Các Phương Pháp Khởi Phát Chuyển Dạ | Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh

Quá trình chuyển dạ sẽ khác nhau ở mỗi thai phụ. Hầu hết cuộc sinh sẽ diễn ra trong vòng 24 giờ, tuy nhiên một số trường hợp lại mất 2 – 3 ngày. Khi đó, khởi phát chuyển dạ được đề nghị nhằm tránh các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khởi phát chuyển dạ chiếm tỷ lệ từ 9.6% đến 23.3% trong tổng số các trường hợp mang thai. Mục đích của quá trình này nhằm giúp thai phụ có thể có cơn co tử cung gây xóa mở cổ tử cung, nhờ đó thai phụ có thể có cơ hội sinh thường qua ngả âm đạo khi bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ. 25% trường hợp mặc dù đã được khởi phát chuyển dạ thành công nhưng vẫn phải trải qua mổ lấy thai sau đó vì quá trình diễn tiến chuyển dạ tiếp theo không thuận lợi.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, lợi ích của việc này cần được so sánh và cân nhắc với các nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi. Trong trường hợp các lợi ích của việc bắt buộc sinh khẩn cấp lớn hơn nhiều so với các nguy cơ có thể xảy ra nếu vẫn tiếp tục duy trì thai kỳ, thì việc khởi phát quá trình chuyển dạ được xem là một can thiệp điều trị hiệu quả.

Khởi phát chuyển dạ là gì?

Khởi phát chuyển dạ (tiếng Anh là Labor Induction) còn được gọi là kích thích chuyển dạ hay gây chuyển dạ, là quá trình sử dụng thuốc hoặc các phương pháp cơ học khác nhau nhằm kích thích thai phụ đi vào chuyển dạ thay vì chờ chuyển dạ tự nhiên.

Thông thường, thai kỳ sẽ kết thúc phổ biến từ tuần thứ 38 – 40, thai phụ sẽ cảm nhận xuất hiện những cơn co tử cung đều đặn liên tục báo hiệu cho quá trình chuyển dạ tự nhiên đã bắt đầu và em bé sắp chào đời. Tuy nhiên, một số trường hợp thai phụ không hề cảm nhận được các cơn đau như mô tả trên mặc dù đã quá ngày dự sinh, lúc này để có được cơn co của chuyển dạ, các bác sĩ phải thực hiện việc kích thích chuyển dạ bằng cách áp dụng các phương pháp tạo ra cơn co tử cung, giúp sản phụ có thể có cơ hội sinh con qua ngả âm đạo, kết thúc thai kỳ. (1)

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
khoi phat chuyen da
Khởi phát chuyển dạ tạo cơn co tử cung giúp thai phụ bắt đầu chuyển dạ và sinh con

Bên cạnh đó, một số trường hợp thai phụ có chỉ định phải ngừng thai kỳ do một số tình trạng bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng mẹ như tiền sản giật nặng, sản giật, bệnh tim phổi có chỉ định ngừng thai kỳ… hoặc do thai mắc dị tật bẩm sinh không thể nuôi được, thai bị chết trong tử cung… cũng cần được thực hiện khởi phát chuyển dạ.

Quá trình khởi phát có thể bằng biện pháp hóa học (bằng thuốc) hay cơ học (bằng bóng nong).

Khởi phát thành công hay thất bại phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến tình trạng cổ tử cung trước thời điểm thực hiện, và tình trạng này thể hiện qua điểm của chỉ số Bishop mà các bác sĩ sản khoa khi thăm khám cổ tử cung sẽ tính điểm. Điểm số Bishop càng cao thì tiên lượng khởi phát chuyển dạ càng dễ thành công và ngược lại.

Tại sao cần khởi phát chuyển dạ?

