Các Phương Pháp Can Thiệp Rối Loạn Ngôn Ngữ Cho Trẻ Em

Nội dung chính:

Toggle
  • Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ
  • Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em
  • Phương pháp CD – trị liệu viên chỉ đạo (Clinician – Directed)
  • 2 kỹ thuật phổ biến theo phương pháp clinician directed:
    • Drill (học vẹt):
    • Drill play (Học vẹt qua trò chơi)
  • Phương pháp cc – lấy trẻ làm trung tâm (child-centered)
  • Phương pháp động / Hybrid Approach (HA)

Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ

• Tiền chủ ý (1-8 tháng tuổi ở trẻ bình thường) (Pre-intentional): Chưa có chủ ý, trẻ sơ sinh chưa phát triển các kỹ năng nhận thức trong sinh hoạt

• Tiền ngôn ngữ (Pre-linguistic): giao tiếp có chủ ý nhưng chưa giao tiếp bằng lời (9 – 18 tháng tuổi ở trẻ bình thường)

• Bắt đầu hình thành ngôn ngữ (Emerging language): những từ đầu tiên đến các tổ hợp hai ba từ (18­ – 36 tháng)

• Phát triển ngôn ngữ (Developing language): ngôn ngữ bậc mẫu giáo: tổ hợp từ đến hình thành các mẫu câu (36 tháng đến 5 tuổi)

• Ngôn ngữ cho việc học (Language for learning): độ tuổi đi học, bắt đầu phát triển khái niệm đọc viết (literacy skills)

• Ngôn ngữ nâng cao (Advanced language): bậc trung học và cao hơn

Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em
Có 6 giai đoạn phát triển phát triển ngôn ngữ ở trẻ

Các đặc điểm của trẻ ở giai đoạn tiền ngôn ngữ (9-18 tháng)

• Sử dụng các đồ vật quen thuộc: biết muỗng dùng để ăn, búa dùng để đóng đinh ,v.v..

• Bắt đầu phát triển giao tiếp có chủ ý (nhưng chưa bằng lời nói)

• Giao tiếp giới hạn thông qua cử chỉ và/hoặc phát ra âm thanh (không phải từ ngữ)

• Hiểu giới hạn các từ quen thuộc (mama, baba, ăn, v.v…)

• Giới hạn phạm vi của các chức năng ngữ dụng

• Nói từ đơn hoặc tổ hợp 2-3 từ (ăn cơm, uống nước, xe chạy, v.v. ). Nếu trẻ nói được cụm từ dài hơn hoặc thành câu -> trẻ ở giai đoạn bắt đầu phát triển ngôn ngữ

Các đặc điểm của trẻ ở giai đoạn bắt đầu hình thành ngôn ngữ (18-24 tháng)

• Gia tăng tần suất sử dụng & phạm vi các chức năng ngữ dụng (pragmatic functions)

• Sử dụng từ đơn và các tổ hợp từ để giao tiếp

• Gia tăng các âm lời nói

• Hiểu các danh từ, động từ và tổ hợp từ: tên các đồ vật, các từ chỉ hành động, v.v..

• Trẻ sử dụng các “chiến lược ngôn ngữ” để hiểu các câu dài, phức tạp

• Phát triển chơi biểu tượng (symbolic play)

• Các đặc điểm của trẻ ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ (2 – 5 tuổi)

• Có sử dụng các cấu trúc câu đơn giản, nhưng chưa hoàn chỉnh

• Số từ vựng nói được hơn 50 từ ở trẻ 2 tuổi, có sự kết hợp các tổ hợp từ

Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em

(thường áp dụng cho giai đoạn bắt đầu hình thành ngôn ngữ và giai đoạn phát triển ngôn ngữ)

can thiệp rối loạn ngôn ngữ
Phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ được chia thành 3 loại chính.

