Viện Nghiên Cứu Hán Nôm
Có thể bạn quan tâm
NHÂN VẬT LỊCH SỬ VŨ HỒN
QUA CÁC BẢN TỘC PHẢ HỌ VŨ LÀNG MỘ TRẠCH
VŨ THẾ KHÔI
Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ngày nay tài liệu khảo cổ học đã chứng minh rõ ràng rằng Vũ Hồn không phải người họ Vũ đầu tiên từ Trung Hoa sang cư trú ở Việt Nam: trong bài văn khắc trên quả chuông phát hiện năm 1986 ở xã Thanh Mai huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây, do hội Phật giáo xã này đúc năm 798, tức ngót ba chục năm trước khi ông Hồn sang Giao Châu làm Thứ sử vào năm Bảo Lịch nguyên niên (825) (đó là theo phả họ Vũ Mộ Trạch, còn chính sử không ghi gì về điều này), đã có khắc tên (bị mờ) một vị họ Vũ từ tỉnh Cam Túc ở miền Tây - Bắc Trung Hoa sang cư trú ở đây, nhập tịch làng Việt và tham gia đúc chuông thờ Phật tại chùa làng(1). Chắc chắn ông quan võ họ Vũ từ Cam Túc này cũng chẳng phải người đầu tiên sang tị nạn ở đất Việt, bởi vì sau khi Võ Tắc Thiên bị truất ngôi năm 705, dòng họ bà bị tàn sát, hẳn nhiều người họ Vũ phải đổi tên họ, chạy trốn biệt tăm đến các miền duyên hải và biên viễn, sống mai danh ẩn tích. Không phải ngẫu nhiên Thăng Long xưa, theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi có cả một phường Đường Nhân (người nhà Đường). Và theo chúng tôi, cũng chẳng phải ngẫu nhiên tại những vùng biên viễn Châu Ái, Châu Hoan xưa, đất Thanh Nghệ nay có những làng toàn người họ Vũ.
Đã không phải là người họ Vũ đầu tiên đến Việt Nam, đương nhiên Vũ Hồn cũng chẳng phải là Thủy tổ của mọi dòng họ Vũ từ Bắc chí Nam, như một số tác giả họ Vũ đời nay suy diễn(2).
Tuy nhiên, ông Vũ Hồn đích xác là người họ Vũ đầu tiên được lưu danh trong sử xanh nước Việt và việc Ông là Thủy tổ của một trong những dòng họ Vũ lớn nhất và giầu truyền thống văn hóa nhất trên đất Việt có những căn cứ lịch sử và thực tế nhất định.
Bộ sử sớm nhất của nước ta là Đại Việt sử lược (TK XII - XIII) chỉ ghi được về Vũ Hồn 4 chữ: “Người [đời] Đường Vũ Tông”. Đường Vũ Tông chỉ trị vì 6 năm, từ 841 đến 847.
Sách sử và địa chí An Nam chí lược do Lê Tắc, theo Trần Kiện và Trần Ích Tắc lưu vong sang đất Bắc, biên soạn xong năm 1333, ghi dài hơn, được 1 câu: “Vũ Hồn làm Kinh lược [sứ] An Nam, năm Hội Xương thứ 3 bị quân sĩ làm loạn đuổi đi”. Vậy là thêm được 2 chi tiết: chức vụ là Kinh lược sứ, chuyên phận sự đánh dẹp, và năm 843 đã bị quân sĩ làm loạn đuổi đi. Hai chi tiết này hoàn toàn chính xác bởi vì sống lưu vong trên đất Trung Hoa, lại được triều Nguyên ban chức Tòng Thị lang, Lê Tắc có thể tham khảo bộ sử Tân Đường thư do Tiến sĩ Âu Dương Tu chủ biên từ 1054 đến 1060: ở đoạn chép các sự kiện xảy ra tháng 11 năm Hội Xương 3 bộ sử này ghi 11 chữ liên quan Vũ Hồn, nguyên văn: “An Nam quân loạn, trục kỳ Kinh lược sứ Vũ Hồn”.
Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) của Ngô Sĩ Liên và các sử gia triều Lê (TK XV - XVII) cho biết thêm: Vũ Hồn được bổ làm Kinh lược sứ năm Hội Xương thứ nhất, tức 841, nhưng ghi là “thay Hàn Ước”, chứng tỏ các tác giả không tiếp cận được An Nam chí lược vì theo sách này của Lê Tắc thì giữa Hàn Ước và Vũ Hồn còn có Mã Thực, được bổ giữ chức Đô hộ sứ An Nam từ 836 đến 840. Tuy nhiên ĐVSKTT ghi chi tiết hơn một chút về vụ quân sĩ An Nam làm loạn, xin dẫn nguyên văn: “Quý Hợi (Đường Hội Xương tam niên) Kinh lược sứ Vũ Hồn dịch tướng sĩ trị thành phủ, tướng sĩ tác loạn, thiêu thành lâu, kiếp phủ khố. Hồn bôn Quảng Châu, Giám quân Đoàn sĩ tắc phủ an loạn chúng” (Quý Hợi, năm thứ 3 niên hiệu Hội Xương triều Đường, Kinh lược sứ Vũ Hồn bắt tướng sĩ sửa thành phủ, tướng sĩ làm loạn, đốt thành lầu, cướp kho phủ. Hồn chạy về Quảng Châu, Giám quân Đoàn Sĩ Tắc dụ yên bọn làm loạn. - xin lưu ý những từ in nghiêng để đối chiếu với tài liệu dưới đây).
Các chi tiết về vụ nổi loạn năm 843 của quân sĩ ở An Nam Đô hộ phủ không thấy ghi trong cả Cựu Đường thư lẫn Tân Đường thư, vì vậy đã có nhà nghiên cứu ức đoán rằng các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư thu thập được và sử dụng tài liệu trong bản gia phả TK XIV của họ Vũ Mộ Trạch do anh em Tể tướng Vũ Nghiêu Tá và Vũ Nông biên soạn(3). Thực ra, các chi tiết về vụ nổi loạn trên có ghi trong một bộ sử khác của Trung Hoa là Tư trị thông giám, do Tư Mã Quang, đỗ Tiến sĩ năm 1038, biên soạn dòng dã 17 năm trời, khối lượng đến ba nghìn trang, gồm 294 quyển (nhiều hơn Tân Đường thư đến 69 quyển), được Chủ tịch Mao Trạch Đông đặc biệt yêu thích, đọc đi đọc lại, theo chính lời ông nói, đến 18 lần. Tư trị thông giám, q.247 (Đường kỷ 63), trong đoạn liệt kê các sự kiện xảy ra trong tháng 11 năm Hội Xương thứ 3 đời Đường Vũ Tông có ghi: “An Nam Kinh lược sứ Vũ Hồn dịch tướng sĩ trị thành, tướng sĩ tác loạn, thiêu thành lâu, kiếp phủ khố. Hồn bôn Quảng Châu, Giám quân Đoàn Sĩ Tắc phủ an loạn chúng(4). Rõ ràng ĐVSKTT đã sao chép gần như nguyên văn câu chữ trong Tư trị thông giám (TK XI). Nếu quả thực anh em Tể tướng Vũ Nghiêu Tá và Vũ Nông có làm phả như Vũ Phương Đề viết trong sách Công dư tiệp ký, thì theo truyền thống viết phả xưa để tôn vinh tổ tiên, họ (cũng như các tác giả bộ tộc phả họ Vũ Mộ Trạch đề cập dưới đây) không thể ghi vào phả việc cụ Thủy tổ của dòng họ bị loạn quân đuổi đi, phải bỏ cả nhiệm sở mà chạy trốn về Quảng Châu.
Trên đây là tất cả những gì đích xác, có ghi trong chính sử của hai nước Trung, Việt về nhân vật Vũ Hồn. Cho đến nay chưa phát hiện thêm bất kỳ sử liệu khả tín nào khác về thân thế Vũ Hồn nói chung, và nói riêng về số phận ông sau sự biến năm 843 ra sao.
Các thư tịch cũ bằng chữ Hán ở Việt Nam chỉ bắt đầu đề cập nhiều đến nhân vật Vũ Hồn sau khi năm 1755 xuất hiện sách Công dư tiệp ký của Tiến sĩ Vũ Phương Đề và 14 năm sau, vào năm 1769 - bộ phả Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích do nhóm tác giả Hương cống Vũ Phương Lan, Hương cống Vũ Thế Nho, Sinh đồ Vũ Tông Hải biên soạn, Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh hiệu đính. Dẫu khác nhau về tính chất (truyện ký - gia sử) nhưng cả hai tác phẩm đều do những người trong dòng họ này chấp bút dựa trên một số tài liệu phả, thơ văn của tiền nhân lưu trữ được sớm nhất là từ TK XVI (tức cách Vũ Hồn đã 7 thế kỷ!), và những lời truyền lưu hành trong dòng họ từ các đời xa xưa.
Vậy bộ phả của họ Vũ Mộ Trạchcho biết thêm được những gì về nhân vật Vũ Hồn ? Và những thông tin ấy có căn cứ thực tế đến mức độ nào?
