Các Vua Trong Câu Chuyện Giáng Sinh Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 2:1-12 Câu gốc: “Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem,” (Câu 1). Cầu Nguyện: Giới thiệu: Thưa Hội Thánh ngày nay người ta hiểu ý nghĩa Lễ Giáng sinh với nhiều quan điểm khác nhau. Đa số người ngoại đạo không gọi là Christmas nhưng là Holiday, vì họ phủ nhận Con Trời giáng thế làm người để cứu loài người ra khỏi nơi tố tăm, và tự do đến với Đức Chúa Trời. Tuy họ không tin nhận Chúa Cứu Thế Jêsus, nhưng họ cũng lợi dụng dịp lễ này để mua sắm và nghĩ ngơi, có nhiều nhà treo đèn sáng rực để mọi người đến xem, nhưng chính mình lại không hiểu những ngọn đèn đó có ý nghĩa gì trong mùa Lể Giáng sinh. Còn ở Việt nam hiện nay thì người ta ăn lễ Giáng sinh còn lớn hơn là những người Việt ở Mỹ. Tôi và quý vị là con cái Chúa thì sao? Chúng ta có phấn khởi khi mùa Giáng sinh đến không, hay cũng như vậy thôi. Chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm xem mình có học được gì về câu chuyện Giáng sinh của các vua được chép trong Ma-thi-ơ 2:1-12 này. Trước hết chúng ta cùng nhau suy gẫm câu chuyện Giáng sinh của: I. Vua Giu-đa Nguồn gốc của Chúa Jêsus đến từ Đức Chúa Trời và chính Ngài là Đức Chúa Trời Ngôi hai Hằng sống Giáng thế làm người trong chuồng chiên máng cỏ đê hèn. Máng cỏ là vật dụng để đựng thức ăn cho chiên, nhưng Chúa Jêsus không ngại sanh ra như vậy. Chuyện Con Trời Giáng sanh trong chuồng chiên máng cỏ đã làm cho biết bao nhiêu người kinh ngạc vì họ nghĩ rằng con Trời con Vua thì phải sanh ra trong cung điện của vua Chúa chứ không thể nào sanh ra một nơi đê hèn như vậy. Đó là lý do mà ba vua đông phương đã tìm đến cung điện vua Hê-rốt khi đến xứ Palestine. Tuy rằng hài nhi Jêsus sanh ra trong chuồng chiên máng cỏ đê hèn, nhưng ba vua đông phương đã biết được Ngài sẽ là Vua của dân Giu-đa, và họ không ngại lặn lội đường xa tìm đến để thờ lạy Chúa Jêsus lúc Ngài còn là con trẻ. Nghe tin Chúa Jêsus giáng sinh, vua Hê-rốt và cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. (Câu 3) Dân thành Giê-ru-sa-lem bối rối không phải sự giáng sinh của Chúa Jêsus, nhưng sự tàn sát những kẻ vô tội của vua Hê-rốt, vì ông đang lo sợ Chúa Jêsus sẽ chiếm lấy ngôi vị của ông. Chúa Jêsus giáng sinh để đem bình an và ân trạch đến cho loài người, chứ Ngài không đem bất an đến cho họ, và làm cho họ bối rối. Mùa giáng sinh là mùa yêu thương và hy vọng, nhưng nhiều khi chúng ta cũng không được bình an vì chúng ta còn có cái gì đó từ vua Hê-rốt như tranh chấp, chạy theo danh vọng quyền thế của thế gian này và những việc làm khác. Chúa Jêsus đến thế gian để làm Vua không phải bằng bạo lực nhưng bằng tình yêu hy sinh trên thập tự giá. Vua Jêsus không đến thế gian để hưởng thụ nhưng để chịu khổ. Chúa Jêsus giáng sinh không phải để cho loài người phục vụ Ngài, nhưng để phục vụ loài người. Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin Lành, đuổi quỉ và chữa lành các bịnh tật. Vua Jêsus đã làm việc cực nhọc ở thế gian này đến nỗi không có thì giờ nghĩ ngơi. Tôi và qúy vị sẽ không tìm thấy được một vị vua nào như vua Jêsus, vì Ngài là vị vua giản dị và bình dân. Chúa Jêsus có đầy đủ uy quyền, nhưng Ngài không dùng quyền mình có để giết nhiều người vô tội, nhưng để cứu người gian ác. Tất cả mọi vật trên trời dưới đất đều thuộc về Ngài, nhưng Ngài ban cho tất cả ngay cả mạng sống của mình. Vua Jêsus làm việc không phải để mọi người chú ý đến danh Ngài, vì chính Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài danh trên hết mọi danh. Nhân dịp mùa giáng sinh, tôi và quý