Thuốc Oxytocin: Công Dụng, Cách Dùng Và Lưu ý Khi Sử Dụng - YouMed

Nội dung bài viết

  • Oxytocin là thuốc gì?
  • Tác dụng của thuốc Oxytocin
  • Trường hợp không nên dùng thuốc Oxytocin 
  • Hướng dẫn sử dụng thuốc Oxytocin
  • Tác dụng phụ của thuốc Oxytocin
  • Tương tác thuốc khi dùng chung Oxytocin
  • Lưu ý khi dùng thuốc Oxytocin
  • Đối tượng đặc biệt khi dùng thuốc
  • Xử trí khi dùng quá liều thuốc
  • Cách bảo quản thuốc

Oxytocin là thuốc gì? Oxytocin hoạt động thế nào để có thể mang lại hiệu quả điều trị? Nên dùng với liều lượng thế nào? Cần lưu ý những gì trong quá trình dùng thuốc? Cùng tìm hiểu thật kĩ về thuốc Oxytocin qua bài viết được phân tích bởi dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!

Thành phần hoạt chất: Oxytocin.

Thuốc có thành phần tương tự: Ofost; Oxylpan; Oxytocine-Mez; Pitocin; Vinphatoxin.

Oxytocin là thuốc gì?

Oxytocin là một hormon nonapeptid, oxytocin ngoại sinh cũng có tất cả các tác dụng dược lý như oxytocin nội sinh. Trong đó, oxytocin có khả năng:

  • Gây sảy thai, gây chuyển dạ đẻ hoặc thúc đẻ và giảm chảy máu nơi nhau bám.
  • Có khả năng gây co bóp tử cung với mức độ đau thay đổi tùy theo cường độ co bóp tử cung.

Thông tin thuốc Oxytocin:

  • Dạng bào chế: Dung dịch tiêm.
  • Quy cách đóng gói: 20 ống x 2ml.
  • Hạn sử dụng: 3 năm kể từ ngày sản xuất.
thuốc oxytocin
Thuốc Oxytocin

Tác dụng của thuốc Oxytocin

  • Thuốc gây chuyển dạ ở phụ nữ mang thai đến hoặc sắp đến kỳ sinh. Đây là trường hợp nếu không dùng thuốc mà tiếp tục mang thai có thể có nguy cơ cho mẹ hoặc thai (thai phụ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, suy nhau thai…).
  • Thúc sinh khi chuyển dạ kéo dài.
  • Có thể giúp gây sảy thai trong trường hợp sảy thai không hoàn toàn hoặc thai bị chết lưu.
  • Giúp phòng và điều trị chảy máu sau sinh.

Trường hợp không nên dùng thuốc Oxytocin 

  • Dị ứng với oxytocin hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân trong cơn co tử cung cường tính, tắc cơ học đường sổ thai; suy thai khi chưa sinh.
  • Không thể sinh thường do ngôi bất thường, nhau bong non, sa dây nhau, dễ bị vỡ tử cung do mang thai nhiều lần, đa ối…
  • Tránh dùng kéo dài ở người bị đờ tử cung trơ với thuốc, bị nhiễm độc thai nghén, sản giật hoặc bệnh tim mạch.

Hướng dẫn sử dụng thuốc Oxytocin

Thuốc Oxytocin được dùng trong trường hợp nào?

1. Trường hợp gây chuyển dạ 

  • Thực hiện truyền tĩnh mạch.
  • Tùy theo đáp ứng của tử cung mà xác định liều lượng và tốc độc truyền khác nhau.
  • Luôn theo dõi liên tục tần số tim thai và cơn co tử cung.
  • Ngừng truyền khi có cơn co tử cung cường tính hoặc suy thai. Cần kết hợp cho sản phụ thở oxygen và áp dụng các xử lý khác.
  • Cách thức tăng tốc độ truyền sẽ được tính toán và thực hiện bởi bác sĩ sản khoa.
  • Khi chuyển dạ đã tiến triển, từ từ ngưng tiêm truyền oxytocin.

Lưu ý trước khi truyền tĩnh mạch, phải pha loãng thuốc với dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dung dịch Ringer lactate hoặc dung dịch dextrose 5% đến nồng độ thích hợp.

2. Mổ lấy thai

Tiêm truyền tĩnh mạch chậm 5 đơn vị ngay sau khi lấy thai ra.

3. Phòng chảy máu sau sinh

  • Ngay sau khi bong nhau, tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị.
  • Nếu đã tiêm truyền tĩnh mạch để gây chuyển dạ sinh hoặc thúc sinh trước đó thì tăng tốc độ truyền trong giai đoạn 3 và trong vài giờ sau).

