Các Ví Dụ Về Ngụy Biện - Savoirmonde

CÁC VÍ DỤ VỀ NGỤY BIỆN

  1. Ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem)

            Thay vì bàn luận logic chủ đề đang bàn, kẻ sử dụng luận điểm này lại quay qua sỉ nhục, chửi rủa cá nhân người tranh luận để làm mất uy tín lời nói anh/chị ta. Việc anh A làm cái gì, không làm được cái gì không liên quan đến tính logic điều anh ta đang tranh luận.

            Ví dụ: “CÓ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO ĐẤT NƯỚC ĐÂU MÀ TO MỒM THẾ”- câu nói hay gặp này phạm lỗi ngụy biện tấn công cá nhân và ngụy biện anh cũng vậy (Tu Quoque fallacy).

Ví dụ: “ĐỪNG CÓ NGỒI ĐÓ MÀ LÀM ANH HÙNG BÀN PHÍM”, câu nói thông dụng, nhưng lại phạm hai lỗi ngụy biện: “tấn công cá nhân” (ad hominem) và ngụy biện “anh cũng vây” (Tu Quoque fallacy).

  1. Ngụy biện “anh cũng vậy” (tu quoque)

 Thay vì bàn đến tính logic của trao đổi, kẻ sử dụng ngụy biện này sẽ dùng các đặc tính thiếu sót, chưa hoàn thiện của người đối thoại, để từ đó phủ định ý kiến của anh ta. Câu nói ví dụ hàm ý “anh cũng chả làm được gì mà nói người ta”, hàm ý “anh cũng chả hay ho gì, anh cũng bậy bạ vậy” chính là tu quoque fallacy.

Đa số “Tu quoque fallacy” sẽ phạm luôn “ad hominem”, nhưng vài trường hợp chúng không đồng nhất nhau.

Ví dụ : “LÀM ĐƯỢC NHƯ NGƯỜI TA ĐI RỒI HÃY NÓI” – Câu nói khá thông dụng này phạm hai lỗi ngụy biện: ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) và ngụy biện “anh cũng vậy” (Tu Quoque fallacy).

  1. Ngụy biện cá trích (red herring)

Là loại ngụy biện đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng, hay làm dừng cuộc tranh luận. Ở đây việc anh A/B sống ở trong hay ngoài nước không liên quan đến tính logic vấn đề anh ta nói.

Ví dụ 3: “NẾU KHÔNG HÀI LÒNG THÌ CÚT XÉO RA NƯỚC NGOÀI MÀ SINH SỐNG”

  1. Ngụy biện “chọc tức, đâm thọt” (needling )

Là ngụy biện dùng lời nói bất lịch sự, bề trên (“anh không đồng ý thì đi ra nước ngoài mà sống”) ko liên quan câu chuyện để làm đối thủ tức giận.

  1. Ngụy biện đen trắng (black or white):

Ngụy biện này là kiểu lý luận triệt buộc, bắt người đối thoại phải chọn một trong hai lựa chọn mà kẻ ngụy biện cho là duy nhất, trong khi thực tế còn các lựa chọn khác có thể dùng đến.

Ví dụ : KHÔNG THỂ CHỌN ĐƯỢC CẢ 2, PHẢI CHỌN HOẶC NHÀ MÁY, HOẶC CÁ TÔM

Câu nói trên của vị giám đốc Formosa về việc gây ô nhiễm nghiêm trọng của nhà máy gang thép Formasa Hà Tĩnh và cho rằng phải lựa chọn giữa hai sự việc, hoặc nhà máy, hoặc cá tôm – phạm lỗi ngụy biện đen trắng.

  1. Ngụy biện chế giễu (appeal to ridiculous)

Là ngụy biện khi giễu cợt lời người trao đổi là nhảm nhí, là tầm bậy để hạ thấp giá trị các lời nói đó. Ở đây “phán”, hay “con xin lạy” là chế diễu cách nói chuyện đàng hoàng của đối phương để hạ thấp giá trị lời nó của họ.

Ví du: “CON LẠY CÁC THÁNH” – “LẠY ÔNG” – “PHÁN NHƯ THÁNH” là các cách nói ngắn, hay gặp và phạm hai lỗi ngụy biện nghiêm trọng: tấn công cá nhân (ad hominem) và “ngụy biện chế giễu” (appeal to ridicule).

  1. Ngụy biện hai sai thành đúng (two wrongs make a right):

Lỗi ngụy biện này sử dụng khi người trao đổi thay vì bàn về cái sai của sự việc đang xét, lại đưa ra một sự vật sai tương tự để biện hộ, hay giảm nhẹ, hay làm lạc hướng cho cái sai của nó.

Lưu ý đại đa số ngụy biện thông dụng “Anh cũng vậy” (Tu Quoque fallacy) cũng phạm lỗi “Hai sai thành đúng”, nhưng chúng không đồng nhất nhau.

Ví dụ: NƯỚC NÀO MÀ KHÔNG CÓ THAM NHŨNG (ngụy biện hai sai thành đúng)

“A: VN tham nhũng ghê quá

B: Nước nào mà không có tham nhũng”

Câu nói của B phạm lỗi ngụy biện khá thông dụng: “hai sai thành đúng”.

  1. Ngụy biện lạm dụng tác phong (appeal to appearance and manner)

Là ngụy biện khi một ai đó thay vì bàn về logic sự việc, lại lạm dụng tuổi tác, chức vụ, thành tích và danh xưng … để nâng giá trị lời nói của anh/chị ta, hạ thấp người trao đổi, hạ thấp luận điểm họ và dành phần thắng cho mình. Đây là một ngụy biện rất thông dụng và đôi khi là một biến thể của tấn công cá nhân ad hominem.

Ví dụ: “A: Formosa Hà Tĩnh thải độc, gây chết cá.

B: Không phải vậy, tôi là chuyên gia môi trường, tôi biết hơn anh.”

Câu trả lời của B phạm ngụy biện lạm dụng tác phong.

  1. Ngụy biện kết luận ẩu (jumping to conclusions)

            Là loại ngụy biện rất phổ dụng, trong đó người phát biểu dù không đủ chứng cứ, lý luận hay bằng chứng vẫn phát biểu những luận điểm vội vã, thiếu logic, thiếu thuyết phục. Khi ta gặp bất kỳ ai phán ẩu, nói ẩu, nghĩa là họ đang dùng ngụy biện jumping to conclusions này.

Sau khi hàng loạt cá chết bất thường tại Vũng Áng, lời ông phó chủ tịch Hà Tĩnh đại ý rằng: “VẪN YÊN TÂM ĂN CÁ, TẮM BIỂN Ở VŨNG ÁNG”

  1. Ngụy biện rơm (straw man)

Là lỗi ngụy biện khi bóp méo luận điểm của ai đó để từ đó tấn công nhận định của họ. Ở đây tác giả bài viết dùng ngụy biện rơm (straw man) bằng cách cường điệu hóa, chế diễu hóa hoặc thô tục hóa những nhận định đàng hoàng về BPhone thành những từ “đoán mò”, “ném đá”.

Xem câu nói trích từ bài viết báo Thanh Niên về BPhone:

“KHI CHƯA RA ĐỜI, CHỈ CẦN BỊ ĐOÁN MÒ, BPHONE ĐÃ Bị NÉM ĐÁ THIẾU ĐIỀU NẾU NHƯ KHÔNG ĐỦ CAN ĐẢM VÀ BẢN LĨNH THÌ CHA MẸ CỦA NÓ ĐÃ PHẢI VÔ BỆNH VIỆN PHỤ SẢN MÀ PHÁ THAI”

  1. Ngụy biện lòng thương hại (appeal to pity)

Lỗi ngụy biện khi thay vì đưa ra các nhận định logic về vấn đề đang bàn, kẻ ngụy biện dùng các từ ngữ mang tính cảm tính, gây cảm giác thương hại, động lòng trắc ẩn của người đối thoại/độc giả về sự vật có liên quan, từ đó đạt được mục tiêu đó là đẩy vấn đề tranh luận sai lệch như điều anh ta mong muốn. Nhắc lại, kẻ ngụy biện hoàn toàn chỉ là đánh vào tâm lý thương hại độc giả, chứ không bàn đến logic vấn đề. Ở đây tác giả đưa hình ảnh “sản phụ phải nạo phá thai” vào để làm động lòng trắc ẩn của người đọc.

Lưu ý cả hai ngụy biện rơm (straw man) và ngụy biện lợi dụng lòng thương hại (appeal to pity) đều rất thông dụng.

Ví dụ: giống ngụy biện rơm

  1. Ngụy biện lợi dụng cảm xúc (appeal to emotion)

Loại ngụy biện trong đó thay vì dùng các yếu tố logic để thuyết phục người đối thoại/độc giả về vấn đề đang bàn, kẻ ngụy biện sẽ dùng các câu chữ mang cảm tính cao, hay gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu nhằm đánh vào tâm lý, cảm xúc của người đối thoại, để từ đó, họ chấp nhận luận điểm (thiếu tính logic) của kẻ ngụy biện. 

