Các Cường Quốc Ráo Riết đua Sản Xuất Chất Bán Dẫn - Tạp Chí Tài Chính
Có thể bạn quan tâm
- Quốc tế
Nhật Bản vừa tuyên bố sẽ đưa ra những chính sách hấp dẫn tối đa nhằm thu hút các công ty sản xuất chất bán dẫn nước ngoài.
Trong những chính sách “hấp dẫn” này có “các ưu đãi tài chính rộng rãi”, theo dự thảo chiến lược tăng trưởng của nước này, được công bố hôm thứ Tư.
Tài liệu trình bày tại cuộc họp chiến lược của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết: “Giống như nhiều nước khác, Nhật Bản sẽ nhanh chóng nỗ lực thu hút các doanh nghiệp sản xuất chip tiên tiến để xây dựng chuỗi cung ứng tốt tại Nhật Bản.” Nội các dự kiến sẽ phê duyệt tài liệu này cuối tháng 6.
Động thái của Nhật diễn ra trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với tình trạng thiếu chất bán dẫn nghiêm trọng.
Chất bán dẫn là thành phần thiết yếu trong mọi sản phẩm điện tử, và trở nên quan trọng đối với ngành công nghiệp ôtô hơn bao giờ hết khi xe điện và xe tự động trở nên phổ biến hơn.
Bài toán khó của Nhật Bản
Nhật Bản hiện nhập khẩu hơn 60% chất bán dẫn, phần lớn từ Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Nước này thừa nhận thách thức khi chạy đua với sức mạnh tài chính của Mỹ và EU trong cuộc chơi này.
Một quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói: “Chất bán dẫn giờ quan trọng như thực phẩm hoặc năng lượng. Chúng tôi sẽ hướng tới hợp tác với các công ty nước ngoài thay vì chỉ là nỗ lực của các doanh nghiệp Nhật Bản.”
Một số người trong Chính phủ và Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản đang kêu gọi thành lập quỹ hàng chục tỷ đô la để hỗ trợ ngành này. Thảo luận về các chi tiết dự kiến sẽ sớm được tiến hành.
Nhật Bản hiện có một quỹ nhằm thúc đẩy tiến bộ trong ngành, nhưng chỉ ở mức “khiêm tốn”, 200 tỷ yên (1,82 tỷ USD).
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn có trụ sở tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) hiện chiếm hơn 90% công suất toàn cầu về điện thoại thông minh và các chip tiên tiến sử dụng công nghệ 10 nanomet (nm) hoặc nhỏ hơn.
Trong khi đó, Renesas Electronics, nhà cung cấp ô tô chủ chốt của Nhật Bản, chỉ có thể sản xuất nội địa loạt chip 40 nm, ngay cả khi công nghệ 28 nm đã phát triển mạnh trong lĩnh vực này.
Một số nhà phân tích cho rằng Nhật Bản sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ nước ngoài mà không có sự thay đổi lớn.
Việc thu hút các nhà sản xuất chip tiên tiến cũng đòi hỏi Nhật Bản phải thúc đẩy cầu nội địa. Nhu cầu từ những gã công nghệ khổng lồ như Apple và Microsoft đã giúp nỗ lực thúc đẩy chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở Mỹ.
"Nhật Bản không có Thung lũng Silicon, vì vậy rất khó để thu hút các cơ sở sản xuất chip cao cấp", một quan chức Nhật Bản cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã có kế hoạch thúc đẩy các ngành sử dụng chip tiên tiến, như mạng 5G, phương tiện giao thông tự động, công nghệ thành phố thông minh và robot y tế.
Kazuhiro Sugiyama, thuộc công ty nghiên cứu Omdia có trụ sở tại Anh, cho biết: “Nhật Bản cho đến nay hầu như chỉ tập trung hỗ trợ các công ty và tổ chức nghiên cứu của Nhật Bản, họ cần chiến lược nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.”
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ đi đầu trong việc tìm kiếm những doanh nghiệp nước ngoài để thiết lập quan hệ đối tác.
Nhật Bản cũng có kế hoạch phối hợp với các quốc gia và các khu vực mà Nhật Bản có chung hệ giá trị, như Mỹ, để chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Nhật Bản như một biện pháp đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia.
Mỹ, EU muốn bớt phụ thuộc vào Đông Á
Mỹ và EU cũng đang mong có đầu tư để tăng sức mạnh cho các ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở Đông Á.
