Các Phương Pháp Kiểm Tra Thính Lực Cho Trẻ Em - BVĐK Tâm Anh

Nghe kém ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển lời nói, ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội, vì vậy cần kiểm tra thính lực cho trẻ và sớm điều trị kịp thời.

BSNT.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, cần kiểm tra thính lực cho những trẻ chậm nói, viêm tai thường xuyên hoặc tái phát; gia đình có người khiếm thính do di truyền, mắc các hội chứng liên quan đến thính lực như Down, Alport; mắc bệnh truyền nhiễm gây mất thính lực như viêm màng não, sởi, CRV (cytomegalovirus); sử dụng các thuốc điều trị gây mất thính lực như kháng sinh và một số hóa chất trị liệu, học kém, đã được chẩn đoán không có khả năng học tập do tự kỷ, rối loạn phát triển đều khắp.

kiểm tra thính lực tại bvđk tâm anh
Trẻ được kiểm tra thính lực tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

“Trung bình cứ 1000 trẻ sinh ra thì có 2-3 trẻ bị nghe kém. Con số này tăng lên đối với những trẻ cần chăm sóc đặc biệt. Việc phát hiện muộn có thể khiến trẻ phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn, ảnh hưởng về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức. Do vậy, trẻ sơ sinh cần được tầm soát và điều trị nghe kém càng sớm càng tốt”, bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng nhấn mạnh.

Ngoài ra, những trẻ sinh ra có cân nặng dưới 1kg, trẻ sinh non, trẻ phải hỗ trợ thở hơn 10 ngày sau sinh khi, trẻ có điểm số Apgar thấp, mắc bệnh vàng da nặng sau sinh, não úng thủy, mẹ bị bệnh khi mang thai cũng cần được kiểm tra thính lực. Trẻ nghe kém càng được chẩn đoán và điều trị từ sớm thì càng có cơ hội phục hồi chức năng để phát triển toàn diện.

Các phương pháp kiểm tra thính lực cho trẻ em

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng, hiện nay có 2 nghiệm pháp kiểm tra thính lực cho trẻ tùy theo độ tuổi và tình trạng bệnh lý của trẻ.

banner tâm anh quận 7 content

1. Nghiệm pháp kiểm tra thính lực chủ quan

Nghiệm pháp đo thính lực tăng cường hình ảnh: Đặt trẻ ngồi trên đùi người lớn trong trung tâm phòng đo. Gắn loa ở hai bên trái, phải của trẻ, các loa có đồ chơi (thường được gắn bên trong hộp) treo dưới đáy và có thể cử động khi đang đo. Khi âm thanh được phát ra, trẻ sẽ quay có “điều kiện” về hướng của loa và lúc này đồ chơi sẽ sáng lên kèm theo các cử động. Điều này sẽ thu hút sự chú ý và khuyến khích trẻ tiếp tục tham gia vào thử nghiệm. Nghiệm pháp này thường áp dụng cho trẻ dưới 5 tháng tuổi. Ngoài ra, còn có thể sử dụng nghiệm pháp VRA để kiểm tra khả năng nghe riêng của từng tai. Tuy nhiên, VRA thường chỉ dự đoán được cho tai “tốt hơn” nên bác sĩ khó biết được liệu trẻ có bị khiếm thính một tai hay cả hai tai.

Nghiệm pháp đo thính lực – chơi: Âm thanh được ghép chung với một đáp ứng hoặc nhiệm vụ cụ thể để kiểm tra thính lực của trẻ. Ví dụ, bác sĩ sẽ khuyến khích trẻ để miếng gỗ đồ chơi gần vào má của bé. Khi nghe được âm thanh, trẻ sẽ đặt miếng gỗ đó vào hộp đồ chơi.