Bộ công thương vừa đưa ra một thông điệp: GIÚP DÂN TIÊU THỤ CÁ LÀ YÊU NƯỚC. Trong câu nói trên, do thiếu tính logic trong việc thuyết phục dân tiêu thụ cá (nỗi lo nhiễm độc thấy rõ), nên bộ công thương phải dùng chiêu “kêu gọi lòng yêu nước” từ dân, chính là ngụy biện lạm dụng cảm xúc, đánh vào tâm lý người dân mà thôi.

Lưu ý ngụy biện lợi dụng cảm xúc được dùng rất thông dụng trong sách vở, báo đài nhà nước và các nhà chính trị gia để thu hút, “mê hoặc” dân chúng 🙂.

  1. Ngụy biện gièm pha, gây chán ghét (appeal to spite)

            Ở thủ thuật ngụy biện này, kẻ ngụy biện sẽ dùng các từ ngữ hay cách nói chuyện để đánh vào tâm lý người đối thoại (hoặc độc giả), chứ không phải logic của vấn đề, để họ bỗng có tâm lý chán ghét (vô cớ) một nhân vật, đối tượng nào đó, và từ đó sẽ chấp nhận luận điểm sai trái của kẻ ngụy biện về vấn đề đang bàn.

Ví dụ: Hai mẹ con cô Hoàng Mỹ Uyên đi tuần hành vì môi trường tại Sài Gòn bị an ninh đánh đập vô pháp, tồi tệ và đáng căm phẫn.

B: Thật là độc ác khi một bà mẹ lại đem con đi vào chỗ nguy hiểm. Tại sao cô ta lại có thể làm vậy.

Luận điểm của B phạm hai lỗi ngụy biện: ngụy biện gièm pha gây chán ghét (appeal to spite) và ngụy biện cá trích (red herrings): Ở đây B thay vì bàn về logic của việc đánh mẹ con cô Uyên thế là đúng hay sa, thì lại tìm cách hạ nhục mẹ con cô Uyên vốn là nạn nhân bị đánh vô cớ này: lên án cô ta đem con đi vào buổi tuần hành ôn hòa là độc ác. Mục đích của B là để đánh vào tâm lý độc giả, để họ chán ghét, ác cảm với cô.

  1. Ngụy biện vin vào một bằng chứng (fallacy of one single proof)

Đây là loại ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện đã bướng bỉnh, vô lý khi chỉ vin vào một bằng chứng duy nhất nào đó để bác bỏ tính chân trị của sự việc đang bàn, trong khi đó lại bác bỏ tất cả những bằng chứng xác đáng và logic khác chứng minh sự việc trên là đúng. 

– A: Hai mẹ con cô Hoàng Mỹ Uyên đi tuần hành vì môi trường tại Sài Gòn bị an ninh đánh đập vô pháp, tồi tệ và đáng căm phẫn. Có nhiều người chứng kiến, hình ảnh truyền khắp facebook và nạn nhân cũng tường thuật rõ ràng trên Youtube.

– B: Tôi không tin có chuyện đó vì không có clip nào quay lại sự việc lúc đó cả.

Luận điểm của B đã phạm “ngụy biện vin vào một bằng chứng”. Trong ví dụ trên, dù có nhiều hình ảnh hai mẹ con cô Uyên bị đánh đập, nhiều người chứng kiến và cả clip tường thuật câu chuyện của chính hai mẹ con nạn nhân, nhưng kẻ ngụy biện B vẫn cố chấp vin vào một lý do duy nhất, là không có clip quay lại lúc xảy ra sự viêc, để bác bỏ tính chân trị sự việc ấy.

Tư duy của “Ngụy biện vin vào một bằng chứng” (one single proof) được thấy rất nhiều trong thực tế cuộc sống ở VN, ví dụ như nạn cửa quyền, thủ tục hành chính sách nhiễu dân trong các cơ quan nhà nước (đòi hỏi các thủ tục, giấy tờ rườm rà, đôi khi không cần thiết, phi logic).

Khi tranh luận nếu bạn thấy ai dùng ngụy biện vin vào một bằng chứng (one single proof) – nghĩa là họ đang đuối lý, chỉ cãi bướng mà thôi.

  1. Ngụy biện tâng bốc (appeal to flattery)

Là kiểu ngụy biện khi một ai đó cố ý tâng bốc một nhân vật, đối tượng nào đó lên quá mức, quá sự thật, để đánh vào tâm lý người trao đổi, độc giả, để họ nhìn nhận sự việc liên quan đến nhân vật, đối tượng đó một cách lệch lạc, từ đó chấp nhận quan điểm thiếu logic của kẻ ngụy biện.

Xem lời facebooker Chung Nguyễn – Phú viết về việc anh bán hàng rong bị công an viên đánh đến xuất huyết não (clip Youtube https://www.youtube.com/watch?v=h5LYfEk6ILw): “TRƯỚC HẾT TÔI KHEN TRÌNH ĐỘ VÕ THUẬT CỦA ANH CÔNG AN, GÌ CHỨ THẰNG LÁI XE TRÔNG LÙN LÙN BẨN BẨN NHƯNG TÓC XOĂN DA ĐEN TRŨI, BẮP ĐÙI NÓ TO NHƯ TRỤ ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH – HÀ ĐÔNG, THẰNG NÀY KHÔNG NẶNG NGÓT TẠ MỚI LÀ LẠ. ANH QUẬT NGÃ NÓ BẰNG MỘT ĐÒN KHIẾN TÔI TÂM PHỤC KHẨU PHỤC, HOÀN TOÀN IÊN TÂM VỀ NĂNG LỰC CỦA CÁC ĐỒNG CHÍ CÔNG AN!.”

 Ở đoạn văn trên, Chung Nguyễn (Phú) đã sử dụng hai ngụy biện, ngụy biện tâng bốc (appeal to flattery) và ngụy biện gièm pha gây chán ghét cùng lúc.

 CN khen anh công an này, nào là trình độ võ thuật cao, đòn đánh đẹp khiến hắn khâm phục …etc chính là để đánh vào tâm lý độc giả, để họ cũng thích thú và có cảm tình với anh CA đánh dân, để họ xem hành động đó là đáng khen (trong khi điều cần làm là lên án anh công này này đã dùng vũ lực quá mức, gây thương tổn trầm trọng anh bán hàng rong).

Ngụy biện tâng bốc (appeal to flattery) thật ra được dùng thịnh hành trong cuộc sống, ví dụ những câu mật ngọt nịnh đầm của chàng trai dành cho các cô gái, như lời người bán hàng (sale) với khách hàng về sản phẩm của họ đang rao bán, như báo chí VN tung hô các nhân vật lãnh đạo quá đáng (để định hướng suy nghĩ tôn sùng, yêu quý của dân chúng với các nhà lãnh đạo đó).

Dư luận viên thường hay dùng hai cặp ngụy biện, ngụy biện tâng bốc (appeal to flattery) và ngụy biện gièm pha (appeal to spite) song hành với nhau, để nâng người này lên và đạp người khác xuống cùng lúc cho mục đích định hướng dư luận hiểu sai, nghĩ sai về một vấn đề nào đó của chúng. Câu nói trên của Chung Nguyễn là một ví dụ điển hình như vậy.

  1. Ngụy biện gây cảm giác tội lỗi (appeal to shame)

Là loại ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện cố ý gây cho người đối thoại, hay độc giả có cảm giác tội lỗi về luận điểm của họ, để dành phần lợi cho mình – nhưng thật ra lời buộc tội ấy chỉ đánh vào tâm lý, cảm xúc chứ không hề liên quan logic vấn đề đang bàn.

Ví dụ:- A: ÔNG M LÚC CÒN SỐNG THAM NHŨNG HẠI DÂN HẠI NƯỚC GHÊ LẮM!

– B: BẠN KHÔNG THẤY XẨU HỔ KHI BƯƠI MÓC QUÁ KHỨ MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT Ư?

Câu nói trên của B tuy ngắn, nhưng đã phạm cùng lúc bốn lỗi ngụy biện trên: ngụy biện lợi dụng lòng thương hại, ngụy biên gây cảm giác tội lỗi, ngụy biện rơm và ngụy biện cá trích. B đã đi xa hơn, khi buộc tội A, làm cho A có cảm giác tâm lý có lỗi khi nói về việc tham nhũng của ông M.

Đây là một ví dụ hiếm có và rất hữu ích, vì một câu nói ngắn mà sử dụng bốn ngụy biện kín kẽ cùng lúc.

  1. Ngụy biện cắt xén thông tin ngoài ngữ cảnh (fallacy of quoting out of context)

Ngụy biện cắt xén thông tin (quoting out of context) là một trường hợp đặc biệt của ngụy biện rơm (straw man – xem ví dụ 10, 15) và là một ngụy biện mà báo chí nhà nước VN hay dùng để định hướng dư luận và các dư luận viên hay dùng nó để vu oan, tấn công luận điểm và cá nhân người khác.