Cuối tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết khoản tài trợ 52 tỷ USD mà Thượng viện đang xem xét thông qua cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn có thể giúp tạo ra 7 đến 10 nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ.
Bà Raimondo nhận định nguồn tài trợ này sẽ kéo theo dòng vốn hơn 150 tỷ USD đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất chip, bao gồm cả nguồn vốn từ chính quyền các bang, chính quyền liên bang, và các công ty tư nhân.
Intel mới cho biết tập đoàn sẽ đầu tư 3,5 tỷ USD để cải tạo các cơ sở sản xuất ở New Mexico, bên cạnh 20 tỷ USD đầu tư để xây dựng hai nhà máy đĩa bán dẫn (wafer) mới ở Arizona.
Giữa tháng 4, Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành của Intel Corp, nói tập đoàn có kế hoạch bắt đầu sản xuất chip trong vòng sáu đến chín tháng tới để giải quyết tình trạng thiếu hụt tại các nhà máy xe hơi ở Mỹ.
“Chúng tôi có kế hoạch mở rộng sang các địa điểm khác ở Mỹ và Châu Âu, đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn ổn định và bền vững cho thế giới,” ông Gelsinger nói.
Trong khi đó, EU có kế hoạch đầu tư 145 tỷ euro (177 tỷ USD) vào công nghệ kỹ thuật số, bao gồm chất bán dẫn, trong vòng hai đến ba năm tới.
EU có mục tiêu tăng gấp đôi tỷ lệ nắm giữ trong tổng sản lượng toàn cầu về mạch tích hợp trong thập kỷ tới.
Trường hợp Trung Quốc
Trung Quốc đã bắt tay thực hiện kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn để đối phó với các hạn chế từ chính quyền Mỹ về tiếp cận công nghệ Mỹ.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang sử dụng các chính sách ưu đãi để thu hút các công ty bán dẫn hàng đầu như TSMC và Samsung xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc rất nỗ lực để giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Theo Caixin, một tập đoàn truyền thông của Trung Quốc, Huawei đang tìm cách mở rộng mảng chip ngoài việc thiết kế, phát triển năng lực sản xuất.
"Bất kể lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hay không, [chúng tôi] sẽ không dựa vào Mỹ để làm những việc trong tương lai", một nhân viên tại HiSilicon, đơn vị sản xuất chip của Huawei cho biết.
Các nguồn tin riêng trong ngành cho biết một nhóm các công ty Trung Quốc đang tiến hành xây dựng dây chuyền sản xuất chip 28 nm không có công nghệ của Mỹ kể từ tháng 5/2020. Cơ sở này sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay, họ cho biết.
Theo Wei Shaojun, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, số lượng công ty thiết kế chip ở Trung Quốc là 2.218 năm 2020, tăng hơn hai lần so với 2015.
Theo IC Insight, thị trường vi mạch tích hợp của Trung Quốc có giá trị 143,4 tỷ USD năm 2020, nhưng chỉ có 8,3 tỷ USD đến từ sản xuất trong nước.
Morris Chang, người sáng lập và cựu chủ tịch TSMC, cho biết sẽ mất ít nhất 5 năm để đại lục có thể cạnh tranh với Đài Loan và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.
Năm ngoái, Tập đoàn tư vấn Boston dự báo thị phần toàn cầu của chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất sẽ tăng lên 24% năm 2030, gần gấp đôi so với 2020.
Ai đang chi phối ngành công nghiệp bán dẫn?
Trong ba thập kỷ qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có mức “toàn cầu hóa” cao độ với chuỗi cung ứng dài trải dài khắp các châu lục.
Mỹ và Châu Âu chủ yếu dựa vào các nhà thầu ở Đông Á để sản xuất chip trong khi vẫn đảm đương việc thiết kế.
Theo Tập đoàn tư vấn Boston, thị phần của các nhà sản xuất chip Mỹ trong tổng năng lực sản xuất toàn cầu giảm từ 37% năm 1990 xuống 12% năm 2020, trong khi ở châu Âu giảm từ 44% xuống 9%.
Đài Loan và Hàn Quốc hiện thống trị ngành kinh doanh sản xuất chất bán dẫn, chuyển trọng tâm của ngành này từ Mỹ, nơi phần lớn công nghệ đã từng được phát minh, sang châu Á, nơi hơn 2/3 chip tiên tiến hiện được sản xuất.
