Các Nguyên Tắc Của Liên Hợp Quốc Về Tiếp Cận Trợ Giúp Pháp Lý Trong ...
Có thể bạn quan tâm
Ngày 20/12/2012, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã đưa ra tuyên bố mới nhất về nguyên tắc và những hướng dẫn về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự:
Cấu trúc của văn bản gồm: Phần mở đầu tóm tắt khung pháp lý quốc tế và khu vực làm cơ sở cho việc ra đời bộ công cụ này. Một số đoạn giới thiệu được coi như định nghĩa trong văn bản luật. Tài liệu cũng gồm những hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc. Cục Trợ giúp pháp lý xin giới thiệu 14 nguyên tắc.
Nguyên tắc 1. Quyền được trợ giúp pháp lý
Thừa nhận rằng trợ giúp pháp lý là một thành tố cơ bản của một hệ thống tư pháp hình sự dựa trên nguyên tắc pháp quyền, là cơ sở cho việc thụ hưởng các quyền khác, bao gồm quyền có phiên toà xét xử công bằng và là một sự bảo đảm quan trọng để bảo đảm sự công bằng cơ bản và niềm tin của công chúng đối với tiến bộ của hệ thống tư pháp hình sự, Nhà nước cần bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia ở mức độ cao nhất có thể.
Nguyên tắc 2. Trách nhiệm của Nhà nước
Nhà nước cần coi trợ giúp pháp lý như trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, cần quan tâm đến việc ban hành các văn bản pháp luật cụ thể và các hướng dẫn để bảo đảm có một hệ thống trợ giúp pháp lý phù hợp để có thể tiếp cận, hiệu quả và đáng tin cậy. Nhà nước cần bố trí nguồn lực con người và tài chính cần thiết cho hệ thống trợ giúp pháp lý.
Nhà nước không nên can thiệp các tổ chức bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý hoặc sự độc lập của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Nhà nước cần tăng cường nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật theo những phương thức phù hợp để ngăn chặn việc vi phạm pháp luật hình sự và trở thành nạn nhân.
Nhà nước cần nỗ lực để nâng cao nhận thức của cộng đồng về hệ thống tư pháp và chức năng của nó, các kiến nghị trước toà và cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế.
Nhà nước cần quan tâm đến việc thông qua những biện pháp phù hợp để thông báo cho cộng đồng về những hành vi vi phạm luật hình sự theo quy định của pháp luật. Việc cung cấp những thông tin như vậy cho những người đến các cơ quan tư pháp khác là một biện pháp phòng ngừa tội phạm cốt yếu.
Nguyên tắc 3. Trợ giúp pháp lý cho những người bị tình nghi hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự
Nhà nước cần bảo đảm tất cả những người bị bắt, bị giam giữ, bị tình nghi hoặc vi phạm luật hình sự bị tù có thời hạn hoặc bị kết án tử hình đều có quyền được trợ giúp pháp lý ở tất cả các giai đoạn của tư pháp hình sự.
Trợ giúp pháp lý cần được cung cấp mà không tính đến các điều kiện của một người nếu như lợi ích công lý đòi hỏi, chẳng hạn trong trường hợp khẩn cấp hoặc tính chất phức tạp của vụ việc hoặc tính nghiêm trọng của hình phạt có thể áp dụng.
Trẻ em cần được tiếp cận trợ giúp pháp lý với những điều kiện tương tự hoặc tốt hơn những điều kiện dành cho người lớn.
Cảnh sát, công tố viên và thẩm phán cho trách nhiệm bảo đảm rằng những người xuất hiện trước họ mà không có đủ khả năng thuê luật sư và/hoặc yếu thế thì được tiếp cận trợ giúp pháp lý.
Nguyên tắc 4. Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của tội phạm
Nhà nước cần trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của tội phạm khi thích hợp.
Nguyên tắc 5. Tợ giúp pháp lý cho nhân chứng
Nhà nước cần trợ giúp pháp lý cho người làm chứng khi thích hợp.
Nguyên tắc 6. Không phân biệt đối xử
Nhà nước cần bảo đảm trợ giúp pháp lý cho tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội hoặc tài sản, tư cách công dân hoặc nguồn gốc, trình độ giáo dục hoặc các tình trạng khác.
Nguyên tắc 7. Trợ giúp pháp lý phù hợp và có hiệu quả
Nhà nước cần bảo đảm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có hiệu quả và phù hợp ở tất cả các giai đoạn của tiến trình tư pháp hình sự.
Trợ giúp pháp lý hiệu quả bao gồm tiếp cận công khai với người thực hiện trợ giúp pháp lý của người bị giam giữ, giao tiếp riêng tư, tiếp cận với hồ sơ vụ án và có đủ thời gian, điều kiện thích hợp chuẩn bị cho việc bảo vệ.
Nguyên tắc 8. Quyền được thông báo
Nhà nước cần bảo đảm rằng trước bất kỳ cuộc thẩm vấn nào và vào bất kỳ thời điểm nào bị tước quyền tự do, mọi người có quyền được thông báo về quyền được trợ giúp pháp lý của họ và những biện pháp bảo vệ mang tính thủ tục khác cũng như hậu quả có thể xảy ra của việc tình nguyện từ bỏ các quyền đó.
Nhà nước nên bảo đảm rằng công chúng cần được tiếp cận thông tin miễn phí về quyền của mình trong tiến trình tư pháp hình sự và về dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Nguyên tắc 9. Các biện pháp thay thế và bảo vệ
Nhà nước nên thiết lập các biện pháp thay thế và bảo vệ để có thể áp dụng khi việc tiếp cận trợ giúp pháp lý không thích hợp, bị trì hoãn hoặc bị từ chối hoặc một người không được thông tin phù hợp về quyền được trợ giúp pháp lý.