Cách đây không lâu, có một bài báo tệ hại tại CafeBiz (dẫn nguồn từ Trí thức trẻ): “Người Việt tuy nghèo, nhưng chất lượng sống ngang với các nước có thu nhập 10.000 USD/người”.

Thật ra bài báo đã cắt xén, thổi phồng thông tin một báo cáo thống kê của một công ty có tên BCG trong đó họ đưa ra một chỉ số Sustainable Economic Development Assessment (SEDA – tạm dịch chỉ số phát triển kinh tế bền vững) và xếp loại các quốc gia dựa trên chỉ số đó.

Khoan bàn đến đúng sai, mô hình thống kê mà công ty này đưa ra, chỉ số của nó hợp lý thế nào…, nguyên toàn báo cáo gốc chỉ có một đoạn đáng chú ý nói về VN: “Vietnam is among the top performers in terms of how well it converts wealth in well-being: it has a much higher current-level score for well-being than other countries with similar income levels”, ở trang 11/59. Nghĩa là theo BCG, VN có điểm số SEDA tốt hơn so với các nước cùng thu nhập mà thôi. Ngoài ra không có bất kỳ chỗ nào nói thêm về VN, nào là VN có CHẤT LƯỢNG SỐNG ngang bằng các nước khác có thu nhập 10.000USD cả.

Bài báo của Cafebiz đã phạm lỗi ngụy biện cắt xét thông tin ngoài ngữ cảnh. Ở đây tác giả bài báo đã bóp méo thông tin gốc và dối trá bảo Việt Nam có chất lượng cuộc sống cao bằng các nước có thu nhập 10.000 USD. Kinh nghiệm đặt ra: luôn phải cẩn thận kiểm tra nguồn tin kỹ càng trong thời đại mạng xã hội hiện nay, dù là nó đến từ báo chí chính thống.

  1. Ngụy biện lợi dụng đám đông (appeal to the people)

Là loại ngụy biện là chỉ cho trường hợp thay vì dùng tính logic của sự việc, thì lại kẻ ngụy biện lại vin vào sự ủng hộ của đám đông để cho rằng luận điểm anh ta là đúng.

Câu nói của ông Trần Bảo Quyến, Phó GĐ Sở VH-TT-DL Sơn La: “1400 TỶ ĐỂ XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI NHẰM ĐÁP ỨNG NGUYỆN VỌNG VÀ TÌNH CẢM CỦA ĐỒNG BÀO TÂY BẮC VỚI BÁC HỒ”.

Trong câu nói trên, ông Quyến đã dùng đám đông “nhân dân Tây Bắc” (cũng là một cách nói bừa thiếu chứng cứ) để biện hộ thiếu logic cho việc xây dựng tượng đài 1400 tỷ này.

Lưu ý: ngụy biện lợi dụng đám đông (appeal to the people) được xài rất nhiều bởi các chính trị gia.

  1. Ngụy biện lợi dụng người nổi tiếng (appeal to authority)

Ngụy biện khi ai đó dùng danh tiếng hay uy tín những nhân vật nổi tiếng (trong trường hợp này là cụ Hồ) thay vì tính logic của luận điểm để tìm sự ủng hộ cho lời nói anh ta. Cũng có vài trường hợp khác cũng rơi vào ngụy biện này – như người nổi tiếng không có đủ uy tín trong lĩnh vực đang bàn, hoặc kẻ ngụy biện bóp méo lời vị ấy nói để làm lợi cho luận điểm anh ta.

Ngụy biện lợi dụng người nổi tiếng (appeal to authority) là một thói quen tai hại, hay dùng của nhiều bạn trẻ Việt và đa số hình thành từ các thói quen hành văn trong các bài tập làm văn thời học sinh tại Việt Nam. Một phần nó cũng được tạo nên từ tâm lý tôn sùng lãnh tụ, thần tượng thái quá trong tâm lý khi chúng ta còn trẻ. Báo chí VN, truyền thông VN cũng thường xuyên dùng ngụy biện lợi dụng người nổi tiếng (appeal to authority) này như là một chiêu thức hữu hiệu để thuyết phục, đánh vào tâm lý độc giả.

Kinh nghiệm rút ra: Cẩn thận khi ai đó đưa ra các “big name” trong khi tranh luận và kim chỉ nam là luôn đánh giá các luận điểm một cách độc lập và chỉ dựa vào logic, sự hợp lý của nó mà thôi. Mặc “big name” đó là ai, chúng ta cần xem xét lời nói “big name” mà người đối thoại trích dẫn đó có chính xác hay không, “big name” ấy có phải là người có uy tín trong lĩnh vực đang bàn hay không …

  1. Ngụy biện nhét chữ vào miệng (loaded question fallacy)

Đây là một loại ngụy biện trong đó người phỏng vấn câu hỏi sẽ lồng ghép giả định của các vấn đề đang còn đang tranh cãi (thậm chí giả định ấy là sai, vu khống hoặc không có thật), vừa để giới hạn sự trả lời của người được hỏi, vừa bảo vệ quan điểm người phỏng vấn với giả định về vấn đề còn đang tranh cãi đó, cũng như vừa có thể làm khán giả/người quan sát thứ ba nếu không tinh ý có chấp nhận giả định chưa chính xác của người phỏng vấn về vấn đề gây tranh cãi đó.

Trong chương trình “60 phút mở của VTV” vừa rồi (nguồn: https://goo.gl/T7CtfC), tại phút 1’30”, nhà báo Tạ Bích Loan đặt câu hỏi với MC Phan Anh: “ Sau khi bạn chia sẻ cái clip về cá chết, MỘT CÂU CHUYỆN KHÔNG CHÍNH XÁC ĐÚNG KHÔNG Ạ, thì đã bị dư luận phản ứng rất nhiều. Có một người comment trên Facebook của bạn thế này: ông làm MC thì làm tốt vai trò của mình đi chứ đừng chia sẻ những câu chuyện thế này làm gì? Bạn nghĩ gì về nó”.

Câu hỏi của Tạ Bích Loan dành cho Phan Anh chính là một loại ngụy biện hay gặp trong cuộc phỏng vấn hay nói chuyện hàng ngày: Trong trường hợp này, clip hai cá chết ở Hà Tĩnh có đáng tin cậy hay không còn là một chủ đề gây tranh cãi. Một bên là VTC, người đưa ra clip, là một cơ quan báo chí chính danh trong nước, với clip phóng sự cá chết sau hai phút hẳn hoi (http://goo.gl/fDefSJ) – một bên là phản bác của Sở tài nguyên môi trường Hà Tĩnh (http://goo.gl/Yil9rg), một cơ quan trực thuộc địa phương chủ quản Hà Tĩnh, nơi vốn đang im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu về những gì xảy ra bên trong Vũng Áng hai tháng nay cộng với bài tìm hiểu, phóng sự phản bác VTC của nhóm Trí Thức Trẻ (http://goo.gl/igpctF). Lưu ý rằng nhóm Trí Thức Trẻ này từng có bài viết dối trá, bóp xén thông tin trong bài viết “Việt Nam tuy nghèo nhưng chất lượng sống ngang bằng các nước phát triển” như trong ví dụ ngụy biện 16 admin đã từng phân tích trước đây (https://goo.gl/OCGwXm). Tóm lại chưa thể khẳng định ai đúng, ai sai và clip đó có đáng tin cậy hay không là tùy theo góc nhìn, quan điểm khác nhau của mỗi người. Câu hỏi của Tạ Bích Loan đã cố tình đưa vào giả định clip của VTC là sai, và cố ý bắt Phan Anh cũng như khán giả, người quan sát chấp nhận quan điểm còn tranh cãi đó.

Ngụy biện nhét chữ vào miệng (loaded question) hay gặp trong các cuộc phỏng vấn trên báo chí. Trên đời thường nó cũng được sử dụng đa dạng, như bạn bè chọc ghẹo nhau (bạn hỏi người chồng trước mặt cô vợ: hôm qua tao thấy mày chở con nào trên phố vậy bla bla :v ), hay như trong các cách hỏi lửng, bỏ nhỏ sau lưng để gièm pha nhau nơi công sở, ngoài xã hội…

Kinh nghiệm rút ra: khi bạn gặp ai hỏi mình kiểu nhét chữ vào miệng vậy thì – một là từ chối không trả lời, hai là hỏi ngược lại người phỏng vấn và đề nghị anh/chị ta đính chính giả định anh/chị ta đặt ra trong câu hỏi nhét chữ vào miệng mình đó. Nếu bạn là người nghe, người quan sát thứ ba thì nên “biết nhíu mày” khi nghe các câu hỏi phỏng vấn kiểu nhét chữ vào miệng như thế.

  1. Ngụy biện so sánh ẩu (faulty analogy) và Đánh tráo khái niệm

Ngụy biện này ý rằng, hai sự việc chỉ giống nhau một khía cạnh nhỏ, còn khác nhau hoàn toàn các khía cạnh khác nên so sánh chúng với nhau là ngụy biện.