Chấm dứt thai kỳ được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp sức khỏe thai phụ và thai nhi đang bị đe dọa, và chấm dứt thai kỳ có thể là mổ lấy thai hay kích thích chuyển dạ theo dõi sinh ngả âm đạo. (2)

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ một số tình huống phổ biến thường được tư vấn cần khởi phát chuyển dạ:

  • Quá ngày dự sinh (trên 40 tuần) nhưng vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ. Các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo, không nên chờ đợi thêm bởi việc này tiềm tàng nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai phụ lẫn thai nhi, chẳng hạn khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của nhau thai kém hiệu quả, nguy cơ đột tử,…
  • Thai phụ vỡ ối tự nhiên nhưng không có dấu hiệu sinh: Khi màng ối đã vỡ, thai phụ và thai nhi có nguy cơ bị nhiễm trùng. Khi đó bác sĩ sẽ tư vấn cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi phải gây chuyển dạ.
  • Thai phụ có chỉ định chấm dứt thai kỳ do có thiểu ối hoặc xuất hiện nhiễm trùng ối.
  • Thai phụ có tình trạng tiền sản giật nặng, sản giật, tiền sản giật ghép trên nền cao huyết áp mãn, hội chứng HELLP… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng mẹ và thai.
qua ngay du sinh
Phương pháp được chỉ định trong trường hợp thai phụ đã quá ngày dự sinh nhưng vẫn chưa chuyển dạ

Các phương pháp khởi phát chuyển dạ

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết, có nhiều phương pháp khởi phát chuyển dạ. Để xác định phương pháp là phù hợp nhất cho từng thai phụ, bác sĩ sẽ tiến hành xem xét tiền sử bệnh nội khoa nếu có, tiền sử sản phụ khoa, thăm khám toàn diện thai phụ và tình trạng cổ tử cung, sẹo mổ lấy thai trước đó, ước đoán cân nặng thai, tình trạng thai… để chọn lựa phương pháp hiệu quả nhất, có thể áp dụng một phương pháp hoặc cần kết hợp các phương pháp khác. (3)

Prostaglandin

Prostaglandin là thuốc nhằm làm chín muồi cổ tử cung, giúp cổ tử cung trở nên mềm, rút ngắn lại và mở ra dễ dàng, thúc đẩy chuyển dạ xảy ra và diễn tiến thuận lợi. Thuốc được trình bày dưới nhiều hình thức sử dụng (uống hoặc ngậm, đặt âm đạo…) và theo các loại Prostaglandin khác nhau. Tùy vào chỉ định ngừng thai kỳ là gì, tuổi thai là bao nhiêu, có sẹo mổ lấy thai hay bóc nhân xơ tử cung trước đó không… mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc nào của Prostaglandin cho phù hợp.

Khởi phát chuyển dạ bằng Prostaglandin, thai phụ và thai nhi cần được theo dõi cơn gò tử cung trên monitoring sản khoa, do đó cần nhập viện.

Oxytocin

Oxytocin là nội tiết tổng hợp, có tác dụng tương tự như oxytocin nội sinh trong cơ thể. Oxytocin được truyền qua đường tĩnh mạch, kích thích tạo ra các cơn co thắt tử cung. Tốc độ truyền oxytocin vào cơ thể sẽ được điều chỉnh sao cho có cơn gò tử cung có hiệu quả gây xóa mờ cổ tử cung.

Ngay khi bắt đầu truyền oxytocin, nhịp tim thai nhi sẽ được theo dõi trong suốt quá trình khởi phát và cả khi đã vào được chuyển dạ bằng Monitor sản khoa hoặc máy Doppler nghe tim thai.

Lóc màng ối

Lóc màng ối được xem là phương pháp kích thích chuyển dạ gần với chuyển dạ tự nhiên nhất.

Thông qua khám âm đạo, bác sĩ sẽ sử dụng 1 hay 2 ngón tay vào sâu lỗ trong cổ tử cung, tách rộng màng ối ra khỏi cổ tử cung theo hướng vòng tròn của cổ tử cung. Quá trình này giúp tăng tiết các prostaglandin nội sinh kích thích chuyển dạ.

Tuy nhiên, phương pháp này có vài hạn chế nhất định như thai phụ có thể khó chịu, hoặc bị chảy máu nhưng không gây ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi. Trong trường hợp thai phụ không đồng ý thực hiện phương pháp lóc màng ối, thai phụ vẫn có thể chờ đến chuyển dạ tự nhiên, hoặc sử dụng phương pháp khác.

