Sẹo Lồi: Nguyên Nhân Và điều Trị
Có thể bạn quan tâm
Hình ảnh sẹo lồi ở một số vị trí trên cơ thể
Sẹo lồi thường là do đáp ứng quá thừa của mô với tổn thương da trong quá trình hồi phục vết thương. Tuy nhiên, có thể có sẹo lồi tiên phát ở những vị trí không có tiền sử chấn thương. Sẹo lồi thường ngứa và/hoặc đau, thường không tự giảm mà lại có khuynh hướng phát triển trở lại sau khi bị cắt đi.
I. Thế nào là sẹo lồi?
- Sẹo bình thường là một vết sẹo có hình dạng và kích thước tương ứng với hình dạng và kích thước của vết thương. Sẹo không bị lồi hoặc lõm hơn so với bề mặt da, không đỏ, không đau và có màu sắc tương đối giống với màu sắc của da lành vùng xung quanh sẹo.
- Sẹo phì đại là những vết sẹo nhô lên khỏi bề mặt da, màu đỏ hồng, có kích thước và hình dạng tương ứng với vết thương. Tuy nhiên, đối với sẹo phì đại thì chúng ta không cần điều trị cũng có thể tự trở thành sẹo bình thường sau 6-12 tháng.
- Sẹo lồi khởi đầu trong vài tháng đầu sau khi bị thương, là một khối đỏ hồng, kích thước thay đổi tùy thuộc tổn thương da lúc đầu. Sẹo có giới hạn rõ, bề mặt căng bóng thấy được các mạch máu giãn bên dưới, mật độ hơi cứng như khối cao su. Sau đó, trong vòng năm đầu sau tổn thương, khối này sẽ phát triển quá mức nhưng lành tính, lan rộng và ra xa khỏi vị trí của vết thương ban đầu, có hình dạng không đều, bề mặt nhẵn bóng, sậm màu và cứng hơn so với da lành vùng xung quanh sẹo. Tổn thương sẹo lồi thường có phần bề mặt phát triển lan rộng hơn so với phần gốc.
Bản chất sẹo lồi là do sự tăng sinh quá mức, kể cả về số lượng lẫn trật tự, của các mô sợi trong lớp bì. Sẹo lồi thường không gây cảm giác khó chịu gì ngoại trừ vấn đề thẩm mỹ. Tuy nhiên, một số sẹo lồi có thể gây ngứa, hơi đau hoặc cảm giác căng cứng.
II. Những vị trí nào thường bị sẹo lồi?
- Thường gặp nhất là vùng trước xương ức.
- Kế đến là dái tai (sau xỏ lỗ tai), da mặt, cổ dưới, ngực trên, bụng, vai, lưng, cổ, tứ chi.
III. Nguyên nhân gây sẹo lồi?
Sẹo lồi thường xuất hiện sau khi da bị tổn thương, có thể do:
- Chấn thương, vết rách da do tai nạn.
- Vết cắt do phẫu thuật các loại ( bướu cổ, tim, ruột thừa, mổ lấy thai, thẩm mỹ: căng da mặt, đặt túi ngực, cắt mỡ bụng…).
- Bỏng da.
- Một số bệnh da như mụn trứng cá, nhiễm trùng da,…
Tuy nhiên, tổn thương da chỉ có thể trở thành sẹo lồi khi có những yếu tố nguy cơ sau:
- Người có cơ địa sẹo lồi, tức là ở những người đã có sẹo lồi trước đó.
- Vết thương căng quá hoặc chùng quá.
- Tồn tại vật lạ trong da.
Ở người da màu, tỷ lệ có cơ địa sẹo lồi rất cao, chiếm 15-20% , hơn 15 lần so với người da trắng. Với người có cơ địa sẹo lồi thì bất cứ vết rách gây tổn thương ngoài da nào, kể cả vết kim chích, cũng có thể tạo ra sẹo lồi ngay tại vị trí đó.