Dựa theo mức độ tự nhiên của phương pháp, các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em được chia ra làm 3 loại chính:

Tự nhiên nhất:

Lấy trẻ làm trung tâm (Child-centered)

Phương pháp động/kết hợp (Hybrid approach)

Không tự nhiên nhất

Trị liệu viên chỉ đạo (Clinician – directed)

Phương pháp CD – trị liệu viên chỉ đạo (Clinician – Directed)

Trong phương pháp này, trị liệu viên sẽ kiểm soát gần như mọi việc trong trị liệu, từ lựa chọn vật dụng, đồ chơi, sử dụng các vật dụng, các loại hình và tần suất củng cố khen ngợi cũng như sửa sai, những câu trả lời nào của trẻ sẽ được chấp nhận, v.v..

Phương pháp này thường được dùng khi mục tiêu can thiệp cần có sự lặp lại nhiều lần từ trẻ, như trong can thiệp âm lời nói: (speech intervention) vd: tập cho trẻ nói âm k, r, l, v.v… Tuy nhiên đây là phương pháp không tự nhiên nhất vì trị liệu viên đóng vai trò là người chỉ đạo trị liệu và trị liệu thường diễn ra trong môi trường có tính kiểm soát cao.

Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em
Phương pháp CD trị liệu rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em.

2 kỹ thuật phổ biến theo phương pháp clinician directed:

Drill (học vẹt):

– Trị liệu viên đưa ra hướng dẫn để trẻ thực hiện theo: (“Con lặp lại tên đồ vật sau khi cô làm mẫu” hoặc “Con nói /k/, /g/, gà, v.v…)

– Trị liệu viên có thể dùng hình ảnh và/hoặc làm mẫu để trẻ thực hiện theo: vd: Trị liệu viên chỉ vào hình ảnh và nói: “Con gấu”

– Trị liệu viên chờ đợi một khoảng thời gian cho trẻ suy nghĩ và trả lời.

– Nếu trẻ trả lời đúng, trị liệu viên có thể củng cố bằng lời khen và làm mẫu lại cho trẻ “Con nói giỏi lắm/Đúng rồi. Con gấu” và/hoặc kết hợp với khen thưởng hiện vật: vd: tặng cho trẻ 1 sticker/giấy dán hình, thu thập đủ số lượng stickers trẻ sẽ được chọn 1 món đồ chơi vào cuối buổi trị liệu trong thùng đồ chơi.

– Nếu trẻ trả lời chưa đúng, trị liệu viên phản hồi ngay lập tức và tránh phản hồi tiêu cực như: “Không đúng/Con sai rồi.” Thay vào đó trị liệu viên có thể phản hồi tích cực và làm mẫu lại cho trẻ: vd trẻ nói “con chó” thay vì “con gấu”, trị liệu viên có thể nói: “Con nói gần đúng rồi. Để cô nói lại thử xem lần sau con có nhớ không nha. Con gấu.”

– Sau đó, trị liệu viên chờ đợi phản hồi từ trẻ và lặp lại sự củng cố hoặc phản hồi.

Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em
Học vẹt là kỹ thuật can thiệp rối loạn ngôn ngữ hiệu quả

Drill play (Học vẹt qua trò chơi)

– Phương pháp này tương tự như drill, chỉ khác là trị liệu viên kết hợp với những trò chơi để tăng tính tương tác và làm cho trẻ có hứng thú hơn.

– Vd: chơi câu cá, chơi bowling, chơi đá banh, chơi đồ nhà bếp, v.v, tùy theo sở thích và độ tuổi của trẻ.

– Cách thực hiện: vd trong phương pháp chơi đá banh, trị liệu viên có thể đặt những chiếc cốc giấy thành hàng với các bức hình đồ vật mà trị liệu viên muốn trẻ nói theo. Mỗi lần trẻ đá banh làm đổ những chiếc cốc, trị liệu viên cùng trẻ tới thu thập các bức hình và trẻ sẽ nói tên các bức hình trước khi đến lượt đá banh tiếp theo.