Kiểm tra thính lực bằng lời nói: Bác sĩ sẽ dùng hình ảnh và lời nói để trẻ chỉ đúng được hình ảnh mà bác sĩ đang yêu cầu. Ví dụ, bác sĩ sẽ đưa 3 bức hình về trái cây bao gồm chuối, bơ, táo, sau đó hỏi trẻ “đâu là trái táo?” hoặc “con hãy chỉ vào hình có trái táo nào?”.(1)

2. Các nghiệm pháp đo thính lực khách quan

Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị hệ thống máy đo Resonance (Ý) và Natus (Mỹ) có thể đo thính lực khách quan, dễ dàng và không gây đau đớn bằng nhiều phương pháp khác nhau:

Đo nhĩ lượng: Nhĩ lượng đồ được thực hiện bằng cách đưa đầu dò vào tai, bịt kín ống tai lại. Áp suất không khí được thay đổi trong ống tai từ dương sang âm làm cho màng nhĩ chuyển động và sự chuyển động của màng nhĩ được ghi lại. Số lượng và hình dạng của chuyển động có thể loại trừ hoặc chỉ ra các vấn đề khác nhau như: ứ dịch hòm nhĩ, tắc vòi nhĩ hoặc chuỗi xương con bị trật khớp hoặc xơ cứng (ví dụ, xốp xơ tai = otosclerosis). Nghiệm pháp này không gây đau, tốn ít thời gian và đặc biệt rất nhạy đối với các trường hợp tổn thương tai giữa.(2)

Đo phản xạ cơ bàn đạp: Phản xạ âm hay còn gọi là phản xạ cơ bàn đạp, phản xạ cơ tai giữa là một cơ chế bảo vệ tai trước những âm thanh lớn. Phản xạ này có thể làm giảm âm thanh vào tai từ 5-10 dB. Ngưỡng phản xạ âm: đo tại tần số 500; 1000; 2000 và 4000Hz với mức cường độ từ 70-90 dB SL trên ngưỡng nghe bình thường. Đối với điếc thần kinh giác quan, ngưỡng phản xạ < 60 dB SL chứng tỏ có hồi thính. Phương pháp đo phản xạ cơ bàn đạp có thể giúp đo phản xạ âm cùng bên hoặc đối bên. Sự hiện diện của phản xạ âm có thể dùng làm chẩn đoán loại trừ bệnh lý thần kinh thính giác (auditory neuropathy). Bác sĩ… lưu ý, không phải mọi trẻ em đều có phản xạ cơ bàn đạp, vì thế khi đo không có phản xạ cơ bàn đạp không có nghĩa là trẻ đó bị điếc. Nhưng nếu có phản xạ cơ bàn đạp, chắc chắn sức nghe không xấu hơn mức phản xạ phát ra, đặc biệt phản xạ hiện diện khi đo cùng bên thì chắc chắn trẻ không bị điếc dẫn truyền.

Đo âm ốc tai (OAE): Nghiệm pháp này được thực hiện bằng cách đặt một đầu dò nhỏ có chứa một micro và loa vào tai của trẻ. Khi trẻ ngồi hoặc nằm yên, các âm thanh sẽ được tạo ra trong đầu dò và đáp ứng trở lại từ ốc tai được ghi lại. Sau khi ốc tai xử lý âm thanh, kích thích điện được gửi đến cầu não, nhưng ngoài ra, có một âm thanh phụ và riêng biệt gọi là âm ốc tai không đi đến dây thần kinh mà đi trở lại vào ống tai của trẻ. Âm ốc tai sau đó được micro của đầu dò thu lại và hiển thị trên màn hình máy tính. Nếu âm ốc tai hiện diện ở những âm quan trọng cho việc hiểu lời nói, thì trẻ “qua được” (PASS) thử nghiệm tầm soát, tức là trẻ có phản xạ âm ốc tai, có phản ứng với âm thanh. Nếu đo ra kết quả REFER, trẻ không có phản xạ âm ốc tai, không phản ứng với âm thanh, cần đo kiểm tra lại OAE và kết hợp đo ABR để chẩn đoán tình trạng nghe kém của trẻ.

nghiệm pháp OAE
Nghiệm pháp OAE thường được kết hợp với ABR hoặc một nghiệm pháp kiểm tra hành vi mới có thể đánh giá được đáp ứng âm thanh của trẻ