IV. Các phương pháp điều trị sẹo lồi
Sẹo lồi có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp với mức độ thành công khác nhau. Điều trị sẹo lồi đa số là để giải quyết vấn đề thẩm mỹ và không có một liệu pháp duy nhất nào luôn luôn thành công. Nhiều báo cáo điều trị thành công sẹo lồi trong y văn là không đúng sự thật. Trị liệu có thể giúp cho sẹo lồi trở nên nhỏ hơn, mềm và phẳng dần chứ không thể làm mất đi sẹo, tức là không thể giúp cho vùng da sẹo trở lại bình thường như da lành xung quanh.
- Dự phòng là nguyên tắc đầu tiên trong điều trị sẹo lồi:
+ Không nên tiến hành những thủ thuật thẩm mỹ không cần thiết ở những người có cơ địa sẹo lồi.
+ Nên tránh những thủ thuật tối đa ở giữa ngực; những vùng tổn thương da hậu phẫu phải được điều trị bằng những kháng sinh thích hợp để tránh nhiễm trùng.
+ Tất cả những vết thương do phẫu thuật phải được đóng lại với độ căng bình thường nếu có thể, không nên cắt ngang khoảng cách giữa các khớp và nên cắt da theo hình elipse nằm ngang theo cùng hướng với đường căng của da.
- Nội khoa: Corticosteroids, Interferon, 5-fluorouracil, Imiquimod.
- Ngoại khoa: cắt bỏ và phẫu thuật lạnh.
- Xạ trị và các biện pháp vật lý khác.
1. Điều trị nội khoa
a. Tiêm Steroid
Corticosteroid có tác dụng ức chế alpha 2-macroglobulin, một chất có tác dụng ức chế collagenase. Một khi chu trình này bị ngăn chặn, lượng collagenase sẽ tăng và do đó sẽ làm thoái hóa collagen.
- Áp dụng cho những sẹo lồi nhỏ, thường dùng nhất là tiêm Triamcinolone acetonide (10-40 mg/ml). Vùng da được tiêm thuốc có thể bị mất sắc tố và tình trạng này kéo dài 6 – 12 tháng; có thể gặp chứng teo và giãn mao mạch xung quanh chỗ tiêm. Phải thực hiện đúng kỹ thuật, đâm kim và bơm Triamcinolone vào đến tận lớp nhú bì, nơi tạo ra chất collagenase. Không nên tiêm Steroid vào mô dưới da vì có thể làm teo lớp mỡ bên dưới.
- Có thể tiêm lặp lại vài lần cách nhau mỗi 1-2 tháng tùy theo diễn tiến của sẹo lồi và các tác dụng phụ có thể xảy ra cho bệnh nhân hay không.
- Phương pháp này có thể được kết hợp với các phương pháp khác như áp Nitrogen lỏng hoặc dán Silicon gel để tăng thêm hiệu quả.
b. Điều trị bằng Interferon
Interferon-alpha & gamma ức chế tổng hợp collagen bằng cách khử Ribonucleic acid thông tin nội bào. Sẹo lồi được phẫu thuật cắt bỏ và tiêm Interferon sau đó để ngừa tái phát. Liều lượng tiêm là 1 triệu đơn vị vào mỗi centimét chiều dài da xung quanh vị trí sẹo ngay sau khi phẫu thuật, và tiêm nhắc lại 1 đến 2 tuần sau đó. Đối với những bệnh nhân phải cắt bỏ nhiều sẹo lồi hoặc những sẹo lồi lớn, việc điều trị bằng Interferon sẽ rất tốn kém và bệnh nhân phải được tiền mê bằng Acetaminophen để điều trị những triệu chứng giống bệnh cúm do Interferon gây ra.