Năm 2004, bà Tôn Nữ Thị Ninh (https://goo.gl/CCbLjV), một tri thức khá có vai vế trong nước, khi được hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN đã nói: “ Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”. Câu nói trên đã phạm lỗi ngụy biện “so sánh ẩu” (faulty analogy http://goo.gl/1XjuRW), và nói theo ngôn ngữ Việt là đánh tráo khái niệm.

Việc bà Ninh so sánh việc nhà nước VN xử lý công dân y hệt như việc ba mẹ dạy dỗ con cái trong một gia đình, và ám chỉ anh hàng xóm (nước láng giềng) không được can thiệp là một so sánh ẩu và sai. Mối quan hệ nhà nước – công dân, vốn dựa trên các quy định pháp luật, các giao kết ràng buộc mang tính pháp lý, ước khế xã hội và nó khác hoàn toàn mối quan hệ ba mẹ – con cái trong gia đình, vốn máu mủ và tình yêu thương sâu đậm, thiêng liêng.

Hàng xóm – gia đình là một mối quan hệ xã hội, cũng khác quan hệ một nước với các nước lân bang vốn là mối quan hệ bang giao quốc tế, dựa trên các luật chơi quốc tế … Bà Ninh còn nói hàng xóm ko có quyền can thiệp chuyện cha mẹ dạy con cái là sai. Cha mẹ mà đánh con cái quá đáng, bạo hành trẻ em, hàng xóm phát hiện hoàn toàn có thể báo nhà chức trách xử phạt, thậm chí phạt tù bậc cha mẹ như vậy (một ví dụ: http://goo.gl/jsh1sy).

Ngụy biện so sánh sai ẩu ở câu nói trên cũng chính là đánh tráo khái niệm, biến mối quan hệ nhà nước – công dân thành mối quan hệ ba mẹ – con cái trong gia đình, biến mối quan hệ giữa hai nhà nước thành mối quan hệ láng giềng, hàng xóm.

Tóm lại, một phát biểu bà Tôn Nữ Thị Ninh nhưng đã hai lần phạm ngụy biện so sánh ẩu faulty analogy (đánh tráo khái niệm).

So sánh là một nguồn nguyên nhân lớn dễ dẫn đến ngụy biện, đến mức nơi nào có so sánh, nơi đó hầu như có ngụy biện faulty analogy.

Lý do là vì chúng ta hầu như rất khó tìm ra hai sự vật, hiện tương tương đồng nào để mà so sánh với nhau. Vạn vật trong vũ trụ này (kể cả con người) luôn là những thực thể độc lập và luôn có những đặc tính riêng biệt của riêng nó mà thôi. Đó là lý do các so sánh trong nghiên cứu khoa học luôn được thiết kế một cách cẩn thận, tỉ mỉ để bảo đảm tối đa tính tương đồng giữa hai so sánh thực hiện trong thực nghiệm.

So sánh ẩu (faulty analogy) là một ngụy biện cao cấp, kín kẽ và được sử dụng rất nhiều trong viết lách, trao đổi. Nó lợi hại vì có thể cho phép kẻ ngụy biện thể lái từ chuyện này sang chuyện khác (tưởng chừng là tương đồng), bóp méo sự việc sau khi so sánh, đánh tráo khái niệm sau khi so sánh, hoặc đánh vào tâm lý độc giả qua phép so sánh đó.

Kinh nghiệm rút ra: hạn chế và vô cùng cẩn thận khi sử dụng phép so sánh trong nói chuyện, trao đổi và viết lách. Đây là một điều rất khó, vì phép so sánh ví von là thói quen hay xài của nhiều người Việt.

Với tư cách là một độc giả, khi đọc một bài viết có dùng phép so sánh, chúng ta cần đọc kỹ và rõ ràng để xem tác giả có so sánh ẩu, hai sự việc được so sánh ấy có thật sự đủ giống nhau để so sánh không, tác giả có đánh tráo khái niệm hay không…

  1. Ngụy biện thống kê (statistical fallacy)

Đây là tên gọi chung cho việc người ngụy biện lợi dụng các con số, thông tin thống kê sai hoặc không đáng tin cậy để đánh vào tâm lý độc giả và làm bàn đạp để từ đó dành phần lợi cho luận điểm của họ.       

Các kiểu phạm ngụy biện thống kê này khá đa dạng, như kẻ ngụy biện nêu ra một thống kê không rõ nguồn gốc, hoặc một thống kê không có độ tin cậy do chưa được công bố và kiểm chứng về mặt khoa học, hoặc kẻ ngụy biện diễn đạt, bóp méo một kết quả thống kê có trước một cách lệch lạc, có lợi cho anh ta, hoặc thậm chí anh ta bịa ra các con số thống kê đó…

Trong chương trình 60 phút mở của VTV với MC Phan Anh (nguồn: https://goo.gl/T7CtfC), phút 10’55”, vị khách mời Nguyễn Thái Sơn đến từ công ty Buzzmetrics đã đưa ra một nhận định: “Một thông tin tiêu cực sẽ có cơ hội được chia sẻ gấp bốn lần thông tin tích cực”.

Câu nói này của Nguyễn Thái Sơn có rất nhiều khả năng đã phạm một ngụy biện có tên “ngụy biện thống kê (statistical fallacy https://goo.gl/gzuzR9). Trong ví dụ này, có khá nhiều lý do để chúng ta có thể nghi ngờ tính chân trị trong lời nói trên của Nguyễn Thái Sơn.

Thứ nhất là chúng ta không thấy bất kỳ công bố khoa học nào tin cậy mà có con số như lời NTS nói.

Thứ hai, có những công bố khoa học từ các nghiên cứu đàng hoàng trên thế giới thậm chí cho thấy kết quả hoàn toàn trái ngược lời NTS. Như một công bố năm 2013 của nhà khoa học Jonah Berger tại trường đại học University of Pennsylvania bảo rằng thông tin tốt – good news lan truyền nhanh và xa hơn thông tin xấu bad news (http://goo.gl/KXDsmc). Hay như một công bố khác năm 2014 của các nhà khoa học tại trường University of Chicago (nguồn:https://goo.gl/jPospV) cho thấy tâm trạng tích cực (positive emotions) sẽ được lan truyền nhanh hơn tâm trạng tiêu cực (negative emotion).

Thứ ba, bởi vì NTS chỉ nói miệng, suy nghĩ kỹ hơn chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điều cần trao đổi và xem kỹ về kết quả ấy. Thế nào là thông tin tiêu cực, thế nào là tích cực trong nghiên cứu thống kê của công ty NTS, hay các nghiên cứu thực hiện ra sao, khi nào, tần suất thống kê, lấy mẫu thế nào, phương pháp thống kê gì? Một cô diễn viên post một ảnh đẹp, lập tức được hàng nghìn like và chia sẻ – thông tin đó được xếp loại tiêu cực hay tích cực trong nghiên cứu đó? Hay các post nói về chính trị, của các hot Facebooker đôi khi may mắn lắm cũng chỉ được vài trăm share, thông tin đó là được xếp loại tích cực hay tiêu cực? … Nói chung rất nhiều vấn đề cần quan tâm và mổ xẻ về kết quả thống kê mà NTS đưa ra, nếu thật sự có một nghiên cứu như vậy trong công ty anh ta.

Tâm lý chúng ta luôn có khuynh hướng bị thuyết phục bởi con số thống kê, vì chúng ta hay nghĩ rằng chúng mang tính biểu thị một sự đo đạc, một nghiên cứu khoa học và biểu thị sự chính xác nào đó. Nhưng thật ra không phải vậy. Thống kê chính là một cách ngụy biện để lừa người khác dễ nhất, một phần vì lý do tâm lý như đã nói ở trên, một phần để bác bỏ nó thì đôi khi cần thời gian để tìm tòi và phản biện thông tin.

Kinh nghiệm rút ra: luôn cẩn thận, đặt dấu hỏi và kiểm tra nguồn rõ ràng khi ai dùng con số thống kê ra để trao đổi với mình, các bạn nhé. Thậm chí ngay cả có một nghiên cứu thống kê như vậy, chúng ta cũng phải cẩn thận với thời gian, ngữ cảnh, tần suất lấy mẫu và phương pháp thống kê được dùng trong vấn đề nghiên cứu đó và liệu con số thống kê đó có phù hợp ngữ cảnh câu chuyện đang bàn hay không …

Tóm lại, một nguồn ngụy biện lớn chính là đến từ các con số thống kê được nêu ra trong tranh luận. Cẩn thận khi gặp nó 😉 Ví dụ 23. Ngụy biện thiên vị (fallacy of incomplete evidence)

Ngụy biện thiên vị là loại ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện thuyết phục người đối thoại, độc giả một cách không khách quan, đầy thiên vị bằng cách chỉ dùng các thông tin, bằng chứng có lợi cho luận điểm của anh ta trong khi lại lờ đi, hay che dấu các thông tin, bằng chứng khác không có lợi cho luận điểm ấy.

