Các Loại Giấy Phép Lao Động Tại Singapore - BBCIncorp
Có thể bạn quan tâm
Giấy phép lao động hay visa làm việc là tấm vé thông hành giúp bạn đến Singapore cho mục đích làm việc hoặc kinh doanh.
Mặc dù Singapore cung cấp một số các lựa chọn về hình thức thị thực cho người nước ngoài và các chuyên gia, việc lựa chọn đúng hình thức thị thực phù hợp phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực của bạn.
Nếu bạn còn thắc mắc về các hình thức thị thực làm việc tại Singapore, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về các hình thức thị thực cũng như thông tin để bạn tự đánh giá mức độ phù hợp đối với trường hợp của bạn.
Table of Contents
- 1. Một số gợi ý về việc xin giấy phép làm việc tại Singapore
- 2. Các hình thức thị thực lao động chính cho người nước ngoài bao gồm những loại gì?
- 2.1. Employment Pass (EP)
- 2.2. Personalized Employment Pass (PEP)
- 2.3. EntrePass
- 3. Các hình thức thị thực lao động phổ biến khác cho người nước ngoài
- 3.1. S Pass
- 3.2. Miscellaneous Work Pass (MWP)
- 3.3. Giấy phép lao động (Work Permit)
- 4. Các hình thức thị thực phù hợp cho sinh viên và thực tập sinh nước ngoài
- 4.1. Training Employment Pass (TEP)
- 4.2. Training Work Permit (TWP)
- 5. Thị thực cho người phụ thuộc tại Singapore
- 5.1. Dependant’s Pass (DP)
- 5.2. Long-term Visit Pass (LTVP)
1. Một số gợi ý về việc xin giấy phép làm việc tại Singapore
Bộ nhân lực Singapore (sau đây gọi tắt là MOM) nắm quyền quản lý lực lượng lao động cũng như các vấn đề khác liên quan đến cấp phép tuyển dụng nhân lực nước ngoài cho các công ty ở Singapore.
Mục đích của Mom là tạo ra một lực lượng lao động đa dạng và nuôi dưỡng một nơi làm việc trong đó mọi người dân của họ có thể yên tâm rằng họ được đảm bảo một công việc ổn định và phù hợp.
Nhờ các chính sách của MOM, Singapore đã thiết lập vị trí ưu việt của mình như là một trong những trung tâm của nguồn nhân lực thế giới. Trong Bảng xếp hạng nguồn nhân lực thế giới IMD 2018 (IMD Talent Ranking), Singapore xếp thứ 13 trong số các quốc gia đạt được năng lực cạnh tranh nhờ vào việc xây dựng môi trường thuận lợi nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo quy định, người nước ngoài muốn chuyển đến Singapore cho bất kỳ mục đích nào liên quan đến việc làm có nghĩa vụ phải xin Visa làm việc hoặc Giấy phép lao động. Trong bối cảnh đó, mọi thông tin và số liệu trong đơn đăng ký của bạn sẽ được Bộ này xem xét kỹ lưỡng.
Singapore cung cấp một loạt các loại thị thực và giấy phép lao động, mỗi loại được thiết kế cho một nhu cầu cụ thể. Hầu hết là cho các cam kết dài hạn, vì vậy, nói chung, một khi có được thị thực lao động phù hợp, bạn hoàn toàn có thể nộp đơn xin thường trú khi đến thời điểm thích hợp.
Mặc dù quy trình đăng kí thị thực khá đơn giản, một lỗi nhỏ có thể dẫn đến việc bị từ chối. Do đó, bạn nên truy cập trang web MOM và xem qua nó, hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ một nhà tư vấn chuyên nghiệp.
2. Các hình thức thị thực lao động chính cho người nước ngoài bao gồm những loại gì?
Bạn nên cân nhắc các hình thức thị thực sau: Employment Pass, EntrePass và Personalized Employment Pass nếu bạn là một doanh nhân có trình độ chuyên mộn, hoặc tham gia vào công việc mang lại giá trị và được trả lương cao.