c. Điều trị bằng 5-flurouracil
Liệu pháp tiêm chất 5-flurouracil (5-FU) vào sẹo đã được dùng một cách thành công trong điều trị những sẹo lồi cô lập, nhỏ. Trung bình sau 5-10 lần tiêm mới đạt hiệu quả. Nếu tiêm hỗn hợp 0,1 ml Triamcinolone acetonide 10 mg/ml và 0,9 ml 5-FU (50 mg/ml) kết quả sẽ tốt hơn.
d. Điều trị bằng Imiquimod:
Imiquimod 5% dạng kem gây sản xuất tại chỗ Interferon tại nơi bôi thuốc. Nên bắt đầu bôi Imiquimod ngay sau khi cắt bỏ sẹo lồi và bôi hằng ngày liên tục trong 8 tuần. Hơn 50% bệnh nhân bị tăng sắc tố tại chỗ điều trị.
e. Các phuơng pháp điều trị trị nội khoa khác:
- Băng keo Flurandrenolide (Cordran) được dán trên sẹo lồi trong 12-20 giờ một ngày thường làm cho sẹo lồi mềm dần và phẳng lại. Cordran còn có tác dụng làm vết sẹo hết ngứa. Dùng lâu dài có thể gây teo da.
- Bleomycin (1mg/ml; 0,1-1 ml) được tiêm trực tiếp vào sẹo để điều trị những sẹo lồi nhỏ. Thuốc có thể làm thoái triển hoàn toàn vài sang thương.
- Thuốc mỡ hoặc gel Clobetasol, bôi hai ngày một lần, có thể làm mềm và/hoặc làm phẳng sẹo lồi, giúp bệnh nhân hết ngứa, hết cảm giác đau hay khó chịu do sẹo lồi. Dùng lâu dài thuốc sẽ gây mất sắc tố, teo da và giãn mạch.
- Tacrolimus là một thành viên mới trong các trang bị điều trị sẹo lồi. Một nghiên cứu phát hiện có sự tăng gen ung thư gli-l (glioma-associated oncogene homolog 1) trong các sẹo lồi nhưng trong các mô sẹo bình thường thì không có hiện tượng này. Vì Tacrolimus có thể ngăn chặn gen gli-1 nên được ứng dụng điều trị sẹo lồi. Cần có những nghiên cứu lâu dài và lớn hơn để xác định hiệu quả của liệu pháp này.
- Methotrexate kết hợp với cắt bỏ sẹo phòng tránh được sự tái phát. Cho người bệnh uống 15-20 mg Methotrexate mỗi lần, 4 ngày bắt đầu từ tuần trước phẫu thuật và liên tục trong 3-4 tháng sau khi vết cắt lành.
- Pentoxifylline (Trental) 400 mg 3lần/ngày cũng khá thành công trong dự phòng tái phát sẹo lồi đã cắt. Cơ chế tác động của thuốc chưa được hiểu đầy đủ, nhưng có thể do tuần hoàn tăng, quét sạch những yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi.
- Colchicine đã được dùng để điều trị và dự phòng tái phát sẹo lồi bằng cách ức chế tổng hợp collagen, phá vỡ các vi ống và kích thích collagenase.
- Vì kẽm bôi ngoài da ức chế Lysyl oxidase và kích thích collagenase, nên được dùng để điều trị sẹo lồi, nhưng thành công còn hạn chế.
- Tretinoin bôi 2 lần/ngày làm giảm ngứa và những triệu chứng khác của sẹo lồi, có thể làm thoái triển sẹo lồi một phần nào.
- Một số thuốc khác đã được thử nghiệm nhưng thành công còn hạn chế hoặc tỷ lệ nguy cơ/lợi ích còn đáng ngờ là Verapamil, Cyclosporine, D-penicillamine, Relaxin tiêm vào sẹo lồi.
