Các Trò Chơi Giúp Học Sinh Phấn Chấn Trong Giờ Vật Lý

Các trò chơi này có sự lồng nghép kiến thức liên quan đến môn học sẽ có tác dụng tốt cho học sinh trong việc tích cực học tập. Đặc biệt trong độ tuổi này các em luôn muốn được thể hiện sự hiểu biết của mình trước bạn bè.

Những yêu cầu của một trò chơi Vật lí

Theo thầy giáo Nguyễn Hữu Bằng, Vật lí là khoa học thực nghiệm, vì vậy người học Vật lí cần thiết phải thực hiện thành thạo các hành động vật lí như:

Thiết kế, chế tạo dụng cụ thí nghiệm, mô hình hóa một hiện tượng hoặc một thực thể vật lí cho đến các hoạt động cụ thể như lắp ráp thực hiện thí nghiệm, sử dụng thông thạo các máy đo, lấy số liệu, phán đoán kết quả,… Như vậy, muốn học tốt vật lí thì phải luôn thực hiện tốt các hành động vật lí.

Để học sinh có nhiều cơ hội thực thi những hành động Vật lí thì, giáo viên nên lồng ghép nhiều phương pháp và phương tiện dạy học, nhằm thu hút học sinh cả lớp tham gia hoạt động, trong đó có hình thức dạy học thông qua trò chơi Vật lí.

Muốn trò chơi đem đến hiệu quả giáo dục cao thì cần phải thiết kế trò chơi với các yêu cầu như sau: Trò chơi phải có mục đích giáo dục rõ rệt;

Trò chơi phải có nội dung phong phú, dựa trên kiến thức chuyên môn, mang tính khoa học và phải gắn liền với các yêu cầu giáo dục trong trường và ngoài xã hội ở từng thời điểm cụ thể.

Hình thức tổ chức phải gọn nhẹ, dễ hiểu, dễ nhớ, hấp dẫn, vui tươi, lành mạnh và thời lượng vừa phải hợp lý;

Trò chơi phải thu hút đông đảo học sinh tham gia, nhằm phát huy sự ham hiểu biết, giàu trí tưởng tượng, biết suy luận, nhanh trí, khéo léo, sôi nổi nhưng không ồn ào, tư duy sâu sắc nhưng không quá trầm lặng;

rong trò chơi, người làm chủ là học sinh. Song giáo viên có vai trò rất quan trọng, là người hướng dẫn học sinh tổ chức trò chơi, khéo léo dẫn dắt các em học sinh tự giác tham gia.

Thầy Nguyễn Hữu Bằng chia sẻ những trò chơi mình đã nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng có hiệu quả trong nhiều năm qua.

Trò chơi trắc nghiệm Vật lí

Nguyên tắc: Các câu trắc nghiệm được lựa chọn trong chương trình học sách giáo khoa hoặc các hiện tương vật lí liên quan đến kiến thức bài học, mỗi câu có một lựa chọn đúng nhất trong 4 lựa chọn A, B, C, D.

Các đội sẽ được chuẩn bị trước các bảng trả lời với các chữ cái “A, B, C, D”. Mỗi đội sẽ thảo luận trong thời gian qui định và đưa ra đáp án đúng nhất bằng cách giơ đáp án trả lời theo yêu cầu của ban tổ chức (có thể là 10 giây sau khi nghe ban tổ chức đọc xong câu hỏi). Đội nào có số câu trả đúng nhiều hơn sẽ chiến thắng.

Phương tiện tổ chức: Thiết kế các câu trắc nghiệm, quy định thời gian trả lời câu hỏi trên powerpoint và trình chiếu trên máy tính.

Hình thức chơi: Chia đội.

Chú ý: Trò chơi này có thể có một vài học sinh yếu gần như không tham gia. Để khắc phục tình trạng này giáo viên cần quan sát nhanh để yêu cầu các em này giải thích sự lựa chọn của đội mình.

Có thể lần đầu em học sinh này không trả lời được, nhưng lần chơi sau em đó sẽ chú ý và tham gia nhiều hơn.

Trò chơi lật hình

Nguyên tắc: Khuất sau các câu hỏi là một bức tranh của nhà Khoa học hoặc nội dung mà chúng ta cần truyền tải kiến thức tới học sinh. Chia bức tranh thành nhiều mảnh nhỏ tùy theo số câu hỏi, mỗi mảnh sẽ mang nội dung của một câu hỏi đố vui.

Nếu học sinh trả lời đúng thì phần khuất sau câu hỏi đó sẽ hiện ra và các em có thể đoán nội dung của bức tranh. Khi đã đoán đúng nội dung bức ảnh thì trò chơi kết thúc (xem phụ lục 1).

