Các Loại Thuế Doanh Nghiệp Phải Nộp - Apolo Lawyers

Sau khi được thành lập, doanh nghiệp sẽ được cấp mã số doanh nghiệp. Mã số này cũng đồng thời là mã số thuế. Theo đó, doanh nghiệp phải đóng 4 loại lệ phí, thuế chính gồm: Lệ phí môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, và thuế giá trị gia tăng.

1. Lệ phí môn bài

Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

- Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;

- Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;

- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.

Lưu ý:

Mức thu lệ phí môn bài đối nêu trên căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

Doanh nghiệp mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Doanh nghiệp có thông báo gửi cơ quan thuế về việc tạm ngừng kinh doanh cả năm dương lịch thì không phải nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch thì vẫn phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm.

2. Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTTT)

Thuế GTTT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng gồm phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.

a. Phương pháp khấu trừ:

Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào

b. Phương pháp trực tiếp:

Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa * Thuế suất GTGT của hàng hóa đó.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN)

Thuế TNDN là loại thuế thu trên khoản lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý.

Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế TNDN * Thuế suất

4. Thuế thu nhập cá nhân (Thuế TNCN)

Thuế TNCN là loại thuế mà doanh nghiệp nộp thay cho người lao động. Thuế TNCN được tính theo tháng, kê khai theo tháng hoặc quý nhưng quyết toán theo năm.

Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế TNCN * Thuế suất

Trong đó:

- Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ

- Thu nhập chịu thuế TNCN là tổng TNCN nhận được từ công ty chi trả.

- Các khoản giảm trừ bao gồm:

+ Giảm trừ gia cảnh: Đối với bản thân là 9.000.000 đồng/người/tháng. Đối với người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/người/tháng.

Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.

Cơ sở pháp lý:

- Thông tư 302/2016/TT-BTC;

- Luật Thuế GTGT 2008 (sửa đổi, bổ sung 2013, 2014, 2016);

- Luật Thuế TNDN 2008 (sửa đổi, bổ sung 2013, 2014);

- Luật Thuế TNCN 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014).

Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp mà Quý độc giả cần nắm để điều hành hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Thủy Lê

Từ khóa » Các Loại Thuế Doanh Nghiệp Xây Dựng Phải Nộp