2.1. Employment Pass (EP)
EP vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các chuyên gia có mục tiêu ngắn hạn là chuyển đến Singapore để sống và làm việc.
Hình thức thị thực này mang lại sự linh hoạt mà nhiều người nước ngoài cần vì lý do là nó có thể được gia hạn và người nộp đơn có thể thuộc bất kỳ quốc tịch nào trừ những nước bị đưa vào danh sách đen. Cũng không có hạn ngạch giới hạn số lượng người sở hữu EP mà một công ty Singapore có thể tuyển dụng, do đó, việc hồ sơ đăng ký của bạn có được chấp thuận hay không chỉ dựa trên năng lực của bạn mà thôi.
Bạn sẽ phù hợp với hình thức thị thực EP với điều kiện bạn được tuyển dụng cho các công việc quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia, và công việc đó mang lại thu nhập cho bạn ít nhất 4.500 đô la Singapore một tháng. Tiêu chí lượng hóa này không phải là cố định mà tăng lên tỷ lệ thuận với năng lực và vị trí mà bạn nắm giữ. Hơn nữa, bạn phải có một nền tảng chuyên môn hoặc học thuật – vd bằng cấp của một trường đại học danh tiếng có liên quan đến công việc bạn đã đảm nhận.
Khi EP của bạn được thông qua, nó sẽ có hiệu lực trong khoảng từ 1 đến 2 năm cho lần đăng kí đầu tiên. Sau đó, nó có thể được gia hạn lên đến 3 năm cho các lần tiếp theo.
Miễn là nhà tuyển dụng giữ bạn trong danh sách bảng lương và gia hạn thẻ thay cho bạn, bạn có thể ở lại Singapore bao lâu bạn muốn. EP cũng được liệt kê là tiêu chí quan trọng để đăng kí thường trú nhân tại Singapore.
> Xem thêm: Thị Thực Làm Việc Employment Pass tại Singapore.
2.2. Personalized Employment Pass (PEP)
PEP đơn giản là một phiên bản nâng cấp của EP.
Mặc dù người nắm giữ EP được liên kết với một công ty tuyển dụng duy nhất trong suốt thời gian ở Singapore, PEP sẽ mang lại cho bạn sự linh hoạt vì việc nắm giữ nó cho phép bạn chuyển đổi công việc và ký kết hợp đồng với các nhà tuyển dụng khác theo ý của bạn. Thêm vào đó, bạn có thể làm điều đó mà không phải xin lại giấy phép mới.
Nếu bạn dự định đăng ký PEP hoặc nâng cấp từ EP lên PEP, bạn sẽ cần phải đáp ứng các điều kiện bổ sung khác, khó khăn hơn so với EP.
Vì thị thực PEP được thiết kế cho các chuyên gia được trả lương cao để giúp họ tự do hơn, bạn phải có mức lương tối thiểu 18.000 đô la Singapore mỗi tháng nếu bạn là một chuyên gia nước ngoài; hoặc ít nhất 144.000 đô la Singapore mỗi năm và 12.000 đô la Singapore mỗi tháng nếu bạn đang sở hữu EP.
Thị thực PEP cũng mang lại nhiều nghĩa vụ báo cáo hơn cho người nắm giữ. Chủ sở hữu được yêu cầu thông báo cho chính quyền từng chút thay đổi về tình trạng việc làm của mình. Trong trường hợp bạn thất nghiệp hơn 6 tháng trong khi giữ PEP, bạn phải thông báo cho MOM để hủy hình thức thị thực này.
Có hai nhược điểm chính liên quan đến thị thực PEP. Một trong số đó là bạn không thể gia hạn sau khi hết hạn sau 3 năm kể từ ngày phát hành. Thứ hai là việc bạn tạm thời không đủ điều kiện để bắt đầu công việc kinh doanh mới của riêng mình trong thời gian hiệu lực của thị thực.