Phương tiện tổ chức: Thiết kế trò chơi trên powerpoint và trình chiếu trên máy tính hoặc in trên giấy khổ lớn, hay có thể sử dụng bảng dính.

Hình thức chơi: Chia đội. Các đội chọn câu hỏi và trả lời theo lượt. Đội nào không trả lời được sẽ chuyển câu hỏi cho khán giả. Đội nào có nhiều câu trả lời đúng sẽ chiến thắng.

Chú ý: Các câu hỏi ở các mảnh ghép nên có liên quan đến hình ảnh cần truyền tải để rèn cho học sinh sự liên hệ, xâu chuỗi các vấn đề. Trò chơi này được áp dụng giống một trong các lần chơi của trương trình đuổi hình bắt chữ rất nổi tiếng trên truyền hình.

Trò chơi miêu tả Vật lí

Nguyên tắc: Người chơi sẽ cầm trên tay danh sách từ (hay khái niệm vật lí) mà ban tổ chức yêu cầu miêu tả.

Khi đó, người miêu tả có nhiệm vụ dùng bất kì từ ngữ hoặc hành động nào (có thể là dùng định nghĩa, từ đồng nghĩa, trái nghĩa, …, liệt kê các từ cùng nhóm hoặc có liên quan đến từ trong danh sách) để diễn đạt cho đồng đội mình đoán đúng từ trong danh sách.

Người miêu tả không được nói bất kì từ nào trong danh sách với đồng đội của mình. Đội nào đoán đúng nhiều từ hơn trong khoảng thời gian qui định sẽ chiến thắng.

Phương tiện tổ chức: Viết các từ cần miêu tả vào các tờ giấy và xếp lại để người chơi bốc thăm ngẫu nhiên.

Hình thức chơi: Chia đội. Có thể chia mỗi lớp học thành 2 đội.

Đố vui ô chữ Vật lí

Nguyên tắc: Cách tạo ô chữ thường: Để có ô chữ vật lý có ý nghĩa và hay thì chúng ta nên chọn chủ đề cho ô chữ. Chủ đề đó chính là nội dung của ô chữ hàng dọc. Từ ô chữ hàng dọc này, chúng ta đặt từ khóa cho các ô hàng ngang. Dựa vào từ khóa để đặt câu hỏi cho từng hàng ngang.

Ô chữ ở mức độ khó hơn: Tương tự như trên nhưng chủ đề của ô chữ không nhất thiết phải đặt trong ô hàng dọc mà đặt trong từng ô riêng rẽ của ô hàng ngang. Mỗi câu hỏi trả lời đúng ở ô hàng ngang sẽ cung cấp một từ khóa cho chủ đề.

Khi các từ khóa từ từ hiện ra thì chúng được xếp theo trình tự giải đáp, sau đó người chơi phải sắp xếp lại tất cả các từ khóa và dự đoán chủ đề của ô chữ.

Chú ý, người chơi không nhất thiết phải trả lời hết các câu hỏi, khi đoán đúng chủ đề thì trò chơi kết thúc. Đội nào có số câu trả lời đúng nhiều nhất sẽ chiến thắng .

Phương tiện tổ chức: Sử dụng phần mềm powerpoint để thiết kế trò chơi và trình chiếu trên máy tính.

Hình thức chơi: Chia đội hoặc sử dụng chơi cho cả lớp vào cuối tiết học để củng cố bài.

Đố vui ba dữ kiện Vật lí

Nguyên tắc: Đầu tiên, đưa ra câu hỏi ở dạng khái niệm hoặc về lịch sử vật lí, kiến thức vật lí, hiện tượng vật lí,..

Ví dụ: Ông là ai? Đại lượng nào? Hiện tượng gì? Sau đó đưa ra từng dữ kiện (thông thường là ba dữ kiện) gợi ý dần dần cho câu trả lời đúng.

Dữ kiện thứ nhất ở mức độ khó nhất (hầu như chưa gợi ý gì), dữ kiện thứ hai ở mức độ trung bình (có gợi ý) và dữ kiện thứ ba ở mức độ dễ nhất (gợi ý gần tới câu trả lời đúng).

Nếu học sinh trả lời đúng ở dữ kiện thứ nhất sẽ được 30 điểm/câu, dữ kiện thứ hai là 20 điểm/câu, dữ kiện thứ ba là 10 điểm/câu. Mỗi dữ kiện cách nhau 10 giây.

Phương tiện tổ chức: Dùng phần mềm powerpoint để thiết kế trò chơi và trình chiếu trên máy tính và học sinh dành quyền ưu tiên trả lời bằng cách giơ tay hoặc bấm chuông (nếu có).

