Dùng Thuốc Gì Giảm đau Bụng Kinh? - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Bùi Thảo Trang (Hà Nội)

Bạn Trang thân mến! Đau bụng kinh là một triệu chứng rất hay gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản hoặc các bạn gái mới bắt đầu có kinh. Đây là do sự co thắt của cơ tử cung để đẩy máu kinh từ buồng tử cung ra ngoài âm đạo. Nguyên nhân gây đau bụng kinh là do khi đến kỳ kinh, cơ thể nữ giới giải phóng prostaglandin khiến cho nồng độ hormon này tăng cao. Prostaglandin không chỉ gây co bóp tại cơ tử cung mà còn thúc đẩy quá trình co bóp của các mạch máu trong đó khiến các cơn đau càng dữ dội hơn.

Để thoát khỏi triệu chứng này, có thể dùng thuốc giảm đau: diclofenac, ibuprofen, indomethacin, ketoprofen, naproxen, piroxicam... Các thuốc này có tác dụng ức chế cyclo-oxygenase (COX) nên ức chế tổng hợp prostaglandin, vì thế được dùng nhiều để giảm cơn đau bụng kinh. Tuy nhiên, với những người có vấn đề về tiêu hoá, người bị hen phế quản, bệnh thận hoặc đang bị mất nước không nên dùng các thuốc này. Lưu ý, nên uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn để tránh kích ứng dạ dày. Không phối hợp các thuốc NSAID với nhau vì sẽ làm tăng độc tính của thuốc. Nên sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có thể và trong thời gian ngắn nhất có thể để tránh tác dụng phụ của thuốc.

Ngoài ra, có thể dùng thuốc chống co thắt để giảm cơn đau bụng kinh như alverin. Thuốc có tác dụng chống co thắt, giúp giảm đau do co thắt cơ.  Không dùng trong các trường hợp quá mẫn với thành phần của thuốc, tắc ruột hoặc liệt ruột, tắc ruột do phân, mất trương lực đại tràng... Dùng thuốc nếu thấy buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ngứa, phát ban, phản ứng dị ứng..., cần ngừng thuốc và theo dõi phản ứng phản vệ (mặc dù phản ứng này rất hiếm xảy ra). Bên cạnh đó, có thể dùng các thuốc điều trị hỗ trợ như thuốc bổ đa sinh tố và muối khoáng, thuốc bổ chứa chất sắt, canxi, vitamin nhóm B...

Bạn có thể làm giảm đau bằng cách massage bụng nhẹ nhàng, chườm nóng, uống nước gừng hoặc xắt lát gừng. Trước khi đến kỳ kinh vài ngày, nên tránh các thực phẩm lạnh, nhiều gia vị, tươi sống. Nếu triệu chứng đau không thuyên giảm, bạn nên đi khám chuyên khoa để có biện pháp điều trị hiệu quả.

Từ khóa » Giảm đau Bụng Kinh Uống Thuốc Gì