Các Món Ăn Giải Cảm Hiệu Quả - Bếp Trưởng Á Âu

Cảm cúm là bệnh ai cũng có thể mắc phải, nhất là khi thời tiết thất thường tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển. Bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị, người bệnh có thể tận dụng những nguyên liệu sẵn có để chế biến các món ăn giải cảm giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng.

mưa nắng thất thường dễ cảm cúm

Hè tới cùng với những đợt mưa nắng thất thường khiến cơ thể bạn dễ cảm cúm. Ảnh: Internet

Những món ăn không có tác dụng chữa lành bệnh, nhưng nó sẽ hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sau đây Bếp Trưởng Á Âu giới thiệu những món ăn mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng để giúp bạn vượt qua cơn cảm cúm nhẹ nhàng và nhanh hơn.

  1. Cháo hành
  2. Cháo thịt bằm gừng tươi
  3. Cháo trứng tía tô
  4. Súp gà
  5. Phở bò
  6. Canh khổ qua nhồi tôm
  7. Tỏi
  8. Củ cải
  9. Nước ấm + chanh + mật ong
  10. Thực phẩm giàu vitamin C

Cháo hành

Cháo hành tuy là món ăn đơn giản nhưng lại có nhiều công dụng, đặc biệt là giúp giải cảm nhanh và hiệu quả. Trong hành lá có vị cay, tính nóng, tác dụng làm ra mồ hôi, thông khí, hoạt huyết, lợi tiểu, trợ tiêu hóa nên thường dùng trong chế biến món ăn hàng ngày. Không chỉ người bệnh mà bất cứ ai cũng có thể ăn cháo hành để bồi bổ cơ thể.

Cách nấu cháo hành rất đơn giản, bạn nấu cháo như bình thường rồi cho hành lá xắt nhuyễn vào đến khi hành tái thì tắt bếp. Nên ăn cháo khi còn nóng để vã mồ hôi, tăng hiệu quả giải cảm.

Tô cháo hành

Tô cháo hành nóng hổi sẽ giúp cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi và giải cảm một cách nhanh chóng. Ảnh: Internet

Cháo thịt bằm gừng tươi

Khi mắc bệnh, cơ thể thường cảm thấy mệt mỏi, đắng miệng, chán ăn nên cháo là thực phẩm phù hợp nhất cho người đang mắc bệnh cảm cúm. Bên cạnh cháo hành, bạn có thể nấu cháo thịt bằm gừng tươi để thay đổi trong các bữa ăn.

Gừng là lựa chọn hàng đầu giúp làm ấm cơ thể, lưu thông khí huyết và tránh cảm lạnh. Do đó, cháo thịt bằm gừng là sự kết hợp hoàn hảo trong việc làm ấm cơ thể, giải cảm.

Để nấu cháo thịt bằm gừng tươi, bạn băm nhỏ thịt heo, ướp với ít hạt nêm, nước mắm, dầu ăn, tiêu. Gạo nấu nhừ thì cho thịt băm vào, khuấy đều cho thịt rã ra và chín đều. Cho gừng thái nhỏ vào, nêm nếm gia vị, tắt bếp.

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng gừng cho các trường hợp sốt cao, có nguy cơ tổn thương các mạch máu và xuất huyết.

Cháo thịt bằm gừng tươi

Khi bị cảm, bạn hãy cho thêm một ít gừng các món ăn của mình. Ảnh: Internet

Cháo trứng tía tô

Tía tô là một loại rau ăn sống vừa ngon vừa có vị thuốc. Lá tía tô có vị cay, the, có mùi thơm, tính ôn, có tác dụng giải độc và an thai rất tốt. Một tô cháo trứng tía tô nóng sẽ giúp cơ thể toát mồ hôi, có tác dụng giải cảm hiệu quả, hơn nữa món ăn nhẹ này giúp dễ tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng khi cơ thể mệt mỏi.

Bạn nấu cháo chín, cho lòng đỏ trứng gà vào cháo, đánh lên cho tan hoặc để nguyên tùy theo ý thích. Sau đó cho tía tô, hành tím vào nấu cùng, nêm nếm gia vị vừa ăn. Nếu muốn có thêm đạm, bạn cũng có thể nấu cháo tía tô với thịt bằm hoặc các loại thịt khác.

Cháo trứng tía tô

Cháo trứng tía tô nóng là một trong những món ăn giải cảm hiệu quả, nhất là với bà bầu. Ảnh: Internet

Súp gà

Theo nghiên cứu của các trung tâm y học ở Mỹ, súp gà có thể cải thiện những bệnh về họng và đường hô hấp. Các amino axit có trong thịt gà rất hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng mà cảm cúm gây ra như ngạt mũi, chảy nước mũi, ho và đau họng. Món ăn này chứa nhiều dinh dưỡng, cung cấp chất đạm dồi dào, giúp cơ thể tăng sức đề kháng.