Nhà báo Lê Quốc Vinh trong bài “Chuyện cá chết và hiện tượng đám đông” được rất nhiều người like và share đã trích dẫn lý thuyết tâm lý học đám đông của tác giả Le Bon từ thế kỷ 19 và từ đó bảo rằng từ vụ cá chết anh ta thấy có đám đông đang hành xử như người nguyên thủy, không có khả năng suy nghĩ, suy luận …. như sau:

“ Trong cuốn “Tâm lý học đám đông” nổi tiếng, Gustave Le Bon, nhà tâm lý học xã hội người Pháp, cho rằng những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa (Wikipedia). Khối người chỉ trích Le Bon, nhưng học trò xuất sắc nhất, Adolf Hitler đã vận dụng lý thuyết này tài tình đến độ từ một kẻ thất bại trong nghệ thuật trở thành một kẻ dẫn dụ cả nước Đức, một trong những dân tộc thông minh nhất, lôi một nửa thế giới vào vòng chiến tranh thảm khốc. Và hôm nay, tiếc thay, khi mạng xã hội thống trị truyền thông thì lý thuyết của Gustave Le Bon lại càng ngày càng đúng”.

Trong bài viết trên (và ở đoạn văn trích dẫn), Lê Quốc Vinh đã phạm ngụy biện bằng chứng thiên vị (cherry picking fallacy) vì:

  1. Bài viết của Lê Quốc Vinh hoàn toàn chỉ dựa vào một lý thuyết sơ khai và đầy tranh cãi về tâm lý đám đông của một tác giả từ thế kỷ 19, Le Bon. Lý thuyết ấy của Le Bon gây tranh cãi vì nó đã mô tả những cá nhân trong đám đông một cách khá cực đoan, mang tính bầy đàn như người nguyên thủy, như người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng…. Qua hơn một trăm năm nghiên cứu và phát triển, lý thuyết của Le Bon tuy có giá trị to lớn nhưng… được xếp loại là những cách thức tiếp cận đã cũ. Đã có những nghiên cứu mới, nhìn nhận mới về lý thuyết tâm lý đám đông được phát triển sau này, như thuyết của Ralf Turner hay F. H. Allport trong đó các tác giả nhìn nhận tâm lý, hành vi đám đông gần giống như các ly thuyết hành vi tâm lý các nhóm xã hội, ví dụ như trong đó có tính đến sự tương tác và tác động giữa các cá thể trong đám đông đó.

2- Lê Quốc Vinh hoàn toàn lờ đi, không trình bày đến những nghiên cứu hiện đại đáng chú gần đây về tâm lý đám đông, chẳng hạn một tác phẩm rất nổi tiếng của tác giả James Surowiecki xuất bản năm 2004 có tên “The Wisdom of Crowds: Why the Many Are Smarter Than the Few and How Collective Wisdom Shapes Business, Economies, Societies and Nations”, được dịch và xuất bản ở VN với tựa đề “Trí tuệ đám đông – Vì sao đa số thông minh hơn thiểu số” .

Cuốn sách này của James Surowiecki đã đưa ra một nhận xét quan trọng: trong một số trường hợp, đa số thông minh hơn thiểu số và cách thức trí tuệ tập thể đã góp phần hình thành nên công việc kinh doanh, các nền kinh tế, các xã hội và các quốc gia. Chẳng hạn chúng ta trích một đoạn trong đó: “Trong những hoàn cảnh thích hợp, nhóm trở nên rất thông minh, thường thông minh hơn cả những người thông minh nhất trong nhóm. Các nhóm người không cần phải nhờ sự chi phối của những người có năng lực đặc biệt mới trở nên thông minh. Cho dù đa số mọi người trong nhóm không thông thái hay không có trí tuệ tới mức đặc biệt nhưng cả nhóm vẫn có thể đạt được quyết định sáng suốt mang tính tập thể. Đây là một điểm tốt vì loài người vốn sinh ra không phải là những người có khả năng quyết định một cách hoàn hảo. Với tư cách là những cá nhân, chúng ta có khả năng quyết định nhanh chóng và tức thời. Nhưng chúng ta có lẽ không giỏi như vậy trong việc đưa ra những quyết định có xét đoán cẩn thận. Nói chung, chúng ta có ít thông tin hơn ta muốn. Chúng ta có tầm nhìn hạn hẹp về tương lai. Đa số chúng ta đều thiếu khả năng – và không muốn – thực hiện những phép tính phức tạp về mối liên hệ vốn – lãi. Và còn lâu chúng ta mới trở thành những người hoàn toàn có lý trí, vì chúng ta thường bị tình cảm chi phối khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cho dù tồn tại tất cả những hạn chế này (hoặc thậm chí có lẽ vì có chúng), khi tất cả những ý kiến chưa hoàn chỉnh của chúng ta được tập hợp đúng cách thì trí tuệ tập thể của chúng ta thường rất hoàn hảo. Bạn có thể thấy trí tuệ tập thể này, hay theo cách tôi gọi là “trí tuệ đám đông”, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trên khắp thế giới.trình bày các nghiên cứu, quan sát hiện đại ở nhiều lĩnh vực”.

Rõ ràng, những nhận định của James Surowiecki đi ngược lại hoàn toàn luận điểm của Lê Quốc Vinh và tác phẩm “Trí tuệ đám đông” này cũng rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Tại sao Lê Quốc Vinh không đăng tin, trích dẫn luận điểm trong cuốn sách này?

Trở lại nhận đính chính Lê Quốc Vinh về đám đông đang tức giận về chuyện cá chết hang loạt và nguy cơ một thảm họa môi trường tác động ghê gớm đến cuộc sống hàng triệu người, trong đó Lê Quốc Vinh dẫn chứng một vài thông tin bị sai lệch và cắt xén về tình hình cá chết, vào bảo rằng đám đông tức giận, truyền các tin ấy đi là đám đông nguyên thủy như kiểu của Le Bon. Đối với cá nhân admin: nhận đấy là không chính xác và admin cho rằng không thể có đám đông như vậy trên thời đại mạng xã hội tự do như hiện nay. Mỗi một thông tin, bài viết đưa ra trên mạng xã hội đều được đám đông kiểm chứng, phản biện nhiều chiều và cực kỳ nhanh nhạy. Nếu một bài viết đưa tin sai, chỉ một thời gian ngắn sau lập tức có người đặt dấu hỏi, và phản biện cho bài viết đó. Có thể tốc độ lan truyền tin sai là nhanh, nhưng sự chỉnh sửa tin sai, nếu chính xác cũng được truyền tải rất nhanh chóng. Chính sự đa dạng, tự do trong sân chơi này của Facebook đã bản thân trang bị cho nó tính năng lọc rất mạnh mẽ, và về lâu về dài sẽ nâng cao trình độ đám đông hơn. Một người mới tham gia sân chơi mạng xã hội sẽ có thể bị ngợp, bị đánh lừa và dẫn dắt bởi các bài viết xấu, ngụy biện trong thời gian đầu nhưng dần dà từng cá nhân ấy sẽ trưởng thành, lọc thong tin tốt hơn và tự chủ hơn, độc lập hơn. Cá nhân trong thời đại mạng xã hội khó có khả năng bị đám đông chi phối hoàn toàn, không thể nào không có khả năng suy luận, suy nghĩ (vì từng dòng viết khi họ viết họ share chính là thể hiện suy nghĩ của họ rồi) và đặc biệt họ có các kênh độc lập, nhiều chiều để kiểm chứng thông tin. Trong“Trí tuệ đám đông” James Surowiecki có nói đến bốn điều kiện để đám đông trở nên thong minh hơn thiểu số: sự đa dạng về ý kiến (mỗi người nên có một thông tin riêng nào đó, dù đó chỉ là một cách diễn giải kỳ cục về những sự kiện đã biết); sự độc lập (các ý kiến của mọi người không được hình thành theo ý kiến của những người xung quanh); sự phi tập trung hóa (không ai được chỉ định làm bất cứ việc gì) và sự tổng hợp (có một cơ chế nào đó để biến những ý kiến riêng thành quyết định tập thể).

Đọc hai kiến giải của Le Bon và James Surowiecki, admin thấy rằng đám đông trên mạng xã hội như Facebook, (trong đó bao gồm đám đông đang nóng hổi quan tâm đưa tin về cá chết) mang các đặc tính trí tuệ, như James Surowiecki mô tả hơn. Thực tế chúng ta cũng đã thấy, nhờ Facebook, mặt bằng trí thức của đám đông người Việt đã được nâng lên khá rõ trong vài năm trở lại đây và không gì có thể che mắt được đám đông này.

Ngoài ra nhận xét ấy của Lê Quốc Vinh, bảo đám đông truyền tin sai về cá chết là đám đông nguyên thủy – nếu nhìn nghiêm túc hơn, là một sự xúc phạm rất nhiều người đang bình tĩnh, quan tâm, tìm và đưa tin về thảm họa môi trường này, cũng như đang hàng ngày ngóng chờ về những điều tra, thông tin về cá chết vốn đã hơn hai tháng mà vẫn chưa có kết quả. Sự quan tâm, đưa tin và đặt câu hỏi dồn dập của đám đông về hiện tượng cá chết là một điều vô cùng bình thường, vì nó là một thảm họa môi trường đầy nguy hiểm và ảnh hưởng đến cuộc sống chất lượng sống, tính mạng về lâu về dài hàng triệu người Việt, trong một diện tích rất rộng.