Phương pháp cc – lấy trẻ làm trung tâm (child-centered)

Đây là phương pháp trị liệu viên sẽ đi theo sự dẫn dắt của trẻ. Trị liệu viên sẽ từ đó mà phản hồi với hành vi giao tiếp của trẻ trong các ngữ cảnh giao tiếp tự nhiên. Không giống với phương pháp CD, trong phương pháp này, trẻ không cần phải đáp ứng lại với giao tiếp của trị liệu viên (nếu trẻ có đáp ứng thì tốt, không thì không ép trẻ phải nói theo, làm theo mẫu).

Phương pháp này hướng đến việc thúc đẩy ngôn ngữ cho trẻ một cách gián tiếp. Ưu điểm của phương pháp này là giao tiếp với trẻ được thực hiện trong một môi trường rất tự nhiên. Trị liệu viên hầu như không can thiệp vào vật dụng, đồ chơi trong trị liệu hay định hình sự củng cố, phản hồi của mình cho ngôn ngữ với trẻ. Chính vì vậy mà một trong những khuyết điểm của phương pháp này là trị liệu viên có thể sẽ không thực hiện được các mục tiêu của mình trong buổi trị liệu, do thường phải nương theo sự dẫn dắt của trẻ.

Phương pháp CC có thể được áp dụng trong các buổi trị liệu để lượng giá, làm quen với trẻ hoặc hướng đến mục tiêu ngôn ngữ trong ngữ cảnh tự nhiên nhất có thể cho trẻ.

Các kỹ thuật phổ biến của phương pháp CC: (nên nhớ trong phương pháp CC, trẻ không cần phải đáp ứng lại với trị liệu viên)

Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em
Phương pháp CC hướng đến mục tiêu ngôn ngữ trong ngữ cảnh tự nhiên.

Nói một mình (self-talk)

Trong self-talk, trị liệu viên miêu tả hành động của bản thân trong khi tham gia chơi song song với trẻ. Nếu trẻ đang chơi xây nhà từ khối gỗ, trị liệu viên cũng bắt chước xây nhà với các khối gỗ và vừa làm vừa nói: “Cô đang xây nhà. Cô đang xây nhà đây. Nhà với các khối gỗ. Các khối gỗ của cô nè. Con thấy không? Nhà cô cao. Nhà có cửa sổ.”

Self-talk giúp trị liệu viên kết nối giữa lời nói và hành động. Bằng cách làm theo các hành động của trẻ và nói về các hành động đó của bản thân, trị liệu viên làm mẫu cho việc đưa ra nhận xét cho hành động là như thế nào.

Nói song song (parallel talk)

Trị liệu viên miêu tả hành động của trẻ, giống như ta đang tường thuật cho trẻ nghe. Lấy cùng 1 ví dụ là chơi xây nhà từ khối gỗ, trị liệu viên sẽ nhìn trẻ làm và nói: “Con đang xây nhà. Con đang lấy khối gỗ nè. Để khối gỗ lên đây. Nhà cao rồi. Con xây một cái nhà cao. Cao ơi là cao!”

Self-talk và parallel talk rất có ích đối với trẻ chưa nói được. Trị liệu viên sử dụng phương pháp này sẽ tạo ra cơ hội làm mẫu gián tiếp một cách tôi đa cho trẻ, và cũng để trẻ có cơ hội sử dụng các từ, cụm từ hay câu trong hội thoại. Khi trẻ bắt đầu có đáp ứng, trị liệu viên có thể kết hợp với các kỹ thuật khác trong cùng phương pháp CC, hay theo phương pháp động (Hybrid approach).

Bắt chước (imitation)

Thường chúng ta hay có khuynh hướng yêu cầu trẻ lặp lại hay làm theo những gì chúng ta nói/làm trong buổi trị liệu. Với kỹ thuật này, chúng ta sẽ là người lặp lại những gì trẻ nói/làm, với mục đích tạo điều kiện cho trẻ sử dụng ngôn ngữ tức thời một cách tối đa. Trẻ càng nói nhiều thì sẽ càng có cơ hội để trẻ thực hành các kỹ năng ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và chúng ta cũng sẽ có thêm cơ hội đưa ra phản hồi.

