Các Loại Trường Từ Vựng Ngữ Nghĩa - Cấu Trúc Của Luận Văn - 123doc

6. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Các loại trường từ vựng ngữ nghĩa

Theo Giáo sư Đỗ Hữu Châu, có bốn loại trường nghĩa dựa vào quan hệ ngữ nghĩa trong lòng mỗi trường và giữa các trường với nhau. Dạng quan hệ ngang (hay quan hệ hình tuyến, quan hệ tuyến tính, quan hệ ngữ đoạn) thì có trường nghĩa ngang với hai loại là trường nghĩa tuyến tính và trường nghĩa liên tưởng. Dạng quan hệ dọc (hay quan hệ trực tuyến, quan hệ hệ hình) thì có trường nghĩa dọc với hai loại là trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm.

Sau đây là sự trình bày bốn loại trường từ vựng - ngữ nghĩa lần lượt là trường biểu vật, trường biểu niệm, trường tuyến tính và trường liên tưởng.

1.3.2.1. Trường nghĩa biểu vật

Một trường biểu vật là một tập hợp những từ đồng nghĩa về ý nghĩa biểu vật. Để có những căn cứ dựa vào đó mà đưa các nghĩa biểu vật của các

từ về trường biểu vật thích hợp, chúng ta chọn các danh từ làm gốc. Các danh từ này phải có tính khái quát cao, gần như là tên gọi của các phạm trù biểu vật như người, động vật, thực vật, vật thể, chất liệu,… Các danh từ này cũng là tên gọi các nét nghĩa có tác dụng hạn chế ý nghĩa của từ về mặt biểu vật, là những nét nghĩa cụ thể, thu hẹp ý nghĩa của từ. Như vậy, chúng ta sẽ đưa một từ về một trường biểu vật nào đó khi nét nghĩa biểu vật của nó trùng với tên gọi của danh từ trên.

Ví dụ với từ “tóc” ta có trường:

- Bộ phận của tóc: ngọn tóc, chân tóc, sợi tóc, mái tóc, đuôi tóc,…

- Đặc điểm của tóc:

+ Đặc điểm ngoại hình: bồng bềnh, ngắn, dài, xoăn, thẳng, dễ tre, tóc tơ, vàng, đen, bạc, trắng, nâu, xanh, đỏ,…

+ Tình trạng của tóc: chẻ ngọn, khỏe, mượt, rối, gãy, đứt, khô, sâu,…

+ Tạo hình của tóc: xoăn, thẳng, cẩm vân, tóc bằng, tóc tém, đuôi ngựa, tóc búi, tóc tết,…

Cần chú ý những điểm sau về các trường biểu vật:

So sánh các trường lớn với nhau cũng như so sánh các trường nhỏ trong cùng một trường lớn, chúng ta sẽ thấy chúng rất khác nhau về số lượng từ ngữ và về tổ chức. Nếu lại so sánh các trường cùng một tên gọi (tức cùng danh từ) trong các ngôn ngữ với nhau thì sự khác nhau trên còn rõ hơn nữa.

Nếu tạm gọi một trường nhỏ (hay một nhóm nhỏ trong một trường nhỏ) là một “miền” của trường, thì có thể thấy, các miền trong các trường thuộc các ngôn ngữ rất khác nhau. Có những miền trống, tức không có từ ngữ, ở ngôn ngữ này nhưng lại không trống ở ngôn ngữ kia, có miền có mật độ cao ở ngôn ngữ này nhưng lại thấp ở ngôn ngữ kia. Điều này khẳng định tính ngôn ngữ và tính dân tộc của các trường biểu vật.

Cần chú ý rằng khi phân lập các trường, chúng ta chú ý đến nghĩa biểu vật chứ không chú ý đến từ. Nói rõ hơn phân lập trường không phải là phân

loại từ. Không phải một từ đã có ở trường này thì không thể có ở trường kia được nữa. Vì từ có tính nhiều nghĩa biểu vật, do đó từ có thể nằm trong nhiều trường biểu vật khác nhau hay trong nhiều trường nhỏ khác nhau tùy theo số lượng các ý nghĩa biểu vật của nó.

Do chỗ có các từ đi vào nhiều trường, cho nên các trường biểu vật có thể “thấm thấu”, “giao thoa” với nhau. Hai trường biểu vật giao thoa với nhau khi một số từ của trường này cũng nằm trong trường kia.

1.3.2.2. Trường nghĩa biểu niệm

Một trường biểu niệm là một tập hợp các từ có chung một cấu trúc biểu niệm. Cũng như các trường biểu vật, các trường biểu niệm lớn có thể phân chia thành các trường nhỏ và cũng có những “miền” với mật độ khác nhau.

