Các Doanh Nghiệp Phải Kiểm Toán Nội Bộ - Luật LawKey

Việc đánh giá kiểm tra các công việc kinh doanh, tài chính ảnh hưởng đến công ty cần phải có chế độ kiểm soát riêng. Vậy pháp luật quy định như thế nào về các doanh nghiệp phải kiểm toán nội bộ?

Căn cứ vào nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ, Lawkey xin đưa ra tư vấn về vấn đề này như sau

Kiểm toán nội bộ là gì?

– Kiểm toán nội bộ là công việc về kế toán nhằm cung cấp đánh giá độc lập và khách quan về hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty. Kiểm toán nội bộ giúp công ty nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, kiểm soát hoạt động kinh doanh một cách triệt để, giúp công ty có khả năng điều hành cân bằng hơn và đi đúng định hướng kinh doanh.

– Kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm phát hiện ra các sai sót trong hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty. Do vậy kiểm toán nội bộ là bộ phận quan trọng đối với các doanh nghiệp để cải thiện điểm yếu từ hệ thống quản lý và quản trị doanh nghiệp.

>> Xem thêm: Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán Các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán nội bộ

– Theo quy định của điều 10 về công tác kiểm toán nội bộ đối với các doanh nghiệp thì các đơn vị sau đây phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ:

  •  Công ty niêm yết: là các công ty có cổ phiếu được mua bán trên thị trường chứng khoán. Niêm yết chứng khoán là việc đưa các chứng khoán có đủ điều kiện vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán.
  •  Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con;
  •  Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

– Các doanh nghiệp không phải là các đơn vị nên trên được khuyến khích thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.

– Các doanh nghiệp quy định trên có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ. Trường hợp doanh nghiệp đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ.

>> Xem thêm: Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Các nguyên tắc của kiểm toán nội bộ

Doanh nghiệp khi thực hiện kiểm toán nội bộ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ quy định tại Nghị định 05/2019/NĐ-CP

Nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ

– Tính độc lập: Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ. Đơn vị phải đảm bảo rằng kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện nhiệm vụ báo cáo và đánh giá.

– Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ.

– Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ.

Các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ

– Thái độ công bằng, khách quan

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải có thái độ công bằng, khách quan, không định kiến. Người làm công tác kiểm toán nội bộ có quyền và nghĩa vụ báo cáo về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính độc lập và khách quan của mình liên quan đến công việc kiểm toán nội bộ được giao.

– Tính độc lập, khách quan

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính độc lập và khách quan. Trường hợp tính độc lập hoặc khách quan bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng, người làm công tác kiểm toán nội bộ phải báo cáo cho cấp quản lý trực tiếp hoặc phải báo cáo cho các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định này hoặc người được ủy quyền của các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định này.

– Các quy định nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan, ngăn ngừa sự thiếu công bằng, định kiến và xung đột lợi ích:

  • Đối với người làm công tác kiểm toán nội bộ

 + Người làm công tác kiểm toán nội bộ không thực hiện kiểm toán đối với quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình mà mình là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đó;

 + Người làm công tác kiểm toán nội bộ không có những xung đột về quyền và lợi ích kinh tế với đơn vị, bộ phận được kiểm toán; người làm công tác kiểm toán nội bộ không được thực hiện kiểm toán đối với đơn vị, bộ phận mà người điều hành đơn vị, bộ phận đó là người có liên quan của mình;

 + Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được tham gia kiểm toán các hoạt động, các bộ phận mà mình chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó trong thời hạn 03 năm kể từ khi có quyết định không thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó;

  • Các quy định khác

 + Đơn vị phải có biện pháp kiểm tra nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan của công tác kiểm toán nội bộ ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán tại đơn vị, bộ phận được kiểm toán và trong giai đoạn lập, gửi báo cáo kiểm toán;

 + Phạm vi, chu kỳ và phương pháp kiểm toán, quy trình kiểm toán phải đảm bảo kết quả kiểm toán phản ánh đúng thực trạng các nội dung được kiểm toán;

 + Các ghi nhận kiểm toán trong báo cáo kiểm toán nội bộ phải được phân tích cẩn trọng và dựa trên cơ sở các dữ liệu, thông tin thu thập được để đảm bảo tính khách quan.

>> Xem thêm: Doanh nghiệp có bắt buộc phải có kế toán trưởng?

Trên đây là tư vấn của Lawkey về các doanh nghiệp phải kiểm toán nội bộ xin được gửi tới quý bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn một cách chính xác nhất !

Từ khóa » Bộ Phận Kiểm Toán Nội Bộ Là Gì