Các Dạng Driver Thường Thấy Trong Tai Nghe In-ear | NSTORE

Driver của một chiếc in-ear có thể nói chính là trái tim của sản phẩm, nó là thành phần cốt lõi quyết định chất âm của của một chiếc tai nghe. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại tai nghe in-ear với các kiểu driver khác nhau khiến ae rối bời. Do đó trong bài viết này mình sẽ điểm qua một số loại driver thường thấy để ae có cái nhìn cụ thể hơn.

Mặc dù trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại driver khác nhau, tuy nhiên về cơ bản chúng ta có 4 loại chính bao gồm:

  • Dynamic
  • Balanced Armature (hay gọi ngắn là BA)
  • Planar Magnetic
  • Electrostatic

1/ Dynamic:

Driver dynamic là loại driver phổ biến nhất có số lượng áp đảo so với các loại còn lại. Đây là loại driver có mặt trên các loại in-ear từ bình dân cho đến cao cấp. Driver dynamic gồm 3 phần chính là: nam châm, cuộn cảm và màng diaphragm. Phương thức hoạt động dựa vào từ tính của nam châm để truyền tải rung động đến màng diaphragm. Sau đó màn diaphragm rung động sẽ tạo thành sóng âm truyền đến tai người nghe.

Cụ thể hơn, từ tính của nam châm sẽ biến cuộn cảm thành một nam châm điện, tạo ra từ trường dựa trên dòng điện đi qua nó. Cuộn cảm được gắn chặt vào màng diaphragm nên khi nó dao động màng diaphragm sẽ dao động theo và tạo ra âm thanh. Driver dynamic có cấu tạo cũng nguyên tắc hoạt động khá đơn giản nên chính vì vậy mà phổ biến hơn so với các loại driver còn lại. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có những in-ear dynamic mắc tiền: các mẫu in-ear flagship như Sennheiser IE800s hay Beyerdynamic Xelento đều chỉ sở hữu 1 driver dynamic mà thôi.

Thông thường các nhà sản xuất chỉ sử dụng một driver dynamic nhờ khả năng tái tạo được chất âm liền mạch và toàn dải. Tuy nhiên ngày nay do sự phát triển của công nghệ mà các hãng đã cho ra mắt nhiều dạng biến thể khác nhau, chúng ta hãy cùng điểm qua một vài dạng driver dynamic có thiết kế đặc biệt nhé:

1.1 – Driver Dynamic Dual Voice Coil hoặc Dual Diaphragm:Đây là một thiết kế đặc biệt với hai màng diaphragm hoặc hai voice coil trên cùng một driver dynamic, thiết kế này giúp thể hiện được hai dải tần số khác nhau nhưng vẫn giữ được độ liền mạch, thống nhất của cả ba dải âm.

1.2 – Sử dụng nhiều driver dynamic trong cùng một tai nghe:Một số tai nghe sử dụng hai hoặc nhiều driver dynamic, ví dụ như: Radius và Audio-Technica đều sử dụng thiết kế driver đồng trục, cả hai driver dynamic được thiết kế trên trọng tâm cùng một trục và đặt hai driver dynamic đối diện với nhau để cải thiện dải trầm cũng như độ cộng hưởng buồng âm (còn được gọi là driver push-pull)

1.3 – Sử dụng chất liệu đặc biệt cho màng diaphragm:Màng driver hiện không chỉ sử dụng các kim loại thông thường ở một số thương hiệu tai nghe khác còn sử dụng các chất liệu như giấy, màng graphene để tune âm.

2/ Balanced Armature:Driver BA với thành phần chính bao gồm một cuộn dây nằm giữa 2 nam châm. Từ trường của 2 nam châm này sẽ quyết định dao động của cuộn dây khi có dòng điện đi qua. Ở chế độ không tải, cuộn dây sẽ ở vị trí cân bằng giữa 2 nam châm, đây là trạng thái “balanced” (như trong tên gọi Balanced Armature). Sở hữu kích thước nhỏ hơn nhiều so với driver dynamic bên driver BA ban đầu được sử dụng trong các thiết bị y tế. Do có chi phí sản xuất cao hơn nên các tai nghe sử dụng driver BA cũng có giá thành cao hơn. Tuy nhiên ngày nay các hãng cũng đã làm tai nghe BA với giá thành dễ chịu hơn rất nhiều.

Driver BA trước đây làm ra thường được tuning theo một dải tần mong muốn chứ không toàn dải, do đó, nsx phải kết hợp nhiều driver BA thành một hệ thống driver hoàn chỉnh cho tai nghe. Cấu tạo driver BA cũng không sử dụng lỗ thoát khí như ở driver dynamic, từ đó cung cấp mức kín âm và độ chi tiết cao hơn cho âm thanh tổng thể.

Các driver BA có thể xuất hiện đơn lẻ chỉ một driver với một ống dẫn âm hoặc xuất hiện theo cặp với 2 driver BA sử dụng chung một ống dẫn âm. Một số hãng cũng sử dụng thay đổi cách sắp xếp của driver BA nhằm cải thiện chất lượng âm thanh như buồng âm BA tubeless, không sử dụng mạch phân tầng của của Campfire audio, nhằm để tune âm một cách tự nhiên nhất. Hoặc như FiiO với mỗi driver đều có một ống dẫn âm riêng đi trực tiếp đến tai người nghe…

Trước đây các driver BA có kích thước khá lớn nên thường không nhét được nhiều. Tuy nhiên ngày nay các hãng để làm driver BA càng ngày càng nhỏ cũng như đã có thể làm được các driver toàn dải. Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta có thể thấy được những mẫu tai nghe in-ear cao cấp có thể sử dụng đến hơn 10 driver BA và thậm chí đến 18 driver cho mỗi bên tai hoặc một số mẫu tai nghe chỉ có 1 driver BA nhưng vẫn nghe rất tốt.