Cuối tháng 5, TSMC cho biết họ đã tăng sản lượng chip bán dẫn cho ô tô năm 2021 lên 60% so với năm ngoái.
Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn được cho là sẽ kéo dài sang 2022 và có tác động rộng hơn.
"Lý do là cầu tăng vượt quá khả năng cung cấp và nhu cầu của ngành trước đó đã bị ước tính sai", ông Meng Pu, Chủ tịch hãng sản xuất chip khổng lồ Qualcomm Trung Quốc cho biết.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng thiếu chip toàn cầu. Chán nản vì doanh số sụt giảm trong quý 1 năm 2020, các nhà sản xuất đã cắt giảm đáng kể các dự báo kinh doanh và đơn đặt hàng chất bán dẫn.
Sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến trong nửa cuối năm ngoái khiến các nhà sản xuất và nhà cung cấp chất bán dẫn không có sự chuẩn bị.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang cũng đe dọa khả năng tiếp cận Trung Quốc với các chip tiên tiến.
Những tiến bộ công nghệ và việc triển khai các dịch vụ không dây 5G sẽ khiến nhu cầu về chất bán dẫn sẽ tiếp tục tăng.
Feng Jinfeng thuộc Hiệp hội Công nghiệp Vi mạch Tích hợp Thượng Hải cho biết: “Yêu cầu về chip cho các thiết bị 5G sẽ tăng từ 40% đến 80% so với kỷ nguyên 4G.”
Sẽ cần thời gian để ngành tái cân bằng, nhưng câu hỏi đặt ra là cần bao nhiêu thời gian. Một trong những bất ổn lớn nhất là bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng tới niềm tin kinh doanh và việc ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp, các chuyên gia cho biết.
Trong khi các nước đang tìm kiếm sự “tự lực, tự cường” trong sản xuất chất bán dẫn, các chuyên gia cảnh báo việc theo đuổi nguồn cung cấp hoàn toàn độc lập là “không thực tế”.
Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), có trụ sở tại Mỹ, cho biết, ngành công nghiệp này phức tạp và đã “toàn cầu hóa” đến mức chỉ có thể duy trì đổi mới, sáng tạo bằng cách thông qua hợp tác trong chuỗi cung ứng thế giới ở mức chuyên môn hóa cao.
“Tính tới một chuỗi cung ứng nội địa, hoàn toàn tự cung tự cấp trong ngành bán dẫn sẽ là một ngõ cụt”, ông nói.
Từ khóa » Vi Mạch Và Chất Bán Dẫn Của Nhật Bản
-
Nhật Bản Tự Chủ Xây Dựng Ngành Công Nghiệp Chất Bán Dẫn
-
Nhật Coi Hồi Sinh Ngành Chất Bán Dẫn Là Nhiệm Vụ Quốc Gia
-
Nhật Bản: Ông Trùm đứng Sau Ngành Công Nghiệp Bán Dẫn
-
Nhật Bản Và Mỹ Hợp Tác Sản Xuất Chất Bán Dẫn Công Nghệ Tiên Tiến
-
Nhật Bản đứng Thứ Bao Nhiêu Thế Giới Về Vi Mạch Và Chất Bán Dẫn?
-
Ngành Công Nghiệp Chip Của Nhật Bản Suy Yếu Khi Các Chính Phủ ...
-
Nhật Bản, Mỹ Tăng Cường Hợp Tác Nghiên Cứu Và Sản Xuất Chất Bán ...
-
Ngành Bán Dẫn Nhật Bản được Lợi Giữa Bối Cảnh Thiếu Hụt Chip Toàn ...
-
Nghiên Cứu Vi Mạch Của Nhật Bản đang Bị Tụt Hậu - Báo Nhân Dân
-
Công Nghiệp Bán Dẫn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nhật Bản Cân Nhắc Phát Triển Ngành Sản Xuất Chất Bán Dẫn Và Pin ...
-
TSMC Có ý định Mở Rộng Nhà Máy Vi Mạch Bán Dẫn Tại Nhật Bản ...
-
Vì Sao Ngành Công Nghiệp Chip Của Nhật Bản Bị đánh Bại?
-
Khi Nhật Bản Trở Thành 'kẻ Ra Rìa' Trong Cuộc đua Chip điện Tử, Cơ Hội ...