “Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích” bà bài chuyên khảo của tôi đã phổ biến (2006).

Cụ Khởi tổ phái Bính cũng không cùng ngành với dòng cụ Nạp và Tiền Ngũ Chi (5 chi họ Vũ Mộ Trạch). Phái này chắc có Viễn Tổ từ đời Lý, Trần, phát triển song hành với dòng cụ Vũ Nạp, với 2 phái Giáp, Ất. Đa số “phái” bắt nguồn từ cụ Thần Tổ Vũ Hồn xuống. Rồi sống chung cùng làng. Lâu đời gả con lẫn cho nhau. Nên “ông họ Vũ chi này lấy bà họ Vũ phái nọ” và ngược lại. Thực tế, có đồng huyết thống trong 1 làng, 1 họ Vũ kết hôn lẫn nhau! Dòng dõi mòn mỏi, thoái hóa và phải chăng, cuối thời Hậu Lê, thời Nguyễn (từ 1760-1915) làng Mộ Trạch không còn thông minh xuất chúng như thời Lê Mạc, Lê Trịnh?. Hết tiến sĩ, giảm Hương Cống, Cử nhân hẳn, rõ ràng không chối cãi được. Bị trù rập là một nguyên nhân chính, bị thoái hoá giống nòi là một yếu tố phụ?

4/Phái ĐINH

Phái thứ tư này cũng có cụ Khởi Tổ phái “Vũ Công”, không nhớ tên thật là gì? Nhưng biết tên hiệu là Huyền Ân, táng cụ ở khu Mả Miễu. Cụ “Vũ Công” khởi tổ phái Đinh ra đời muộn hơn ba phái trên (Giáp, Ất, Bính) chừng 50-60 năm. Nghĩa là cụ sống vào cuối đời Chiêu Tông 1522 trở đi? Nay không biết nhiều về cụ Khởi Tổ Phái Đinh.

Đời thứ 2: Nổi danh có ông Vũ Công Trực, tính ngang tàng, ngạo mạn, khinh đời ( Chữ của cụ Phả mô tả). Ông sống cuối đời Lê, đầu Mạc (1525-1928). Đã từng rủ bạn khiêng võng một ông quan là Cậu Vua Mạc, định ném xuống ao. Nhưng người ta bảo, đó là “Ông Khống” là tổ phụ (ông Nội) của ông Cương Trực Nghĩa là cha của cụ Khởi Tổ Phái Đinh? Em ông Cương Trực là Hồng Phạm, học giỏi, đỗ Hương cống, làm quan Giảng Dụ. là con rể quan trạng Lê Nại. Như vậy, đời thứ 2 thuộc vào thời gian nhà Mạc ban đầu (1527- 1540)?

Đời thứ 5: Có ông Vũ Văn Hoành (con cụ Văn Điểu, cha 2 ông tiến sĩ Vũ Công Đạo, Vũ Công Lượng), ông Hoành (1606-1650) học rộng, nhớ nhiều văn chương hoa mĩ. Là thầy dạy ông Tíến Sĩ Vũ Vĩnh Tiến ( làng Phù Ủng) lúc ông Vinh Tiến còn học thi hương. Hai thầy trò cùng thi, ông Hoành đỗ Giải Nguyên mà ông Vinh Tiến đỗ thứ hai (Á Nguyên). Ông ra làm “ học quan” cũng không thăng tiến lắm. Về nhà dạy học, đào tạo được nhiều người đỗ Trạng Nguyên , Hội Nguyên. Ông không sống thọ, chết lúc 45 tuổi. Đây là một thầy giáo có tài, đáng bậc tôn sư.

Đời thứ 6: có 2 Tiến Sĩ đều là con cụ Hoành:

-Vũ Công Đạo (1630- 1715): con lớn của cụ Hoành. Ông đỗ Tiến Sĩ năm Kỷ Hợi 1659. Sống thọ 89 tuổi, lúc 70 tuổi đã về hưu lo việc làng. Làm quan Đô Ngự Sử, dám phản đối chúa Trịnh Căn, không e sợ gì! Xem tiểu sử ông chi tiết hơn trong cổ phả họ Vũ Mộ Trạch.