1. Trước hết, phả cho biết xuất xứ của Vũ Hồn: các bản phả Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích và Mộ Trạch Vũ tộc ngũ chi phả, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội với các ký hiệu A.3132, A.659, VHv.1342/1-3, đều ghi thống nhất ông là người huyện Long Khê tỉnh Phúc Kiến, riêng bản A.3136 Mộ Trạch Thế Trạch đường gia phả do Vũ Văn Tài viết Tựa năm Minh Mạng 14 [1833] lại viết “Phúc Châu phủ Phúc Điền huyện Long Khê xã”. Tra cứu trong các bộ từ điển có uy tín của Trung Hoa như Từ nguyên và Từ hải thì chỉ có địa danh “Long Khê huyện”, do Nam triều Lương (502 - 557) đặt, thuộc Chương Châu tỉnh Phúc Kiến (tỉnh lỵ là Phúc Châu), không có địa danh “Phúc Điền huyện”. Vậy Long Khê là huyện hay xã? Hay vừa là tên huyện vừa là tên xã như địa danh “Thượng Phúc” ở phủ Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam Thượng - Việt Nam hồi đầu TK XIX ? “Long Khê” nọ thuộc Chương Châu hay Phúc Châu? Những điều đó cho đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích ghi rằng đã có một lần các quan viên họ Vũ này là Tiến sĩ Vũ Duy Hài, trưởng nam của Tể tướng Vũ Duy Chí, cùng người em họ là Tiến sĩ Vũ Công Đạo năm 1673 được cử tham gia sứ bộ sang nhà Thanh(5), đã hẹn nhau xong việc, trên đường về sẽ ghé Phúc Kiến dò tìm tông tộc, nhưng rồi gặp lúc ở đó có giặc giã nên không thực hiện được sở nguyện. Và nhóm tác giả của Vũ Phương Lan đành bỏ ngỏ các vấn đề về cha mẹ, vợ con, thân thích, cũng như con đường khoa hoạn của Thủy tổ Vũ Hồn ở Trung Hoa, dành lại cho hậu sinh tiếp tục truy tìm và khảo chứng, chứ không chép theo thần tích làng Mộ Trạch như một số tác giả đời nay. Gần đây có người dẫn sách Làng Hành Thiện và các nhà Nho Hành Thiện triều Nguyễn của Đặng Huy Thục, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1992, kể chuyện cụ Đặng Quốc Kiều hoạt động trong phong trào Đông du hồi 1906 - 1909, khi ở Trung Quốc có đến Phúc Kiến thăm bà con dòng họ Vũ Hồn, được họ đón tiếp niềm nở, lại còn tặng một số tiền góp cho công cuộc chống thực dân Pháp ở Việt Nam(6). Tiếc rằng tác giả sách và người trích dẫn đều không đưa ra được bằng chứng gì về quan hệ thân tộc của họ với Vũ Hồn. Chừng nào chưa minh chứng được mối quan hệ thân tộc của Vũ Hồn với họ Vũ ở Phúc Kiến thì vẫn chưa thể khẳng định rằng nghi vấn về nguồn gốc của họ Vũ Mộ Trạch đã được giải quyết.
2. Bộ phả của họ Vũ Mộ Trạch cho biết chức vụ và thời điểm lần đầu tiên Vũ Hồn sang An Nam : bức thư về việc làm phả của Vũ Đoan Biểu gửi Vũ Dụ (có sao lại trong phả, niên đại chúng tôi xác định khoảng 1561 + 5) và văn bia Tự thuật (khoảng 1676 - 1679) của Tể tướng Vũ Duy Chí đều chỉ ghi Vũ Hồn được cử sang làm Thứ sử Giao Châu. Bản phả cổ mà chúng tôi phát hiện ở làng Mộ Trạch ngày 19-11-2002 và đã đưa nhóm công tác của GS Phan Huy Lê về sao chụp bằng máy kỹ thuật số (tạm ký hiệu là bản M.Tr.-A), qua phân tích văn bản có lẽ là sao từ bản phả gốc 1769, đã chép theo đúng như vậy và bổ sung hai chi tiết:
a) Thời điểm Vũ Hồn được bổ sang làm Thứ sử Giao Châu là năm Bảo Lịch nguyên niên (tức lần đầu tiên ông có mặt ở nước ta là năm 825, chứ không phải 841);
b) Người được ông thay ở chức vụ đó là Hàn Thiều.
Như vậy là bản phả gốc năm 1769 đã đính chính sai lầm ở phần chú trong sách Công dư tiệp ký ghi rằng năm 825 Vũ Hồn được bổ làm An Nam Đô hộ sứ vì điều này không phù hợp với sử sách: theo ĐVSKTT, khoảng 824/25 An Nam Đô hộ sứ là Lý Nguyên Gia, năm 828 thay chân ông ta là Hàn Ước (chứ không phải Hàn Thiều). Chúng tôi ngờ rằng những lời “nguyên chú” này không phải của Vũ Phương Đề, anh cùng mẹ khác cha với Vũ Phương Lan nên tất phải biết rõ gia phả của họ mình.
