Các Vấn đề Cần Lưu ý Khi Chia Sẻ Thông Tin Nhiễm HIV - Glink

Việc bảo mật thông tin của người nhiễm HIV là rất quan trọng. Chia sẻ hay không, thông báo hay không đều thuộc vào quyết định và sự cho phép của người nhiễm. Đi cùng với đó là những vấn đề nan giải họ phải đối diện khi nói ra tình trạng của mình.

Các vấn đề của người nhiễm HIV khi chia sẻ thông tin

Khi người nhiễm biết được bản thân đã dương tính với HIV, họ thường cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Lúc ấy, mấy ai chịu nghĩ đến sức khỏe bản thân. Thay vào đó, họ lo sẽ lây bệnh cho người thân, gia đình, bạn bè rồi những người quen xung quanh và nhất là sợ mọi người biết mình đang mang HIV.

Nỗi sợ này xuất phát từ việc sợ bị kì thị, phân biệt đối xử, ghẻ lạnh của xã hội và càng đau lòng hơn nếu như đến từ những người đã luôn bên cạnh mình. Một số vấn đề người nhiễm HIV thường gặp phải khi họ chia sẻ thông tin với người khác:

  • Bị cô lập và chối bỏ ngay trong chính gia đình của mình, trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội.
  • Bị mất việc làm, mất quyền sở hữu tài sản, không được nhận vào môi trường học tập hoặc làm việc, v.v…
  • Bị bạo hành, như đánh, đấm, đá, tát hay gây thương tích, đe dọa, quát tháo, la mắng, xúc phạm hoặc làm nhục.
  • Bị từ chối cung cấp các dịch vụ y tế hay trợ giúp xã hội.
  • Gặp khó khăn trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý.

Ngược lại, chính vì bất an với những rủi ro trên, người nhiễm HIV có thể không tiết lộ tình trạng của mình với gia đình, bạn bè thân thiết. Họ sẽ trì hoãn hoặc từ chối các biện pháp chăm sóc, điều trị HIV. Nếu có chữa trị, họ thường chọn các cơ sở y tế cách rất xa chỗ mình sinh sống, một nơi xa lạ và hầu như không một ai biết về họ.

Những điều này dẫn đến việc, người mang HIV dù tiếp nhận điều trị nhưng tâm trạng và tinh thần không khả quan, làm giảm hiệu quả, cũng như ảnh hưởng đến quá trình tuân thủ điều trị. Hoặc họ sẽ lẩn trốn đến khi đã ốm nặng, không thể giấu các triệu chứng bệnh được nữa mới tìm đến điều trị. Liệu thời gian để họ được yêu thương, được bên cạnh người họ yêu mến, được sống tiếp và hiện thực hóa những ước muốn còn lại bao nhiêu?

Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS có nhấn mạnh rằng, người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng sức khỏe của mình cho người mà mình dự định kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng, hay kể cả người có quan hệ tình dục với mình để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó. Đồng ý với quy định này, nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc họ thoải mái, sẵn sàng chia sẻ thông tin còn phụ thuộc vào cách hành xử của xã hội để sự mặc cảm, lo âu không còn là rào cản. Nếu làm tốt sẽ góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và nâng cao nhận thức dự phòng HIV của những người không nhiễm nhưng có nguy cơ.

Đừng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người nhiễm HIV/AIDS không có nghĩa là họ đã làm gì sai. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm HIV/AIDS, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác hay cả phẩm chất cá nhân. Vì vậy, đừng phân biệt đối xử với họ. Dù cho có lí do nào đi chăng nữa thì họ cũng chỉ là những nạn nhân của bệnh dịch toàn cầu, một bệnh dịch mà cả giới nghiên cứu khoa học vẫn ngày đêm thử nghiệm nhằm tìm ra cách thức chữa trị dứt điểm suốt hàng năm nay. Cho nên đừng ràng buộc họ thêm căn bệnh tinh thần không đáng có như vậy.

HIV dù chưa có thuốc trị dứt điểm, nhưng hoàn toàn có thể dự phòng và ngăn chặn sự phát triển của bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau. Riêng người nhiễm HIV, nếu tuân thủ điều trị tốt, cùng tinh thần tích cực sẽ sớm đạt được tải lượng vi-rút nằm dưới ngưỡng phát hiện, khi đó họ sẽ không thể làm lây truyền bệnh cho người khác. Việc này cũng giúp mối liên kết giữa người với người không còn là vấn đề phải quan ngại.

Ngăn chặn sự kì thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là rất quan trọng để giúp tất cả nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương này được an toàn và mạnh khỏe hơn. Ai cũng có thể đứng ra bảo vệ người đang sống chung với HIV, chỉ cần hiểu đúng, hiểu rõ và chia sẻ thông điệp tích cực cùng những người xung quanh.

Đồng lòng cùng nhau, chúng ta sẽ giúp những người nhiễm HIV chia sẻ thông tin được dễ dàng hơn. Từ đó tìm được sự can thiệp, hỗ trợ phù hợp, giúp họ sống khỏe mạnh như những người không nhiễm và làm giảm lây truyền HIV trong cộng đồng một cách đáng kể.

Từ khóa » Sợ Bị Hiv