Các Loại Dê Nuôi Lấy Thịt - ANT

– Dê cỏ: Nuôi quảng canh, với mục đích lấy thịt. Vì dê cỏ dễ nuôi, khả năng thích ứng rộng và có khả năng chống chịu với bệnh tật rất tốt. Thịt thơm ngon, được ưa chuộng. Dê cỏ thuộc loại nhỏ con, khối lượng cơ thể: sơ sinh 1,7 – 1,9 kg; trưởng thành: dê cái 28 – 32 kg, dê đực 32 – 35 kg; Dê thành thục sớm. Tuổi phối giống lần đầu 6 – 7 tháng, đẻ 1,4 lứa/năm.

– Dê Bách Thảo: Là giống dê kiêm dụng sữa – thịt, có thể nuôi nhốt hoàn toàn hoặc nuôi nhốt kết hợp với chăn thả. Khối lượng: sơ sinh 2,6 – 2,8 kg; trưởng thành: dê cái 40 – 45 kg, dê đực 75 – 90 kg. Tuổi phối giống lần đầu là 7 – 8 tháng, đẻ 1,7 con/lứa và 1,8 lứa/năm. Khả năng cho sữa 1,1 – 1,5 lít/ngày với chu kỳ cho sữa là 148 – 150 ngày.

– Dê Boer: (nhập từ Mỹ năm 2002). Là giống dê chuyên thịt. Dê có ngoại hình đặc trưng hướng thịt: tròn mình, chân thấp, cơ bắp nở nang. Tăng trọng nhanh. Tỷ lệ thịt xẻ cao 50 – 55%. Khối lượng cơ thể trưởng thành: con cái 70 – 90 kg, con đực 90 – 110 kg.

Dê Jumnapari (nhập từ Ấn Độ năm 1994): Là giống dê kiêm dụng sữa – thịt. Dê có tầm vóc lớn, phàm ăn và chịu đựng tốt với thời tiết nóng bức. Khối lượng sơ sinh 2,8 – 3,5 kg; Trưởng thành: dê cái 40 – 45 kg, dê đực 70 – 80 kg. Tuổi phối giống lần đầu 8 – 9 tháng, đẻ 1,3 con/lứa và 1,3 lứa/năm. Khả năng cho sữa 1,3 – 2,5 kg sữa/ngày với chu kỳ cho sữa là 180 – 185 ngày.

– Dê Beetal (nhập từ Ấn Độ năm 1994): Là giống dê kiêm dụng sữa – thịt. Khả năng sản xuất sữa 1,7 – 2,6 lít/ngày với chu kỳ cho sữa là 190 – 200 ngày, cao hơn dê Jumnapari. Giống dê này thành thục sinh dục muộn, đẻ 1,4 – 1,5 con/lứa, 1,2 – 1,4 lứa/năm.

– Dê Barbari (nhập từ Ấn Độ năm 1994): Là giống kiêm dụng thịt – sữa. Dê có tầm vóc vừa phải, thân hình thon chắc. Là loài dễ nuôi, ăn tạp, chịu đựng kham khổ tốt, hiền lành, thích ứng rộng và rất phù hợp với các hình thức chăn nuôi ở nước ta. Khối lượng trưởng thành: con cái 30 – 35 kg và 50 – 55 kg ở con đực. Dê có khả năng sinh sản tốt, thành thục sớm, mắn đẻ, đẻ 1,7 con/lứa và 1,6 lứa/năm.

Hiện nay nước ta đang sử dụng dê đực Bách Thảo và dê Ấn Độ để lai cải tạo, nâng cao tầm vóc và năng suất giống dê Cỏ, đã thu được kết quả rất tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, để chăn nuôi thành công gia đình cũng cần thực hiện việc chăm sóc, quản lý tốt đàn dê, làm chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn dê.

Từ khóa » Dê To Nhất Việt Nam