4. Điều trị chảy máu sau khi sinh

  • Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị (Có thể thực hiện nhắc lại liều này).
  • Trong trường hợp nặng có thể truyền tĩnh mạch 40 đơn vị/ 500 ml dịch truyền với tốc độ thích hợp để kiểm soát đờ tử cung.
  • Tránh tiêm tĩnh mạch nhanh vì có thể gây tụt huyết áp nhất thời). Do đó, cần thực hiện tiêm chậm.

5. Điều trị sảy thai 

Thuốc Oxytocin dùng điều trị sảy thai, đặc biệt là trường hợp thai chết lưu, bao gồm:

  • Thực hiện tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị.
  • Sau đó, truyền tĩnh mạch 0,02 – 0,04 đơn vị/phút hoặc nhanh hơn nếu cần thiết.
  • Để tránh gây tình trạng ngộ độc và hạ nồng độ natri trong máu thì tổng liều trong 12 giờ ≤30 đơn vị.

Tác dụng phụ của thuốc Oxytocin

  • Tác động lên chuyển hóa như chống bài niệu có thể gây ngộ độc nước thoáng qua kèm theo tình trạng đau đầu và buồn nôn.
  • Xuất hiện phản ứng phản vệ.
  • Ban da, nổi mày đay.
  • Phù thanh quản.

Nếu dùng liều cao hoặc tử cung quá mẫn cảm với oxytocin sẽ làm tăng trương lực tử cung, co thắt, co cứng tử cung hoặc gây vỡ tử cung.

Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Oxytocin
Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Oxytocin

Tương tác thuốc khi dùng chung Oxytocin

  • Cyclopropan: Gây mê phối hợp với dùng thuốc sẽ gây hạ huyết áp.
  • Dinoproston: Có thể gây tăng trương lực cơ tử cung khi dùng chung.
  • Thiopental: Oxytocin làm chậm tác dụng gây mê của thuốc.

Lưu ý khi dùng thuốc Oxytocin

  • Chỉ bác sĩ có chuyên khoa cao trong bệnh viện có sẵn phương tiện chăm sóc tăng cường và phẫu thuật mới được dùng thuốc.
  • Phải theo dõi liên tục cơn co tử cung, tần số tim thai nhi và mẹ, huyết áp mẹ và áp lực trong tử cung trong quá trình dùng thuốc để tránh biến chứng.
  • Ngừng ngay oxytocin nếu xảy ra tình trạng co tử cung cường tính.
  • Khuyến nghị hạn chế đưa dịch vào cơ thể, tránh dùng các dịch tiêm truyền nồng độ natri thấp. Vì có thể gây một vài tác dụng chống bài niệu.

Đối tượng đặc biệt khi dùng thuốc

Phụ nữ mang thai

  • Không được dùng thuốc trong 3 hoặc 6 tháng đầu thai kỳ. Ngoại trừ trường hợp sảy thai tự nhiên hoặc gây sảy thai.
  • Oxytocin không gây dị dạng thai khi dùng theo chỉ định.

Tuy nhiên, thuốc có thể gây các tác dụng không mong muốn khác lên trẻ.

Phụ nữ cho con bú

  • Oxytocin có thể bài tiết một lượng nhỏ vào sữa mẹ.
  • Khi cần điều trị oxytocin sau sinh (trường hợp kiểm soát chảy máu nặng), chỉ cho con bú sau khi ngừng thuốc ít nhất 1 ngày.

Xử trí khi dùng quá liều thuốc

Triệu chứng

  • Suy thai, ngạt và thậm chí làm thai nhi tử vong.
  • Tăng trương lực cơ tử cung, co cứng tử cung, vỡ tử cung và tổn thương mô mềm.
  • Bong nhau non và nghẽn mạch do nước ối.

Xử trí

  • Ngừng sử dụng oxytocin ngay.
  • Điều trị triệu chứng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Cách bảo quản thuốc

  • Tránh để thuốc ở nơi ẩm ướt, ánh sáng trực tiếp.
  • Bảo quản nơi khô ráo ở nhiệt độ từ 15 – 30 °C. 
  • Vì đây là thuốc tiêm và được thực hiện tại bệnh viện nên sẽ được bảo quản theo quy định.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết thêm những thông tin cần lưu ý khi dùng thuốc Oxytocin. Hãy gọi cho bác sĩ nếu tình trạng trở nặng hoặc xuất hiện bất kì triệu chứng nào bất thường sau khi dùng thuốc để được hỗ trợ xử trí kịp thời.

Từ khóa » Tốc độ Truyền Oxytocin