Hoặc đơn giản hơn là viết các câu hỏi theo thứ tự rồi cho học sinh bốc thăm, khi bốc được số nào thì ban giảm khảo đọc từng dữ kiện theo thời gian qui định. Thực hiện theo cách này dễ làm và không mất nhiều thời gian cho việc thiết kế trên máy tính.

Hình thức chơi: Chia đội. Thực hiện ngay trên lớp học hoặc vào các buổi sinh hoạt dưới cờ.

Hoa thơm tặng thầy

Nguyên tắc: Sử dụng một cây (hay nhánh cây) có nhiều cành, chuẩn bị một số bông hoa (số loại hoa phụ thuộc vào số đội tham gia trò chơi). Mỗi đội lần lượt lên hái hoa, ẩn dưới mỗi búp hoa là một câu hỏi, nếu trả lời đúng thì hoa sẽ nở và dùng để tặng thầy cô. Trả lời sai thì bỏ qua câu hỏi đó và nhường quyền hái hoa cho đội còn lại.

Phương tiện tổ chức: Dùng cành cây trong tự nhiên hoặc tự làm theo ý thích nhưng phải có thẩm mỹ. Hoặc có thể thiết kế trên powerpoint.

Hình thức chơi: Chia đội. Mỗi đội sẽ chọn một loài hoa mà ban tổ chức đưa ra. Đội nào trả lời nhiều câu hỏi nhất ứng với nhiều hoa nở trên cành sẽ chiến thắng.

Qui trình tổ chức trò chơi Vật lí

Để thực hiện một trò chơi vật lí, người dạy vật lí cần phải thực hiện theo một qui trình cụ thể như sau:

Bước 1: Xây dựng thể lệ trò chơi. Thể lệ có thể dựa trên nguyên tắc đã nêu, cũng có thể bỏ bớt hay bổ sung thêm tùy điều kiện thực tế.

Bước 2: Lựa chọn nội dung, chủ đề cần tuyên truyền. Muốn xác định được chủ đề thì phải trả lời câu hỏi: “Trò chơi đem đến cho học sinh kiến thức mới gì? Hay khắc sâu nội dung gì mà giáo viên cần truyền tải, nhấn mạnh?”

Bước 3: Xây dựng hình thức và kết cấu câu hỏi.

Bước 4: Thiết kế trò chơi trên phần mềm. Lựa chọn phần mềm thích hợp, sao cho đảm bảo dễ thiết kế, dễ sửa chữa, hiệu chỉnh, giao diện đẹp. Phải thiết kế sao cho thí sinh lựa chọn từ câu hỏi một cách ngẫu nhiên.

Mỗi lần thí sinh chọn câu hỏi nào thì câu đó đổi màu hoặc nhấp nháy đồng thời xuất hiện nội dung gợi ý. Nếu học sinh trả lời đúng, đáp án sẽ được mở ra, ngược lại, câu hỏi đó vẫn là bí mật nhưng màu sắc phải khác để thông báo với người chơi rằng câu hỏi này đã được chọn.

Nên thiết kế trên một trang màn hình. Cần thiết lập hiệu ứng thời gian, chuông đồng hồ, chấm điểm để trò chơi thêm sinh động, gay cấn và hấp dẫn hơn.

Bước 5: Tổ chức trò chơi.

Bước 6: Tổng kết và rút kinh nghiệm.

Xuất phát từ thực tế giảng dạy, từ khả năng vận dụng của học sinh và khả năng xử lí tình huống của học sinh, tôi thấy cần phải lồng ghép vào một phương pháp dạy học mới để giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức bài học trong sách giáo khoa.

Vì vậy, tôi đã lựa chọn từng trò chơi và lồng ghép phù hợp vào từng nội dung bài giảng. Thời gian lồng ghép thường là đầu tiết học với mục đích kiểm tra bài cũ và cuối tiết học để củng cố bài.

Thời gian tối đa cho việc tổ chức trò chơi dạng này thường là khoảng 5 -10 phút. Ngoài ra, tôi còn lồng ghép vào tiết ôn tập cuối chương để rèn luyện cho học sinh biết tổng hợp kiến thức đã học, phát hiện ra mối tương quan của toàn chương trình học để khắc sâu hơn nữa kiến thức vật lí.

Thời gian có thể khoảng 15 phút. Trong trường hợp này nên phối hợp nhiều trò chơi để tăng sức hấp dẫn và thu hút được nhiều học sinh tham gia.

Thầy Nguyễn Hữu Bằng

Từ khóa » Trò Chơi Vật Lý 11