-Vũ Công Lượng (1634-1697), thọ 64 tuổi, đỗ Tiến Sĩ năm Bính Thân (1656), trước anh một khoa = 3 năm, lúc ông 23 tuổi. Làm quan không lớn lắm ( Xem tiểu tự sự nghiệp của ông trong cổ phả).

Phái Đinh chép được 13 đời và ngưng. Nhưng trong 150 năm qua (1860-2000) phái Đinh này có thêm 5,6 thế hệ nữa, đến 18, 19 đời rồi?

*Đến nay, ở Mộ Trạch không còn ai thuộc chi 1, 2, 4 nữa. Phái Đinh không còn hậu duệ, như phái Giáp, Ất. Riêng phái Đinh bỏ làng đi xa lập nghiệp từ đầu thế kỷ 17. Nay không còn ai nữa. Phái Đinh có nguồn gốc chưa hẳn là hậu duệ cụ Vũ Nạp? có thể đã Viễn Tổ song hành hoặc từ trước đại chi của cụ Nạp?

5/ Phái MẬU: ( phái thứ 5).

-Cụ Khởi Tổ của phái này có húy danh (tên thật) rõ ràng hơn cả 7 phái kia. Cụ tên Vũ Quốc Trung, hiệu: Thận Trực. Tuy phả cũ không ghi được năm sinh của Cụ. Nhưng theo phương pháp tính niên đại trong gia phả học VN thì có thể ước đoán Cụ sinh ra và lớn lên vào đời Vua Cảnh Thống ( 1498- 1504 = Lê Hiến Tông) hoặc đời Vua Lê Uy Mục (1505- 1509) là chấp nhận được. Vì cháu 4 đời của Cụ là ông Vũ Đình Trí ( con ông Dao, cha ông Dụ) sinh vào năm Bính Tí 1576, đời Mạc Mậu Hợp làm vua ( 1573-1592) . Từ đó tính ngược lên 3 thế hệ là 70- 75 năm, sẽ hiểu Tổ: Vũ Quốc Trung chào đời năm nào? (Ông Vũ Quốc Ái, phó ban Di Tích Mộ Trạch chính là hậu duệ cụ và Phái Mậu?). Nổi tiếng và thành đạt công danh là hai cha con ông Vũ Dụ của đời 5 và Vũ Đăng Long đời 6. Phái này 4 đời đầu “độc đinh”.

a)Ông Vũ Dụ ( 1603- 1662) đời 5:

Phả cũ khen ông chí khí hiên ngang, văn chương tao nhã. Năm Canh Ngọ (1630), 28 tuổi đỗ Hương Cống đời chúa Trịnh Tráng và Vua Thần Tông nhà Lê. Làm quan từ Huấn Đạo ( trưởng ty hay Giảm đốc sở giáo dục nay) rồi làm Huyện Úy ( Tri Huyện). Ông may mắn được chọn vào phủ Liêu Chúa Trịnh dạy học Thế Tử Trịnh Căn còn thiếu niên. Khi Căn làm Tiết Chế Nam Chinh, chỉ huy đánh quân Nam Hà, Chúa Nguyễn đã cho ông đi làm Mưu sĩ (Tham Mưu). Được Chúa yêu mến, nên năm Đinh Đậu (1657) Chúa ưu ái lấy cớ con trai Đăng Long của ông đỗ Tiến Sĩ ( 1565) cùng 2 ông: Công Lượng, Trác Lạc. Nên thăng thưởng cho ông làm Kinh Bắc Hiến Sát Phó Sứ (như Chánh Án hay giám đốc Tư pháp Bắc Ninh nay) tước Lộc Khê Nam. Đến năm Nhâm Dần (1662) ông mất, thọ 60 tuổi. Chùa Trịnh Tạc thương tiếc ông, ban tặng chức tước để an ủi vong linh ông, là: Thông Chính Sứ (Đặc phái Viên Chính phủ nay), Lộc Khê Tử. Lúc Trịnh Căn lên ngôi Chúa (1682- 1709) nhớ ơn thầy dạy cũ, truy tặng ông lên Lễ Bộ Thượng Thư, Thiếu Bảo. Khá lớn, dù chỉ là hư danh, để tiếng thơm cho làng xóm và con cháu. Sau còn truy tặng là: Lộc Quận Công (hơn cha, hơn con ông xa)

b)Ông Vũ Đăng Long (1635 – 1662) đời 6 (Phái Mậu).