Đặt bóng nong cổ tử cung (bóng Cook, bóng của thông Foley…)

Là phương pháp khởi phát chuyển dạ cơ học bằng cách sử dụng bóng của ống thông Foley, bóng Cook… đưa vào qua lỗ trong cổ tử cung và ngay trước màng ối. Sau đó, bác sĩ sẽ bơm nước làm căng bong bóng nằm trên đầu ống thông lên. Bong bóng này có tác động lóc rộng màng ối, gây tăng tiết prostaglandin nội sinh, cũng như bóng tạo ra áp lực tì đè lên cổ tử cung. Thông thường, khi cổ tử cung bắt đầu mở ra được 2 – 3cm, ống thông sẽ tự động tụt rớt ra ngoài, khi đó quá trình chuyển dạ đã được khởi phát. Trong một số trường hợp cần thiết, phương pháp này có thể được kết hợp với truyền tĩnh mạch oxytocin.

Trước đây phương pháp này được ưu tiên chỉ định trong chấm dứt thai kỳ khi thai lớn. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này có xu hướng ít được lựa chọn vì các thuốc có hiệu quả gây chuyển dạ và dễ sử dụng đã sẵn có và được xem là một chọn lựa ưu thế hơn.

Bấm ối

Phương pháp này chỉ được khuyến cáo thực hiện khi cổ tử cung mềm, đã mở một phần và ngôi thai là ngôi thuận.

Khi thăm khám âm đạo, bác sĩ sẽ chọc một lỗ nhỏ vào màng ối. Khi ối vỡ, các cơn co thắt sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Trong trường hợp cơn gò tử cung không xuất hiện đầy đủ có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp truyền oxytocin qua tĩnh mạch. Đây là phương pháp không được xem là ưu tiên chọn lựa khi còn nhiều phương pháp khác chưa được sử dụng.

Se đầu vú

Khi kích thích bằng cách thực hiện se đầu núm vú sẽ kích thích tuyến yên tiết ra oxytocin. Có thể se đầu vú trong khoảng 5 – 30 giây, mỗi lần cách nhau khoảng 2 – 3 phút, ngưng khi xuất hiện các cơn co tử cung.

Khi nào khởi phát chuyển dạ được xem là thành công?

Khởi phát chuyển dạ được xem là thành công nếu tạo được cơn gò của chuyển dạ thật sự gây xóa mờ cổ tử cung. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là độ mở và độ xóa của cổ tử cung. Chỉ số Bishop đánh giá tình trạng cổ tử cung càng cao thì tiên lượng khởi phát chuyển dạ càng dễ thành công.(4)

Những rủi ro có thể gặp phải khi khởi phát chuyển dạ

  • Khởi phát chuyển dạ thất bại: 25% thai phụ không có được các cơn gò tử cung tốt, hoặc cổ tử cung không thay đổi thuận lợi để xóa mở… Khi đó các bác sĩ sẽ xem xét mổ lấy thai.
  • Cơn gò tử cung cường tính: Cơn gò dồn dập dẫn đến cổ tử cung bị xiết lại, thai có thể bị suy hoặc có dọa vỡ tử cung… cần phải mổ cấp cứu.
  • Vỡ tử cung hoặc nứt sẹo mổ lấy thai: Là biến chứng nghiêm trọng, hiếm gặp, cần mổ cấp cứu.
  • Một số phương pháp khởi phát chuyển dạ có thể làm vỡ ối, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho thai phụ lẫn thai nhi.
  • Chảy máu sau sinh: Quá trình kích thích chuyển dạ làm tăng nguy cơ tử cung co hối kém sau sinh hay sau mổ, dẫn đến chảy máu nghiêm trọng sau sinh (băng huyết sau sinh).

Cần lưu ý, một số bệnh lý nội khoa và bệnh mạn tính của mẹ có từ trước khi mang thai hoặc xuất hiện trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng kể trên.

Vì sao khởi phát chuyển dạ thất bại?

