Các Thuốc điều Trị Tại Chỗ Vết Bỏng - Bác Sĩ Luân
Có thể bạn quan tâm
Bỏng là tai nạn khá thường gặp trong đời sống hằng ngày. Sau khi tiến hành sơ cứu, việc dùng các thuốc điều trị tại chỗ vết bỏng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục. Sau đây là các thuốc điều trị tại chỗ vết bỏng.
Xem thêm: Top 4 loại kem bôi điều trị bỏng thông dụng và tốt nhất hiện nay
Thuốc điều trị tại chỗ vết bỏng được chia làm 5 nhóm:
– Thuốc kháng khuẩn vết thương bỏng.
– Thuốc kích thích tái tạo vết bỏng.
– Thuốc làm se khô và tạo màng che phủ vết bỏng.
– Thuốc làm rụng hoại tử bỏng.
– Các vật liệu thay thế da.
1. Thuốc điều trị ức chế vi khuẩn vết thương bỏng
Yêu cầu của một thuốc kháng khuẩn vết bỏng:
Có tác dụng với các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn vết bỏng với tỷ lệ kháng thuốc thấp nhất.
Không hoặc ít gây hại cho mô lành và tế bào lành.
Không hoặc ít có tác dụng phụ.
Thấm sâu vào các mô.
1.1 Kem Silver sulfadiazine 1%
Đặc tính và tác dụng: Là sự kết hợp của bạc (Ag) với một sulfamide. Được sản xuất từ 1960, dưới dạng cream nồng độ 1% màu trắng không tan trong nước. Đây là một thuốc kháng khuẩn sử dụng tại chỗ vết bỏng khá thông dụng hiện nay. Thuốc ít hoặc không gây đau và ít thấm sâu vào hoại tử. Thuốc có phổ kháng khuẩn rộng với nhiều loại vi khuẩn như S.aureus, E.coli, Klebsiella, P.aeruginosa, Proteus, Enterobacteraceae và cả C.albicans.
Chỉ định: Điều trị vết thương bỏng nông và sâu.
Chống chỉ định:
– Sau mổ ghép da.
– Phụ nữ có thai những tháng cuối, trẻ sơ sinh (vì gây vàng da).
– Dị ứng với các thành phần của thuốc.
Cách dùng:
Thuốc được dùng đắp vào vết thương bỏng mới (sau khi đã được xử trí vết thương kỳ đầu tốt) có thể đắp trực tiếp thuốc lên vết thương hoặc tẩm vào gạc. Thay băng ngày một lần hoặc hai lần.
Tác dụng phụ:
Silver sulfadiazine 1% (SSD 1%) có thể gây giảm bạch cầu . Dấu hiệu này xảy ra thường sau 2-3 ngày sử dụng thuốc khi đắp diện tích rộng. Triệu chứng này thường gặp từ 5-15% bệnh nhân.
Một số biệt dược thường gặp: Silvadene (Hoa kỳ), Flammazin (Pháp), Silvin (Pakistan), Silvirin (ấn độ), Sulfadiazin bạc (Xí nghiệp dược phẩm TW Huế).
1.2 Mỡ Maduxin
Đặc điểm và tác dụng: Maduxin (Madhuxin) là thuốc dạng mỡ màu nâu đen được nấu từ lá của cây sến (Madhuca pasquieri – Dubard H. Sapotaceae). Maduxin oil là cao của lá sến , dầu hạt sến và vaselin. Maduxin được nghiên cứu bào chế từ 1990-1995 (Lê Thế Trung, Nguyễn Liêm, Trần Xuân Vận). Đây là thuốc chữa nhiễm khuẩn vết bỏng có hiệu quả. Thuốc có tác dụng với tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh. E.coli, Proteus…
Gạc tẩm thuốc đắp vào vết thương làm giảm tiết dịch, giảm mùi hôi. Thuốc kích thích biểu mô hóa ở bỏng nông và tạo mô hạt ở bỏng sâu. Thuốc có tác dụng tốt với bỏng vôi.
Chỉ định: điều trị vết bỏng nông, bỏng sâu và bỏng vôi.
Chống chỉ định: Sau mổ ghép da.
Cách dùng: Sau khi làm sạch vết thương, tẩm thuốc vào gạc, đắp lên vết thương, thay băng ngày một lần hoặc ngày hai lần.
Nhược điểm: Thuốc thường gây đau cho bệnh nhân và làm đen vải trải.
1.3 Axit Boric
Đây là một axit yếu, thuốc được sử dụng dưới dạng dung dịch 3% hoặc dạng bột tinh thể màu trắng, đóng gói 10 gam. Axit boric có tác dụng ức chế sự phát triển của trực khuẩn mủ xanh.
