Các Loại Thảo Mộc Và Gia Vị Trong Ẩm Thực Châu Âu

Khi bắt đầu đi sâu khám phá về một nền ẩm thực nào đó, theo mình điều quan trọng trước tiên là tìm hiểu về những loại gia vị tạo nên sự đặc trưng của các món ăn ở đây. Gia vị chính là linh hồn của món ăn, nhất là với ẩm thực phương Tây, vì khi nhìn vào cách chế biến chúng có thể sẽ đơn giản nhưng mùi vị mà các món ăn đó mang lại thì khó có thể làm bạn thất vọng. Điều đó chính là nhờ vào sự tinh tế mà những loại gia vị thảo mộc mang lại. 

Chỉ với một vài từ khóa đơn giản là bạn có thể tìm được rất nhiều bài viết về các loại gia vị thảo mộc châu Âu, nhưng ở bài viết này mình muốn chia sẻ một cách xúc tích mà chi tiết nhất tìm hiểu của mình về những mùi vị đặc trưng, cách phối hợp với các món ăn và cách bảo quản các loại gia vị thảo mộc này. 

Parsley: Rau mùi (ngò) tây.

Các loại thảo mộc dùng trong ẩm thực châu Âu nói chung và ẩm thực Ý nói riếng

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: parsley là một loại gia vị thảo mộc rất giàu dinh dưỡng vì có rất nhiều chất sắt, natri và vitamin C. Parsley xuất hiện trong hầu hết các món Ý, thường dùng cho các món ăn có nhiều hương vị, để thêm vào vị thơm man mát giống cỏ dại, vị giòn ngọt nhẹ nhàng, rất tuyệt để đánh thức vị giác. Parsley thực ra có hai loại là flat parsley và curly parsley, nhưng loại hay được dùng trong các món ăn Ý là flat parsley vì nó có mùi nồng và làm cho món ăn có vị ngon hơn.

Cách phối hợp món ăn: parsley có thể được dùng trong các món sốt, súp và món hầm. Lá parsley cắt nhỏ thường dùng để rắc lên món ăn lúc vừa nấu xong, 

Cách bảo quản: cắm chúng vào nước rồi cho vào tủ lạnh. Dùng một túi ni-lon để phủ lên trên, tránh hơi lạnh của tủ làm lá mất nước.

Basil: Húng tây.

Các loại thảo mộc dùng trong ẩm thực châu Âu nói chung và ẩm thực Ý nói riếng

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: basil là loại thảo mộc đặc trưng của ẩm thực Ý, vị cay cay hăng hăng rồi ngọt hậu với hương thơm giống hoa hồi nhưng có phần the hơn tạo cho món ăn có vị tươi mát.

Cách phối hợp món ăn: basil hợp với những món ăn đi kèm với cà chua như là súp, salad, pizza.

Cách bảo quản: cắm chúng vào nước rồi cho vào tủ lạnh. Dùng một túi ni-lon để phủ lên trên, tránh hơi lạnh của tủ làm lá mất nước.

Thyme: Cỏ xạ hương.

Các loại thảo mộc dùng trong ẩm thực châu Âu nói chung và ẩm thực Ý nói riếng

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: thyme có xuất xứ từ Trung Đông và được du nhập vào châu Âu, là loại thảo mộc có cái vị cay lạnh giá với hương thơm nồng nàn pha chút ngọt ngào.

Cách phối hợp món ăn: thyme thường mất thời gian nấu mới cho ra mùi thơm nên nó đã trở thành cặp đôi hoàn hảo với những món nướng và món hầm. Thyme hợp để đi kèm với cà rốt, khoai tây, cà chua, thịt bò, thịt gà, thịt cừu, hành tây,...

Cách bảo quản: lót giấy ăn vào một chiếc hộp rồi cất chúng vào đó, lót thêm một lớp giấy nữa lên trên trước khi đóng kín nắp lại và để trong tủ lạnh.

Rosemary: Lá hương thảo.

Các loại thảo mộc dùng trong ẩm thực châu Âu nói chung và ẩm thực Ý nói riếng

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: rosemary có vị hơi đăng đắng và mùi thơm rất đặc biệt, giống với lá thông trộn cùng vỏ chanh vàng, lan tỏa mạnh và quyện sâu.

Cách phối hợp món ăn: rosemary thường được dùng trong các món rô ti, nướng và trong các món hầm, thích hợp khi tẩm ướp với nhiều loại thịt như thịt heo, thịt gà, thịt thỏ, thịt cừu (rosemary làm bay hết mùi hôi của cừu). Rosemary cũng có thể được dùng trong các món rau, các món đi với cá và cà chua, nhưng chủ yếu là để tẩm ướp. Ngoài ra nó cũng hợp với thịt bê, cá hồi, khoai tây, hành tây, nấm, đậu Hà Lan,...