Nếu trẻ lặp lại sự bắt chước của ta từ trẻ, chúng ta có thể dựa vào đó mà mở rộng ra với những đáp ứng để gián tiếp thúc đẩy ngôn ngữ cho trẻ. Hoặc chúng ta có thể tiếp tục lặp lại theo trẻ như một cách giúp trẻ phát triển nền tảng cơ bản cho kỹ năng chờ đến lượt qua lại (taking-turns) trong hội thoại.

Mở rộng ngữ pháp (expansions)

Trong kỹ thuật này, trị liệu viên sẽ dựa vào phản hồi của trẻ để mở rộng câu cho trẻ. Vd: nếu trẻ cho búp bê nằm trên giường và nói :”Búp bê ngủ” trị liệu viên sẽ mở rộng thành một câu đầy đủ ngữ pháp từ lời trẻ nói: “À, búp bê đang ngủ.”

Mở rộng ngữ nghĩa/từ vựng (extensions):

Trong kỹ thuật này, trị liệu viên sẽ dựa vào phản hồi của trẻ để mở rộng câu cho trẻ. Vd: nếu trẻ cho búp bê nằm trên giường và nói :”Búp bê ngủ”, trị liệu viên sẽ mở rộng thành một câu có liên đến ngữ cảnh mà trẻ đang chơi: “Búp bê nhắm mắt rồi.” “Búp bê mệt.”

Mở rộng và thu gọn (buildups and breakdowns)

Với kỹ thuật này, trị liệu viên sẽ dựa vào phản hồi của trẻ để mở rộng câu và sau đó thu ngắn lai . Vd: nếu trẻ cho búp bê nằm trên giường và nói :”Búp bê ngủ” trị liệu viên sẽ phản hồi: “Đúng rồi, búp bê đang ngủ. Em búp bê. Em đang ngủ. Đang ngủ. Búp bê đang ngủ. Búp bê.”

Thay đổi mẫu câu (recast sentences)

Trong kỹ thuật này, trị liệu viên sẽ dựa vào phản hồi của trẻ để thay đổi hình thái của câu. Vd: nếu trẻ cho búp bê nằm trên giường và nói :”Búp bê ngủ” trị liệu viên sẽ phản hồi bằng 1 câu hỏi: “Búp bê đang ngủ sao?” hay “Búp bê có ngủ không?” hoặc câu phủ định: “Búp bê không ngủ.”

Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ cho trẻ em
Với kỹ thuật mở rộng và thu gọn trị liệu viên cần dựa vào phản hồi của trẻ.

Phương pháp động / Hybrid Approach (HA)

Đây là phương pháp kết hợp giữa CD và CC để vẫn giữ tính tự nhiên trong tương tác với trẻ, nhưng nâng cao tính cấu trúc sắp đặt cho buổi trị liệu

Hybrid approach có 3 đặc điểm chính:

– Tập trung vào các mục tiêu can thiệp ngôn ngữ cụ thể cho trẻ sau quá trình lượng giá.

– Trị liệu viên kiểm soát trong việc lựa chọn các hoạt động và vật dụng trị liệu nhưng vẫn hướng trẻ và tạo cơ hội cho trẻ có các phản hồi tức thời (spontaneous responses) cho các mục tiêu can thiệp.

– Trị liệu viên sử dụng các hình thức thúc đẩy ngôn ngữ không chỉ để phản hồi lại giao tiếp của trẻ, mà còn để làm mẫu và tập trung vào các mục tiêu can thiệp.