Vì sao nhóm tác giả của Vũ Phương Lan năm 1769 không ghi vào tộc phả những thông tin từ các nguồn sử liệu về việc năm 841 Vũ Hồn được cử sang An Nam lần nữa với chức vụ cao hơn Thứ sử là Kinh lược sứ? Phải chăng họ muốn né tránh đề cập vụ Thủy tổ của dòng họ năm 843 bị quân sĩ làm loạn đuổi về Quảng Châu ? Phải đến bản A.3132 (và bản A.659 đồng nhất), qua phân tích văn bản chúng tôi xác định là tục biên dưới triều Tự Đức (sau 1858), những thông tin đó mới được ghi thêm vào, nhưng với hai sự điều chỉnh để vẫn không phải đề cập vụ An Nam quân làm loạn, là: a) không ghi việc năm 841 Vũ Hồn được cử sang làm Kinh lược sứ - một chức vụ tạm thời, chỉ chuyên về đánh dẹp ở các châu biên viễn; b) ghi năm 843 ông “được thăng làm An Nam Đô hộ sứ” - chức vụ đứng đầu bộ máy thống trị 1 trong 6 vùng biên viễn thần thuộc Trung Hoa. Điều ghi thêm này không thấy chép trong sử sách Trung Hoa và Việt, nên không thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, việc sau sự cố năm 843 Vũ Hồn có thể trở lại tiếp tục phận sự Kinh lược sứ (chứ không phải được thăng làm Đô hộ sứ) thì không phải hoàn toàn phi lý. Trong tác phẩm Sử Trung Quốc học giả Nguyễn Hiến Lê có viết rằng về cuối đời Đường bè đảng hoạn quan nhũng loạn triều đình, các địa phương bất phục, nổi lên cát cứ, trung ương không sai khiến được. Xem lại giai đoạn này trong Tân Đường thư và Tư trị thông giám có thể thấy không ít vị Đô hộ sứ, Tiết độ sứ và Kinh lược sứ, do triều đình bổ nhiệm, bị quân sĩ ở các châu, phủ làm loạn giết chết hoặc đuổi đi. Chỉ 13 năm trước vụ Vũ Hồn, năm 830, Đô hộ sứ Hàn Ước cũng từng bị quân sĩ ở An Nam Đô hộ phủ làm loạn đuổi đi, nhưng rồi triều đình trung ương vẫn cho làm Hữu kim ngô vệ Đại tướng quân, năm 836 mới bị Cửu Sĩ Lương giết chết(7). Vậy thì sau khi Giám quân Đoàn Sĩ Tắc dụ yên được bọn làm loạn, việc Vũ Hồn hoặc tự ý hoặc được triều đình trung ương còn đang lo nội bộ cho trở lại nhiệm sở là điều có thể xảy ra. Sau đó, trong khoảng 843 - 846, Kinh lược sứ Vũ Hồn “vì bệnh tật đã trả thẻ bài từ quan”, như tộc phả viết, hoặc không dẹp nổi giặc Nam Chiếu nên năm 846 bị triều đình bãi chức, cử Bùi Nguyên Dụ sang thay làm Kinh lược sứ An Nam.
3. Mộ Trạch Vũ Tộc thế hệ sự tích (1769) tiếp theo sách Công dư tiệp ký (1755) là những thư tịch đầu tiên ghi nhận Vũ Hồn là người sáng lập làng và đặt tên Khả Mộ (đáng mến mộ) cho làng và tên Đường An (đất yên ổn đời Đường) cho huyện nhà.