-Sinh năm Ất Hợi, đỗ Tiến Sĩ năm Bính Thân (1656) mới 22 tuổi. Vô cùng xuất sắc như phần lớn các ông Nghè Mộ Trạch trước sau đó. Lúc 17 tuổi thi khảo hạch ở huyện Đường An, trúng hạng ưu năm Tân Mão (1651). Rồi khoa Giáp Ngọ (1654) 20 tuổi đỗ Giải Nguyên (thủ khoa ở trường Hải Dương). Hai năm sau, 1656 đỗ luôn Tiến Sĩ. Công danh không bền, chỉ có tiếng là học giỏi hay chữ. Chức vụ làm đến Giám Sát trấn Sơn Tây và đạo Thanh Hoa (Chánh Thanh Tra tỉnh nay). Năm Nhâm Dần (1662) ông theo Thái tử Căn nam chinh, bị nạn chết, khi mới 28 tuổi. Tiếc thay! Có lẽ cái chết của ông làm cho cha đẻ là cụ Vũ Dụ bị xốc nặng (cảm thương quá) cũng “chết trùng” một năm Nhâm Dần đó? Được Chúa Trịnh ban tặng cho chức tước thờ: Công khoa Cấp Sự Trung (như Vụ trưởng vụ xây dựng, giao thông?), Dương Nham Tử. Ông có 1 trai tên Đăng Đường và 2 gái. Vợ ông là con gái lớn (trưởng nữ) của tiến sĩ Vũ Cầu Hối ở chi 5. Xem chi tiết tiểu sử ông Nghè Long ở cổ phả Mộ Trạch và phái Mậu sẽ rõ hơn.

Các đời sau, từ 7 đến 11 (sinh từ 1657-1760), căn cứ vào cổ phả ghi như vậy) còn thêm 5 ông Hương cống nữa. Vậy, phái Mậu chỉ có một Tiến sĩ Nho học đời Hậu Lê. Từ 1769 trở đi, đến 1915 là gần 140 năm, khoa cử nho học, có được thêm mấy Cống cử không rõ? Phải nhờ 2 ông Ái và Thuận tham khảo phả cũ mới rõ. Đến nay, phái Mậu phải đến 19-20 đời.

Cụ Khởi Tổ Vũ Quốc Trung là dòng dõi cụ Viễn Tổ nào đời Trần , đời Lý? Hay hậu duệ cụ Vũ Nạp, ngành cụ thứ Hán Bi? Hay Nhữ Tiếp? Trọng Phục? Quý Tế? Điều này khó biết rõ, vì phả xưa đã không ghi nhận như phái Kỷ có gốc Viễn Tổ rõ ràng. Còn 6, 7 phái kia đều mờ mịt. Đến năm 1767-1769, nhóm cụ Phương Lan làm phả đã tra cứu cặn kẽ, phái bó tay, lắc đầu. Bèn viết chung là “Vũ Công”. Ngày nay, đã gần 240 năm làm sao rõ được?

6/Phái KỶ:

Đây là phái còn đông hộ và nhân khẩu gắn bó với làng Mộ Trạch đến nay hơn cả (2006). Theo ông Thôn Trưởng Vũ Huy Căn, kiêm trưởng ban Di tích thôn cho tôi biết: Có ¼ dân cư Mộ Trạch nay là bà con cháu hậu duệ phái Kỷ. Ông Vũ Huy Thuận giải thích: “có lẽ nhờ cụ Vũ Huy Đĩnh, Tiến sĩ cuối cùng của Mộ Trạch (đỗ năm 1754) có lắm vợ, đông con trai gái (13 ông quí tử, cả chục bà “vịt giời”). Nên đến nay phát triển về nhân khẩu hơn chăng ?”