Và đương nhiên là bạn đủ điều kiện để nộp đơn xin thường trú tại Singapore nếu bạn có PEP.
2.3. EntrePass
EntrePass ban đầu được giới thiệu để cung cấp cho người nước ngoài khả năng tiếp cận hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore. Chương trình này được thiết kế dành riêng cho các doanh nhân, nhà đầu tư hoặc nhà phát minh đang chuẩn bị chuyển đến Singapore và biến ý tưởng của họ thành hiện thực.
Khi bạn đăng ký EntrePass, nền tảng học vấn của bạn được đặt sang một bên. Thay vào đó, để đủ điều kiện nhận EntrePass, bạn phải chứng minh một cách thuyết phục tư duy kinh doanh của mình với MOM. Con đường duy nhất dẫn tới việc chấp thuận là giới thiệu bề dày kinh nghiệm quản lý kinh doanh hoặc kết quả tuyệt vời của các khoản đầu tư của bạn trong quá khứ.
Bạn nên đăng ký công ty mới tại Singapore chỉ sau khi nhận được phê duyệt cho EntrePass. Lưu ý rằng nếu bạn đã có sẵn doanh nghiệp tại Singapore, thì thời gian hoạt động của nó kể từ khi thành lập không được quá 6 tháng.
Ngoài ra, vì sự nghiêm ngặt trong các tiêu chí đánh giá, nên sẽ không có hạn ngạch giới hạn số lượng chủ sở hữu hoặc ứng viên đăng kí EntrePass.
EntrePass sẽ hết hiệu lực sau 1 năm cho lần gia hạn đầu tiên và mỗi 2 năm sau đó. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng miễn là công ty của bạn không ngừng hoạt động và đáp ứng một số điều kiện nhất định, bạn hoàn toàn có thể gia hạn Entrepass.
Giống như hình thức EP, chủ sở hữu EntrePass đủ điều kiện để đăng ký thường trú nhân khi thích hợp.
> Xem thêm: Thị Thực Cho Doanh Nhân EntrePass tại Singapore.
3. Các hình thức thị thực lao động phổ biến khác cho người nước ngoài
S Pass, các hình thức thị thực làm việc khác (Miscellaneous Work Pass) và Giấy phép lao động (Work Permit) là một số loại giấy phép lao động phù hợp nhất ở Singapore dành cho lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn và tay nghề ở mức vừa phải.
3.1. S Pass
Thoạt nhìn, S Pass tại Singapore có một số điểm tương đồng với EP.
Giấy phép lao động này cung cấp cho các công nhân kỹ thuật lành nghề cơ hội sinh sống và làm việc tại Singapore. Người nộp đơn có thể là công dân của bất kỳ quốc gia nào không nằm trong danh sách đen.
Ngoài ra, việc giữ S Pass tại Singapore sẽ ràng buộc bạn với một nhà tuyển dụng cụ thể, có nghĩa là đơn đăng ký chỉ có thể được gửi đi từ nhà tuyển dụng và bạn sẽ buộc phải xin cấp lại thị thực mới nếu rời bỏ công việc hiện tại vào bất kỳ thời điểm nào trước ngày hết hạn của thị thực.
Ứng viên tiềm năng cho S Pass là một người có thể chứng minh trình độ chuyên môn của mình bằng các bằng cấp như bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ kỹ thuật phù hợp với lĩnh vực sẽ làm việc Họ cũng được yêu cầu có mức thu nhập ít nhất 2.500 đô la Singapore một tháng.
Thẻ S Pass tại Singapore có thể được gia hạn và có hiệu lực từ 1 đến 2 năm trên cơ sở đánh giá của MOM và dựa trên năng lực của người nộp đơn.
Rõ ràng là bộ tiêu chí cho S Pass không nghiêm ngặt như các loại khác mà chúng ta đã thảo luận cho đến nay.