Về việc tên huyện Đường An do Vũ Hồn đặt, Phạm Đình Hổ trong sách Vũ Trung tùy bút cho là “cũng hơi có lẽ”, nhưng rồi ông lại tỏ ý nghi ngờ điều này vì phát hiện sách Đường kỷ của Trung Hoa viết ở đời Đường Đức Tông, tức trong khoảng 780 - 805 đã có một “Đường An công chúa”, mà phép lập hiệu cho công chúa nhà Đường thường lấy tên huyện để đặt, nhưng trong nội địa Trung Hoa, theo Địa lý chí trong Đường thư lại không có huyện Đường An, vậy thì nó có thể có ở Giao Châu, từ trước khi Vũ Hồn tới đây(8). Ngày nay có nhà nghiên cứu phản bác nghi vấn của tác giả Vũ trung tùy bút bằng lập luận rằng trong nội địa Trung Hoa có huyện Đường, vậy thì người ta có thể thêm chữ “An” cho thành mỹ hiệu của một phụ nữ lá ngọc cành vàng(9). Cũng lại “hơi có lý”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc Kinh lược sứ Vũ Hồn tự ý đặt tên huyện là phi lý nhiều hơn, bởi lẽ vị quan tiền nhiệm là Đô hộ sứ Mã Thực, chức cao hơn, vậy mà muốn đổi huyện Vũ Lục thành châu Vũ Lục, còn phải dâng biểu tâu xin với triều đình, chờ được chuẩn y , sự việc về sau phải ghi vào Địa lý chí(10), thì không thể có chuyện viên Kinh lược sứ, theo chức phận tạm thời chỉ chuyên về đánh dẹp, lại được tự tiện đặt tên huyện,
Riêng việc Vũ Hồn sáng lập và đặt tên làng Mộ Trạch thì có thể đáng tin hơn. Một là, theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt, các vị sáng lập làng hoặc ông tổ nghề thường được dân thờ, được phong làm Thành hoàng làng. Vũ Hồn cũng được dân làng Mộ Trạch gồm nhiều họ khác nhau như Lê, Vũ, Nhữ, Nguyễn... tôn thờ làm Thành hoàng làng. Hai là, làng Mộ Trạch từng có tên gọi nôm na là “thôn Hồn”, may mắn được ĐVSKTT ghi lại năm 1436 nhân viết về việc bổ Lê Thúc Hiển, con trai của tác giả bức “Vạn ngôn thư” Lê Cảnh Tuân, làm An phủ sứ lộ Trường An, lời chú kèm theo viết: “Hiển người thôn Hồn thuộc Hồng Châu”. Thôn Hồn chính là Khả Mộ, bởi vì mươi năm trước đó, cũng lại ĐVSKTT ghi về anh ruột của Thúc Hiển là Lê Thiếu Dĩnh nhân việc ngày 29 tháng Một (11) năm 1427, Lê Lợi cử ông làm sứ thần đưa bọn hàng tướng Vương Thông về Trung Hoa, như sau: “Lê Thiếu Dĩnh người Khả Mộ, nay là Mộ Trạch”.
4. Xét theo bản phả cổ chúng tôi mới phát hiện đã nhắc tới ở trên, thì bản tộc phả do nhóm Vũ Phương Lan hoàn thành năm 1769 là thư tịch đầu tiên viết rằng Vũ Hồn từ trần ở Mộ Trạch (không ghi năm nào) và được hợp táng với vợ ở phía đông-bắc của ấp, ở chỗ tục gọi “Mả Vua”, được sắc phong làm Phúc thần.
Nơi táng được miêu tả bằng ngôn ngữ địa lý phong thủy như sau: “Đất ấy có quan chầu phía trước, quỷ chầu phía sau, bên phải có cờ, bên trái có trống, vũ sĩ phù vệ hai bên, ngựa mẹ dắt ngựa con, mạch dẫn vào bên trái, bảy ngôi sao chầu án, Hợi long, Nhâm sơn, Bính hướng”. Các bản tục biên về sau như A.3132, ghi cụ thể hơn về vị trí táng là ở phía bắc thôn, phía đông-bắc giáp Trạch Xá, kiểm tra trên thực địa vẫn cùng vị trí, nhưng “Mả Vua” đã được tôn xưng là “Thần lăng”. Có lẽ chính chữ “lăng” đã khiến một số tác giả đời nay lầm tưởng đoạn miêu tả trên đây là “một ngôi mộ uy nghi có quan chầu phía trước, quỷ chầu phía sau v.v...”, tức dường như một kiến trúc lăng mộ thực sự từng được dựng lên nơi đây(11). Nhưng các tài liệu cổ nhất của dòng họ Vũ Mộ Trạch như thơ văn ngâm vịnh các tiên tổ và di tích của Tô quận công Lê Quang Bí và Hoàng giáp Vũ Cán (đầu TK XVI), thư của Vũ Đoan Biểu (1561 + 5), văn bia Tự thuật của Tể tướng Vũ Duy Chí (1676 - 1679) không có chữ nào về lăng mộ Vũ Hồn ở Mộ Trạch xưa. Trong đoạn văn trên, các nguyên bản chữ Hán đều không dùng chữ “mộ” hay “phần” (nghĩa là mộ được xây cao) mà chỉ viết “Thử địa...” (mảnh đất ấy: “Thử địa tiền quan hậu quỷ” v.v...). Những câu chuyện ly lỳ về “huyệt Kim tinh”, về “phép táng treo trên bốn cọc sắt”, về “họa đồ ngôi mộ của hậu duệ Vũ Hồn từ Trung Hoa gửi sang” v.v... đều bắt nguồn từ sách Đăng khoa lục sưu giảng của Tiến sĩ Trần Tiến, có bà ngoại là gái họ Vũ ở huyện Phượng Nhãn xứ Kinh Bắc xưa, nay là huyện Chí Linh. Trần Tiến mất năm 1770, vậy ông phải hoàn thành tác phẩm trên trước đó, tức có lẽ biên soạn đồng thời với Công dư tiệp ký (1755) và Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích (1769). Ông lại là đồng liêu với Vũ Phương Đề: quan Đông các hiệu thư Phương Đề còn có bài thơ họa bài Tự thuật của thân phụ Trần Tiến là Tham tụng Trần Cảnh trình đồng liêu năm 1756 nhân ngày được về trí sĩ(12). Vậy mà hai quan viên họ Vũ Mộ Trạch vẫn không chép theo ông những truyền thuyết trên vào các công trình của mình. Họ thận trọng như vậy là phải, bởi biết gì là thực, gì là hư ở những truyền thuyết trong dân gian sau hồi phát tích kỳ vĩ của dòng họ Vũ Hồn ở “tiến sĩ sào”, trong khi đó thì không có chữ nào ở thơ văn ngâm vịnh các di tích và tiên tổ, phả liệu xưa hay lời truyền của các đời trước trong chính dòng họ mình cũng không nhắc tới.
