Các đặc điểm Và Phương Pháp điều Trị Sẹo Lồi

Nội dung bài viết

  • 1. Sẹo lồi là gì?
  • 2. Đặc điểm của sẹo lồi?
  • 3. Sẹo lồi và sẹo phì đại?
  • 4. Tại sao lại bị sẹo lồi?
  • 5. Phương pháp điều trị?
  • 6. Cách nào để phòng ngừa sẹo?

Sẹo là tình trạng lành tính của da, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên sẹo gây mất thẩm mỹ, làm cho nhiều người cảm thấy kém tự tin, mặc cảm. Trong các loại sẹo thì sẹo lồi gây nhiều khó chịu nhất, chúng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây đau, ngứa nhiều cho người mắc phải. Không chỉ vậy, sẹo lồi còn gây nhiều khó khăn trong việc điều trị vì rất hay tái phát. Hãy cùng Youmed điểm qua những thông tin cơ bản về sẹo lồi nhé!

1. Sẹo lồi là gì?

sẹo lồi

Khi chúng ta bị một vết thương ở trên da, sau các triệu chứng sưng, đau, chảy máu, bầm máu là quá trình hình thành sẹo, báo hiệu vết thương đang lành. Tùy thuộc vào tính chất của vết thương nông hay sâu, sạch hay bẩn và còn tùy vào cơ địa của mỗi cá nhân mà vết thương có thể để lại sẹo lõm (rỗ), sẹo lồi hoặc không để lại sẹo.

Sau khi bạn bị một vết thương, các mô sợi sẽ thay thế cho vùng da bị tổn thương. Các mô sợi này làm cho vùng da mới không giống như da cũ mà có sự co kéo, lồi lõm.

Khi các mô sợi được sản xuất quá mức, phần da mới nổi gồ lên, hình thành sẹo lồi. Sẹo lồi là vết sẹo nổi gồ trên mặt da, cao hơn phần da xung quanh.

2. Đặc điểm của sẹo lồi?

Sẹo lồi rất dễ nhận biết với các đặc điểm như:

  • Vết sẹo nổi gồ trên da, nó phát triển vượt khỏi ranh giới của vết thương ban đầu.
  • Vết sẹo có màu đỏ, hồng hay nâu.
  • Bề mặt sẹo nhẵn, bóng hơn so với vùng da lành xung quanh và đặc biệt là không có lông giống như với da lành lặn.
  • Vết sẹo có thể căng, ngứa hoặc đau, đặc biệt khi chạm vào hay khi ma sát với quần áo.

Tuy nhiên cần phân biệt sẹo lồi với sẹo phì đại đối với các vết sẹo nổi gồ trên bề mặt da.

sẹo lồi

3. Sẹo lồi và sẹo phì đại?

Về cơ bản sẹo phì đại giống với sẹo lồi ở điểm chúng đều nổi trên bề mặt da sau khi lành vết thương. Điểm khác biệt giữa hai loại sẹo này đó là:

Sẹo lồi Sẹo phì đại
Kích thước Thường phát triển vượt ra ngoài giới hạn của vết thương ban đầu Nằm trong giới hạn của vết thương ban đầu
Tự biến mất Rất ít khi tự hết Có thể tự hết
Tái phát Dễ tái phát Ít khi tái phát
Điều trị Điều trị khó Điều trị dễ

Cần phân biệt đúng loại sẹo nổi gồ trên bề mặt là sẹo lồi hay sẹo phì đại bởi vì sẽ khác nhau trong cách chăm sóc và khả năng tái phát. Cụ thể:

  • Sẹo lồi có thể ngày càng phát triển to hơn, hoặc có thể tạm ngưng phát triển nhưng không tự thu nhỏ theo thời gian.
  • Sẹo phì đại có thể thu nhỏ lại theo thời gian.

Cần khoảng 6 tháng để xác định đúng vết sẹo gồ trên mặt da là sẹo lồi hay sẹo phì đại. Nếu sau khoảng thời gian này, sẹo không thu nhỏ hay về bằng với mặt da thì nó chính là sẹo lồi. Ngược lại nếu sẹo có thể thu nhỏ hay về bằng với mặt da thì là sẹo phì đại.

4. Tại sao lại bị sẹo lồi?

Nói dễ hiểu thì chúng ta bị sẹo do sự tác động của hai nguyên nhân: thứ nhất là có một vết thương, thứ hai là quá trình làm lành vết thương không được tốt.

