Các Kỹ Thuật Xóa Nếp Nhăn Trán - Suckhoe123

Trán là một trong những nơi đầu tiên bị lão hóa trên gương mặt của chúng ta và cũng thường là mối quan tâm chính của rất nhiều bệnh nhân. Sự xuất hiện của các nếp nhăn ngang trán có thể khiến chúng ta già hơn cả chục tuổi, gương mặt bộc lộ vẻ mệt mỏi và có phần thiếu thiện cảm.

Nguyên nhân gây xuất hiện nếp nhăn trán

Nếp nhăn trán hình thành do nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau. Đầu tiên phải kể đến là do sự co cơ trán mỗi khi chúng ta biểu hiện cảm xúc như nhíu mày, nhăn mặt hay nheo mắt. Mỗi lần như thế các nếp nhăn động sẽ xuất hiện, theo thời gian lâu dần, những biểu cảm này liên tục lặp đi lặp lại sẽ làm khắc lên những nếp nhăn tĩnh nằm ngang trán. Ngoài nguyên nhân co cơ, cũng giống như những nếp nhăn khác ở các vị trí khác trên khuôn mặt, nếp nhăn trán hình thành cũng là do quá trình lão hóa tự nhiên, khi cơ thể bị teo ngót mô và giảm sản xuất collagen và elastin, khiến cho làn da mất đi độ căng mịn, đàn hồi. Bên cạnh đó, cũng còn có sự tác động của các yếu tố bên ngoài như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hút thuốc, chế độ ăn uống không lành mạnh, hay căng thẳng hoặc thường xuyên nằm sấp khi ngủ. Tất cả những yếu tố này góp phần khiến nếp nhăn xuất hiện và ngày càng hằn sâu trên trán.

Các phương pháp xóa nếp nhăn trán

Với mỗi tình trạng nếp nhăn trán sẽ có phương pháp xử lý và điều trị khác nhau. Nếu nếp nhăn xuất hiện là do hoạt động co thắt cơ trán quá mức thì có thể xử lý bằng cách tiêm chống nhăn với các chất điều biến thần kinh như Botox, Dyrport, hoặc Xeomin, nhưng cần lưu ý không làm sụp lông mày hoặc mí mắt trên. Nếu xuất hiện các nếp nhăn tĩnh hằn sâu ở ngang trán thì có thể lựa chọn tiêm chất làm đầy như filler hoặc mỡ tự thân để nhanh chóng làm căng mịn vùng nếp nhăn này. Hoặc nếu vùng da trán nhăn nheo do bị tổn hại vì ánh nắng mặt trời hay các tác động bên ngoài thì có thể khắc phục bằng các phương pháp điều trị với laser y tế. Còn nếu da trán nhăn nheo, lỏng lẻo, xuất hiện da thừa thì cách xử lý tốt nhất là bằng phẫu thuật căng da trán.

Tiêm chống nhăn xóa nếp nhăn trán: Botox, Dyrport, Xeomin

Cả Botox, Dyrport và Xeomin đều là các sản phẩm độc tố thần kinh botulinium loại A, hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu truyền từ dây thần kinh đến khối cơ được tiêm, tạm thời làm tê liệt và thư giãn cơ, khiến cơ bị suy yếu không co được, điều này giúp ít tạo ra các nếp nhăn hơn.

Bệnh nhân phát triển đáng kể các nếp nhăn da ở vùng trán một phần là do khối cơ trán hoạt động thái quá. Cơ trán có hai bụng bám vào ngay dưới lông mày để nâng chúng lên về phía trán. Vì thế khối cơ này đảm trách nhiệm vụ rất quan trọng đó là nâng hai bên lông mày và mí mắt lên, đây cũng là khối cơ duy nhất có thể di chuyển chúng lên. Đồng thời cơ trán cũng là một khối cơ tham gia vào quá trình biểu hiện cảm xúc của khuôn mặt. Song chính việc nâng lông mày và biểu hiện cảm xúc là nguyên nhân gây xuất hiện nếp nhăn ngang trán. Do đó, điều trị nếp nhăn trán thường phải đảm bảo duy trì sự cân bằng giữa việc kiểm soát hoạt động co cơ để giảm nếp nhăn với việc duy trì khả năng nâng của cơ trán để không làm ảnh hưởng đến lông mày hoặc mí mắt, không khiến không mày và mí mắt bị sụp. Vì thế có 2 điều cần chú ý khi tiêm đó là liều lượng tiêm và vị trí tiêm:

Liều lượng tiêm các chất chống nhăn: Nếu tiêm quá nhiều bạn sẽ có một cái trán trơn láng, không bóng dáng nếp nhăn, nhưng trông sẽ cứng đơ, không tự nhiên, và sẽ gây nên hậu quả rất nặng nề đó là sụp lông mày, từ đó tạo lực ép làm mí mắt nặng sụp xuống. Nhưng nếu tiêm quá ít sẽ không có hiệu quả giảm nếp nhăn động trên trán. Tóm lại liều lượng tiêm chính xác sẽ phụ thuộc vào độ sâu của nếp nhăn, độ rộng của trán, vị trí của lông mày và mí mắt, cũng như nhu cầu biểu cảm của bạn ở vùng trán. Các bác sĩ thường khuyến cáo nên bắt đầu với liều lượng thấp, chỉ khoảng bằng một nửa liều thông thường. Nếu khi đánh giá thấy vị trí lông mày và mí mắt ở thấp rồi thì lại càng phải dùng liều lượng thấp để hạn chế nguy cơ lông mày và mí mắt càng thấp và sụp sâu hơn. Mặc dù với liều lượng này có thể sẽ không loại bỏ được hoàn toàn tất cả các nếp nhăn hoặc chuyển động cơ ở trán nhưng theo các bác sĩ điều này sẽ tạo nên một diện mạo tự nhiên hơn. Theo đó, tùy theo tình trạng và đặc điểm của từng bệnh nhân mà liều lượng các bác sĩ khuyên dùng có thể dao động từ 6 đến 12 đơn vị botox hoặc xeomin cho nữ giới và 14 – 22 đơn vị cho nam giới. Với Dysport sẽ cần liều lượng gấp đôi số ở trên.

Vị trí tiêm:

Untitled

Ngoài liều lượng, vị trí các điểm tiêm cũng là một cân nhắc quan trọng để đạt được kết quả thẩm mỹ lý tưởng. Thông thường cùng với mong muốn loại bỏ nếp nhăn trán, khi tiêm bệnh nhân cũng yêu cầu nâng chân mày lên. Điều này có thể đạt được bằng cách chỉ tiêm vào phần giữa của trán, và để lại phần phía trên đuôi hai bên lông mày. Tuy nhiên nếu thế sẽ chỉ có phần giữa trán cơ được thư giãn, còn ở hai bên cơ vẫn hoạt động, như vậy sẽ vẫn để lại các nếp nhăn trán ở trên phần đuôi lông mày và vùng đuôi lông mày cũng sẽ bị hếch lên có độ cong không tự nhiên, diện mạo như biểu hiện sự ngạc nhiên, mà người ta vẫn gọi là diện mạo của Dr. Spock (xem hình trên). Do đó, phương pháp điều trị phù hợp hơn cả là phải tiêm đồng đều hơn. Trong trường hợp này bác sĩ cũng nên giải thích cho bệnh nhân về hình dạng cung mày lý tưởng, không phải phần đuôi lông mày nâng cong lên mới là đẹp, vì khi lông mày cong lên sẽ kéo theo mí mắt cũng bị kéo lên và tạo diện mạo không tự nhiên. Trên thực tế, một hàng lông mày hơi thấp và thẳng một chút sẽ tạo nét thẩm mỹ hơn.