Về người vợ của Vũ Hồn tộc phả không viết gì cụ thể, ngoài việc bài vị của bà “vương phi” (do từ niên hiệu Cảnh Hưng nguyên niên (1740) Thành hoàng Vũ Hồn đã được phong lên bậc Thượng đẳng với tước hiệu Đại vương) đã được dân làng Trạch Xá (thời Lê là Mạc Xá) lân cận rước về phụng thờ. Theo thông lệ thờ thần, các bà phu nhân thường được phối thờ ngay bên cạnh thần vị chủ, trong trường hợp này lại rước sang thờ ở làng bên cạnh. Vậy phải chăng bà vợ của Vũ Hồn là người Mạc Xá ? Trong tộc phả có chép một bức thư khác của Vũ Đoan Biểu gửi người em họ ngoại là Nguyễn Khoa Huấn ở thôn Mạc (tức Mạc Xá), nhưng theo chính phả chi 5 thuộc Tiền ngũ chi thì rõ ràng đây là họ bà ngoại Nguyễn Thị Nhi của ông Biểu.
Không ít tác giả đời nay chép theo ngọc phả Thành hoàng Mộ Trạch cho rằng Vũ Hồn được phong Thượng đẳng thần từ đời Trần do công phù giúp Trần Quốc Tuấn phá quân Nguyên. Các tác giả Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích 1769 (bản M.Tr.-A) cẩn trọng hơn nhiều, chỉ chép: “Tiền thử bất khả khảo” (trước đây không thể tra rõ được) và ghi đích xác: “năm thứ 5 niên hiệu Long Đức triều Lê (1734) và Đinh Tỵ năm thứ 3 niên hiệu Vĩnh Hựu (1737) được phong làm Trung đẳng thần”. Các đời trước không phong nhiều “Thượng đẳng” như triều Nguyễn (đặc biệt hào phóng vào thời chế độ suy đốn dưới các đời Khải Định và Bảo Đại!). Đến cả những người có công phò Lê chống Mạc phải tử tiết như Giám sát ngự sử Vũ Thiệu, Thành hoàng làng Hoa Đường (nay Lương Ngọc) lân cận, sau khi nhà Lê trung hưng, ban đầu cũng chỉ được phong Trung đẳng thần(13). Sắc phong cổ nhất còn giữ được đến ngày nay là sắc phong ở lạc khoản ghi “Cảnh Hưng nguyên niên thất nguyệt nhị thập tứ nhật”, tức ngày 24 - 7 (â.l.) - 1740. Trong bản sắc phong này mới thấy tôn xưng Vũ Hồn là “thượng đẳng lâu đài cư sĩ”.
5. Về ngôi “mộ Đống Rờm“ lừng danh ở xóm Viên Phụ, xã Man Nhuế huyện Thanh Lâm - Nam Sách, bản M.Tr.-A chỉ ghi: “Trước đây thất truyền. Thời trung gian có quan Tham chính Trần Xuân Yến, người An Lạc - Thanh Lâm mời thầy địa lý Nguyễn Trọng Diệu, người Bách Tính - Nam Trân tìm cát địa để cải táng; khi đào chỗ mộ lên thì được một mộ chí bằng đá đề Đường An huyện Mộ Trạch xã Tổ mộ bèn báo cho biết, con cháu ấp ta mới đến nhận, ngày lễ tết cúng bái”. Các bản tục biên vào đời Nguyễn đều chữa “trung gian” thành “Lê sơ” (đầu đời Lê), “Mộ Trạch xã”, thành “Khả Mộ xã”, lại thêm hai chữ “Vũ tộc” và bổ sung cả đoạn về việc xưa kia “Tương truyền...” chính Vũ Hồn đem hài cốt gia tiên táng vào đó. Chúng tôi cho rằng Vũ Phương Lan cùng các đồng tác giả không thể ghi sai lệch và thêm thắt vào mộ chí, không liều đẩy thời gian phát hiện lên tận TK. XV cho cổ xưa hơn, cũng không dám viết vào phả truyền thuyết về việc Vũ Hồn đã đem hài cốt gia tiên táng vào đấy, bởi một lẽ đơn giản là những người trong cuộc, từng tận mắt thấy việc phát lộ mộ chí, vẫn còn đang sống: bia Tiến sĩ trong Văn miếu - Quốc tử giám và Lịch triều đăng khoa lục cho biết đích xác Trần Xuân Yến, xã An Lạc huyện Thanh Lâm, đỗ Tiến sĩ năm 1721 lúc 32 tuổi, tức ông là đồng liêu của cả Vũ Phương Đề, đỗ Tiến sĩ năm 1736 và Vũ Phương Lan, đỗ Hương cống năm 1735.