Nguyên tắc 10. Công bằng khi tiếp cận trợ giúp pháp lý
Các biện pháp đặc biệt nên được áp dụng để bảo đảm tiếp cận trợ giúp pháp lý có ý nghĩa đối với phụ nữ, trẻ em và nhóm người có nhu cầu đặc biệt, bao gồm người già, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có nhược điểm về tinh thần, người nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, người sử dụng ma túy, người bản địa, thổ dân và người không quốc tịch, người lánh nạn, công dân nước ngoài, người nhận cư và lao động nhập cư, người tỵ nạn. Những biện pháp này nên giải quyết những nhu cầu đặc biệt của những nhóm đối tượng này, bao gồm các biện pháp có sự nhạy cảm giới và phù hợp với lứa tuổi.
Nhà nước nên bảo đảm trợ giúp pháp lý được cung cấp cho những người sống ở nông thôn, vùng xa xôi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và những người là thành viên của các nhóm bị bất lợi về kinh tế và xã hội.
Nguyên tắc 11. Trợ giúp pháp lý trong quyền lợi tốt nhất của đứa trẻ
Trong tất cả các quyết định về trợ giúp pháp lý ảnh hưởng đến trẻ em thì quyền lợi tốt nhất của trẻ em cần được cân nhắc đầu tiên.
Trợ giúp pháp lý cho trẻ em cần được ưu tiên vì quyền lợi tốt nhất của trẻ, có thể tiếp cận, phù hợp với lứa tuổi, có tính kỷ luật, hiệu quả và đáp ứng những nhu cầu pháp lý và xã hội của trẻ em.
Nguyên tắc 12. Sự độc lập và bảo vệ của người thực hiện trợ giúp pháp lý
Nhà nước nên bảo đảm tất cả người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách có hiệu quả, tự do và độc lập. Cụ thể, Nhà nước nên bảo đảm để người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà không bị đe dọa, cản trở, làm phiền hoặc can thiệp trái phép; có thể đi lại, tham vấn hoặc gặp gỡ khách hàng một cách tự do và hoàn toàn riêng tư cả trong và ngoài nước, tự do tiếp cận hồ sơ buộc tội và các hồ sơ liên quan; không bị đe dọa buộc tội hoặc biện pháp xử phạt hành chính hay kinh tế vì thực hiện những công việc phù với chức năng nhiệm vụ, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp.
Nguyên tắc 13. Thẩm quyền và trách nhiệm giải trình của những người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Nhà nước nên có cơ chế bảo đảm người thực hiện trợ giúp pháp lý phải được đào tạo, tập huấn, kỹ năng và kinh nghiệm để đáp ứng được yêu cầu công việc.
Các khiếu nại đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý phải được điều tra theo đúng quy định và theo đúng tiêu chuẩn đạo đức, nghề nghiệp trước khi khởi kiện tại Tòa án.
Nguyên tắc 14. Quan hệ đối tác
Nhà nước nên thừa nhận và khuyến khích sự đóng góp của Hiệp hội luật sư, trường đại học, xã hội dân sự và các tổ chức khác tham gia trợ giúp pháp lý.
Khi thấy phù hợp, các hình thức đối tác công - tư nên được thiết lập để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Phan Hà
Từ khóa » Tổ Chức Liên Hợp Quốc Có Nhiệm Vụ Gì
-
Liên Hợp Quốc – Wikipedia Tiếng Việt
-
UN Là Gì? Chức Năng, Nhiệm Vụ Và Vai Trò Của Liên Hợp Quốc?
-
Nhiệm Vụ Chính Của Tổ Chức Liên Hợp Quốc Là Gì ? - Đọc Tài Liệu
-
Nhiệm Vụ Chính Của Liên Hợp Quốc Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Những Nhiệm Vụ Chính Của Liên Hợp Quốc Là Gì? | SGK Lịch Sử Lớp 9
-
Liên Hợp Quốc Là Gì ? Tôn Chỉ, Mục đích, Nguyên Tắc Hoạt động Của ...
-
Các Tổ Chức LHQ Trong Việt Nam - United Nations In Viet Nam
-
Chi Tiết Về Tổ Chức Quốc Tế - Chính Phủ
-
Nhiệm Vụ, Vai Trò Của Liên Hợp Quốc? Những Việc ... - Áo Kiểu Đẹp
-
Vai Trò Và Nhiệm Vụ đặc Biệt Của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc
-
Liên Hợp Quốc (UN) | Hồ Sơ - Sự Kiện - Nhân Chứng
-
Thông Tin Cơ Bản Về Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc
-
Hiến Chương Liên Hợp Quốc 1945 - Thư Viện Pháp Luật
-
Cơ Hội để Việt Nam Tiếp Tục đóng Góp Nhiều Hơn Cho Liên Hợp Quốc
-
VIỆT NAM – LIÊN HỢP QUỐC - Báo Nhân Dân
-
Chương Trình Phát Triển Liên Hợp Quốc Tại Việt Nam (UNDP)
-
Việt Nam Và Sự Nỗ Lực Khẳng định Vị Thế Trong Tổ Chức Liên Hợp Quốc
-
VIỆT NAM CHÍNH THỨC LÀ THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN ...
-
Việt Nam Ngày Càng đóng Góp Tích Cực, Thực Chất Vào Hoạt động Của ...