Các Nhân Tố ảnh Hưởng đến Việc Chọn địa điểm

1. Các nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn vùng.

Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quyết định xác định địa điểm doanh nghiệp. Tuy nhiên, vai trò và tầm quan trọng của các nhân tố không giống nhau. Khi xây dựng phương án xác định địa điểm doanh nghiệp càng tập trung phân tích, đánh giá những nhân tố quan trọng nhất. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đó để xác định, lựa chọn được vùng và địa điểm thích hợp nhất để phân bố doanh nghiệp.

a. Thị trường tiêu thụ:

Trong điều kiện phát triển như hiện nay, thị trường tiêu thụ trở thành một nhân tố quan trọng nhất tác động đến quyết định địa điểm doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường coi việc bố trí gần nơi tiêu thụ là một bộ phận trong chiến lược cạnh tranh của mình. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh lực dịch vụ, doanh nghiệp gần thị trường có lợi thế cạnh tranh. Để xác định địa điểm đặt doanh nghiệp, cần thu thập, phân tích, xử lý các thông tin thị trường như: Dung lượng thị trường; cơ cấu và tính chất của nhu cầu; xu hướng phát triển của thị trường; tính chất và tình hình cạnh tranh; đặc điểm sản phẩm và loại hình kinh doanh…

b. Nguồn nguyên liệu

Nguyên liệu có ảnh hưởng lớn đến quyết định địa điểm doanh nghiệp như:

− Chủng loại, số lượng và qui mô nguồn nguyên liệu. Đối với nhiều loại hình sản xuất kinh doanh, việc phân bố doanh nghiệp gần nguồn nguyên liệu là đòi hoi tất yếu do tinh chất của ngành. Chẳng hạn, các ngành khai khoáng luôn chịu sự ràng buôc chặt chẽ vào địa điểm và qui mô nguồn nguyên liệu sẵn có.

− Chất lượng và đặc điểm của nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp để hoạt động có hiệu quả cần phải đặt gần vùng nguồn nguyên liệu; một số khác do yêu cầu về phương tiện, khối lượng vận chuyển và tính chất cồng kềnh, dễ vở, khó vận chuyển, khó bảo quản của nguyên liệu, đòi hỏi doanh nghiệp phải đặt gần nguồn nguyên liệu như: doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất xi măng,…

c. Nhân tố lao động

Thường doanh nghiệp đặt ở đâu thì sử dụng nguồn lao động tại đó là chủ yếu. đặc điểm của nguồn lao động như khả năng đáp ứng về số lượng, chất lượng lao động, trình độ chuyên môn, tay nghề ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau này.

Nguồn lao động dồi dào, được đào tạo, có trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề cao là một trong những yếu tố thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp. Có nhiều ngành cần lao động phổ thông phải được phân bố gần nguồn lao động như những khu dân cư; nhưng cũng có ngành cần lao động có tay nghề cao, đòi hỏi gần thành phố lớn, gần trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học.

Chi phí lao động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quyết định địa điểm doanh nghiệp. Chi phí lao động rẻ rất hấp dẫn các doanh nghiệp, các doanh nghiệp thường muốn đặt doanh nghiệp mình ở những nơi có chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, khi phân tích ảnh hưởng của chi phí lao động cần phải đi đôi với mức năng suất lao động trung bình của vùng.

Thái độ lao động đối với thời gian, với vấn đề nghỉ việc và di chuyển lao động cũng tác động rất lớn đến việc chọn vùng và địa điểm phân bố doanh nghiệp. Ở mỗi vùng, dân cư có thái độ khác nhau về lao động, dựa trên những nền tảng văn hoá khác nhau. Việc chọn phương án xác định địa điểm doanh nghiệp cần phân tích đầy đủ, thận trọng sự khác biệt về văn hoá của cộng đồng dân cư mỗi vùng.