Đó là tất cả những gì bộ tộc phả của họ Vũ Mộ Trạch có thể cho chúng ta biết về Vũ Hồn. Còn lại là vô số truyền thuyết ly kỳ, hoặc còn truyền khẩu, hoặc đã được chép lại thành truyện ký lý thú, hay soạn thành thần tích linh thiêng, nhưng đều còn chưa có mảy may cơ sở thực tế nào minh chứng.
Ngọc phả cũ của Thành hoàng làng Mộ Trạch hẳn đã thành tro bụi cùng các sắc phong đời Lê Long Đức và Vĩnh Hựu trong vụ đình làng bị thiêu trụi. Sơ bộ phân tích văn bản, chúng tôi khẳng định: bản Ngọc phả mà cụ Vũ Hoằng Nghị dịch sang chữ quốc ngữ, một số tác giả các sách và bài báo đời nay hồn nhiên chép theo(14), được biên soạn vào đời Nguyễn, khi từ năm Gia Long thứ 8 (1809) đã bắt đầu đợt sao lục lại các thần tích(15). Bản Ngọc phả nói đây được biên lục sớm nhất cũng vào đời vua Minh Mạng, phải từ sau năm 1822 trở đi, bởi vì trong văn bản có địa danh “Bình Giang phủ”, mới từ “Thượng Hồng phủ” đổi sang năm thứ 3 đời Minh Mạng(16). Bản được phiên âm và dịch nghĩa trong sách Dòng họ Vũ - Võ ở Việt Nam xưa và nay, lại còn mới hơn nữa cả về nội dung lẫn hình thức ngôn ngữ, rất có thể là sản phẩm của đầu thế kỷ XX, dưới thời Bảo Đại, bởi vì: a) nội dung không hư ảo chung chung như các thần tích mà cụ thể và xác thực do đã bổ sung nhiều thông tin từ quốc sử, chẳng hạn về cuộc chiến đấu của Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch, hay về vụ quân sĩ An Nam Đô hộ phủ làm loạn khiến Đức Ngài phải chạy về Quảng Châu; b) văn phong đã rất “tân thời”, kiểu như (nguyên văn): Quang Phục “tổ chức căn cứ...”, “Công (tức Vũ Hồn) chủ trương củng cố La Thành...”, “Đoàn Sĩ Tắc tiếp quản phủ...” v.v... - những cụm từ cố định ấy không thấy trong các từ điển Hán ngữ cổ Từ nguyên và Từ hải: “chủ trương” (với nghĩa động từ) phải chờ đến Hán ngữ từ điển của Lê Cẩm Hy, xuất bản năm 1936 mới xuất hiện, còn các cụm từ cố định “căn cứ” dùng với nghĩa “cơ sở chiến đấu”, ”củng cố”, “tiếp quản” dùng như động từ thì ngay trong từ điển của Lê Cẩm Hy cũng chưa có! Ấy là chưa kể không hiểu do đâu Vũ Hồn vốn là người Long Khê tỉnh Phúc Kiến lại biến thành người phủ Thường Châu tỉnh Giang Tô ! Liệu ở đây có chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như tiến sĩ Hán Nôm Đinh Khắc Thuân đã phát hiện ở một số thần tích “san nhuận lại” vào đời Nguyễn hay không?(17)
Trong Hội thảo quốc tế “Sự truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hóa Trung - Việt” do Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Thanh Hoa tổ chức từ 18 đến 21 tháng 12 - 2003 tại Thâm Quyến, trong báo cáo dựa trên tài liệu của bộ tộc phả họ Vũ Mộ Trạch về sự đóng góp to lớn của dòng họ Vũ Hồn vào quá trình truyền bá và giao lưu nêu trên, chúng tôi đã đề xuất ý kiến: “Về thân thế Vũ Hồn còn nhiều vấn đề, cũng còn không ít điểm nghi vấn khó lòng giải đáp nếu không có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đặc biệt là của các đại diện họ Vũ ở Phúc Kiến ”(18).
