Các Phản ứng Khi Truyền Máu

1. Nguyên tắc truyền máu

Mục đích của việc truyền máu là để làm tăng nồng độ trong máu, tăng khả năng vận chuyển oxygen trong các trường hợp cơ thể không đủ hoặc vì máu đã bị mất trong quá trình phẫu thuật, chấn thương hoặc bệnh.

các phản ứng khi truyền máu

Việc chỉ định truyền máu phải đúng và hợp lý, trước mỗi trường hợp khi có quyết định truyền máu toàn phầnvà các chế phẩm từ máu cần phải cân nhắc kỹ. Các bác sĩ lâm sàng nên xem xét hết các phương pháp điều trị khác trước khi có quyết định truyền máu cho bệnh nhân. Nguyên tắc truyền máu là:

- Thứ nhất: Phải bảo đảm nguyên tắc là chỉ thực hiện việc truyền máu khi thật cần thiết (sốc do mất máu, thiếu máu nặng), thiếu cái gì truyền cái nấy, chỉ truyền cái bị thiếu mà thôi và nên hạn chế tối đa truyền máu toàn phần.

- Thứ hai: Phải truyền máu cùng nhóm. Chỉ trường hợp bắt buộc nếu không có cùng nhóm và nếu không truyền máu sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân thì mới truyền nhóm máu O.

- Thứ ba: Lọ máu truyền phải đảm bảo kỹ thuật về lấy máu, giữ máu và các quy tắc truyền máu.

2. Các tai biến và phản ứng khi truyền máu

Truyền máu là việc rất hữu ích cứu được nhiều người qua cơn hiểm nghèo. Nhưng cũng do truyền máu mà có người bị nhiễm bệnh hoặc làm bệnh nặng thêm, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy người truyền máu phải nắm vững những tai biến truyền máu để kịp thời xử lý hoặc hạn chế  những mặt chưa tốt của truyền máu.

Tai biến truyền nhầm nhóm máu

Vì một số lý do như: Do nhầm lẫn giấy tờ hồ sơ (gặp trong đa số trường hợp); Do kỹ thuật định nhóm máu và làm xét nghiệm phù hợp không tốt;… máu truyền vào cơ thể bị nhầm nhóm máu của bệnh nhân. Phản ứng cấp tính trong trường hợp này là:

Đối với bệnh nhân không mê: Thấy khó thở, tức ngực, mặt đỏ hồng, đau thắt lưng dữ dội là dấu hiệu đặc biệt nhất, mạch nhanh, huyết áp hạ. Sau nửa giờ bệnh nhân tiểu đỏ (có huyết sắc tố, có hồng cầu, trụ hạt), tiếp theo (sau 3 giờ) là triệu chứng viêm ống thận cấp tính, bệnh nhân tiểu ít rồi vô niệu.

Urê máu tăng cao có thể lên đến 3-4g/l vào ngày thứ 7-8. Nếu điều trị tích cực qua được giai đoạn này thì đến giai đoạn hồi niệu, bệnh nhân đái nhiều, sẽ mất nhiều muối và nước. Sau đó bệnh nhân trở lại bình thường và không để lại di chứng gì.                   

Đối với bệnh nhân mê: Ngoài các triệu chứng như trên thấy: Máu đen đùn ra ở vết mổ và không đông. Tất cả vị trí nào có chọc kim đều có hiện tượng xuất huyết.

Phản ứng gián tiếp, bệnh nhân có triệu chứng thường bị vàng da nhẹ, thiếu máu tiêu huyết nhẹ. Nếu có dấu hiệu phản ứng tiêu huyết thì ngưng truyền ngay. Chống sốc tùy theo tình trạng bệnh nhân mà có xử trí thích đáng.

Các phản ứng khác

Mặc dù sẽ được cung cấp máu phù hợp với nhóm máu, vẫn có thể có một phản ứng dị ứng với các phần của máu được truyền. Các dấu hiệu và triệu chứng này thường giới hạn phát ban và ngứa. Những loại phản ứng truyền máu thường được điều trị với thuốc kháng histamine và hiếm khi nghiêm trọng.