Quy trình tiêm:

Trước khi bắt đầu điều trị bệnh nhân nên được đánh giá về mức độ biểu cảm ở vùng trán, độ mạnh của khối cơ trán, tình trạng lông mày, chiều rộng và chiều cao của lông mày. Ngoài ra cường độ cơ trán có thể khác nhau đáng kể ở mỗi bệnh nhân, và điều này nên được đánh giá để xác định liều lượng cũng như vị trí tiêm botulium toxin phù hợp nhất. Bác sĩ có thể đánh giá điều này bằng cách yêu cầu bệnh nhân chủ động nhướn cao hoặc nheo hạ thấp lông mày (sẽ tạo ra các nếp nhăn trán) rồi sờ nắn nhẹ trên vùng trán. Để xác định chính xác vị trí các điểm tiêm, các bác sĩ thường chia ra làm 12 vùng tiêm trên trán, nằm phía trên lông mày từ 1,5 đến 2 cm để tránh nguy cơ gây sụp lông mày.

hình vùng tiêm botox

Điểm tiêm và liều lượng tiêm giữa các bệnh nhân và giữa nam và nữ sẽ khác nhau do có sự khác biệt về giải phẫu cũng như sở thích, do đó với mỗi bệnh nhân các bác sĩ đều phải có một phác đồ điều trị riêng biệt.

Với nữ giới có kích thước trán trung bình, các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm ở vị trí trong cơ tại 4 hoặc 5 điểm giữa trán trong vùng tiêm từ điểm F5 đến điểm F8 (xem hình trên), với 1-2 đơn vị botulinum toxin mỗi điểm tùy vào độ mạnh của cơ trán ở từng nười. Các điểm tiêm nên đặt cách nhau khoảng 1,5 đến 2cm theo chiều ngang.

Với nam giới có kích thước trán trung bình, bác sĩ cũng khuyến cáo vào trong cơ tại 4 hoặc 5 điểm ở giữa trán trong vùng tiêm từ điểm F5 đến điểm F8 với 2 đơn vị botulinum toxin ở mỗi điểm. Và cũng như ở nữ giới, các điểm tiêm nên cách nhau 1,5 đến 2cm.

Theo đó, sau khi sát trùng da, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhăn trán để đánh dấu các điểm tiêm, sau đó lần lượt tiêm vào các điểm đã xác định từ trước.

tiêm botox

tiêm botox 2

Sau khi tiêm bạn sẽ bị sưng nhẹ hoặc bầm tím ở vị trí tiêm, tình trạng này sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Để giảm thiểu khả năng bị bầm tím, bạn nên tạm dừng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng gây loãng máu 1 tuần trước ngày điều trị, bao gồm: rượu, thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin và ibuprofen, dầu cá và vitamin E. Nếu xuất hiện vết đỏ nào đó sau khi tiêm, bạn có thể trang điểm để che giấu và quay trở lại làm việc bình thường. Tập thể dục quá sức làm tăng lưu lượng máu, khiến tình trạng sưng nề trầm trọng hơn, vì vậy các bác sĩ thường đề nghị nghỉ tập gym một vài ngày. Kết quả sẽ bắt đầu bộc lộ sớm nhất là 2-3 ngày sau tiêm, nhưng có thể mất đến 7-8 ngày mới nhận thấy kết quả đầy đủ. Kết quả đạt được sau mỗi lần tiêm sẽ giữ được từ 3 – 4 tháng, sau đó bạn cần tiêm lặp lại để duy trì kết quả. Nếu bạn quyết định dừng tiêm Botox, tác dụng sẽ mất dần theo thời gian, cơ sẽ hoạt động trở lại với các chuyển động bình thường và các nếp nhăn sẽ trở lại.

Tiêm chất làm đầy xóa nếp nhăn trán

tiêm filler

tiêm filler 2

Với những nếp nhăn tĩnh trên trán có thể sử dụng các loại filler axit hyaluronic mà phổ biến nhất là Juvederm và Restylane để tiêm làm đầy. Những chất này sẽ hoạt động bằng cách lấp đầy vào vùng lõm do bị mất mô trong da và tạo sự hỗ trợ cho cấu trúc mô xung quanh, từ đó làm căng mịn nếp nhăn. Tuy nhiên cần lưu ý, việc tiêm filler vào nếp nhăn trán vẫn là một quy trình ngoài hướng dẫn, chưa được công nhận của các chất làm đầy axit hyalyronic. Ngoài ra, vùng trán cũng là vùng có nguồn cung cấp máu rất hạn chế, nếu bác sĩ vô tình tiêm vào một mạch máu thì vùng được cung cấp máu bởi động mạch đó có thể bị hoại tử da (biến thành màu trắng, sau đó chuyển thành màu đen). Do đó, bác sĩ nên sử dụng thiết bị soi mạch máu để có thể tiêm chính xác. Ngoài ra bác sĩ nên dùng kim cannula đầu cùn tiêm từ từ một lượng nhỏ và tránh tiêm quá sâu. Trong quá trình tiêm cần cẩn thận theo dõi các dấu hiệu sớm của tình trạng tổn thương mạch máu và có cách xử lý kịp thời.

