Các Phép Liên Kết Câu Và Liên Kết đoạn Văn - Ôn Tập Ngữ Văn Thi ...

G. CÁC PHÉP LIÊN KẾT CÂU VÀ LIÊN KẾT ĐOẠN VĂN

I. TÓM TẮT KIẾN THỨC

1. Khái niệm liên kết

Đoạn văn, văn bản không phải là sự ghép nối, không phải là một phép cộng đơn giản của các câu rời rạc, lẻ tẻ mà là một thể thống nhất hữu cơ. Ở đó mỗi câu là một phần tử gắn bó chặt chẽ với những câu khác để cùng thực hiện những nhiệm vụ chung là cấu tạo nên một văn bản thống nhất, phục vụ cho nhiệm vụ chung trong tư duy và giao tiếp. Muốn được như vậy, các câu trong văn bản phải luôn luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau, được gọi là sự liên kết của các câu trong văn bản.

* Liên kết nội dung

- Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đề của đoạn văn (liên kết chủ đề).

- Các đoạn văn và các câu phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí (liên kết lô - gic).

* Liên kết hình thức: Các câu và các đoạn văn có thể được liên kết với nhau bằng một số biện pháp chính như sau:

- Lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu trước (phép lặp từ ngữ);

- Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước (phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng);

- Sử dụng ở các câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước (phép thế);

- Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước (phép nối).

2. Các phép liên kết thường gặp

a. Phép nối

- Khái niệm: Là cách liên kết câu, đoạn bằng tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ. Đó là các quan hệ từ, các từ ngữ chuyển tiếp và phụ từ.

- Các phương tiện liên kết:

+ Các quan hệ từ thường dùng để thực hiện phép nối là: và, còn, mà, thì, nhưng, tuy, nếu, nên;

+ Các từ ngữ chuyển tiếp: do đó, tuy vậy, dù thế, vậy nên, vậy thì, nói tóm lại, nhìn chung...

b. Phép lặp

- Khái niệm: Là cách dùng đi dùng lại một yếu tố ngôn ngữ để tạo ra sự liên kết giữa các câu, các đoạn chứa yếu tố đó.

- Các cách lặp: Có 3 cách lặp.

+ Lặp từ vựng: Là cách dùng đi dùng lại một từ ngữ nào đó trong các câu khác nhau.

Ví dụ: Trên mép ông, ông đã bao công trình mới cấy được từng ấy râu. Ông để râu cho khác hẳn với tụi huyện bọn trẻ nhãi. Nguyên là cái mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá, nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá, đến nỗi râu không có chỗ nào lách ra ngoài được.

(Đồng hào có ma - Nguyễn Công Hoan)

Trong ví dụ trên, các từ được lặp lại là “ông”, “râu” ở các câu khác nhau.

+ Lặp cấu trúc ngữ pháp: Là cách dùng đi dùng lại một kiểu kết cấu cú pháp nào đó.

Ví dụ:

“Đã nghe nước chảy lên non

Đã nghe đất chuyển thành con sông dài

Đã nghe gió ngày mai thổi lại.

Đã nghe hồn thời đại bay cao”

(Tố Hữu)

Trong ví dụ trên cả bốn câu thơ đều có cấu trúc ngữ pháp giống nhau.

+ Lặp ngữ âm: Là cách dùng đi dùng lại một âm, để tạo ra sự liên kết câu, liên kết đoạn (thường gặp trong thơ ca).

Ví dụ:

“Đã nghe nước chảy lên non

Đã nghe đất chuyển thành con sông dài

Đã nghe gió ngày mai thổi lại.

Đã nghe hồn thời đại bay cao”

(Tố Hữu)

Trong ví dụ trên cứ hai câu thơ lại có vần giống nhau: non - con; lại - đại.

c. Phép thế

- Khái niệm: Là cách dùng những từ, tổ hợp từ khác nhau nhưng cùng chỉ một đối tượng người, vật, việc, hiện tượng... để thay thế cho nhau ở các câu khác nhau, qua đó tạo sự liên kết giữa các câu chứa chúng.

- Các phương tiện để thế:

+ Thế đại từ: Dùng đại từ để thay thế.

+ Thế đồng nghĩa: Dùng từ, cụm từ đồng nghĩa, gần nghĩa.

+ Các từ, cụm từ chỉ cùng một đối tượng: Các từ này vốn không đồng nghĩa, gần nghĩa nhau nhưng trong trường hợp cụ thể đang dùng nó lại cùng chỉ một đối tượng.

Ví dụ:

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ.

(Tôi đi học - Thanh Tịnh)

Trong ví dụ trên đại từ “Họ” thế cho “mấy cậu học trò”.

II. CÁC DẠNG BÀI TẬP

1. Câu 1

Cho đoạn văn sau:

Cắm bơi một mình trong đêm (1). Đêm tối bưng không nhìn rõ mặt đường (2). Trên con đường ấy, chiếc xe lăn bánh rất êm (3). Khung xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng (4). Trăng bồng bềnh nổi lên qua dãy Pú Hồng (5). Dãy núi này có tính chất quyết định đến gió mùa đông bắc nước ta (6). Nước ta bây giờ là của ta rồi, cuộc đời đã bắt đầu hửng sáng (7).

(Theo Trần Ngọc Thêm)

Đoạn trích trên có thể gọi là đoạn văn hoàn chỉnh được chưa? Vì sao?

Gợi ý

Đoạn trích trên có 7 câu.

- Xét về hình thức: các câu có liên kết.

- Xét về nội dung: các câu không có sự liên kết, lan man, không rõ chủ đề.

