Các Kiểu Nhà Nước Trong Lịch Sử - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Kiểu nhà nước là gì?
  • Các kiểu nhà nước trong lịch sử
  • Kiểu nhà nước chủ nô
  • Kiểu nhà nước phong kiến
  • Kiểu nhà nước tư sản
  • Kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa

Kiểu nhà nước là một trong những khái niệm cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng của lý luận về nhà nước và pháp luật. Vậy các kiểu nhà nước trong lịch sử là các nhà nước nào?

Kiểu nhà nước là gì?

Kiểu nhà nước là tổng thể những dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản, đặc thù của nhà nước, thể hiện bản chất giai cấp và những điều kiện tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định.

Cơ sở để xác định kiểu nhà nước là học thuyết Mác – Lênin về các hình thái kinh tế xã hội. Mỗi kiểu nhà nước phù hợp với một chế độ kinh tế nhất định của một xã hội có giai cấp. Đặc điểm chung của mỗi hình thái kinh tế xã hội sẽ quyết định những dấu hiệu cơ bản, đặc thù của một kiểu nhà nước tương ứng.

>>>>>> Tham khảo bài viết: Nhà nước là gì?

Các kiểu nhà nước trong lịch sử

Học thuyết Mác – Lênin về hình thái kinh tế – xã hội là cơ sở khoa học để phân chia các nhà nước trong lịch sử thành các kiểu. Trong lịch sử nhân loại từ khi xuất hiện xã hội có giai cấp đã tồn tại bốn hình thái kinh tế – xã hội, đó là: chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa. Tương ứng với bốn hình thái kinh tế xã hội đó, có bốn kiểu nhà nước. Cụ thể các kiểu nhà nước trong lịch sử gồm:

+ Kiểu nhà nước chủ nô;

+ Kiểu nhà nước phong kiến;

+ Kiểu nhà nước tư sản;

+ Kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Các kiểu nhà nước trong lịch sử chủ nô, phong kiến và tư sản tuy có những đặc điểm riêng về bản chất, chức năng và vai trò xã hội, nhưng đều là nhà nước bóc lột được xây dựng trên nền tảng của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, là công cụ để duy trì và bảo vệ sự thống trị của giai cấp bóc lột đối với đông đảo nhân dân lao động trong xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước mới, tiến bộ vì đặc điểm đông đảo nhân dân lao động trong xã hội tiến tới xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

Kiểu nhà nước chủ nô

Kiểu nhà nước chủ nô là tổ chức quyền lực chính trị của giai cấp chủ nô. Nhà nước chủ nô ra đời trên cơ sở tan rã của chế độ thị tộc, bộ lạc gắn liền với sự xuất hiện của chế độ tư hữu và sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng. Trong kiểu nhà nước chủ nô giai cấp thống trị xã hội là chủ nô.

Cơ sở hình thành của nhà nước chủ nô là chế độ sở hữu của giai cấp chủ nô với tư liệu sản xuất và nô lệ. Bản chất của nhà nước chủ nô là thực hiện nền chuyên chính của giai cấp chủ nô, duy trì sự thống trị và bảo vệ lợi ích của chủ nô; đàn áp nô lệ và tầng lớp lao động khác.

Hình thức của nhà nước chủ nô rất đa dạng. Do sự hình thành và phát triển của các nhà nước chủ nô trong những hoàn cảnh, điều kiện hết sức khác nhau nên việc tổ chức và thực hiện quyền lực ở mỗi nước có rất nhiều khác biệt, ở mỗi thời kỳ phát triển của đất nước cũng có nhiều thay đổi phụ thuộc vào sự phát triển của chế độ nô lệ.