Chính thực tế này có thể dẫn đến làn sóng nhập cư ồ ạt vào Singapore. Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng có khả năng xảy ra này, một hạn ngạch đã được áp đặt. Do đó, số lượng người sở hữu S Pass tại Singapore được giới hạn ở mức 15% tổng lực lượng lao động trong các công ty dịch vụ và 20% trong các công ty thuộc các lĩnh vực khác.
Nếu bạn giữ S Pass, bạn có thể nộp đơn xin thường trú khi mọi tiêu chí đều được đáp ứng.
3.2. Miscellaneous Work Pass (MWP)
Nếu bạn nhận một nhiệm vụ công tác ngắn hạn ở Singapore, thì việc nộp đơn xin cấp MWP sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Hình thức thị thực này cho phép người nước ngoài ở lại tạm thời (tối đa trong 60 ngày) tại Singapore để thực hiện các dự án của họ.
Theo MOM, bạn có thể đăng ký MWP với điều kiện bạn được tài trợ bởi một tổ chức hoặc hiệp hội có trụ sở tại Singapore để chịu trách nhiệm tổ chức, điều phối bất kỳ hội thảo, hội nghị, hoặc các cuộc diễn thuyết liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào, chủng tộc, cộng đồng, và chính trị.
Các cá nhân đủ điều kiện khác bao gồm các nhà báo nước ngoài, phóng viên hoặc các thành viên phi hành đoàn đi kèm không được tài trợ bởi bất kỳ cơ quan Chính phủ Singapore nào.
Một điều bạn cần lưu ý: không có hạn ngạch đối với những người nắm giữ MWP, bạn cũng không thể đăng ký thường trú nếu bạn giữ MWP.
3.3. Giấy phép lao động (Work Permit)
Giấy phép lao động đáp ứng nhu cầu của những người lao động lành nghề, những người có ý định chuyển đến Singapore để làm việc và sinh sống. Quốc tịch của ứng viên sẽ được đánh giá đầu tiên: họ phải đến từ một quốc gia hoặc khu vực đã được MOM lựa chọn.
Ngoài ra, Giấy phép lao động được chia nhỏ thành nhiều loại trên cơ sở các đối tượng đăng ký, như giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, Giấy phép lao động cho người lao động nhập cư, cho người giữ trẻ hoặc nghệ sĩ biểu diễn. Mỗi loại giấy phép lao động cũng khác biệt trong hạn ngạch được áp đặt và trong các khoản thuế hàng tháng được yêu cầu của người sử dụng lao động.
Cũng như S Pass, Giấy phép lao động có thời hạn hiệu lực lên tới 2 năm và có thể được gia hạn.
4. Các hình thức thị thực phù hợp cho sinh viên và thực tập sinh nước ngoài
Ngoài mục đích làm việc và kinh doanh, bạn có thể đăng ký Training Employment Pass hay Training Work Permit nếu bạn đã đăng ký một khóa đào tạo tại Singapore.
4.1. Training Employment Pass (TEP)
TEP được thiết kế riêng cho sinh viên nước ngoài hoặc thực tập sinh đã đăng ký một khóa đào tạo tại Singapore.
Các ứng viên tiềm năng cho chương trình thị thực này phải đáp ứng một loạt các tiêu chí bao gồm có được mức lương ít nhất 3.000 đô la Singapore một tháng và được tổ chức có uy tín tại Singapore tài trợ, bên cạnh một loạt các điều kiện khác.
4.2. Training Work Permit (TWP)
Là một biến thể của hình thức TEP, TWP được thiết kế dành cho các thực tập sinh nước ngoài không có trình độ tay nghề cao, những người tìm cách có được kinh nghiệm thực tiễn bằng cách tham gia đào tạo tại chỗ tại Singapore.
Không giống như TEP, bộ tiêu chí để xin cấp TWP hoàn toàn nằm trong tầm tay. Các ứng viên chỉ được yêu cầu (1) hiện đang làm việc trong một công ty nước ngoài có liên quan đến khóa đào tạo được đề xuất; hoặc (2) tham gia vào một khóa học chuyên sâu trong một tổ chức giáo dục có trụ sở tại Singapore.