Do có hiện tượng nhiều nghĩa biểu niệm, cho nên một từ có thể đi vào những trường biểu niệm (hay đi vào những trường nhỏ) khác nhau. Vì vậy, cũng giống như các trường biểu vật, các trường biểu niệm có thể “giao thoa”, “thẩm thấu” vào nhau.

Dưới đây là ví dụ về trường biểu niệm dẫn theo ví dụ của Đỗ Hữu Châu. Trường biểu niệm (vật thể nhân tạo)… (thay thế hoặc tăng cường thao tác lao động) (cầm tay):

- Dụng cụ để chia, cắt: dao, cưa, búa, phảng, rìu, liềm, hái,... - Dụng cụ để xoi, đục: đục, dùi, chàng, khoan,…

- Dụng cụ để nện, gõ: búa, vồ, dùi đục, dùi cui,…

- Dụng cụ để đánh bắt: lưới, nơm, đó, đăng, câu, vó, bẫy,..

- Dụng cụ để mài giũa: giũa, bào, đá mài, giấy ráp,…

- Dụng cụ để kìm giữ: kìm, kẹp, néo, móc,…

- Dụng cụ để chém giết (vũ khí): dao, gươm, kiếm, kích, giáo, đòng, phủ, việt, qua, nỏ, cung, tên, súng,…

- Dụng cụ để lấy, múc: thìa, đũa, muôi, giuộc, gáo,…

Sự phân lập từ vựng thành trường biểu vật và trường biểu niệm như đã nói dựa trên sự phân biệt hai thành phần ngữ nghĩa trong từ. Nó phản ánh cách nhìn từ vựng ở hai góc độ khác nhau. Tuy nhiên, hai loại trường dọc này có liên hệ với nhau: nếu lấy những nét nghĩa biểu vật trong cấu trúc biểu niệm làm tiêu chí lớn để tập hợp thì chúng ta có các trường biểu vật. Nhưng khi cần phân một trường biểu vật thành các trường nhỏ thì lại phải dựa vào các nét nghĩa khác trong cấu trúc biểu niệm.

Trái lại, khi phân lập các trường biểu niệm, chúng ta dựa vào cấu trúc biểu niệm, song khi phân nhỏ chúng ra, đến một lúc nào đó phải sử dụng đến nét nghĩa biểu vật.

Dựa vào ý nghĩa của từ mà chúng ta phân lập được các trường. Nhưng cũng chính nhờ các trường, nhờ sự định vị của từng từ một trong trường thích hợp mà chúng ta hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của từ.

1.3.2.3. Trường nghĩa tuyến tính

Để lập nên các trường nghĩa tuyến tính, chúng ta chọn một từ làm gốc rồi tìm tất cả những từ có thể kết hợp với nó thành những chuỗi tuyến tính (cụm từ, câu) chấp nhận được trong ngôn ngữ.

Ví dụ trường nghĩa tuyến tính của từ ăncơm, cháo, bún,… ít, nhiều, nhanh, chậm…, lười, tham,… Trường nghĩa tuyến tính của từ họcchăm, lười,… giỏi, dốt, kém, tốt, yếu,… toán, văn, sinh, hóa,…

Cùng với các trường nghĩa dọc, các trường nghĩa tuyến tính góp phần làm sáng tỏ những quan hệ và cấu trúc ngữ nghĩa của từ vựng, phát hiện những đặc điểm nội tại và những đặc điểm hoạt động của từ.

1.3.2.4. Trường liên tưởng

Nhà ngôn ngữ học Pháp Ch. Bally là tác giả đầu tiên của khái niệm trường liên tưởng. Theo ông, mỗi từ có thể là trung tâm của một trường liên

tưởng như từ bò của tiếng Pháp chẳng hạn, có thể gợi ra liên tưởng: 1. Bò cái, bò mộng, bê, sừng, gặm cỏ,… 2. Sự cày bừa, cái cày, cái ách,… 3. Những ý niệm về tính thụ động mà chúng ta gặp trong các lối so sánh trong các thành ngữ Pháp v.v…

Dễ dàng nhận thấy rằng các từ trong một trường liên tưởng là sự hiện thực hóa, sự cố định từ bằng các ý nghĩa liên hội có thể có của từ trung tâm. Các trường liên tưởng thường không ổn định nên ít có tác dụng phát hiện những quan hệ cấu trúc về ngữ nghĩa của các từ và từ vựng. Nhưng nó có tác dụng trong sự giải thích sử dùng từ của các tác giả.

Trên đây là các kiểu trường theo phân loại của Đỗ Hữu Châu. Trong luận văn này chúng tôi chỉ xác lập và nghiên cứu các trường biểu vật, biểu niệm, trường liên tưởng để hiểu rõ vốn từ của tác giả chứ không xác lập trường tuyến tính.

Từ khóa » Trường Nghĩa Là Gì Cho Ví Dụ