*Khởi tổ phái Kỷ cũng chẳng nhớ tên thật là gì? Dù 2 cụ đại nho: Hương Cống Tông Hải và Tiến sĩ Huy Đĩnh là Thạc học của phái Kỷ tham gia vào việc soạn phả cổ năm 1767-1769, đều phải chép là “Vũ Công”. Nhưng hơn mọi phái khác, còn ghi rõ: “tục truyền là hậu duệ của Tổ Hán Bi” (xem phả dịch quốc ngữ của ông Sổ, ông Khôi, trang 356, dòng 5-6).

-Có một điều hơi lạ? Theo nguyên tắc Nho giáo và Thọ Mai Gia Lễ người trong 1 chi, 1 phái, chung 1 tổ gần, 7 đời hay 10 đời (có làng, cứ có họ xa gần đến 15-20 đời) cũng không dám lấy nhau là vợ chồng, sợ đồng huyết và “phái tội” (như quê tôi). Nhưng đến thế kỷ 19 và 20, tôi đọc phả phái Kỷ, các cụ xưa, nay gả con cho nhau không ít. Vì còn ghi rõ: “lấy vợ người bản phái” hoặc “gả cho người bản phái”. Vậy có sao đâu? Dù Mộ Trạch là một cái nôi văn hoá Nho học, đến tận 1945 còn trọng đạo thánh hiền mà “thông thoáng” trong vấn đề này?

-Các nhà nghiên cứu Gia phả học và Nhân chủng học Việt Nam nên quan tâm điều này. Mặc dù luật Hôn nhân VN gần đây cho phép: “cách 4 đời được phép cưới nhau”. Đa số các cụ và các nhà giáo dục, huyết học, di truyền học còn e dè?

-Phái Kỷ có 2 vị Tiến sĩ (Vũ Công Bình 1640-1673? chết sớm 34 tuổi, Vũ Huy Đĩnh 1730-1789) và gần 20 Hương cống, Cử nhân (từ cụ Vũ Khác đời 2, sinh khoảng đời vua Lê Hiến Tông 1498-1504, đến ông Vũ Huy Quỹ, sinh khoảng giữa đời vua Thiệu Trị 1844, năm 51 tuổi đỗ Cử nhân đời Thành Thái, khoa Giáp Ngọ 1894. Ông Quỹ là ông cử họ Vũ Mộ Trạch cuối cùng, lúc thi đỗ khai tên là Vũ Duy Điển (thứ 36/60 ở trường Nam Định, 1897), lúc đó đã 51 tuổi. Vì già yếu, không ra làm quan, ít lâu sau chết (1897?). Gia phả phái Kỷ do ông Huy Phú tổng hợp lại (của cụ Hoằng Nghị), đã ghi không đúng năm đỗ của ông Quỹ (Điển) là 36t? Quốc triều Hương khoa đã chép lý lịch chính xác hơn con cháu nhớ nhầm? Cụ Điển (Lũy) thọ 53,54t, mặc dù lúc đó cụ Cử Đê (đình Tảo) ở chi ba đỗ trước 3 năm (1891 Tân Mão). Tuổi kém cụ Cử Điển gần 20 tuổi. Vì cụ Cử Đê đỗ sớm hơn, mất muộn hơn, lại làm quan đến Tri phủ. Còn cụ Cử Điển (Quỹ) đời 13 phái Kỷ, đỗ sau, mất sớm không chức vụ gì! Trong làng không nhớ được, chỉ có trong phái Kỷ biết rõ). Cần lưu ý, dù ông Huy Phú được coi là “một nhà Mộ Trạch học” hiện nay, biết và viết khá nhiều điều. Nhờ tính cần cù của một ông giáo già có kiến thức đáng nể. Chỉ vì ông Phú hay viết lời phê phán và quan điểm bộc trực, duy vật quá! Nên cả làng Chằm nay ít người đồng ý với ông Phú phát biểu về Thần Tổ. Chúng tôi ở khác làng, khách quan cho là ông Phú biết rộng về Mộ Trạch và Bình Giang quê ông. Nhưng ông có hạn chế về Sử học và cách soạn gia phả? Đôi lúc ông chủ quan và viết chưa đúng thuật ngữ… như, gọi các cụ đỗ Hương cống đời Lê là Cử Nhân là sai. Gọi các cụ xưa “Trúng Trường thi Hội” là Phó Bảng, càng không đúng! Viết phả theo cảm quan, suy diễn hơi quá đà (như phạm thượng Thần Tổ, viết sai về cụ Vũ Nạp…)