Chỉ định:
– Điều trị vết thương nhiễm trực khuẩn mủ xanh.
– Sử dụng để trung hoà vết bỏng do vôi tôi nóng.
Chống chỉ định: Các loại bỏng khác.
Cách dùng: Tẩm thuốc vào gạc đắp lên những vùng vết thương có nhiễm trực khuẩn mủ xanh, tẩm thuốc vào gạc đắp lên vết thương bỏng vôi, chỉ đắp diện tích khoảng 10%.
Chú ý khi sử dụng: Không dùng ở diện tích quá rộng vì có nguy cơ thuốc gây nhiễm toan chuyển hoá.
1.4 Dung dịch Nitrat bạc (AgNO3)
Đặc tính: Thuốc có tác dụng diệt trực khuẩn mủ xanh, thuốc ít gây dị ứng.
Chỉ định: Những vết bỏng nhiễm trực khuẩn mủ xanh.
Chống chỉ định: Những vết bỏng khác.
Cách dùng: Tẩm thuốc vào gạc, đắp vào những vùng nhiễm trực khuẩn mủ xanh.
Dạng thuốc: Dung dịch 0,5%; 0,25% đóng trong chai màu.
Nhược điểm của thuốc là đắp tốn gạc, gây đen đồ vải.
Chú ý khi sử dụng: Chỉ đắp với diện tích dưới 10% diện tích cơ thể vì thuốc gây hạ natri và clo máu, gây kiềm chuyển hoá và methemoglobin.
2. Thuốc kích thích tái tạo vết bỏng
Thuốc sẽ kích thích biểu mô và tạo mô hạt
Trong nhóm thuốc này có nhiều loại thuốc như:
– Các thuốc mỡ dầu gan cá thu, dầu gấc (Bản chất là các vitamin A,D)
– Thuốc mỡ trăn, cao trứng gà.
– Thuốc mỡ chế từ rau má, madecasol.
– Mỡ kẽm OXYD.
– Kem BIAFINE.
– Kem lô hội, nha đam.
– Thuốc có bản chất Chitosan chiết xuất từ vỏ tôm.
– Thuốc SH-91.
– Thuốc Hame Selaphin.
– Thuốc kem nghệ.
– Thuốc Dampommade (mỡ cao vàng) , đây là bài thuốc thừa kế của sư cụ Đàm Lương ở Chùa Trắng:
Thành phần gồm có: Hồng đơn, sáp ong, mật đà tăng, dầu luyn….
Chỉ định:
– Sau mổ ghép da 5-7 ngày.
– Vết bỏng chậm liền, vết loét lâu liền diện tích hẹp.
Chống chỉ định: Diện tích rộng (vì trong thành phần có chì), mỗi lần chỉ đắp dưới 5% diện tích cơ thể.
Cách dùng: Tẩm thuốc vào gạc đắp vào vết thương có tác dụng kích thích biểu mô hoá ở những vùng có mô hạt diện tích hẹp và được sử dụng ở những vết loét lâu liền. Thay băng ngày một lần , hoặc thay băng cách ngày.
3. Thuốc tạo màng che phủ vết bỏng
Nhóm thuốc này bao gồm 2 phân nhóm chính:
– Các thuốc thành phần có chứa tanin: Tanin là một loại chất có tác dụng làm đông dịch vết thương, kết tủa protein, liên kết các tơ collagene tạo thành một màng.
– Các thuốc nam: một số thuốc nam cũng có tác dụng làm se khô và tạo màng thuốc như cao đặc lá sim cao kháo nhậm, cao kháo vàng, hu đay, cao lá tràm, chè dây… và đặc biệt là thuốc bỏng chế từ vỏ cây xoan trà.
Thuốc bỏng chế từ vỏ cây xoan trà là dạng thuốc bột khô, màu nâu , tan nhanh trong nước nóng (Tên thương hiệu là thuốc bột B76 ).
Chỉ định: Dùng cho bỏng mới, bỏng nông, vết bỏng chưa nhiễm khuẩn.
Chống chỉ định:
– Bỏng sâu.
– Vết bỏng đã nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm nặng.
– Bỏng vùng khớp.
– Bỏng vùng mặt cổ, tầng sinh môn, sinh dục.
– Bỏng do vôi tôi nóng.
Cách dùng: Bột B76 được rắc lên vết bỏng sau khi đã được xử lý vô khuẩn kỳ đầu vết thương, cắt vòm nốt phỏng, bỏng chi thể không bôi kín chu vi, bôi mặt trước, mặt sau chi thể.
Chú ý: Thuốc gây đau xót trong 15-30 phút sau khi phun thuốc , do đó phải giảm đau tốt cho người bệnh.