→ Như vậy, về hình thức các câu có vẻ liên kết nhưng nội dung thông báo khác nhau, được đứng cạnh nhau một cách thiếu lô-gic, thiếu sự thống nhất về đề tài, chủ đề, nội dung tản mạn. Đó không phải là đoạn văn hoàn chỉnh.

2. Câu 2

Đọc các đoạn văn sau:

a. Hôm sau, vua ra cửa Đông chờ đợi, chợt thấy một con rùa vàng từ phương đông lại, nổi lên mặt nước, nói sõi tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Vua mừng rỡ nói: “Điều đó chính cụ già đã báo cho ta biết trước”. Bèn dùng xe bằng vàng ruớc vào trong thành.

(Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ)

b. Văn học dân gian nằm trong tổng thể văn hoá dân gian ra đời từ xa xưa và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay (...). Ở Việt Nam, văn học dân gian có vị trí và vai trò rất quan trọng. Trong hàng ngàn năm Bắc thuộc và ở các thời kì dân tộc chưa có chữ viết hoặc chữ viết chưa phổ cập, văn học dân gian đã đóng góp to lớn trong việc gìn giữ, mài giũa và phát triển ngôn ngữ dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn nhân dân.

(Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử)

c. Một nhà kia có hai anh em, cha mẹ mất sớm. Họ chăm lo làm lụng nên trong nhà cũng đủ ăn. Rồi hai anh em lấy vợ. Nhưng từ khi có vợ, người anh sinh ra lười biếng, bao nhiêu công việc khó nhọc đều trút cho vợ chồng em.

Hai vợ chồng người em thức khuya, dậy sớm, cố gắng làm lụng. Thấy thế người anh sợ em tranh công, liền bàn với vợ cho em ở riêng.

Người anh chỉ chia cho em một gian nhà lụp xụp ở trước cửa có cây khế ngọt. Còn người anh có bao nhiêu ruộng đều cho làm rẽ, ngồi hưởng sung sướng với vợ. Thấy em không ca thán, lại cho là đần độn, không đi lại với em nữa.

(Cây khế - Truyện cổ tích).

- Cho biết các câu trong đoạn được liên kết với nhau nhờ những phương tiện liên kết nào - thuộc những phép liên kết nào? Chỉ ra tác dụng của từng phương tiện liên kết đã được dùng?

- Câu cuối trong đoạn a, đã là một câu hoàn chỉnh chưa? Nếu tách riêng ra khỏi đoạn, nó có hợp lí và được chấp nhận không?

Gợi ý

Đoạn a: Sử dụng phép liên kết và phương tiện liên kết sau:

- Phép lặp từ: “Vua”, ngoài tác dụng liên kết còn tập trung được sự chú ý của người đọc vào nhân vật được nói đến.

- Câu cuối: nếu tách riêng ra ngoài thì không chuẩn về cấu tạo ngữ pháp, chưa diễn đạt được ý trọn vẹn nhưng ở trong đoạn văn này do có mối liên hệ với các câu trước về ý nên nó vẫn thể hiện được một nội dung rõ ràng, thậm chí còn làm tăng mối liên kết giữa các câu bởi sự ngắn gọn và làm nổi bật được hành động của nhân vật được nói đến. (Có thể hiểu là rút gọn)

Đoạn b: Sử dụng phương tiện liên kết là cụm từ “văn học dân gian” - thuộc phép lặp. Tác dụng: Làm cho các câu liên kết với nhau về đề tài, tập trung vào đối tượng được nói đến.

Đoạn c: Sử dụng các phương tiện liên kết là các từ ngữ thuộc các phép liên kết sau:

- Phép nối:

+ “Rồi”: chỉ ra trình tự trước sau của các sự việc

+ “Nhưng, còn”: chỉ ra sự đối chiếu, tương phản về ý nghĩa giữa các câu được liên kết. Từ đó hướng người đọc chú ý vào sự đối sánh giữa các nhân vật.

- Phép thế: “Họ, thấy thế”: Làm cho cách diễn đạt ngắn gọn hơn, không bị lặp.

- Phép lặp: “Người anh”, “người em”, “hai anh em”: tập trung được sự chú ý của người đọc vào các nhân vật được nói đến.

3. Câu 3

Điền các phương tiện liên kết vào chỗ chấm sao cho thích hợp. Cho biết các phương tiện liên kết đó thuộc phép liên kết nào?

a. Trong suốt thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của đế quốc phong kiến xâm lược, nhân dân ta đã nhiều phen lật đổ chính quyền của bọn đô hộ...chỉ với chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 thì mới chấm dứt được ách thống trị của phong kiến phương Bắc và mở đầu thời kỳ quốc gia độc lập.

(Theo Văn học Việt Nam thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII)

b. Văn học dân gian là một kho tàng chẳng những quí báu về chất mà còn phong phú về lượng. Sự phát triển mạnh mẽ...ở nước ta có cơ sở từ những điều kiện lịch sử nhất định.

(Sách đã dẫn)

c. Văn học chữ Hán có một số lượng tác phẩm rất lớn...là những tác phẩm văn học chính luận và văn học hình tượng đủ loại, viết theo thể tản văn, biền văn và vận văn.

(Sách đã dẫn)

Gợi ý

- Đoạn a: Điền từ “Nhưng” (phép nối).

- Đoạn b: Điền cụm từ “của văn học dân gian” (phép lặp).

- Đoạn 2: Điền từ “Đó” (phép thế).

Từ khóa » Các Phép Liên Kết Chủ Yếu được Học Là Gì