d. Cơ sở hạ tầng kinh tế

Hiện nay cơ sử hạ tầng được coi là nhân tố hết sức quan trọng khi xác định địa điểm doanh nghiệp. Trình độ và tình hình phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế có sức thu hút hoặc tạo nên những trở ngại to lớn cho quyết định đặt doanh nghiệp tại mỗi vùng. Nhân tố cơ sở hạ tầng kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nắm bắt thông tin kinh doanh, tạo điều kiện cho những phản ứng sản xuất nhanh, nhạy, kịp thời với những thay đổi trên thị trường. Hệ thống giao thông góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành và giá bán sản phẩm, tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

e. Điều kiện và môi trường văn hoá xã hội

Văn hoá được xem là một trong những nhân tố có tác động rất lớn đến quyết định địa điểm doanh nghiệp. Do đó phân tích, đánh giá các yếu tố văn hoá xã hội là một đòi hỏi cần thiết không thể thiếu được trong quá trình xây dựng phương án xác định địa điểm doanh nghiệp. Những yếu tố về cộng đồng dân cư, tập quán tiêu dùng, cách sống và thái độ lao động ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Những yếu tố này lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hoá truyền thống mỗi dân tộc, mỗi vùng. Ngoài ra, cần phải tính tới hàng loạt các nhân tố xã hội khác như: chính sách phát triển kinh tế−xã hội của vùng; sư phát triển của ngành bổ trợ trong vùng; qui mô của cộng đồng dân cư trong vùng và tình hình xã hội; tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán;…

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chọn địa điểm.

Sau khi đánh giá những nhân tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn vùng, một vấn đề quan trọng khác là tiến hành đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chọn địa điểm doanh nghiệp. Nếu như những nhân tố chọn vùng được đánh giá ở phạm vi rộng lớn thì nhân tố địa điểm lại rất cụ thể, chi tiết. Những nhân tố chủ yếu cần cân nhắc:

− Diện tích mặt bằng và tính chất đất đai của địa điểm doanh nghiệp;

− Tính thuận lợi của vị trí đặt doanh nghiệp như khả năng tiếp xúc với thị trường, với khách hàng, điều kiện và khả năng nối liền giao thông nội bộ với giao thông cộng đồng;

− Nguồn điện , nước;

− Nơi bỏ chất thải;

− Khả năng mở rộng trong tương lai;

− Tình hình an ninh, phòng, chữa cháy, các dịch vụ y tế, hành chính;

− Chi phí về đất đai và các công trình công cộng hiện có;

− Những qui định của chính quyền địa phương về lệ phí dịch vụ trong vùng, những đóng góp cho địa phương,…

3. Xu hướng định vị các doanh nghiệp hiện nay trên thế giới

Hiện nay trong tình hình quốc tế hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh, sự hợp tác kinh tế giữa các nước, các khu vực cùng với cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thế giới đang diễn ra những xu thế định vị doanh nghiệp chủ yếu sau:

a. Định vị ở nước ngoài

Sự hình thành các công ty, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia và xuyên quốc gia đã đẩy nhanh quá trình đưa các doanh nghiệp từ trong nước vượt ra ngoài biên giới đến đặt ở nước ngoài. Hiện nay xu hướng định vị doanh nghiệp ở nước ngoài trở thành trào lưu phổ biến không còn là độc quyền của các doanh nghiệp lớn ở các nước phát triển mà xu thế chung, so nhiều doanh nghiệp ở các nước có trình độ phát triển thấp hơn cũng đầu tư xây dựng doanh nghiệp ở nước phát triển.

b. Định vị trong khu công nghiệp, khu chế xuất

Đây là một xu thế hiện đang rất được sự quan tâm chú ý của các doanh nghiệp. Đưa các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp tạo ra rất nhiều thuận lợi cho hoạt động và phát triển của bản thân doanh nghiệp. Việc định vị trong các khu công nghiệp, khu chế xuất giúp các doanh nghiệp tận dụng những thuận lợi do khu công nghiệp, khu chế xuất tạo ra, ứng dụng hình thứ tổ chức kinh doanh hiện đại, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả của hoạt động.

c. Xu hướng chia nhỏ các doanh nghiệp đưa đến đặt ngay tại thị trường tiêu thụ

Cạnh tranh ngày càng gay gắt dòi hỏi các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn, chú ý nhiều hơn đến lợi ích của khách hàng. Khách hàng có quyền lựa chọn người cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho mình, vì vậy những điều kiện thuận lợi trong giao hàng và thời gian giao hàng nhanh, kịp thời, đã và đang trở nên có ý nghĩa quyết định trong kinh doanh. Một xu hướng hiện nay là các doanh nghiệp chia nhỏ và đưa đến đặt ngay tại thị trường tiêu thụ nhằm giảm tối đa thời gian giao hàng và tăng các điều kiện thuận lợi trong dịch vụ sau khi bán hàng.

Từ khóa » Gần Nguồn Tiêu Thụ Là Nhân Tố Quan Trọng Nhất đối Với Doanh Nghiệp