Khi tử cung của thai phụ không đáp ứng với những kích thích, hoặc cổ tử cung có sẹo hay cấu trúc giải phẫu bất thường là yếu tố quan trọng làm quá trình thực hiện phương pháp bị thất bại.

Khởi phát chuyển dạ không được chỉ định cho những thai phụ có các tình trạng sau:

  • Có tiền sử sinh mổ hoặc sẹo mổ trên cơ tử cung (bóc nhân xơ, xén góc tử cong do thai ngoài tử cung…) trước đó.
  • Nhau tiền đạo.
  • Herpes sinh dục.
  • Ngôi thai bất thường (thai nằm ngang).
  • Sa dây rốn.
kich thich chuyen da rui ro
Các phương pháp kích thích chuyển dạ không khuyến cáo cho phụ nữ đã có vết mổ trước đó

Những điều cần lưu ý khi khởi phát chuyển dạ

Tổng hợp những thắc mắc về việc thực hiện phương pháp này được gửi về hộp thư Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhiều nhất, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải đáp chi tiết và cụ thể từng thắc mắc như sau:

Nên lựa chọn phương pháp khởi phát chuyển dạ nào?

Trước khi quyết định lựa chọn phương pháp khởi phát chuyển dạ, bác sĩ sẽ tiến hành khám âm đạo, đánh giá tình trạng cổ tử cung để cho điểm chỉ số Bishop cũng như chỉ định thêm một số xét nghiệm cần thiết. Dựa vào các kết quả đó, các bác sĩ sẽ chỉ định cũng như tư vấn cho thai phụ phương pháp an toàn, phù hợp và hiệu quả nhất, áp dụng một hoặc cần kết hợp các phương pháp với nhau.

Nên lựa chọn bác sĩ và bệnh viện nào để thực hiện?

Tất cả các phương pháp khởi phát chuyển dạ đều sẽ có những chỉ định và chống chỉ định nhất định. Bên cạnh đó, những trường hợp không thành công có thể phải mổ lấy thai gấp, đảm bảo tính mạng và sự an toàn cho thai phụ và thai nhi. Do đó, thai phụ phải được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ – kỹ thuật gây mê hồi sức, có phòng mổ và có bác sĩ sơ sinh để cùng phối hợp can thiệp kịp thời trong trường hợp cần thiết.

Có thể khởi phát chuyển dạ tự nhiên không?

Khởi phát chuyển dạ là quá trình sử dụng thuốc hoặc các phương pháp cơ học để tạo ra chuyển dạ khi tử cung thai phụ không tự có cơn cơ chuyển dạ được. Do đó, chờ đợi để có chuyển dạ tự nhiên vẫn luôn là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng sẽ không là chờ đợi khi thai kỳ trở nên khó theo dõi hoặc bắt đầu đe dọa mẹ và thai. Chuyển dạ tự nhiên có nhiều lợi ích, gồm:

  • Tăng cơ hội sinh thường, gắn kết tình mẫu tử và có lợi về mặt sức khỏe lâu dài.
  • Tăng cơ hội sinh an toàn, khỏe mạnh, ít nguy cơ biến chứng cho những lần mang thai kế tiếp.
  • Giảm nguy cơ mẹ bị huyết khối tĩnh mạch.
  • Thời gian hồi phục nhanh chóng, rút ngắn thời gian nằm viện.

Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất khang trang, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn chăm sóc thai kỳ hiệu quả cho thai phụ.

Bên cạnh đó, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn cung cấp các gói dịch vụ thai sản trọn gói, sinh con trọn gói như một lời cam kết đồng hành cùng mẹ trong suốt thai kỳ, giúp mẹ an tâm dưỡng thai, “vượt cạn” an toàn, đón bé yêu khỏe mạnh chào đời.

Để được tư vấn thêm về dịch vụ thai sản tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách hàng vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Quá trình khởi phát chuyển dạ sẽ khác nhau ở từng người, do đó khuyến cáo các thai phụ nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị, có bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, có phòng mổ, đơn vị sơ sinh… để được khám, tư vấn lựa chọn phương pháp sinh phù hợp và an toàn nhất.

Từ khóa » Tốc độ Truyền Oxytocin