Bài viết của Lê Quốc Vinh đã dùng ngụy biện thiên vị (cherry picking fallacy) rất kín kẽ, nhất là đoạn cuối bài viết khi anh ta còn tung hỏa mù thêm một đoạn cũng là của Le Bon ra vẻ rất cao siêu: “ Để kết luận, tôi lại xin trích một ý của Le Bon, cũng như các bậc thầy của ông như là Gabriel Tarde (Pháp), Scipio Sighele (Ý), Georg Simmel (Đức) rằng, một thực thể mới được dựng lên từ một tập hợp dân chúng, nhưng đó không phải là một cơ thể sống, mà là một sự “vô thức” tập thể. Khi một đám đông tập hợp lại với nhau, có một “ảnh hưởng từ tính” hoặc một nguyên nhân nào khác mà chúng ta chưa biết, chuyển hoá thành các hành vi cá nhân, cho đến khi nó bị chi phối bởi một trí tuệ nhóm. Mô hình của Le Bon coi “đám đông” như là một đơn vị được tạo ra bởi nhiều thành viên, nhưng nó cướp đi của mỗi thành viên các ý kiến, giá trị và niềm tin cá nhân. Ông nói rằng, “một cá nhân trong đám đông là một hạt cát giữa các hạt cát khác, mà gió sẽ khuấy tung lên theo ý muốn”.

Ngụy biện thiên vị (cherry picking fallacy) là một ngụy biện cao cấp, hay được sử dụng kín kẽ bởi các tay viết già rơ, chuyên nghiệp và có nghề (như Lê Quốc Vinh). Lưu ý rằng ngụy biện cắt xén thông tin ngoài ngữ cảnh cũng có thể xem chỉ là một trường hợp con của ngụy biện thiên vị này. Rất nhiều khi đây là một ngụy biện khó phát hiện, bởi muốn phản biện, phát hiện sự thiên vị của kẻ ngụy biện thì đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn hay thông tin về vấn đề bàn luận đủ để phát hiện sự thiên vị trong luận điểm ấy. Đối với đại đa số độc giả phổ thong, thì hầu như sẽ khó tự mình phát hiện sự thiên vị ấy trong các bài viết của các tay viết lọc lõi, già rơ như … bài viết này của Lê Quốc Vinh.

Kinh nghiệm rút ra: luôn cố gắng nhìn sự việc, nguồn tin từ nhiều chiều và cẩn thận sàng lọc các bài viết trên mạng, dù họ là bất kỳ ai, big name, tên tuổi và uy tín to lớn thế nào. Trong trường hợp các bạn không đủ kiến thức trong lĩnh vực để có thể phản biện tính đúng sai của nó, thì một phương thức khác có thể áp dụng, chính là nhờ vào những gì đã nói trong cuốn sách của James Surowiecki: chúng ta dựa vào trí tuệ đám đông. Một bài viết đã là ngụy biện, thì dù nó kín kẽ cỡ nào, nhất định sẽ bị người ta phát hiện. Bởi trong đám đông (như đám đông trên Facebook chẳng hạn) sẽ có người đủ chuyên môn, trình độ và kiến thức để phát hiện điều chưa chính xác, sơ hở và ngụy biện của các bài viết đó mà thôi.

Tóm lại: một là nâng cao trình độ đọc, hiểu và phân tích độc lập của mình (tìm hiểu kỹ lý thuyết ngụy biện –fallacy một phương thức rất tốt), hai là mạnh dạn và đọc thật nhiều tin, đa chiều, kết bạn follow thật nhiều trên Facebook để không bị ai “ngụy biện” với mình, các bạn nhé.

Theo thời gian, sự thật, tiến bộ cuối cùng sẽ là kẻ chiến thắng những thông tin, lý luận ngụy biện. Một tay viết dù lọc lõi cỡ nào, kinh nghiệm thế nào nhưng chỉ cần anh ta ngụy biện, lừa dối, dẫn dắt đám đông thì cuối cùng sẽ bị phát hiện ra. Trí tuệ đám đông sẽ thắng 🙂

  1. Ngụy biện lợi dụng nặc danh (appeal to anonymous authority)

Là ngụy biện khi một ai đó trích dẫn nguồn thông tin mơ hồ hay lời nói của một người nặc danh (anonymous), vốn không thể kiểm chứng, không xác tín, để biện minh hay dẫn chứng cho luận điểm của anh ta.

Về sự kiện BPhone, báo Phụ nữ online từng đăng một bài viết có đoạn: “Một người Việt kể với anh bạn người Nhật chuyện mấy hôm nay xôn xao việc ông Nguyễn Tử Quảng cho ra “siêu phẩm” điện thoại thông minh mang tên Bphone… Bất ngờ, vị khách Nhật hỏi: “Thế anh đã mua Bphone chưa? Anh sẽ mua chứ? Anh phải bảo thêm những người Việt mà anh quen mua đi, nếu không ông Quảng sẽ nguy”.

Toàn bộ đoạn văn trên đã dùng ngụy biện lợi dụng nặc danh: Trong ví dụ trên, người Nhật đó là người nào? Liệu có khả năng người viết bài này bịa ra câu chuyện đó, hoặc trích dẫn lại từ một câu chuyện không có thật hay không?

Ngụy biện lợi dụng nặc danh (anonymous authority) được dùng khá thông dụng trong báo chí và đời sống. Chúng ta thường hay gặp nó ở dạng các từ như “nghe nói là”, “nghe đồn”, “vài đồng nghiệp của tôi bảo rằng”, “theo một số thông tin”, “một số nhà khoa học cho rằng”, hoặc các bài viết không để link gốc để chứng minh các luận điểm quan trọng. Ngoài đời thì thói quen ngồi lê đôi mách, rỉ tai nhau, bàn chuyện trên trời dưới đất trên bàn nhậu, ngoài quán cafe mà không kiểm chứng nguồn, không tự xác tín nó, rồi lại nhẹ dạ và cả tin truyền đi một cách vô tội vạ của nhiều người Việt biến ngụy biện lợi dụng nặc danh này thành một lỗi tư duy khá thông dụng.

Các tay bút lão luyện, dư luận viên hay dùng loại ngụy biện này (thậm chí tồi tệ hơn đôi khi họ còn ngụy tạo bằng chứng không thật) để dẫn dắt độc giả tin vào những thông tin không khả chứng, để từ đó tin vào những luận điểm sai lệch, không đáng tin cậy của họ.

Kinh nghiệm rút ra: nếu bạn là người đọc thì luôn cẩn thận khi tiếp cận bất kỳ thông tin nào không có nguồn, trên mạng và ngoài xã hội. Nếu bài viết, luận điểm nào mà bất khả tín, tin không có nguồn gốc thì gạch bỏ ngay, không tin vào nó. Nếu bạn là người viết hay người truyền tin thì trách nhiệm này sẽ lớn hơn nữa: phải kiểm chứng các thông tin ấy một cách có trách nhiệm, nguồn tin đó đến từ đâu, sách nào, trang mấy, địa chỉ web là gì … trước khi viết ra, hay truyền tin đi.

Nói chung là không nhẹ dạ, cả tin và phải đặt câu hỏi cho bất kỳ nguồn tin nào mà không có link, nguồn tin cậy, các bạn nhé.

  1. Ngụy biện dụng bạo lực (appeal to force)

Là ngụy biện mà kẻ tranh luận thay vì bàn lý lẽ, logic đàng hoàng thì lại dùng sự đe dọa, ám chỉ đến những điều không hay xảy ra với người đối thoại để làm họ chùn bước, và từ đó phải chấp nhận quan điểm của anh ta một cách bị ép buộc.

A: Sếp, sao em phải làm thêm ngày nghỉ cuối tuần mà không có trợ cấp hay trả thêm.

B (sếp): Hoặc chấp nhận làm, hoặc nghỉ việc.

Ở đoạn trên, B đã dùng ngụy biện dụng bạo lực. Ở đây A ăn nói nhã nhặn, có lý, trong khi B thay vì nói chuyện đàng hoàng, đã dùng chiêu thức hù dọa đuổi việc A, để A phải chùn bước và từ đó chấp nhận sự ép buộc của B.

Ngụy biện dụng bạo lực (appeal to force) rất hay được dùng trong trao đổi giữa người lớn và trẻ em trong gia đình, hay trong môi trường mối quan hệ bất bình đẳng như giữa sếp và nhân viên. Người dùng ngụy biện này thường là do thiếu kiên nhẫn, thiếu thời gian hoặc đôi khi kể cả đuối lý, chỉ muốn dùng đe dọa, dụng bạo lực để giành lấy cái gọi là “phần đúng” về mình mà thôi.