Đo điện thính giác thân não (ABR): ABR là một nghiệm pháp sinh lý để kiểm tra sự đáp ứng của não với âm thanh, từ đó giúp kiểm tra tính toàn vẹn của hệ thống nghe từ tai đến cầu não. Phương pháp này được coi là tiêu chuẩn vàng để tầm soát thính lực ở trẻ sơ sinh. Bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách đặt 4-5 điện cực trên đầu của trẻ, sau đó một loạt các âm thanh được phát ra qua tai nghe đến trẻ. Lúc này, thần kinh thính giác sẽ nhận được kích thích âm thanh và truyền chúng đến não. Các điện cực có thể ghi lại các hoạt động điện do dây thần kinh tạo ra và biểu diễn bằng dạng sóng trên màn hình máy tính. Theo đó, bác sĩ có thể thử ở các mức độ lớn khác nhau cho mỗi âm thanh và xác định mức độ nhỏ nhất mà trẻ có thể nghe. Trẻ có thể được kiểm tra bằng cách sử dụng tất cả các âm thanh của một đánh giá nghe thông thường. Nhược điểm của phương pháp này là trẻ không nằm yên khi đo cần dùng thuốc an thần để gây ngủ.

Đo đáp ứng trạng thái ổn định thính giác (ASSR): Biện pháp này thường kết hợp kèm với ABR, thực hiện trong khi trẻ đang ngủ để ghi lại đáp ứng từ dây thần kinh thính giác đến cầu não. ASSR kiểm tra được thính giác của trẻ ở một tần số cụ thể hơn, nhờ đó có thể giúp bác sĩ dự đoán được mức độ nghe cho một loạt các âm thanh với độ chính xác tăng lên. Ngoài ra, ASSR cho phân biệt giữa điếc nặng và sâu rõ ràng hơn. Tuy nhiên, ASSR không phân biệt được giữa mất thính lực nhẹ và nghe bình thường nên có khả năng chẩn đoán sai cho trẻ bị mất thính giác nhẹ.

Chọn lựa nghiệm pháp kiểm tra thính lực phù hợp với từng trẻ

Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng cho biết, mỗi độ tuổi sẽ có các phương pháp kiểm tra thính lực khác nhau để phù hợp với khả năng nhận thức và hoạt động của trẻ.

Trẻ sơ sinh trẻ, nhỏ chưa biết hợp tác, trẻ chậm phát triển

    • Mới sinh đến 5 tháng tuổi: thử phản xạ mi mắt ốc tai, OAE, ABR, ASSR.
    • 5 tháng đến 2 tuổi rưỡi: đo nhĩ lượng, phản xạ âm, VRA, OAE, ABR, ASSR.
    • Trẻ chậm phát triển: đo nhĩ lượng, phản xạ âm, VRA, OAE, ABR, ASSR.

Trẻ biết hợp tác (thường từ 3 tuổi trở lên)

    • 3 đến 5 tuổi: đo thính lực – chơi, đo thính lực lời, đo nhĩ lượng, phản xạ âm, OAE, ABR, ASSR.
    • Từ 6, 7 tuổi trở lên hợp tác tốt: có thể thực hiện các nghiệm pháp đo chuẩn như người lớn.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Quy trình kiểm tra thính lực cho trẻ rất đơn giản, chỉ khoảng từ 10-15 phút. Trong trường hợp phát hiện giảm thính lực sớm, có thể điều trị nhẹ nhàng bằng áp dụng phương pháp đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai cho trẻ. Nếu phát hiện muộn, phương pháp điều trị sẽ phức tạp hơn, thời gian hồi phục chậm hơn và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Khi có dấu hiệu bất thường, bố mẹ cần cho trẻ thăm khám sớm ở cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời”, bác sĩ Thúy Hằng nhấn mạnh.

Từ khóa » Bó Liên Quan đến Phản Xạ Thị Giác Và Thính Giác