Chú thích:
(1) Vũ Thế Khôi: Vũ Hồn không phải là người họ Vũ đầu tiên đến Việt Nam. Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học 2002, Viện Nghiên cứu Hán Nôm 2003, tr..257- 268.
(2) Dòng họ Vũ - Võ ở Việt Nam xưa và nay. Vũ Đình Đức chủ biên, Nxb. Thanh Niên, 2002.
(3) Th.S Nguyễn Hữu Tâm: Đôi điều suy nghĩ xung quanh thư tịch cổ viết về Vũ Hồn. Tài liệu Hội thảo Vũ Hồn, vị Thủy tổ - Thần tổ họ Vũ ở Mộ Trạch, do Ban Liên lạc họ Vũ (Võ) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 3-8-2003. BLL họ Vũ (Võ) chế bản vi tính.
(4) Tài liệu chữ Hán này, lấy từ trên mạng vi tính, do GS. Vũ Khiêu cung cấp; nhân đây xin chân thành cảm ơn Cụ về sự chỉ bảo này.
(5) ĐVSKTT có ghi Vũ Duy Hài và Vũ Công Đạo trong danh sách sứ bộ Nguyễn Mậu Tài và Hồ Sĩ Dương sang triều cống nhà Thanh năm 1673.
(6) Dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam xưa và nay. tr.24- 25.
(7) Xem chú thích số (4).
(8) Xem chú thích số (6), tr.79-80.
(9) PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí: Tìm hiểu thêm chức phận của Kinh lược sứ Vũ Hồn. Xem chú thích số (3).
(10) Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb. Giáo dục 1998, Tập I, tr.197-198.
(11) Đặng Phương Nghi: Đặng Vũ phả ký, Prolégomènes à la généalogie dès Đang Vu, Centre Internattional d’Etudes Vietnamiennes, Liège - Belgique, 1989, tr.11.
(12) Phó Đô ngự sử Trần Tiến: Niên phả lục. Nguyễn Đăng Na sưu tầm, khảo dịch, chú thích và giới thiệu. Nxb. Văn học, 2003.
(13) Đại Nam thần lục. ký hiệu A.2913, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, xem thêm chú thích (13).
(14) Mộ Trạch - làng Tiến sĩ. Vũ Huy Phú sưu tầm, biên soạn. Tăng Bá Hoành hiệu đính. - Bảo tàng Hải Dương xb 1997, tr.17.
(15) Đinh Khắc Thuân: Thần làng và việc sao lục thần tích. - Tạp chí X ưa & Nay, số 135 tháng 3-2003, tr.17.
(16) Đại Nam nhất thống chí. Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Nxb. Thuận Hóa 1997, Tập III, tr.376.
(17) Tài liệu dẫn ở chú thích XV, tr.16-17.
(18) Vũ Thế Khôi: Các gia tộc dòng dõi Hoa - Việt cổ đại như một nhân tố thúc đẩy truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hoá Trung - Việt. (Báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế về truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hóa Trung - Việt; Thâm Quyến - Trung Quốc, 18-21/12/2003). - Kỷ yếu Hán tự truyền bá kí Trung - Việt văn hóa giao lưu quốc tế nghiên thảo hội, Thương vụ ấn quán, tr.55-56./.
Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.275- 288)
Từ khóa » Tộc Phả Họ Vũ (võ)
-
Sách Mới: Tộc Phả Họ Vũ (Võ) - Hànộimới
-
TỘC PHẢ HỌ VŨ LÀNG MỘ TRẠCH (Phần 1): Lời Giới Thiệu
-
Võ Việt Nam > Di Tích - Gia Phả Họ Vũ - Võ
-
Phát Hiện Chấn động: Họ Vũ Và Họ Võ Thờ Nhầm Mộ Tổ (?!) | Văn Hóa
-
Thông Tin Dòng Họ Vũ - Võ Việt Nam - THỦY TỔ HAY THẦN TỔ HỌ ...
-
Vũ (họ) – Wikipedia Tiếng Việt
-
CÁC CỤ TỔ MỞ ĐẦU “NGŨ CHI BÁT PHÁI” CỦA HỌ VŨ Ở LÀNG ...
-
Những Người Họ VŨ Không Có Tổ Tiên Hay Chỉ Là Chưa Được ...
-
Nguồn Gốc Dòng Họ Vũ | BÍ ẨN SỬ VIỆT - YouTube - YouTube
-
Người Anh Hùng Dân Tộc Họ Võ Mang Trong Mình Truyền Thống Nhân ...
-
Họ Võ Việt Nam ❤️️ Lịch Sử, Nguồn Gốc, Gia Phả Họ Võ - Tên Hay
-
Sách Gia Phả Họ Vũ - Quang Silic