Quy trình tiêm thường có thể được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ, tuy nhiên thường là bệnh nhân có thể chịu được mà không cần gây tê. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhăn trán để đánh dấu các đường nhăn rồi đánh dấu vị trí tiêm. Sau đó dùng mũi kim nhọn đâm vào để tạo lỗ đưa kim cannula vào sau đó. Filler thường sẽ được tiêm nông vào dưới da ở mỗi nếp nhăn, tiêm thành nhiều điểm, mỗi điểm khoảng 0,02 đến 0,05ml. Sau khi tiêm bác sĩ sẽ matxa nhẹ để dàn đều và tránh u cục. Vì vùng này cơ hoạt động khá nhiều nên filler thường duy trì hiệu quả trong thời gian ngắn hơn, do đó các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên kết hợp với cả tiêm botox để làm thư giãn cơ, vừa tránh nếp nhăn động vừa giúp kéo dài hiệu quả làm đầy nếp nhăn tĩnh.

Xóa nếp nhăn trán bằng laser

Laser Co2 phân tách

chiếu laser

Đối với những nếp nhăn trán ở mức nông hoặc vừa thì bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp xóa nhăng bằng laser CO2 phân tách. Tia laser này hoạt động bằng cách phát ra các chùm tia laser hội tụ cực nhỏ tách đều nhau, tác động đến một phần bề mặt da và để lại những vùng da lành khỏe mạnh, những vùng da lành còn lại này sẽ giúp đẩy nhanh thời gian lành thương và giảm nguy cơ biến chứng. Cơ chế này sẽ loại bỏ các tế bào da bị tổn thương và tái tạo bề mặt da trở nên trẻ trung hơn, đồng thời kích thích sản sinh collagen trong lớp trung bì sâu hơn bên dưới, giảm thiểu các nếp nhăn trán và làm săn chắc làn da chảy xệ.

Để đạt được kết quả tốt nhất, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện theo một chế độ chăm sóc da từ 6 tuần trước khi điều trị. Dừng tất cả các loại thuốc không kê đơn phổ biến như aspirin, ibuprofen hoặc vitamin E 10 ngày trước khi thực hiện vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu sau điều trị, đồng thời tránh hút thuốc 2 tuần trước và sau khi điều trị.

Để bắt đầu, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ bảo vệ để che chắn mắt thật kỹ, sau đó gây tê tại chỗ, đồng thời cho bạn uống thuốc an thần để giúp thư giãn. Cảm giác khi điều trị sẽ giống như có các dải cao su bắn vào da nhưng hoàn toàn có thể chịu được. Quy trình điều trị rất nhanh, chỉ khoảng 15 – 20 phút. Sau khi thực hiện, bạn có thể bị sưng, hơi ngứa hoặc châm chích trong 24 – 48 tiếng, và xảy ra tình trạng bong tróc da sau 5 – 7 ngày. Quá trình chữa lành thường mất từ 10 – 21 ngày tùy vào mức độ điều trị. Sau khi vùng trán đã lành thương hoàn toàn, bệnh nhân chỉ nên dùng đồ trang điểm không chứa dầu trong ít nhất 2 tháng, tránh ánh nắng mặt trời tuyệt đối bằng cách bôi kem chống nắng đều đặn và duy trì dưỡng ẩm cho da.

Laser Fraxel phân tách

laser fraxel

Với cơ chế kích thích sản sinh collagen và thay mới tế bào, laser Fraxel sẽ giúp trẻ hóa vùng da trán, giúp da trở nên căng mịn, đều màu và giảm thiểu nếp nhăn rõ rệt. Cũng với cơ chế phân tách như laser CO2, chùm tia laser công nghệ Fraxel này sẽ được tách ra thành nhiều tia nhỏ, chỉ nhắm vào khoảng 25 đến 40% da và để lại các vùng da lành khỏe mạnh. Vùng da lành khỏe mạnh này sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi cho những vùng da tổn thương đã được xử lý. Vì cơ chế này nên thời gian nghỉ dưỡng và tình trạng đỏ da sau điều trị bằng Fraxel ít hơn rất nhiều và sẽ không kéo dài lâu như ở các quy trình điều trị bằng laser xâm lấn.