2. Điều Trị ngoại khoa
Được chỉ định khi sẹo lồi không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc sang thương quá lớn. Các bác sĩ sẽ cắt bỏ sẹo và khâu kín, ghép da với mảnh da ghép toàn phần hay ghép da mỏng để giảm lực căng trên toàn bộ da được khâu. Trước khi cắt bỏ sẹo lồi, bác sĩ sẽ lưu ý đến những nguy cơ chính đi kèm với sự tái phát của sẹo lồi như:
- Tiền sử gia đình về sẹo lồi;
- Chỗ phẫu thuật bị nhiễm trùng;
- Vị trí phẫu thuật trên cơ thể (nhất là giữa ngực và vai);
- Loại chấn thương gây ra sẹo (bỏng do nhiệt hoặc hóa chất);
- Căng da trong thời kỳ hậu phẫu;
- Da sậm màu nhóm 4-6 theo phân loại Fitzpatrick.
Tỷ lệ tái phát cho thủ thuật cắt bỏ sẹo lồi đơn giản không kèm những biện pháp phụ trợ hậu phẫu dao động từ 50 – 80%.
a. Phẫu thuật:
- Một trong những qui trình dễ nhất và thường được áp dụng nhất để khử bỏ sẹo lồi là cắt bỏ rồi tiêm Corticosteroid. Hầu hết những sẹo lồi đã cắt đều cần phải điều trị phụ trợ thêm như: Corticosteroid tiêm trong vết thương, băng ép, Silicon gel, kem Imiquimod hoặc tiêm Interferon. Vết khâu phải để yên trong 10-14 ngày vì hỗn hợp Lidocaine/Steroid để gây tê có thể làm chậm lành vết thương.
- Trong những trường hợp vết sẹo đã cắt không thể khép lại được, bác sĩ có thể chèn vào bên dưới sẹo lồi chất bành trướng mô. Sự bành trướng mô dần dần cho phép có thể cắt và đóng sẹo lại, và không làm căng da.
- Đối với những bệnh nhân bị sẹo lớn hoặc nhiều, không thể áp dụng thủ thuật cắt bỏ thì việc bào mòn sẹo cho ngang bằng với da bình thường xung quanh rồi bôi Imiquimod kéo dài trong tám tuần đôi khi cũng thành công nhưng thường bị tăng sắc tố làm cho vết sẹo có màu không hợp với màu da xung quanh.
b. Phẫu thuật lạnh
- Thủ thuật làm đông lạnh sẹo lồi bằng Nitrogen lỏng (nhiệt độ -196oC) hủy hoại tế bào và các mao mạch. Sự thiếu oxy sẽ làm mô sẹo bị họai tử, bị tróc ra và xẹp xuống. Áp hoặc phun Nitrogen lỏng trực tiếp lên sẹo, mỗi lần cách nhau 2-3 tuần. Hơn 1/2 trường hợp sẹo lồi sẽ phẳng ra sau 8-10 lần điều trị.
- Phương pháp này đạt hiệu quả 50-70 %. Nếu kết hợp với chích steroid trong khi phẫu thuật lạnh thì tỉ lệ bệnh nhân có đáp ứng với điều trị là 84%. Nhiều bệnh nhân không trở lại tái khám sau phẫu thuật do đau sau mổ và vết thương chậm lành. Hiện tượng mất sắc tố thường kéo dài nhiều năm.
3. Xạ Trị
- Tia phóng xạ được dùng như một đơn liệu pháp hoặc kết hợp với phẫu thuật để dự phòng tái phát sẹo lồi sau khi cắt bỏ. Chiếu xạ sẽ hiệu quả hơn nếu được áp dụng sau hai tuần đầu sau khi cắt bỏ sẹo (là thời gian mà các nguyên bào sợi đang phát triển). Liều chiếu xạ thường dùng là 300 rads (5Gy) bốn lần/ngày * bốn đến năm ngày hoặc 500 rads (5Gy) bốn lần/ngày * ba ngày bắt đầu từ ngày phẫu thuật.
- Xạ trị từng đợt ngắn liều cao kết hợp với cắt bỏ sẹo dường như đem lại sự an toàn và hiệu quả trong điều trị sẹo lồi và dự phòng tái phát. Tỷ lệ thành công của phương pháp này khoảng 88%. Những tác dụng phụ là tăng sắc tố, có khả năng gây ung thư.