Cách bảo quản: lót giấy ăn vào một chiếc hộp rồi cất chúng vào đó, lót thêm một lớp giấy nữa lên trên trước khi đóng kín nắp lại và để trong tủ lạnh.

Sage: Lá xô thơm.

Các loại thảo mộc dùng trong ẩm thực châu Âu nói chung và ẩm thực Ý nói riếng

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: sage có vị cay nhè nhẹ, the the, pha chút xíu đăng đắng (loại tươi ít đắng hơn loại khô).

Cách phối hợp món ăn: sage thích hợp với các loại thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng), thịt heo và xúc xích. Đối với các loại rau thì sage thích hợp với cà tím, cà chua, các loại đậu. Nói chung sage hợp với các món ăn béo và bùi. 

Cách bảo quản: lót giấy ăn vào một chiếc hộp rồi cất chúng vào đó, lót thêm một lớp giấy nữa lên trên trước khi đóng kín nắp lại và để trong tủ lạnh.

Oregano (không có tên tiếng Việt)

Các loại thảo mộc dùng trong ẩm thực châu Âu nói chung và ẩm thực Ý nói riếng

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: oregano là hương vị thảo mộc mà ta vẫn thường tìm thấy khi nếm món sốt cà chua kiểu Ý và đế bánh pizza. Vị trầm nhưng rõ rệt, hơi cay cay và hương thơm mang chất gỗ khiến cho nó khó có thể bị nhầm lẫn với bất kỳ loại thảo mộc nào khác.

Cách phối hợp món ăn: oregano được dùng rất phổ biến trong pizza và thậm chí trong các loại bánh mặn trong các siêu thị ở Ý hay Tây Ban Nha. Oregano cũng được dùng để đi kèm với các món có sốt cà chua.

Cách bảo quản: lót giấy ăn vào một chiếc hộp rồi cất chúng vào đó, lót thêm một lớp giấy nữa lên trên trước khi đóng kín nắp lại và để trong tủ lạnh.

Marjoram (không có tên tiếng Việt)

cây gia vị châu âu

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: marjoram được dùng nhiều ở miền Bắc nước Ý còn oregano thì phổ biến ở miền Nam. Marjoram có mùi nhẹ hơn nên cảm giác được vị ngọt.

Cách phối hợp món ăn: loại rau thơm này được dùng nhiều để tăng thêm mùi thơm cho các loại thịt (bò, dê, gà,...), rau và các món súp. Marjoram đặc biệt hợp với cà rốt và dưa leo theo cách nấu ăn của Ý. Nhưng vì marjoram có mùi nhẹ nên không nấu lâu (như thyme, rosemary hay bay leaf).

Cách bảo quản: lót giấy ăn vào một chiếc hộp rồi cất chúng vào đó, lót thêm một lớp giấy nữa lên trên trước khi đóng kín nắp lại và để trong tủ lạnh.

Bay leaf: Nguyệt quế.

các loại lá gia vị

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: bay leaf phổ biến ở các nước châu Âu nói chung chứ không riêng gì ở Ý. Bay leaf mà chúng ta thường thấy là ở dạng khô, có vị ngọt ấm. Bay leaf chỉ có hiệu quả trong những món có thời gian đun nấu lâu.

Cách phối hợp món ăn: bay leaf thường được dùng để tạo mùi thơm cho các món súp và món hầm. 

Cách bảo quản: cất vào túi kín và để vào nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng.

Mint: Bạc hà cay.

bạc hà cay

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: mint không chỉ là một nguyên liệu ẩm thực mà còn là một vị thuốc và được sử dụng rộng rãi trong cả lĩnh vực hóa mỹ phẩm. Mint có cái cay đốt đầu lưỡi, hương thơm bám lâu và sảng khoái.

Cách phối hợp món ăn: dùng để trang trí cho các món tráng miệng hoặc để pha các loại thức uống.

Cách bảo quản: cắm chúng vào nước rồi cho vào tủ lạnh, dùng một túi ni-lon để phủ lên trên, tránh hơi lạnh của tủ làm lá mất nước.

Saffron: Nhụy hoa nghệ tây.

các loại gia vị châu âu

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: saffron có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, là loại gia vị đắt đỏ nhất thế giới vì việc sản xuất và thu hoạch nó rất kì công. Saffron có mùi hương là sự pha trộn của hương mật ong ngọt ngào và chút khe khé của thuốc lá, vị nhẹ, hơi ngòn ngọt ẩn chút đắng đắng. 