Quy trình điều trị với Laser Fraxel thường chỉ kéo dài từ 15 đến 20 phút cho vùng trán. Vì năng lượng Fraxel sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy nóng, nên bác sĩ sẽ bắt đầu bằng công đoạn gây tê để giúp bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể. Bạn có thể cần đợi 1 tiếng đồng hồ để kem gây tê phát huy tác dụng, sau đó bác sĩ sẽ chiếu tia laser qua lại nhiều lần trên vùng trán. Quá trình điều trị hầu như không đau.

Quá trình hồi phục sẽ diễn ra trong vài ngày, thông thường bệnh nhân sẽ bị sưng nề, đỏ da, hoặc thô ráp, và sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày là sẽ hồi phục hoàn toàn. Kết quả tối ưu thường thấy được sau sau 8 – 12 tuần điều trị. Kết quả tái tạo bề mặt da bằng laser fraxel sẽ kéo dài khoảng 3 năm. Bạn có thể kéo dài thêm khoảng thời gian này bằng cách thi thoảng thực hiện một quy trình lột da hóa học (peel da), duy trì thói quen chăm sóc da tốt, bôi kem chống nắng hàng ngày với chỉ số SPF từ 30 trở lên. Làn da sau khi điều trị sẽ trở nên nhạy cảm hơn, vì thế cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong ít nhất 3 tháng và nhớ đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài.

Căng da trán xóa nếp nhăn trán

căng da trán

Với những bệnh nhân có vùng da trán thừa, nhăn nheo, chùng nhão, bác sĩ có thể giới thiệu kỹ thuật căng da trán để trẻ hóa lại vùng trán. Quy trình này ngoài giúp nâng cơ, căng da, xóa nếp nhăn vùng trán còn có thể nâng chân mày để khắc phục tình trạng sụp lông mày. Phẫu thuật căng da trán thường được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê hoặc gây mê toàn thân, và có thể được thực hiện qua hai hình thức: nội soi với các đường rạch nhỏ ở trong đường viền chân tóc, hoặc thực hiện qua đường mổ vành đầu. Tuy nhiên với những bệnh nhân cần cắt bỏ da thừa để loại bỏ triệt để nếp nhăn thì chỉ nên thực hiện qua đường mổ vành đầu (hay còn gọi là kỹ thuật căng da trán qua đường đỉnh đầu)

Theo đó, bác sĩ sẽ tạo một đường rạch dài từ tai bên nọ đến tai bên kia ở phía sau đường viền chân tóc khoảng 2,5cm, sau đó da trán sẽ được tách lên khỏi màng xương cho đến rìa lông mày phía trên. Tiếp theo, bác sĩ sẽ loại bỏ mỡ thừa, kéo vạt da về phía đường mổ và cắt bỏ da thừa, rồi khâu đóng vết mổ, và băng vùng đầu lại.

Sau khi thực hiện bệnh nhân cũng có thể bị sưng đau và bầm tím, tuy nhiên tình trạng này hoàn toàn bình thường và có thể giảm dần theo thời gian. Bệnh nhân sẽ cần từ 1 đến 2 tuần để hồi phục, và nên nghỉ ngơi ở tư thế kê cao đầu để giảm thiểu sưng nề. Các hoạt động mạnh như tập luyện hay các môn thể thao cũng cần tránh trong quá trình hồi phục. Sau khoảng 1 tuần bác sĩ sẽ tháo băng và cắt chỉ đối với vết mổ qua đường đỉnh đầu. Sau khoảng 3 tuần bệnh nhân sẽ thấy kết quả cải thiện rõ rệt với vùng trán căng mịn, ít nếp nhăn và trẻ trung hơn.

Từ khóa » Chống Nhăn Da Trán