HIV Không Phải Là Căn Bệnh 'khiếp Sợ' - Tiếng Chuông

Tôi đã vượt qua sợ hãi, mặc cảm để trở thành người có ích. Ảnh minh họa

Năm ấy tôi gần 16 tuổi, do bồng bột tuổi mới lớn tôi va vào những cuộc vui từ những mối quan hệ yêu đương không kiểm soát. Lúc ấy tôi vẫn chưa biết quan hệ an toàn có ý nghĩa lớn với mình ra sao. Cho đến cái ngày tôi thấy những dấu hiệu lạ ở bộ phận sinh dục, lúc đầu tôi cũng nghĩ bình thường vài ngày sẽ khỏi nhưng rồi càng ngày càng nặng hơn. Khó khăn lắm tôi mới dám đi xét nghiệm, tôi ngồi chờ kết quả trong sự lo lắng, bồn chồn và rồi tuyệt vọng khi cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay vì khi đó tôi đã mắc bệnh giang mai. Bác sĩ còn khuyên tôi nên đi xét nghiệm HIV sớm. Tôi rất sợ! Cảm giác sợ hãi và bế tắc cứ bao trùm lấy tôi!

Người chở tôi đi xét nghiệm hôm ấy chính là mẹ, khi biết kết quả của mình, tôi thật sự không dám đối mặt với mẹ ra sao, tôi sợ lắm!

Về đến nhà tôi không còn tâm trí học hành hay ăn uống như thế nào nữa trong đầu luôn quanh quẩn suy nghĩ rằng :"Mình sẽ chết sao?". Tôi nghĩ rằng, ở đâu đó trên thế giới này sẽ có người có hoàn cảnh giống tôi cũng từng nghĩ đến cái chết để giải thoát mình, tôi cũng đã từng như thế. Có lần, điều dại khờ ấy đã xảy ra, khi lưỡi dao lam chạm đến cổ tay, tôi lại nghe thấy tiếng mẹ mình kêu mình ra ăn cơm, giống như là tiếng thức tỉnh tôi dậy vực ra khỏi hố sâu tuyệt vọng.

Tôi lúc đó - một đứa trẻ chưa đủ 16 tuổi đã nói ra sự thật với mẹ mình, nói trong sự sợ hãi tột cùng. Vì sợ chết, sợ xa gia đình, xa mẹ, xa những vòng tay yêu thương của bạn bè, và tôi cũng sợ sự phân biệt đối xử, kì thị khắc nghiệt mà xã hội sẽ đè nặng lên những người mang bệnh giống tôi.

Nhìn mẹ lúc ấy đau khổ mà tôi hối hận lắm, giá như trước đó tôi thực hiện những biện pháp tự bảo vệ bản thân để giờ đây tôi không bị mang trong mình loại virus gây ra căn bệnh thế kỷ, giá như…, nhưng cuộc sống thật vốn dĩ không tồn tại hai chữ "giá như". Tôi nhớ tới lời nói của một ai đó: "Có những cái sai mà chúng ta không thể nào thay đổi được, thì tốt nhất là đừng sai hoặc hãy bù đắp những cái sai ấy bằng những điều đúng đắn".

Thế rồi số phận cũng mỉm cười với tôi, tôi may mắn gặp anh Hòa, trưởng nhóm CBO Thanh Niên, Long Khánh, anh đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Nhất là việc anh ấy đã thuyết phục mẹ tôi về việc đưa tôi đi xét nghiệm HIV ở đâu, điều trị ở đâu và cố gắng giúp mẹ đón nhận sự thật rằng tôi đã nhiễm HIV. Tôi thật sự rất cảm kích anh và trân trọng những con người làm công tác cộng đồng như anh.

Sau khi điều trị giang mai cũng là lúc tôi đối mặt với phác đồ điều trị HIV. Các bác sĩ nơi đây điều trị rất chu đáo, ân cần quan tâm đến quá trình điều trị của tôi, mỗi lần tái khám chị bác sĩ luôn hỏi tôi rằng: “Dạo này em thấy trong người có gì bất thường không, có gì thì phải báo chị ngay ". Các anh chị bác sĩ ở OPC nơi tôi điều trị đều rất dễ thương. Họ luôn đồng cảm và dành cho tôi những cử chỉ thân thiện, đó cũng là động lực rất lớn giúp tôi hòa nhập với cuộc sống hiện tại lúc bấy giờ.

Cho đến nay, sau 1 năm điều trị bằng thuốc ARV thì tải lượng virus trong cơ thể đã dưới ngưỡng phát hiện, tôi vui lắm, vì dưới ngưỡng phát hiện nghĩa là khả năng tôi có thể lây nhiễm cho người khác là rất thấp. Tôi đã cân bằng lại được cuộc sống hằng ngày của mình, vẫn vui vẻ, tươi cười và sống khỏe mạnh.

Dần chấp nhận và xem HIV là một phần cuộc sống của mình, tôi cũng đã dám mở lòng mình để tìm hiểu một người và người ấy cũng đã mở lòng với tôi. Giờ đây tôi thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa, tôi muốn chia sẻ với những người có cùng cảnh ngộ như tôi - những người đang mang trong mình virus HIV đừng quá bi quan, HIV hiện tại chỉ là một căn bệnh mãn tính nếu bạn tuân thủ tốt phác đồ điều trị, bạn vẫn sống khỏe mạnh như người bình thường, thậm chí không còn khả năng lây nhiễm cho người khác. Và qua đây tôi cũng cảm ơn anh Hòa - người đã quan tâm, giúp đỡ tôi điều trị HIV sớm. Cám ơn anh đã ngỏ ý và tạo điều kiện cho tôi ngày hôm nay được nói lên nỗi lòng của mình. Nhân đây, tôi cũng có một lời cảm ơn sâu sắc nhất muốn gửi đến mẹ và gia đình, người đã luôn động viên, chia sẻ với tôi, giúp tôi vượt qua những ngày u tối để trở thành một người tự tin, sống có ích.

“Cảm ơn mẹ đã luôn yêu thương, thấu hiểu và đồng hành cùng con trong suốt quãng thời gian vừa qua. Mẹ luôn bên con, trao cho con thêm nhiều động lực để con điều trị tốt và sống khỏe mạnh như hôm nay. Con yêu mẹ rất nhiều!”.

Từ khóa » Sợ Bị Hiv