4. Những liệu pháp vật lý khác
a. Băng ép
Băng ép Gradient (Jobst) là một phương tiện hỗ trợ điều trị sẹo lồi sau mổ hay sau phỏng để phòng tránh tái phát. Phương pháp này còn được dùng để điều trị sẹo lồi sau khi bôi một loại Steroid mạnh hoặc dùng băng keo Flurandrenolide. Một số phương pháp băng ép thường được dùng trong điều trị sẹo lồi là băng Ace, băng thun, băng nén (Coban), băng dán tai, băng có ống hỗ trợ.
b. Cột thắt
Cột thắt sẹo có thể được dùng cho những sẹo lồi có cuống ở những vị trí không thể cắt được hoặc bệnh nhân không cho cắt. Một loại chỉ khâu không tan 4-0 được cột chặt quanh đáy sẹo và được thay chỉ mỗi tuần. Những cọng chỉ này ngày càng ăn sâu vào gốc sẹo, làm cho gốc sẹo bị rơi ra. Một số trường hợp cần dùng thêm thuốc giảm đau (Acetominophen) vài ngày sau khi thắt.
c. Laser
- Việc sử dụng Laser để điều trị sẹo lồi có kết quả không nhất quán. Laser Argon được dùng đầu tiên để điều trị sẹo lồi. Phương pháp này có vẻ thành công đối với những sẹo lồi mới, đang sinh mạch. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây không chứng minh bất kỳ sự cải thiện nào của sẹo lồi khi được điều trị bằng Laser Argon ngoại trừ sự giảm ngứa và giảm các triệu chứng khác trong vài tháng.
- Laser CO2, khi được dùng như đơn liệu pháp, có tỉ lệ tái phát 40-90%. Ngay cả khi được kết hợp với Corticosteroids sau mổ, phương pháp này vẫn còn có tỉ lệ tái phát khá cao. Công dụng chủ yếu của Laser CO2 là làm dẹp sẹo lồi lớn để chúng có thể được điều trị bằng những biện pháp khác.
- Laser Neodymium; Nd:YAG “Neodimium Doped Yttrium Aluminum Garnet” 1064nm, Laser Affirm công nghệ CAP “Combined Apex Pulse” dường như có ảnh hưởng đến chuyển hóa collagen.
- Laser nhuộm màu tia dạng xung PDL (Pulsed Dye Laser) bước sóng 585-595nm cũng đã được dùng để điều trị sẹo lồi với một số thành công bước đầu. Tia Laser hủy mạch máu nuôi dưỡng sẹo, gây thiếu máu cục bộ vùng sẹo, làm mềm, ngưng phát triển và giảm dần kích thước, độ dày của sẹo.
Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng đã cho thấy phương pháp này gây tốn kém nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, không ngăn được sẹo lồi tiến triển và sự tái phát, cần được nghiên cứu thêm. Phối hợp tiêm Triamcinolone trong tổn thương với Laser PDL có thể làm tăng hiệu quả điều trị sẹo lồi.
d. Thuốc dán gel Silicon
Thuốc dán gel Silicon là một miếng thuốc dán mềm, dạng gel dùng để điều trị sẹo lồi. Sẹo lồi càng mới, bệnh nhân càng trẻ, sự đáp ứng càng tốt. Trẻ em thích phương pháp này vì miếng dán dạng gel không gây đau. Cần phải điều trị trong 6-12 tháng để đạt kết quả tốt nhất, nhưng sau vài tháng điều trị hầu hết các bệnh nhân đều không tuân thủ vì thời gian kéo dài, vì sự bất tiện của việc cắt và đặt miếng gel Silicon lên sẹo. Để dự phòng sự chảy nhão và nhiễm trùng thứ phát chỗ da được dán, chỉ nên đắp 22-23 giờ một ngày, rồi tháo ra ,lau sạch vết sẹo mỗi ngày và đảm bảo thông khí tốt.