Theo dõi sau đắp thuốc: Sấy khô bằng đèn hoặc bằng máy sấy. Rạch màng thuốc khi có dấu hiệu: phù nề, trèn ép tuần hoàn đầu chi hoặc có mủ ở dưới màng thuốc. Nếu tiến triển tốt, 10-15 ngày màng thuốc tự bong và vết bỏng liền.
4. Thuốc điều trị làm rụng hoại tử bỏng
Nhóm thuốc này có bản chất là các men tiêu huỷ protein có nguồn gốc từ hoá chất, động vật, thực vật và vi sinh vật.
Nguồn gốc hoá chất (các axit yếu):
Mỡ Axit salyxilic 40%
Chỉ định:
– Dùng ở hoại tử khô từ tuần thứ hai sau bỏng.
– Diện tích dùng một lần dưới 10% diện tích cơ thể.
Chống chỉ định:
– Hoại tử ướt.
– Trạng thái toàn thân nặng (Suy tim mach, suy hô hấp…) vì dùng thuốc thời gian kéo dài có thể gây nhiễm toan chuyển hoá.
Cách dùng: Đắp thuốc trực tiếp lên hoại tử, dùng thuốc cách ngày (Bôi thuốc dày khoảng 1mm).
Nguồn gốc động vật:
Các men Trypsin, pepsin, chymotrypsin…
Nguồn gốc thực vật:
Men papain (từ mủ quả đu đủ), bromelain (từ quả dứa) có tác dụng làm tiêu sợi tơ huyết và ức chế đông vón tiểu cầu.
Nguồn gốc vi sinh vật:
Các men do vi khuẩn tiết ra như Streptokinaza (do liên cầu khuẩn tiết ra), Subtilain (do Bacillus subtilistiết ra). Chế phẩm Travase đã từng được áp dụng trên lâm sàng có kết quả tốt.
5. Các vật liệu thay thế da
Màng ối, màng bụng tươi hoặc bảo quản.
Da dị loại: Da lợn, da ếch.
Da đồng loại: tử thi người thân.
Chế phẩm từ mô: Collagen từ bì chế thành tấm.
Vật liệu tổng hợp hoặc sinh tổng hợp:
– Che phủ ngắn hạn: Biobrane…
– Che phủ dài hạn: Demagraft, alloderm…
Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân
Bài viết liên quan:
- Cách xử lý sơ cứu bỏng tại nhà
- Cách sơ cứu, điều trị và chăm sóc vết bỏng tại nhà
- Cách rửa vết thương bị bỏng tại nhà
- Top 4 loại kem bôi điều trị bỏng thông dụng và tốt nhất hiện nay
- Cách rửa và chăm sóc vết thương khâu tại nhà
- Khi bị vết thương không nên ăn những loại thực phẩm gì?
- Vết thương đã khâu sau mấy ngày có thể cắt chỉ được?
- Các kiểu khâu vết thương cơ bản và nguyên tắc khi khâu vết thương
- Những dấu hiệu vết thương bị nhiễm trùng và cách điều trị
- Áp xe là gì? Cách điều trị áp xe dưới da
Từ khóa » Thuốc Bôi Phỏng
-
[Review] 5 Thuốc Bôi Bỏng Khỏi Nhanh - Ngăn Ngừa Thâm Sẹo Hiệu ...
-
Công Dụng, Cách Dùng Của Thuốc Trị Phỏng Biafine | Vinmec
-
Thuốc Trị Bỏng Và Các Phương Pháp Trị Bỏng Hiệu Quả Khác
-
TRẺ BỊ BỎNG NÊN BÔI THUỐC GÌ? - Tin Nổi Bật
-
Top 8 Kem Trị Bỏng Hiệu Quả Nhất Hiện Nay
-
Bị Bỏng Bôi Gì Hết Rát Và Nhanh Lành Sẹo? - YouMed
-
Bị Bỏng Bôi Gì Cho Nhanh Khỏi? Làm Gì để Viết Thương Mau Lành?
-
Trị Bỏng Thông Thường, Thuốc Gì?
-
Cách Dùng Thuốc Bôi Trị Bỏng - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Bỏng Nước Sôi Bôi Gì để Vết Thương Mau Lành ? - VJcare
-
Bị Bỏng Bôi Gì Cho Hết Sẹo? - Nhà Thuốc Phương Chính
-
Kem Bôi Trị Bỏng Silvirin U.S.P Tuýp 20g-Nhà Thuốc An Khang
-
Thuốc Mỡ Neosporin 3 Pack Trị Vết Thương, Trị Bỏng, Kháng Viêm