3/ Planar Magnetic

Kiểu driver này có phương thức hoạt động khá giống so với driver dynamic khi sử dụng từ trường để tạo ra âm thanh.Màng diaphragm thường có kích thước rất mỏng và voice coil của tai nghe lanar cũng nằm trực tiếp trên màng diaphragm. Thay vì sử dụng cuộn cảm thì voice coil trên màng diaphragm của driver planar magnetic chịu ảnh hưởng trực tiếp của từ trường nam châm. Để đảm bảo dao động của màng diaphragm được đồng đều, nam châm trong thiết kế driver planar magnetic thường khá lớn và làm chiếc tai nghe nặng hơn.

Tai nghe planar magnetic thông thường đòi hỏi dòng thông qua cao hơn để phát huy tiềm lực của tai, nên người dùng thường được khuyến nghị sử dụng thêm amplifier chuyên dụng.

Driver planar magnetic thường xuất hiện trong các sản phẩm tai nghe open-back over-ear. Tuy nhiên với sự xuất hiện của dòng tai nghe iSine đến từ Audeze, làng sóng tai nghe inear sử dụng driver Planar đã xuất hiện thêm nhiều đối thủ mới như Unique Melody ME1, Monoprice …

Kể từ chiếc tai nghe inear planar đầu tiên của Audeze, các hãng đã chạy đua để cho ra mắt sản phẩm tai nghe Planar Magnetic inear với kích thước nhỏ gọn hơn để dễ dàng đeo hơn, và khả năng dễ kéo, dễ chơi hơn như RHA CL2 có thể nghe được với module Bluetooth. Tuy nhiên mức giá chung cho các tai nghe planar vẫn còn khá cao.

4/ Electrostatics

Driver electrostatic hoạt động khác rất nhiều so với dynamic hay planar magnetic, sử dụng thiết kế màng stator được phân cực (- / +) với điện áp lên đến vài trăm volt để đẩy màng diaphragm có khối lượng rất mỏng nhờ các phân tử electron di chuyển giữa hai màng phân cực. Thiết kế driver này khá phức tạp và rất khó kéo, đòi hỏi các thiết bị amplifier chuyên nghiệp và đắt tiền. Không cần phải nói bạn đọc cũng biết driver electrostatic sẽ có chi phí gia công cao và chỉ có mặt trong các dòng tai nghe cao cấp.

Tuy không mấy hợp nhãn vì mức giá cao cùng khả năng portable thấp, tai nghe electrostatic bù lại sở hữu chất lượng âm thanh có thể nói là cao nhất trong các dạng tai nghe trên thị trường hiện nay. Nó cho chất tiếng cực kỳ chi tiết với âm tầng trung thực và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi méo tiếng.

Trước đây chỉ có duy nhất một mình STAX sản xuất các tai nghe inear tĩnh điện bởi vì sự công phu trong quá trình sản xuất. Hiện nay ngoài STAX chỉ có duy nhất một mình Shure với dòng KSE1500/1200 là tai nghe inear sử dụng driver tĩnh điện. Tuy nhiên cả hai mẫu người dùng đều cần phải sử dụng amply tai nghe chuyên dụng.

5/ Hybrid5/ Hybrid

Hybrid là dạng tai nghe in-ear sử dụng hai loại driver khác nhau nhằm mục đích kết hợp những ưu điểm của từng dạng driver khác nhau để mang lại chất âm theo ý muốn. Thông thường trước đây khi nói đến các tai nghe hybrid chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các tai nghe kết hợp giữa driver dynamic và driver BA. Tuy nhiên, mới đây Fitear đã lần đầu tiên giới thiệu mẫu tai nghe Hybrid sử dụng kết driver BA và driver Electrostatics. Cấu trúc của một driver Hybrid thông thường sẽ giống như sau.

Nói đến thiết kế Hybrid, chúng ta cũng không thể không nhắc đến AKG K3003. Chiếc tai nghe đã thể hiện được tiềm năng của các tai nghe Hybrid với chỉ 3 driver (1 dynamic + 2 BA) cũng có thể cạnh tranh trực tiếp với các tai nghe cao cấp sử dụng nhiều driver BA khác.Các tai nghe Hybrid có thể kết hợp được ưu điểm của dải trầm của driver dynamic, mà vẫn có tính chính xác dải mid và treb của các driver dynamic để tạo nên một chất âm hoàn thiện, đầy đặn ở cả ba dải.

7/ Tổng quan

Dạng driver có ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng âm thanh của tai nghe, tuy nhiên thế không thôi vẫn chưa thể nói hết chất âm của một tai nghe. Ngoài ra còn có rất nhiều yếu tố khác dẫn đến chất lượng của một tai nghe như buồng âm cộng hưởng, ống tube dẫn âm, và cuối cùng chính là đôi tai của những kỹ sư chế tạo. Vì thế nếu các bạn quan tâm một mẫu tai nghe nào đó thì tốt nhất các bạn hãy đi nghe thử nếu được, bời vì chính đôi tai của bạn là thước đo chính xác nhất.

Như vậy là mình đã giới thiệu cho ae một số loại driver in-ear phổ thông. AE đang dùng in-ear thì cho ý kiến là theo ae driver nào nghe ngon lành nhất nhé.

Nguồn: tinhte.vn

Từ khóa » Các Loại Driver Tai Nghe