Các Loại Thuốc Giảm đau Bụng Kinh Và Lưu ý Khi Sử Dụng | Medlatec

1. Dùng thuốc giảm đau bụng kinh có hiệu quả không?

Đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh là tình trạng thường gặp ở phụ nữ, phần lớn ở mức độ nhẹ và không kéo dài. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc để giảm đau bụng kinh được ưu tiên hơn và hầu hết có hiệu quả như: chườm ấm, nghỉ ngơi,…

Đau bụng kinh là tình trạng thường gặp ở chị em phụ nữ

Đau bụng kinh là tình trạng thường gặp ở chị em phụ nữ

Tuy nhiên, nếu bị đau dữ dội, kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thì sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh là cần thiết. Cơ chế giảm đau của thuốc thông qua các tác dụng sau:

  • Làm giãn cơ tử cung: Đau bụng kinh chủ yếu xuất phát từ những cơn co thắt đột ngột của tử cung nhằm đẩy lớp niêm mạc tử cung đã bong ra ra ngoài. Thuốc giảm đau bụng kinh sẽ giúp giảm tình trạng co thắt đột ngột và từ đó giảm đau hiệu quả.

  • Ức chế tổng hợp Prostaglandin: Đây là chất gây ra những cơn co thắt tử cung trong kỳ kinh nguyệt, thuốc ức chế chất này cũng sẽ làm giảm mức độ cơn đau khi đến ngày.

Với những tác dụng trên, thuốc giảm đau bụng kinh có hiệu quả khá nhanh với những cơn đau bụng kinh nguyên phát do co thắt tử cung. Các nhóm thuốc phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm:

 Thuốc chống co thắt hướng cơ ngăn ngừa hiệu quả đau bụng kinh

Thuốc chống co thắt hướng cơ ngăn ngừa hiệu quả đau bụng kinh

  • Thuốc chống co thắt hướng cơ: chứa các thành phần như alverin, drotaverine, dipropylene.

  • Thuốc nội tiết tố sinh dục nữ: chứa progesteron, estrogen, lynestrenol, dydrogesterone.

  • Thuốc ức chế prostaglandin hay thuốc chống viêm không steroid phù hợp với nữ giới chưa quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, với những trường hợp đau bụng kinh nghiêm trọng do kết hợp với các bệnh lý như: viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng qua đường tình dục, u xơ tử cung,… thì thuốc giảm đau bụng kinh sẽ không có nhiều tác dụng. Cơn đau thứ phát này thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, cơn đau nghiêm trọng xuất hiện đột ngột kéo dài không thuyên giảm dù bạn đã áp dụng các biện pháp giảm đau hay dùng thuốc.

Lúc này, cần đi khám để tìm ra nguyên nhân bệnh lý gây đau bụng kinh thứ phát và điều trị nguyên nhân mới có thể cải thiện tình trạng đau.

2. Các loại thuốc giảm đau bụng kinh phổ biến hiện nay

Thuộc các nhóm thuốc trên, trên thị trường hiện nay phổ biến các loại thuốc giảm đau bụng kinh sau:

2.1. Thuốc Cataflam

Cataflam thuộc nhóm thuốc giảm đau không Steroid, với thành phần chính là Natri của Diclofenac. Thuốc được dùng khá phổ biến trong các loại thuốc giảm đau bụng kinh, song có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng liều cao trong thời gian dài như: buồn nôn, tiêu chảy, tăng men gan, giảm chức năng thận, đau vùng thượng vị,…

Cataflam có tác dụng giảm đau bụng kinh nhanh

Cataflam có tác dụng giảm đau bụng kinh nhanh

Lưu ý khác là không dùng chung thuốc Cataflam với các loại thuốc chống viêm không Steroid hoặc thuốc chống đông máu tránh biến chứng nguy hiểm, không sử dụng thuốc cho trẻ dưới 14 tuổi.

2.2. Thuốc Mefenamic acid

Mefenamic acid cũng thuộc nhóm thuốc giảm đau không steroid, có tác dụng giảm đau bụng kinh nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, không nên dùng Mefenamic acid thường xuyên và kéo dài trên 7 ngày tránh dẫn đến các triệu chứng mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu,…

Ngoài ra, Mefenamic acid cũng chống chỉ định với người đang dùng thuốc chống đông, thuốc chống viêm không steroid hoặc người có tiền sử động kinh.

2.3. Thuốc Alverin

Alverin có tác dụng hướng cơ làm giảm co thắt tử cung - nguyên nhân gây ra những cơn đau bụng kinh kéo dài trước và trong chu kỳ kinh nguyệt. Alverin chỉ chống chỉ định với người bị huyết áp thấp, thuốc được bán phổ biến song nên dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Dùng thuốc tránh thai cũng giúp giảm đau bụng kinh

Dùng thuốc tránh thai cũng giúp giảm đau bụng kinh

2.4. Thuốc tránh thai

Sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày không chỉ giúp các cặp đôi quan hệ tình dục an toàn và sinh đẻ có kế hoạch mà còn là một liệu pháp tốt để chị em phụ nữ giảm đau bụng kinh đến 90%. Sử dụng thuốc ổn định sẽ giúp hormone trong cơ thể cũng ổn định hơn, giảm sản xuất prostaglandin và từ đó cơn đau bụng kinh được cải thiện.

Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc tránh thai hàng ngày có thể gặp bao gồm: buồn nôn, đau đầu, thay đổi tâm trạng, đau ngực, giữ nước dẫn đến tăng cân,…

Nhìn chung, các thuốc giảm đau bụng kinh có tác dụng giảm co thắt hoặc điều hòa hormone trong cơ thể gây ít tác dụng phụ hơn với sức khỏe. Tuy nhiên, các thuốc giảm đau không Steroid giúp giảm đau nhanh hơn song không được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng thường xuyên hoặc kéo dài. Bất cứ loại thuốc giảm đau bụng kinh nào cũng có thể gây những tác dụng phụ nhất định, hãy trao đổi thêm với bác sĩ để được giải đáp và chỉ định dùng thuốc an toàn, hiệu quả.

3. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau bụng kinh

Những loại thuốc giảm đau bụng kinh trên có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp, nếu cơn đau vẫn nghiêm trọng hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám. Nguyên nhân gây đau có thể do bệnh lý vùng kín hoặc bệnh lý hệ sinh sản, cần điều trị triệt để mới có thể làm giảm tình trạng đau đớn.

Lối sống lành mạnh là cách để giảm đau bụng kinh tự nhiên

Lối sống lành mạnh là cách để giảm đau bụng kinh tự nhiên

Bên cạnh sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng nên kết hợp với thay đổi lối sống, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh để tăng sức khỏe cơ thể nói chung và cải thiện tình trạng đau nói riêng. Dưới đây là một số lời khuyên dinh dưỡng và lối sống hợp lý giúp làm giảm đau bụng kinh lâu dài:

  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 3 - 5 buổi/tuần với thời gian mỗi buổi từ 20 - 30 phút.

  • Nghỉ ngơi phù hợp, uống nhiều nước, giảm căng thẳng quá mức hay stress trong công việc và gia đình

  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các Vitamin A, E, B6, C, sắt, Magie, Vitamin B12,…

  • Dùng túi chườm nóng mỗi khi có triệu chứng chuẩn bị hành kinh hoặc đang trong thời gian hành kinh.

Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau bụng kinh mà cần tuyệt đối dùng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Nếu sử dụng sai cách, thuốc giảm đau bụng kinh có thể gây hại ngược lại cho sức khỏe, khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khóa » Giảm đau Bụng Kinh Uống Thuốc Gì