Kinh nghiệm rút ra: tuyệt đối tránh dùng đe dọa để giành phần thắng cho mình khi tranh luận, vì suy cho cùng hầu hết nó thể hiện là chúng ta đang đuối lý mà thôi. Nếu gặp phải người sử dụng ngụy biện dụng bạo lực với mình, thì tùy trường hợp ngữ cảnh cụ thể mà chúng ta có thể có cách đối phó khác nhau. Đáp trả lại trực diện là một giải pháp, nhưng đôi khi có thể dẫn đến việc làm tình huống thêm xấu đi, cả hai bên mất kiểm soát, hay có thể làm cho bạn bị thiệt thòi nếu kẻ ngụy biện có quyền lực (sếp chẳng hạn) có thể làm tổn hại đến bạn. Ngoài ra, im lặng và dừng tranh luận là một cách ứng xử có thể tính đến.

  1. Ngụy biện khái quát hóa vội vã (hasty generalization)

Là lỗi ngụy biện trong đó người nói chỉ dùng ví dụ cho vài trường hợp nhỏ để từ đó khái quát hóa cho số đông, trong khi thật ra các trường hợp nhỏ lẻ ấy không đủ sự đặc trưng và phổ quát để đại diện cho số đông đang xét.

Ví dụ: – A: Nhiều em học sinh Việt đạt giải toán quốc tế, nên người Việt mình thông minh hơn người khác.

Câu nói của A đã phạm ngụy biện khái quát hóa vội vã Ở đây nếu chỉ dựa vào lẻ tẻ nhóm học sinh đoạt giải Toán thì không thể đủ để nói rằng người Việt Nam thông minh hơn người xứ khác.

Tương tự trường hợp thầy bói xem voi, trong đó sáu người sờ vào sáu vị trí của một con voi và từ đó đưa ra giả định khác nhau và sai về nó. Người sờ vào vòi voi thì nghĩ nó là con rắn, người sờ vào bụng thì nghĩ đó là bức tường… và cả sáu người đều sai.

Trong cuộc sống ta hay gặp lỗi ngụy biện khái quát hóa vội vã này. Như khi người nào đó kể về một vài kinh nghiệm, quan sát nhỏ lẻ, rời rạc, không phổ quát của bản thân để rồi biến nó thành quy luật áp dụng vào số đông, áp đặt cho người đối thoại (người lớn hay xài chiêu này để áp đặt người trẻ). Các từ khóa để đánh hơi ngụy biện này như là trong các phát ngôn có những cụm từ như “Chỉ có những người …”, hay “tất cả những người …”.

Kinh nghiệm rút ra: cẩn thận khi đọc hay đưa ra nhận định mang tính quy luật về đám đông. Nếu là người viết thì nên bảo đảm các ví dụ mình đưa ra đặc trưng và đủ phổ quát để đại diện cho đám đông mình muốn nói đến. Nếu là người đọc khi nhận thấy một nhận định về đám đông của một ai đó, thì phải xét xem các ví dụ đơn lẻ đưa ra có đủ sự phổ quát và đặc trưng để đại diện cho đám đông đó hay không, có phạm vào ngụy biện khái quát hóa vội vã hay không.

  1. Ngụy biện lý luận lươn trạch (Slippery Slope)

Loại ngụy biện cho rằng một nhận định phải sai, vì nếu nó đúng thì các sự kiện xấu khác (bad things) sẽ xảy ra sau đó. Hay nói cách khác, loại ngụy biện này thay vì bàn đến tính logic của luận điểm, lại tấn công vào luận điểm ấy chỉ dựa vào suy diễn thiếu căn cứ HẬU QUẢ xảy ra nếu chấp nhận luận điểm là đúng. 

Mục “Tôi viết” của báo Thanh Niên có đăng bài viết của Facebooker Chung Nguyễn về việc tịch thu bình nước miễn phí trên vỉa hè Hà Nội như sau: “ Thực thi pháp luật thì không được tạo ra tiền lệ, ngày nay các bạn đặt bình nước, ngày mai là một quán nước, rồi dần dần sẽ là cái chợ chăng? Chưa kể, bạn đặt được thì người bên cạnh cũng đặt được, và cả phố cũng sẽ làm theo, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm>?”

Mỗi câu nói trên của Chung Nguyễn đều phạm lỗi ngụy biện lý luận lươn trạch Trong câu nói trên của Chung Nguyễn, “ngày nay đặt bình nước từ thiện rồi suy diễn cho rằng ngày mai sẽ là một quán nước, rồi thành cái chợ” … chính là cách nói lý luận luơn trạch như vậy. -“Chưa kể, bạn đặt được thì người bên cạnh cũng đặt được, và cả phố cũng sẽ làm theo, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?”- cũng là lý luận lươn trạch như trên.

Lưu ý, ngụy biện lý luận lươn trạch là ví dụ của một cách suy diễn tùy tiện, làm trầm trọng hóa vấn đề và đây là một thói quen tư duy, một ngụy biện thông dụng người Việt. Người nghe cách lý luận này thường có cảm giác bực mình, vì kẻ ngụy biện thay vì bàn đến tính logic của luận điểm, đã làm trầm trọng hóa vấn đề hay nâng tầm vấn đề thái quá với cách suy diễn hậu quả tùy tiện, thiếu căn cứ như vậy.

Cách phản ứng ngụy biện này: chỉ ra và không đồng ý cách suy diễn tùy tiện, không chứng cứ của người ngụy biện. Bắt anh/chị ta phải quay trở lại logic vấn đề đang bàn.

Một biến thể của “Argument from adverse consequences” là một cái tên còn thông dụng hơn: “Slippery slope”

Để đơn giản hóa, chúng ta có thể xem chúng như một.

  1. Ngụy biện nghĩa vụ chứng minh (burden of proof)

Đây là cách ngụy biện của người phát biểu, khi anh ta chuyển gánh nặng chứng minh hay tìm bằng chứng lời mình nói cho người đối thoại, trong khi đáng ra anh ta phải chứng minh nó.

Xem trích đoạn đối thoại:

-A: Có một thống kê trên toàn cầu cho biết rằng: hơn 97% người luôn mồm chửi chế độ là những kẻ thất bại trong công việc, sự nghiệp hay cảm thấy không hài lòng về cuộc sống hiện tại của mình”

-B: Con số 97% ở đâu ra? Tôi nghi ngờ nó

-A: Bạn hãy chứng minh con số tôi đưa ra là sai

Cách trả lời của A phạm lỗi ngụy biện nghĩa vụ chứng. Trong ví dụ này, A đưa ra con số 97%, anh ta phải chứng minh hay đưa bằng chứng về nó, chứ không phải B, người đối thoại.

Ngụy biện nghĩa vụ chứng minh (burden of proof) là biểu hiện đuối lý của kẻ ngụy biện. Ta hay gặp nó khá thường xuyên trong cuộc sống, và đôi lúc nó biến thành lỗi tư duy khá ngô nghê của nhiều người mà họ không hề hay biết.

Kinh nghiệm rút ra: Khi đang tranh luận mà gặp người phạm ngụy biện này, bạn có thể lịch sự yêu cầu người đối thoại phải chứng minh lời họ nói, chứ không phải là mình phải làm việc ấy.

P/s: một số tài liệu gọi tên burden of proof là “ngụy biện luận điệu ngược ngạo” – cũng có lý của nó 🙂

  1. Ngụy biện lảng tránh chủ đề (fallacy of avoiding the issue)

Là ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện sẽ trả lời một luận điểm bằng cách đi vòng vèo các vấn đề xung quanh, mà không trả lời các ý chính trong luận điểm đó.

Gần đây trường Đại học kinh tế Quốc dân tại Hà Nội quyết định tăng học phí lên đến hơn 30% so với mức học phí cũ (http://goo.gl/1W8czV), gây khó khăn và bức xúc cho nhiều sinh viên đang theo học tại trường. Có một bài viết của một vị giảng viên trường này, tên Pham Thanh Long, về vấn đề tăng học phí của trường và được đăng lại vài nơi, như trên báo vitalk.vn .