Dùng băng Polyurethane (Curad) 20-22 giờ một ngày làm mềm sẹo lồi và làm thoái triển sẹo sau 8 tuần điều trị. Tác dụng điều trị tốt hơn nếu Polyurethane được dùng với lực nén.
5. Những liệu pháp tiềm năng mới
- Tia UVA bước sóng dài – black light (340-400nm; UVAl) có thể giúp dự phòng tái phát sẹo lồi do có khả năng làm giảm các tế bào bón (mast cell).
- Quercetin, một flavonoid, có tác dụng ức chế sự phát triển và co thắt các nguyên bào sợi quá thừa trong sẹo.
- Prostaglandin E2 (Dinoprostone) phục hồi sự sửa chữa vết thương bình thường.
- Chất tẩy màu mạnh(vì sẹo lồi không có ở bệnh nhân bạch tạng và thoái triển khi da trên sẹo lồi trở nên trắng ra).
- Chất ức chế tế bào bón (mast cell) mạnh: những tế bào bón không những tăng trong sẹo lồi mà còn có quan hệ gần với các nguyên bào sợi ở ngoài bìa bền vững và bị viêm của sẹo lồi. Vùng thoái triển của sẹo lồi không có liên quan đến nguyên bào sợi - tế bào bón.
- Liệu pháp gene.
V. Kết luận
Sẹo lồi, một bệnh ngoài da lành tính về mặt nội khoa, là những tổn thương thứ phát từ một đáp ứng mô liên kết quá thừa ở những người có khuynh hướng tạo sẹo lồi. Điều trị sẹo lồi đa số là để giải quyết vấn đề thẩm mỹ nhưng việc này cũng đặt ra một thách thức lớn cho các bác sĩ vì tỉ lệ tái phát cao và thường không đáp ứng hoàn toàn với điều trị. Mặc dù tiêu chuẩn vàng hiện nay là cắt bỏ sẹo rồi tiêm Steroid hoặc dùng những liệu pháp phụ trợ khác nhưng, rất nhiều những chọn lựa điều trị đã chứng minh cho thấy rằng không có một liệu pháp duy nhất nào đạt hiệu quả 100%. Vì vậy y học còn cần phải nghiên cứu nhiều hơn về việc điều trị sẹo lồi.
BS CKI Phan Tấn Phong
Khoa Điều trị theo yêu cầu - Y học thể thao, Bệnh viện Nhân dân 115
Từ khóa » điều Trị Sẹo Lồi Như Thế Nào
-
Là Phẳng Sẹo Lồi Có An Toàn Và Hiệu Quả? - Vinmec
-
Điểm Danh Những Phương Pháp Chữa Sẹo Lồi Hiệu Quả Và An Toàn
-
Các Phương Pháp Chữa Sẹo Lồi - Vinmec
-
9 Phương Pháp điều Trị Sẹo Lồi Chuyên Nghiệp - Hello Bacsi
-
Điều Trị Sẹo Lồi Và Sẹo Phì đại
-
Như Thế Nào Là Sẹo Lồi? Cách điều Trị Sẹo Lồi
-
Sẹo Lồi Trên Da - Cách Nào để Chữa?
-
Phương Pháp Dân Gian Hỗ Trợ điều Trị Sẹo Lồi - Sở Y Tế Nam Định
-
10 Mẹo Cách Trị Sẹo Lồi Tại Nhà Hiệu Quả - Dermatix® Ultra
-
Phương Pháp điều Trị Sẹo Lồi Hiệu Quả
-
1.Sẹo Lồi Là Gì? - Bệnh Viện Đại Học Y Dược
-
Các Phương Pháp Trị Sẹo Lồi An Toàn, Hiệu Quả
-
Các đặc điểm Và Phương Pháp điều Trị Sẹo Lồi
-
Những điều Cần Biết Về Sẹo Lồi Và Sẹo Phì đại