7/Phái CANH:

Khởi tổ phái Canh cũng được gọi là “Vũ Công”. Cụ có hiệu là Ngu Tính. Vì chất phác, khiêm tốn, nghiêm khắc chính mình nên đặt tên hiệu như thế. Nhà cụ ở thôn Tây và cụ chăm học, từng đã thi Hương trúng Tam trường (chưa đỗ được Hương Cống). Không rõ khởi tổ phái này là hậu duệ Viễn tổ nào đời Lý, Trần, Hồ hay Lê Sơ? Hay là con cháu các cụ Vũ Như Mai?

-Phái Canh có 1 tiến sĩ là Vũ Lân Chỉ đỗ Đại khoa năm Canh Thìn (1520), đời Lê Chiêu Tông. Và một số vị đỗ Hương cống nữa. Nhưng rất ít và cổ phả của nhóm cụ Vũ Phương Lan chỉ chép được 12 đời. Sau cụ Cả Nghị và ông Phú đã sưu tầm đến đời 16. Chắc cũng không đông nhân khẩu lắm.

8/Phái TÂN:

Cụ khởi tổ phái này cũng gọi là “Vũ Công”, có hiệu là Thuần Trai mà không biết tên thật là gì? Cụ khởi tổ này có lẽ sinh ra lớn lên vào cuối Mạc, đầu Lê Trung Hưng (từ 1590-1600). Vì cháu nội ông là Vũ Nhật Quyện, sống vào thời Thịnh Đức (1650), thì ông tổ nội là 2 đời trên, chỉ cách nhau có 50 năm là nhiều?

-Phái Tân là phái thứ 8 (cuối cùng trong bát phái) không có cụ nào đỗ Tiến sĩ. Chỉ có 2 ông Hương Cống nhà Hậu Lê trong suốt 10 đời, do cổ phả ghi được đến thời cụ Phương Lan, khoảng 1765?

-Cụ Cả Nghị và ông Huy Phú sưu tầm được 14 đời, đến 1955. Ngày nay bà con phái Tân còn rất ít trong làng. Viễn tổ của Khởi tổ phái Tân không rõ là ai?

Tóm lại, Tám phái ở Mộ Trạch là 8 ngành khác biết nhau về Viễn Tổ. Chứng tỏ ở làng cổ này, xưa kia có nhiều ngành họ Vũ song hành. Trong đó, có thể ngành nhà cụ Vũ Nạp (thế kỷ 13) chỉ là một trong những ngành danh giá thành đạt nhất, nên có điều kiện hơn trong việc chắp nối gia phả họ tộc quy mô hơn, vì có nhiều Nho gia, khoa bảng hơn.

Chúng tôi viết bài này với thái độ rất khách quan. Mong bà con Mộ Trạch đọc bài này và so sánh, kiểm chứng lại với gia phả theo từng chi phái. Với lòng ngưỡng mộ, quý mến dòng họ Vũ-Võ Việt Nam, hy vọng rằng bài viết có thể góp thêm chút kiến thức về một dòng họ nổi tiếng trên đất nước ta. Cũng là người mang họ Vũ nhưng họ Vũ của tôi ở khác làng khác huyện, khác tỉnh, chỉ là tình “đồng tộc”.

Bài: Vũ Hiệp - Sưu khảo 2007.

Ảnh chụp một số nhà thờ trong làng Mộ Trạch: Vũ Hữu Chính

Người đăng: admin Các tin liên quan khác Ký sự chuyến đi thăm di tích Đồng Tháp Mười nơi có đền thờ 2 ông Thiên hộ Võ Duy Dương và ông Đốc Binh Kiều

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ HỘI ĐỒNG DÒNG HỌ VŨ-VÕ PHƯƠNG NAM -TP.HỒ CHÍ MINH

Facebook

Từ khóa » Tộc Phả Họ Vũ (võ)