Bài viết của tác giả Pham Thanh Long khá dài nên chỉ xin tóm tắt ý chính của bài viết. Tổng quan, tác giả bảo rằng: “i- Trường là doanh nghiệp, quan hệ sinh viên với nhà trường là mua & bán sản phẩm giáo dục, ii- Đi học đại học là một phi vụ đầu tư và học phí là chi phí đầu tư, iii- Học phí đại học tính theo cách tích giá cả thị trường (thương hiệu trường, chất lượng giáo dục trường, các chi phí trường bỏ ra …), iv – Sinh viên cần tự chủ động và tự tìm cách giải quyết vấn đề tài chính của mình khi trường tăng học phí (như đi làm thêm, như kiếm học bổng hoặc học thiệt nhanh để rút ngắn thời gian học …), v – Khi tăng học phí, trường Kinh tế quốc dân cần gia tăng chất lượng dịch vụ giáo dục cho sinh viên, còn giáo viên trường thì cần giải thích việc học phí theo quy luật thị trường cung –cầu trong giáo dục đại học để sinh viên hiểu, vi – Vài thứ râu ria, như không đem các yếu tố thu nhập chênh lệch nông thôn, thành thị, hay giàu nghèo vào trong tính học phí, mọi người phải tuân thủ luật chơi thị trường…”

Thật ra các ý kiến của tác giả Pham Thanh Long không phải là không có lý của nó. Nhưng, có một điều chính yếu và rất quan trọng mà không thấy tác giả này đề cập đến trong bài viết: tại sao trường ĐH Kinh tế quốc dân lại tăng học phí lên đến mức 30% mà không phải là các con số thấp hơn, ít gây sốc hơn, như 5%, 10%, 15% hay 20%. Thiết nghĩ đây mới là nguyên nhân chính gây bức xúc cho các sinh viên trường và là điều cần bàn đến nhất.

Việc tác giả PTL tránh né chủ đề chính yếu, vì sao có con số tăng học phí 30% đột ngột ấy, chính là một biểu hiện của ngụy biện lảng tránh chủ đề. Ở đây sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân không chỉ đơn giản bức xúc vì sao trường lại tăng học phí, mà họ bức xúc nhất là vì sao trường này lại tăng mức học phí đột ngột quá cao, lên đến 30%, một con số rất bất thường và gây sốc với nhiều sinh viên.

Ngụy biện lảng tránh chủ đề (avoiding the issue) rất hay được các chính trị gia sử dụng. Trong xã hội, ngoài việc có người cố ý dùng nó như một thủ thuật ngụy biện trong tranh biện, cũng có nhiều người sử dụng nó như thói quen vô thức. Nguyên nhân có thể liên quan vấn đề đọc hiểu, nhiều người không tranh biện và không đọc nhiều, nên họ không nắm bắt ý chính vấn đề trao đổi nhanh và phải mất một thời gian họ mới hiểu được ý chính vấn đề. Do ít tranh luận và nói chuyện, nhiều người cũng không có khả năng trình bày đúng, chính xác những ý kiến và suy nghĩ của họ nhanh mà phải mất một thời gian ấp a ấp úng, họ mới có thể diễn đạt hết chúng. Nguyên nhân ngụy biện này cũng có thể liên quan thói quen xấu khi tranh luận: nhiều người có thói quen nói luyên thuyên những điều mình biết gần gần chủ đề tranh luận để khoe mẽ, chứ không trực diện đi vào vấn đề cần bàn. Về cơ bản, người phương Tây có cách nói chuyện trực diện đi thẳng vào vấn đề hơn so với người phương Đông.

Kinh nghiệm rút ra: khi gặp một người dùng ngụy biện lảng tránh chủ đề (avoiding the issue), bạn nên lịch sự yêu cầu anh/chị ta tập trung và quay lại chủ đề chính đang trao đổi. Chúng ta cũng nên tập thói quen sớm đi thẳng vào trọng tâm vấn đề khi tranh luận để tiết kiệm thời gian và buổi nói chuyện súc tích hơn, chất lượng hơn. Đôi khi không dễ dàng để có được điều này mà nó đòi hỏi bạn phải lưu tâm tập tranh luận và phát biểu ý kiến của mình trong gia đình, nhà trường, công sở, bạn bè sao cho lời bạn nói hợp lý, logic và trực diện vấn đề trong thời gian dài trước đó… Lưu ý, sớm đi thẳng vào chủ đề cần nói, nhưng vẫn giữ sự tế nhị, lịch sự và tôn trọng nhau, chứ không phải bổ bả chỉ được ý mình, mà không quan tâm cảm xúc, suy nghĩ người đối thoại, các bạn nhé.

  1. Ngụy biện vì tôi bảo vậy (Just Because Fallacy – or Because I Said So)

Là ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện – thay vì đưa ra bằng chứng độc lập, tin cậy hay trình bày giải thích hợp lý một sự việc nào đó mà anh ta phát biểu – thì phán bừa và vô trách nhiệm rằng đó là “do tôi nói vậy”. Đó là một cách trả lời phi logic, hoàn toàn thiếu tính tin cậy và là chiêu mà kẻ ngụy biện dùng để thoái thoát nghĩa vụ chứng minh lời anh ta nói.

Ví dụ:

-A: Có một nghiên cứu bảo vắc xin Q vẫn an toàn không thua gì vắc xin P?

-B: Nguồn tin ở đâu vậy?

-A: Nguồn là tui, chứ chẳng lẽ đi tin ở ông Ta, ông Tây râu xồm nào.

Câu trả lời của A chính là dùng Ngụy Biện Vì Tôi Bảo Vậy (“Just Because Fallacy”, hay “Because I Said So” . Ở đây A phát ngôn rằng vắc xin Q an toàn như vắc xin P – anh ta phải đưa ra các bằng chứng độc lập, đáng tin cậy cho thông tin ấy của anh ta, chứ không thể nói bừa “do tôi bảo vậy” như thế.

Ngụy Biện Vì Tôi Bảo Vậy (just because fallacy) hay được dùng trong gia đình, khi ba mẹ dùng cách nói phi logic này để áp đảo, bắt ép con cái làm theo ý mình. Trong giao tiếp đời thường ta cũng hay gặp nó khi kẻ ngụy biện đuối lý, không tìm ra bằng chứng cho lời anh ta nói, hoặc thậm chí vì anh ta chính là người ngụy tạo ra câu chuyện, bằng chứng không có thật đó.

Kinh nghiệm rút ra: nếu gặp ai đó dùng ngụy biện “Vì tôi bảo vậy”, bạn nhẹ nhàng và bình tĩnh bảo rằng anh ta nói vậy là không thuyết phục và anh ta phải đưa các bằng chứng độc lập hoặc các lý lẽ logic cho nhận định mà anh ta phát biểu.

  1. Ngụy biện kinh nghiệm vụn vặt (anecdotal fallacy hay anecdotal evidence)

Là ngụy biện trong đó kẻ ngụy biện thay vì đưa ra các luận điểm logic về vấn đề đang bàn thì chỉ dựa vào các kinh nghiệm cá nhân chủ quan, vụt vặt hoặc các bằng chứng có tính chất biệt lập, không đủ phổ quát của anh ta (isolated evidence) để từ đó bác bỏ luận điểm của người trao đổi.

– A: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe á.

– B: Ông nội mình hút thuốc ngày một gói mà sống tới 90 tuổi có sao đâu.

Luận điểm của B là một điển hình của “Ngụy Biện Kinh Nghiệm Vụn Vặt” . Ở đây B chỉ dựa vào kinh nghiệm quan sát từ trường hợp ông nội của anh ta, vốn chỉ là trường hợp cá biệt và không đủ phổ quát thì rõ ràng không đủ logic, hợp lý để bác bỏ quan điểm thuốc lá có hại cho sức khỏe của A.

Ngụy biện kinh nghiệm vụn vặt (anedocal fallacy) là một ngụy biện khá thông dụng của người Việt. Chúng ta hay thấy người xung quanh mình dùng kinh nghiệm chủ quan, vụt vặt và rời rạc của họ để bác bỏ các luận điểm của người khác một cách phi logic: “Có người vẫn bình thường, có sao đâu”, hay “có vài trường hợp mình thấy …”. Ngụy biện này có thể là do sự chủ quan, hay nói cách khác là thói quen trao đổi theo kinh nghiệm chủ quan, ít suy nghĩ của nhiều người Việt.

Để bác bỏ ngụy biện này đôi khi tốn thời gian, vì người trao đổi phải chỉ ra kinh nghiệm vụn vặt ấy chỉ là trường hợp đặc biệt, hoặc phải tìm hiểu kỹ trường hợp đặc biệt mà người ngụy biện gặp phải là gì, vì sao như vậy trước khi phản biện chính xác. Tình huống sẽ trầm trọng hơn nếu người ngụy biện này mang trong mình tính cố chấp, cứ khư khư nghĩ các kinh nghiệm chủ quan bản thân anh ta là chính xác, là chân lý và áp đặt vào trong tranh luận luôn.

Kinh nghiệm rút ra: không nên dùng kinh nghiệm chủ quan, nhỏ nhặt của mình để làm cơ sở bác bỏ luận điểm người khác. Càng cẩn thân hơn nếu ta không đủ kiến thức về vùng tranh luận, vì lúc đó rất có thể kinh nghiệm của ta chỉ là nhỏ lẻ và không đủ phổ quát để bàn về chủ đề đó.

Khi gặp người dùng ngụy biện kinh nghiệm vụn vặt (anecdotal fallacy) này với mình, thì bảo anh ấy rằng cái mà anh ấy gặp chỉ là một trường hợp nhỏ lẻ trong bức tranh lớn hơn của vấn đề đang bàn. Nếu thấy anh ta là người cố chấp, khư khư vin vào kinh nghiệm ấy thì … thôi vậy 😉

 

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Ví Dụ Về Ngụy Biện Rơm