Phản ứng sớm

Phản ứng dị ứng: Nổi mề đay, phù cứng (phù Quinke), khó thở như hen suyễn, sốt, đau các khớp. Đó là do bệnh nhân bị mẫn cảm nhẹ. Xử trí bằng các kháng histamin tổng hợp hoặc các corticoide.

Phản ứng sốt: Đây là phản ứng phổ biến, nhưng thường nó không phải là nghiêm trọng. Sốt, sau đó có cơn rét run dữ dội nhức đầu, nôn mửa... nhiệt độ sẽ giảm dần sau 30 phút đến 1 giờ.

Nguyên nhân là có chất gây sốt trong dụng cụ, trong dung dịch pha truyền hoặc nhiệt độ chai máu còn lạnh đem truyền. Ngoài ra còn có các nhóm phụ loại A của hệ ABO hoặc là các kháng thể chống bạch cầu ở người truyền máu nhiều lần.

Cách xử trí trong trường hợp này là ngừng truyền nếu đang truyền để đánh giá thêm trước khi quyết định có tiếp tục hay không, dùng các loại hạ sốt và kháng Histamin tổng hợp.

Tắc mạch khí phế quản phổi: Do không khí tràn vào gây tắc mạch phổi, phế quản, do truyền máu quá nhiều acide, potassium (K’), Ammonium (NH4), hoặc máu khó đông vì thiếu calcium và yếu tố đông máu. Cần tiêm Calcium 10% cứ 2ml cho 250ml máu.

Ngừng tim hoặc loạn nhịp tim: Có thể do truyền máu quá lạnh. Thường xảy ra ở trẻ em do truyền nhanh và số lượng nhiều, máu mới lấy ra ở tủ lạnh, có thể gây lạnh màng tim, có thể dẫn đến ngừng tim hoặc loạn nhịp.

Khó chịu, rét run, giảm huyết áp, tăng nhịp tim, có Hb niệu, chảy máu không rõ nguyên nhân (dấu hiệu đông máu rải rác lòng mạch)… đây là chuỗi những phản ứng cấp tính nặng, nguyên nhân có thể là do: Tan máu trong lòng mạch do truyền nhầm nhóm máu hệ ABO; Nhiễm khuẩn và sốc nhiễm khuẩn; Quá tải tuần hoàn; Sốc phản vệ (thường do truyền huyết tương hiếm khi xảy nhưng xảy ra vài phút sau truyền); Tổn thương phổi cấp liên quan đến truyền máu thường xảy ra 1- 4 giờ kể từ khi bắt đầu truyền.

các phản ứng khi truyền máu

Truyền đúng nhóm máu

Biến chứng muộn

Trường hợp hiếm nhưng không phải không xảy ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu của những bệnh truyền nhiễm như: Bệnh giang mai, viêm gan do virus, sốt rét, HIV.

Nhiễm sắt do truyền máu quá nhiều: Những người truyền máu nhiều lần nhất là trường hợp thiếu máu mãn tính do đưa một lượng lớn chất sắt vào cơ thể, sau nhiều năm sẽ gây một chứng nhiễm sắt: da sạm, gan bị tổn thương, gan cứng.

Tan máu muộn thường do kháng thể bất thường liên quan đến bệnh nhân truyền máu toàn phần hoặc khối hồng cầu xuất hiện 5-10 ngày sau truyền.

Ngoài ra còn có các phản ứng ban đỏ và chảy máu sau truyền do kháng thể kháng tiểu cầu xuất hiện 5-10 ngày sau truyền. Bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ liên quan đến truyền máu, bệnh nhân biểu hiện: sốt, ban đỏ trên da, tiêu chảy xuất hiện 10-12 ngày sau truyền. Quá tải sắt gặp ở những bệnh nhân truyền máu mạn tính bị suy gan, suy tim. Tổn thương phổi liên quan đến truyền máu…

Nguồn : nhatkybe.vn

Từ khóa » Sốc Khi Truyền Máu