Gà sau khi làm sạch bạn cho gà vào nồi nước luộc. Khi gà chín, xé nhỏ thịt gà. Cho hành tây, cà rốt, khoai tây vào nấu. Khi rau củ mềm cho thịt gà đã xé vào. Thêm một ít bột năng và nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Lấy súp ra bát, rắc thêm hạt tiêu và thưởng thức.

Súp gà

Không chỉ là món ăn hạ sốt, giải cảm, súp gà còn rất bổ dưỡng và thơm ngon. Ảnh: Internet

Phở bò

Thịt bò chứa nhiều chất kẽm, protein và vitamin B sẽ giúp người đang mắc cảm cúm bổ sung dưỡng chất hiệu quả. Kết hợp thịt bò với các loại rau thơm, hành lá làm tăng thêm hương vị, bạn sẽ cảm thấy dễ ăn hơn, ngọt miệng hơn và khỏe lên trông thấy.

Bạn nấu sôi nước hầm xương bò trong nồi áp suất khoảng 40 phút, sau đó cho lần lượt hành tây, mía, gừng, rễ mùi, quế khô, hoa hồi, thảo quả, gừng tươi, hành tím, hạt mùi và các loại gia vị vào nước dùng rồi hầm trong 3 tiếng. Chú ý điều chỉnh nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn. Khi ăn bạn trần phở qua nước sôi rồi xếp vào tô, sau đó cho thịt bò tái đã trần sơ qua, rồi chan nước dùng để làm chín thịt bò. Ăn kèm phở với các loại rau thơm.

Phở bò

Phở bò vừa ngon, vừa bổ lại có tác dụng điều trị chứng cảm cúm khi thời tiết giao mùa. Ảnh: Internet

Canh khổ qua nhồi tôm

Theo Đông y, khổ qua (mướp đắng) có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, giải độc. Bên cạnh đó, khổ qua còn có tác dụng giải cảm, trị viêm họng, tăng cường sức đề kháng. Ăn khổ qua thường xuyên cũng giúp an thần dễ ngủ hơn.

Tôm tươi bỏ đầu, đuôi, bóc vỏ, bỏ chỉ đen, đem giã nhuyễn. Phần đầu, đuôi và vỏ tôm thì giã, lọc lấy phần nước. Nấm hương, nấm mèo ngâm nở, cắt nhỏ cùng hành tím, hành lá. Tiếp theo, trộn đều thịt tôm với nấm, gia vị. Nhồi hỗn hợp vào bên trong trái khổ qua đã được cắt khúc, bỏ ruột. Sử dụng phần nước lọc đầu tôm đun sôi. Khi nước sôi cho khổ qua vào, nấu sôi. Nêm lại gia vị vừa ăn.

canh khổ qua nhồi tôm

Bồi bổ bằng canh khổ qua nhồi tôm giúp bạn đẩy lùi bệnh cảm cúm. Ảnh: Internet

Bên cạnh những món ăn kể trên, bạn có thể bổ sung dưỡng chất hàng ngày từ những thực phẩm tự nhiên giúp xua tan cảm cúm, hồi phục sức khỏe.

Tỏi

Tỏi không chỉ là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình, nó còn là kháng sinh tự nhiên giúp chống lại rất nhiều bệnh. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm, có tác dụng tăng cường sức để kháng, diệt khuẩn và phòng chống cảm cúm. Tỏi cũng có tác dụng long đờm, giúp tống đờm ra khỏi đường hô hấp.

Củ cải

Ngoài việc chế biến chín và ngâm giấm thì củ cải tươi còn được làm nước ép có tác dụng cho người bị tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, hồi phục sức khỏe và nhất là phòng chống và trị cảm cúm.

Củ cải chữa trị cảm cúm

Củ cải có tác dụng đặc biệt trong việc phòng chống và chữa trị cảm cúm. Ảnh: Internet

Nước ấm + chanh + mật ong

Nước ấm có tác dụng làm dịu họng. Chanh chứa nhiều vitamin C có tác dụng tăng cường sức đề kháng. Còn mật ong là thực phẩm kháng virus tự nhiên giúp diệt virus gây bệnh, đồng thời cũng có công dụng giảm ho.

Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C giúp cải thiện sức đề kháng, tăng khả năng chống đỡ của cơ thể trước sự tấn công của bệnh cảm cúm. Các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, quýt, kiwi, chuối, đu đủ… Nhưng nếu bạn bị đau dạ dày, hãy cẩn thận khi sử dụng các loại trái cây có vị chua.

trái cây chứa nhiều vitamin C

Những loại trái cây có vị chua chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh: Internet

Trên đây là gợi ý những món ăn giải cảm giúp bạn nhanh chóng lấy lại sức khỏe. Ngoài ra, khi mắc bệnh cảm nên hạn chế thức ăn có tính hàn như nước dừa, sắn dây, atisô, ốc, hến… Việc ăn quá nhiều những loại thực phẩm này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

☆ ☆ ☆ ☆ ☆

Điểm: 4.08 (19 bình chọn)

Cảm ơn đã bình chọn!

Từ khóa » Các Món ăn Trị Cảm Sốt