  • Các tổn thương da như: trầy xước, xăm hình, chích ngừa, xỏ khuyên tai, vết mổ, mụn trứng cá, côn trùng cắn hay nhiễm trùng da khác…đều có thể gây sẹo lồi.
  • Vì quá trình lành vết thương khác nhau tùy vào cơ địa mỗi người nên việc hình thành sẹo có liên quan đến di truyền. Ví dụ như cha mẹ bị sẹo thì con của họ dễ bị sẹo lồi hơn hay người da đen bị sẹo nhiều hơn người da trắng.
  • Sẹo lồi dễ xảy ra hơn nếu bị các vết thương ở những vùng da chịu áp lực cao như: vai, ngực, cánh tay.
  • Cách chăm sóc vết thương không đúng cách làm cho quá trình lành vết thương không được tốt, dẫn đến nhiễm trùng vết thương, dị vật trong vết thương, hay quá trình khâu vết thương không bằng phẳng, không đúng lớp da sẽ gây ra sẹo lồi.

>> Xem thêm: Bỏ túi bí kíp khiến mụn đầu đen không còn là nỗi phiền toái!

5. Phương pháp điều trị?

sẹo lồi

Trên thế giới cho đến nay có rất nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị sẹo lồi. Tuy nhiên không có một phương pháp nào có thể điều trị biến mất sẹo 100%. Thông thường, kết quả điều trị sao cho kích thước sẹo giảm 30-50%, triệu chứng đau, ngứa giảm hơn 50% hoặc đạt được sự hài lòng của người bệnh được coi là thành công.

Với sẹo lồi có các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Tiêm thuốc: đây là phương pháp điều trị phổ biến. Bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc đó là corticoid vào trong mô sẹo của bạn, thuốc sẽ làm giảm kích thước của sẹo và làm giảm các triệu chứng khó chịu do sẹo đem lại như đau, ngứa. Khoảng cách điều trị là cách mỗi 6 tuần, tiêm tối đa 5 lần, nếu không hiệu quả nên chuyển sang phương pháp khác. Tuy nhiên cần lưu ý các tác dụng phụ như teo da, giãn mạch vùng tiêm, mụn trứng cá, rối loạn kinh nguyệt.
  • Áp lạnh: bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp làm lạnh mô sẹo bằng Ni-tơ lỏng. Khoảng cách điều trị là cách mỗi 4 tuần . Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm sưng phù, đau, giảm cảm giác.
  • Gel silicone: có thể dán hay bôi gel silicone lên vết sẹo theo sự hướng dẫn của bác sĩ và duy trì ít nhất 4 đến 6 tháng.
  • Phẫu thuật: bác sĩ có thể cắt bỏ mô sẹo để làm giảm kích thước sẹo nhanh và ngay lập tức, tuy nhiên cần phải kết hợp với tiêm corticoid trước hoặc sau phẫu thuật, dán silicon, băng ép để tránh tái phát sẹo.
  • Retinoid: thuốc bôi chứa retinoid 0,05% có thể được bác sĩ kê toa để bôi vùng sẹo trong vòng 3 tháng cũng có thể cho kết quả tốt.
  • Laser: bác sĩ có thể sử dụng công nghệ cao là các thiết bị phát các tia laser làm giảm kích thước sẹo, làm mềm sẹo và giảm đỏ.

>> Xem thêm: Corticoid: Có tác dụng như thế nào cho da?

Với sẹo phì đại có các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Tiêm corticoid trong sẹo.
  • Phẫu thuật kết hợp corticod.
  • Laser kết hợp corticoid.

6. Cách nào để phòng ngừa sẹo?

Vì sẹo lồi có các triệu chứng khó chịu, mất thẩm mỹ nhiều và khó điều trị, nên cách tốt nhất là chúng ta phòng ngừa bị sẹo với các phương pháp đơn giản như:

  • Chăm sóc vết thương thật tốt khi bị bất cứ tổn thương da nào:
  • Rửa sạch vết thương để hạn chế nhiễm trùng
  • Không chà sát hay cọ sát vết thương
  • Có thể sử dụng miếng dán silicon lên vết thương để ngăn hình thành sẹo lồi.
  • Thông báo với bác sĩ trước khi phẫu thuật nếu bạn có cơ địa bị sẹo lồi để có kế hoạch phòng ngừa và điều trị sẹo sau phẫu thuật.
  • Không xỏ khuyên tai hoặc hạn chế các thủ thuật xâm lấn da với cơ địa dễ bị sẹo lồi.
  • Với các hình xăm, trước khi xăm trên một diện tích da rộng, có thể thử xăm trên vùng da nhỏ trước xem có hình thành sẹo hay không, nếu không xuất hiện sẹo thì sau đó bạn có thể xăm hình.

>> Xem thêm: Thuốc bôi bảy màu Silkron trị bệnh ngoài da

Sẹo lồi khó điều trị lại dễ tái phát, gây khó chịu và ảnh hưởng đến tâm lý người mắc phải. Vì vậy, cách tốt nhất là phòng ngừa hình thành sẹo. Các phương pháp trên đây tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giảm hình thành sẹo lồi cho chúng ta.

Từ khóa » điều Trị Sẹo Lồi Như Thế Nào