Một số kỹ thuật chính trong HA

Kích thích tập trung (Focused stimulation): Trong kỹ thuật này, trị liệu viên sắp xếp bối cảnh hoạt động giao tiếp để thúc đẩy trẻ phản hồi tức thời đúng theo các mục tiêu đã để ra. Lưu ý là mặc dù làm mẫu và phản hồi cho trẻ, nhưng trị liệu viên không bắt trẻ phải lặp lại theo cấu trúc đúng như phương pháp CD.

Ví dụ: dạy trẻ về giới từ: trong, ngoài,

Trị liệu viên: Bây giờ mình sẽ cho các bạn thú đi ngủ nha. Bạn voi ở ngoài hộp. Bạn Voi ở trong hộp rồi. Bạn Mèo ở đâu rồi con? (chỉ vào mèo ở ngoài hộp)

Trẻ: Ở ngoài hộp.

Trị liệu viên: Đúng rồi, bạn mèo ở ngoài hộp. Bạn gấu cũng ở ngoài hộp. Con muốn bạn ếch ở đâu?

Trẻ: Bạn ếch (không sử dụng giới từ)

Trị liệu viên: (vẫn phản hồi ngay lập tức và làm mẫu thêm cho trẻ mà không cần trẻ phải lặp lại) À, bạn ếch ở ngoài hộp. Giờ bạn ếch ở trong hộp. Bạn cọp thì… (bỏ cọp vào hộp và ngưng lại không nói nữa)

Trẻ: Cọp trong hộp.

Trị liệu viên: (phản hồi ghi nhận và lại làm mẫu thêm): Chính xác. Bạn cọp trong hộp. Mình coi lại coi bạn nào ở trong hộp nữa. Bạn voi ở trong hộp.

Cấu trúc dọc (vertical structuring): là một kỹ thuật mở rộng ngôn ngữ cho trẻ theo các mục tiêu lựa chọn sẵn giống như kích thích tập trung. Theo phương pháp này, chúng ta sẽ thấy trị liệu viên phản hồi lại với lời nói chưa hoàn chính của trẻ bằng những câu hỏi và mẫu câu mở rộng.

Ví dụ: Trẻ được cho xem 1 bức tranh về sở thú:

Trị liệu viên: Con nhìn nè. Nói cho cô nghe con thấy gì trong tranh (Nếu trẻ không có phản hồi, có thể điều chỉnh câu hỏi cụ thể hơn). [Chỉ vào chú voi đang ăn mía] Con thấy gì ở đây nè?

Trẻ: Con voi.

Trị liệu viên: Đúng rồi, con voi đang làm gì ha?

Trẻ: Ăn.

Trị liệu viên: Con giỏi lắm. Voi ăn. Con voi đang ăn mía.

Trị liệu theo kịch bản (script therapy): kết hợp trị liệu trong những hoạt động thường ngày của trẻ như ăn cơm, thay quần áo, tắm rửa. v.v.

Để tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp tập luyện cho trẻ chậm nói, bạn hãy đọc bài viết này nhé: Trẻ chậm nói

Lời người dịch:

Không có trẻ nào giống trẻ nào cũng như không có phương pháp nào là hoàn hảo. Trị liệu viên nên tùy theo trẻ mà có sự linh động phối hợp giữa các phương pháp trong việc can thiệp ngôn ngữ và lời nói cho trẻ. Đây là thông tin lược dịch từ tàI liệu nước ngoàI nên chỉ mang tính tham khảo. Thông tin được chia sẻ phi lợI nhuận. Xin vui lòng không chia sẻ thông tin cho các mục đích thương mại.

Xin cảm ơn.

Nguồn: Paul, R. & Norbury, C. F. (2012) Language disorders: from Infancy through Adolescence (4th ed.) St. Louis, M.S.: Elsevier Người dịch: Nguyễn Mai Hoàn Thành Tính linh động và sự sáng tạo trong trị liệu sẽ giúp trị liệu viên tìm ra các hoạt động, phương pháp và các mục tiêu trị liệu có tính chức năng cao nhất cho trẻ!

Từ khóa » Tiểu Luận Trẻ Rối Loạn Ngôn Ngữ