Để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, các Nhà nước chủ nô đều thiết lập, củng cố cho mình một bộ máy nhà nước mang nặng tính quân sự và tập trung quan liêu. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ máy nhà nước chủ nô là trấn áp nô tệ trong nước, xâm lược các nước khác, giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích cho giai cấp chủ nô, cưỡng bức nô lệ làm giàu cho giai cấp chủ nô. Bộ máy nhà nước chủ nô giai đoạn đầu rất đơn giản, chỉ gồm rất ít các cơ quan. Cùng với sự phát triển của xã hội chiếm hữu nô lệ, nhu cầu quản lý xã hội tăng dần đòi hỏi bộ máy nhà nước chủ nô phát triển, phức tạp hơn, hoàn thiện hơn. Nhiều Nhà nước chủ nô đã thiết lập ra những bộ máy nhà nước khá hoàn thiện và phát triển như bộ máy Nhà nước Aten, Nhà nước La Mã… Trong những bộ máy nhà nước này đã có sự chuyên môn hoá tương đối cao.

Kiểu nhà nước phong kiến

Kiểu nhà nước phong kiến là kiểu nhà nước thứ hai trong lịch sử xã hội loài người, ra đời trên sự tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ hoặc xuất hiện trực tiếp từ sự tan rã của xã hội cộng sản nguyên thủy. Trong kiểu nhà nước phong kiến giai cấp thống trị xã hội là địa chủ phong kiến, còn nông dân chỉ có quyền sở hữu nhỏ phụ thuộc vào địa chủ và hầu như không có quyền gì.

Cơ sở hình thành của nhà nước phong kiến là chế độ sở hữu của địa chủ phong kiến với tư liệu sản xuất và nô lệ. Bản chất của nhà nước phong kiến là công cụ trong tay giai cấp địa chủ phong kiến để thực hiện chuyên chính với giai cấp nông dân, thợ thủ công và các tầng lớp lao động khác, là phương tiện duy trì địa vị kinh tế bảo vệ lợi ích và sự thống trị của địa chủ phong kiến.

Hình thức phổ biến của nhà nước phong kiến là chính thể quân chủ chuyên chế với quyền lực vô hạn của hoàng đế.

Kiểu nhà nước tư sản

Kiểu nhà nước tư sản là kiểu nhà nước ra đời, tồn tại và phát triển trong lòng hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa.

Bản chất của nhà nước tư sản do chính những điều kiện nội tại của xã hội tư sản quyết định, đó chính là cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội và cơ sở tư tưởng.

Nhà nước tư sản có những đặc điểm sau: thiết lập nguyên tắc chủ quyền nhà nước trên danh nghĩa thuộc về nhân dân; cơ quan lập pháplà cơ quan đại diện của các tầng lớp dân cư trong xã hội do bầu cử lập nên; thực hiện nguyên tắc phân chia quyền lực và kiềm chế, đối trọng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng trong bầu cử nghị viện và tổng thống; hình thức chính thể phổ biến của nhà nước tư sản là cộng hòa và quân chủ lập hiến.

Kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa

Kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa là một trong những tổ chức chính trị cơ bản nhất của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, một công cụ quản lý mà đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân tổ chức ra qua đó nhân dân thực hiện quyền và lợi ích của mình. Trong kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa giai cấp thống trị xã hội là nhân dân lao động. Đây cũng là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử xã hội loài người, ra đời sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

Cơ sở hình thành của nhà nước xã hội chủ nghĩa là quan hệ sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

Các đặc điểm cơ bản của kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa là: thiết lập và đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội; tất cả các cơ quan nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; quyền lực nhà nước thống nhất trên cơ sở có sự phân công và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan thực hiện các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp; đảm bảo sự đoàn kết, bình đẳng và tương trợ giữa các dân tộc.

Hình thức phổ biến là chính thể cộng hòa dân chủ.

Qua việc nghiên cứu các kiểu nhà nước trong lịch sử đã cho thấy các kiểu nhà nước chủ nô, phong kiến và tư sản có những đặc điểm riêng về bản chất, chức năng và vai trò xã hội, nhưng đều là nhà nước bóc lột được xây dựng trên nền tảng của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, là công cụ để duy trì và bảo vệ sự thống trị của giai cấp bóc lột đối với đông đảo nhân dân lao động trong xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước mới, tiến bộ vì đặc điểm đông đảo nhân dân lao động trong xã hội tiến tới xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

Từ khóa » đặc Trưng Của Hình Thức Dân Chủ Chủ Nô Là Gì