5. Thị thực cho người phụ thuộc tại Singapore
Dependant’s Pass và Long-term Visit Pass nên được xem xét nếu bạn muốn sống với con cái hoặc những người thân trong gia đình ở Singapore
5.1. Dependant’s Pass (DP)
DP tạo điều kiện cho người nước ngoài đoàn tụ với các thành viên gia đình họ hiện đang sống và làm việc tại Singapore.
Nếu bạn giữ thị thực lao động dưới dạng Employment Pass hoặc S Pass và có thể chứng minh mức lương cố định hàng tháng ít nhất là 6.000 đô la Singapore, bạn hoàn toàn có thể đăng kí DP thay cho thành viên gia đình bạn. Tuy nhiên, giấy phép này chỉ dành riêng cho người phụ thuộc là (1) vợ/chồng hợp pháp của bạn và (2) con ruột / con nuôi hợp pháp chưa lập gia đình và phải dưới 21 tuổi.
Khi DP được chấp thuận, người phụ thuộc được phép tìm kiếm việc làm với điều kiện người sử dụng lao động phải thông báo với MOM và xin cấp thư chấp thuận (LOC) thay mặt người lao động.
Thời hạn hiệu lực của DP phụ thuộc vào thời hạn hiệu lực của thị thực chính. Vì vậy, bạn có thể yên tâm rằng miễn là thẻ của bạn còn hiệu lực, người phụ thuộc của bạn sẽ được phép ở lại.
> Xem thêm: Thị Thực Cho Người Phụ Thuộc tại Singapore.
5.2. Long-term Visit Pass (LTVP)
Nếu thành viên trong gia đình bạn không rơi vào nhóm đối tượng đủ điều kiện đăng kí DP, bạn có thể đăng ký thị thực LTVP như là giải pháp thay thế.
Biến thể này cho phép người sở hữu Employment Pass hoặc S Pass mang theo vợ/chồng ngoài hôn thú, con riêng hoặc con cái bị khuyết tật của họ đến Singapore. Ngoài ra, người giữ thị thực chính được yêu cầu phải có mức lương ít nhất 12.000 đô la Singapore một tháng nếu muốn cha mẹ đi cùng hoặc 6.000 đô la Singapore một tháng cho các trường hợp còn lại.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến các thị thực làm việc và giấy phép lao động tại Singapore, hãy nhắn tin trực tiếp cho BBCIncorp hoặc gửi email cho chúng tôi qua service@bbcincorp.sg
Từ khóa » điều Kiện Sang Singapore Làm Việc
-
Điều Kiện Và Chi Phí Sang Singapore Làm Việc - Báo Người Lao động
-
Thủ Tục Làm Việc ở Singapore Cho Người Lao động Việt Nam
-
Lao Động Cần Chuẩn Bị Gì Khi Đi Sang Singapore Làm Việc
-
Chi Phí Xuất Khẩu Lao động Singapore - Vnsava
-
Điều Kiện Và Thủ Tục đi Xuất Khẩu Lao động Tại Singapore
-
Xuất Khẩu Lao động Singapore 2022 Có Gì Hay?
-
ĐI XKLD SINGAPORE - NHỮNG CÁI BẪY VIỆC NHẸ LƯƠNG CAO
-
Có Nên Đi Xuất Khẩu Lao Động Singapore 2021 Không?
-
Bạn Biết Gì Về Cách Xin Visa Làm Việc Tại Singapore? - Du Học VNPC
-
Thủ Tục Xuất Khẩu Lao động đi Singapore - Xin Visa
-
Thẻ Lao động Tại Singapore Gồm Có Những Loại Nào? | VPEdu
-
Đi XKLĐ Singapore Có Tốt Không? Có Những Ngành Nghề Gì? Điều ...
-
Hữu ích: Đi Xuất Khẩu Lao động (XKLĐ) Sang Singapore 2020 Từ A-Z
-
Đi XKLD Singapore - Tiết Lộ Quy Trình đơn Giản Nhất