Cách phối hợp món ăn: saffron thường được dùng khi nấu các món hải sản, tạo cho những món hải sản có mùi thơm đặc trưng và cũng làm cho món ăn có màu vàng ruộm. Khi sử dụng loại gia vị này, tránh để nó tiếp xúc với nhiệt độ cao và không được dùng thìa gỗ bởi nhiệt độ cao sẽ gây bay hơi còn thìa gỗ sẽ hút hết hương vị của nó.

Cách bảo quản: cất vào túi kín và để nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh sáng.

Nutmeg: Nhục đậu khấu.

các loại thảo mộc dùng trong nấu ăn

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: nutmeg có vị trầm, bùi và hơi the the. 

Cách phối hợp món ăn: nhục đậu khấu là sự kết hợp tuyệt vời với những loại sốt có vị béo. Dùng quá nhiều nutmeg sẽ tạo ra vị đắng khó chịu nhưng với lượng nhỏ vừa phải, nó sẽ khiến món ăn của bạn duyên dáng hơn hẳn. 

Cách bảo quản: cất vào túi kín và để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng.

Fennel seed: Hạt thì là. 

hạt thì là

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: fennel seed có vị ngọt, hương thơm đậm mùi cam thảo.

Cách phối hợp món ăn: loại gia vị này có khả năng khử tanh tốt, là cặp đôi trời sinh với những món hải sản.

Cách bảo quản: cất vào túi kín, để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng.

Cardamom: Bạch đậu khấu.

gia vị món âu

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: cardamom là gia vị xuất xứ ở Ấn Độ và sau này được du nhập vào châu Âu. Cardamom là cây thuộc họ gừng, cũng vì thế mà hương vị của nó có tính ấm, the the.

Cách phối hợp món ăn: cardamom là một cặp bài trùng với cam, thường dùng để làm bánh.

Cách bảo quản: cất vào túi kín và để khô ráo , thoáng mát, tránh ánh sáng.

Va-ni

các loại gia vị châu âu

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: va-ni chính là thứ gia vị đắt đỏ thứ nhì, ngay sau nhụy hoa nghệ tây. Sự đắt đỏ cũng đến từ lý do: người ta phải chăm sóc và thu hoạch bằng tay và thời gian thu hoạch cũng rất ngắn.

Cách phối hợp món ăn: va-ni sinh ra để đi cùng với những món đậm vị béo của kem, sữa.

Cách bảo quản: bảo quản va-ni trong túi kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng và tuyệt đối không để trong tủ lạnh.

Vỏ cam.

các loại gia vị châu âu

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: vỏ cam có hương thơm sáng và ngọt ngào. 

Cách phối hợp món ăn: vỏ cam đem lại cảm giác ấm áp và dễ chịu cho những công thức rượu mùi hay tráng miệng. Ngoài ra, mùi của vỏ cam còn có tác dụng khử tanh rất tốt.

Cách dùng: nên dùng vỏ cam khi còn tươi, vừa cạo ra tử quả. Nên bỏ phần cùi trắng để tránh vị đắng.

Vỏ chanh vàng.

gia vị âu

Giới thiệu chung và mùi vị đặc trưng: tương tự như vỏ cam, vỏ chanh vàng có hương thơm sáng trong trẻo như nắng mai, rất dễ chịu.

Cách phối hợp món ăn: vỏ chanh thường được dùng để thêm hương thơm cho những công thức tráng miệng có nhiều chất béo và dùng sống cùng parsley để tăng hương vị cho món ăn hoặc khử tanh cho hải sản.

Cách dùng: vỏ chanh nên dùng khi còn tươi, vừa cạo từ quả. Nên bỏ phần cùi trắng để tránh vị đắng.

Để viết bài này mình có tham khảo kiến thức từ 2 nguồn là blog https://qakitchen.wordpress.com và sách Lassimino của tác giả LV.Lâm cùng những hình ảnh thảo mộc sưu tầm trên google. Cảm ơn 2 tác giả và cảm ơn mọi người đã đọc bài viết này. Hy vọng sẽ cung cấp được phần nào kiến thức mà các bạn muốn tìm kiếm.

Có thể bạn  chưa biết:

  • Cách Làm Mì Ý Tôm Sốt Kem Phô Mai Lạ Miệng
  • Top 10 Thảo Mộc Trong Món Âu Giúp Phòng Ngừa Và Chữa Bệnh
  • 40 Công Thức Làm Món Âu Tinh Tế Cho Lễ Tình Nhân

Từ khóa » Gia Vị âu ẩm Thực