Đối ngoại đa phương là một trong những ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, trong đó tăng cường quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc luôn được đặt ở vị trí trọng tâm qua các thời kỳ. Trên chặng đường 44 năm qua, hợp tác với Liên hợp quốc đạt được những kết quả quan trọng, từ giai đoạn Việt Nam tái thiết sau chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận cho đến thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay. Chặng đường hợp tác in đậm những dấu ấn đóng góp nổi bật của Việt Nam cho hoạt động của Liên hợp quốc và công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Nâng tầm đối ngoại đa phương,đóng góp cho cộng đồng quốc tế
Thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện trách nhiệm và đóng góp cho công việc chung của cộng đồng quốc tế, từ ngày 21 đến 24/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ. Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng, qua đó gửi thông điệp tới bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hoà bình và đề cao chủ nghĩa đa phương.
Với những thành tựu nổi bật trong suốt chặng đường 76 năm phát triển, Liên hợp quốc đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, là nền tảng không thể thiếu của thế giới hoà bình, thịnh vượng và công bằng. Trong 44 năm là thành viên, Việt Nam luôn coi trọng, đánh giá cao hợp tác với Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, củng cố môi trường hoà bình và an ninh thuận lợi cho phát triển, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc gia. Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia, đóng góp ngày càng thực chất vào hoạt động của Liên hợp quốc.
Vai trò của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu càng được đề cao trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến chuyển nhanh và khó lường do tác động đa chiều của nhiều nhân tố, đại dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng, cạnh tranh chiến lược, xung đột và căng thẳng tiếp diễn tại nhiều khu vực, thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt. Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 76 lấy chủ đề “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau đại dịch Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên hợp quốc”.
Tham dự Phiên thảo luận trong vai trò Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020-2021, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác quốc tế, hành động đa phương và củng cố lòng tin để giải quyết thách thức chung, nhất là ứng phó đại dịch, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực.
Là dịp kết nối hợp tác quan trọng, các cuộc gặp, tiếp xúc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các nhà lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế nhân tham dự Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Các hoạt động tiếp xúc song phương tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đóng góp tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, phù hợp mục tiêu, lợi ích của cả hai nước. Thông tin tích cực về kết quả thực hiện mục tiêu kép, vừa nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy khôi phục hoạt động kinh tế, được Việt Nam gửi tới các nước, các đối tác nhân dịp này, góp phần củng cố niềm tin, thu hút thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự khoá họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay sau khi Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp, vạch ra định hướng, mục tiêu phát triển mới của đất nước. Đây là dịp để Việt Nam gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế về khát vọng và tầm nhìn phát triển, tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.