vị tự hỏi mình học được gì nơi Vua Giu-đa để có sự yêu thương, hy vọng và bình an? Kế tiếp chúng ta cùng nhau suy gẫm câu chuyện Giáng sinh của: II. Vua Hê-rốt Đại đế Vua Hê- rốt là người Do-thái lai Ê-đôm. Ông là một người giúp việc đắc lực cho người La mã trong những cuộc chiến tranh và nội chiến ở Palestine. Hê-rốt được người La mã tin dùng, cho nên, Họ cho ông làm tổng đốc năm 47 BC. Bảy năm sau Hê-rốt được phong làm vua và cai trị cho đến năm 4 BC. Vua Hê-rốt nắm chính quyền khá lâu, nên cũng xứng đáng với tên gọi là Hê-rốt Đại đế. Vua Hê-rốt đã đem lại an ninh trật tự cho nước Do thái dưới quyền cai trị của ông. Vua Hê-rốt cũng là nhà kiến trúc tài ba, vì chính ông đã xây đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ông cũng đã miễn thuế cho dân trong cơn đói kém năm 25 BC, ông cũng đã nấu chảy cái đĩa vàng lớn của mình để mua ngũ cốc phát cho đám dân đói khổ. Nhưng rất tiếc ông là người đa nghi, cho nên, ông đã giết chết nhiều người vô tội. Vua Hê-rốt nghi ai có ý tranh chấp uy quyền thì thủ tiêu ngay người đó. Ngay cả vợ là Mariamne và mẹ vợ là Alexandra. Con trai cả là Antipater và hai con trai khác là Alexander Aristobulus cũng bị ông giết chết. Những điều Vua Hê-rốt làm khiến Hoàng đế La mã cay đắng nói rằng: “Làm con heo của Hê-rốt còn an toàn hơn làm con trai ông ta” Một chuyện tàn ác mà ông đã làm trước khi lâm chung là ông biết không ai sẽ khóc cho ông trong ngày tang lễ của ông, vì vậy ông đã truyền lịnh bắt một số người nổi danh nhất trong thành Giê-ru-sa-lem rồi bịa đặt tội trạng và giết hết những người này trước khi ông chết, để những người thân của những người này có thể khóc trong ngày tang chế của ông. Những chuyện vua Hê-rốt làm khiến cho dân thành Giê-ru-sa-lem bối rối, chứ không phải họ bối rối khi nghe tin Chúa Jêsus giáng sinh. Quý vị có nghĩ rằng người như vua Hê-rốt có thể tìm đến để thờ lạy hài nhi Jêsus, như ông đã nói với các vua Đông phương không? Vua Hê-rốt thà trung thành với Hoàng đế La mã để được quyền thế ở thế gian này, chứ không vì linh hồn mình mà thờ lạy hài nhi Jêsus. Hê-rốt tìm đủ mọi thủ đoạn để phá hủy sự Giáng sinh của Chúa Jêsus. Ông tìm đủ mọi cách để ngăn chặn Đức Chúa Trời đem phước đến cho nhân loại. Vua Hê-rốt dặn ba vua Đông phương rằng khi tìm được hài nhi Jêsus thì báo cho ông biết để ông cũng đến mà thờ lạy Chúa, nhưng thật ra trong thâm tâm của ông chỉ muốn giết Chúa Jêsus để trừ đi người đang hăm dọa ngôi vị của ông. Ngày nay cũng vẫn còn có nhiều người như vua Hê-rốt. Họ chỉ muốn tiêu diệt Chúa Jêsus để Ngài không xen vào đời sống của họ. Họ chỉ thích làm theo điều mình thích, chứ không muốn làm điều Chúa muốn họ làm. Người nào thích làm theo ý mình thì không bao giờ cần đến sự giáng sinh của Chúa Jêsus, nhưng Chúng ta là Cơ đốc nhân thì chúng ta cần phải làm theo điều Chúa ưa thích chứ không phải làm theo điều mình muốn. Có ba điều chúng ta cũng cần nên tránh như vua Hê-rốt đã làm. - Vua Hê rốt bận trí về quyền thế ở thế gian này, vì vậy ông không ngại giết bất cứ ai mà ông nghi chiếm đoạt ngôi vua của ông.
- Vua Hê-rốt bận lòng về của cải vật chất. Ông muốn có tất cả những gì Hoàng đế La mã có. Ông đã cất 7 toà lâu đài và 7 rạp hát mà mỗi rạp hát có thể chứa 9500 người. và một vận động trường có thể chứa đến 300,000 khán gỉa.
- Vua Hê-rốt bận tâm đến uy danh. Hê-rốt thích làm những điều để mọi người chú ý đến, cho nên, ông đã xây cất các thành phố theo cấu trúc và tên của ông.
Suốt đời Hê-rốt theo đuổi quyền thế, tiền tài, danh vọng, cuối cùng cũng mang bịnh tật đau đớn đến nỗi phải lên ra suốt cả đêm, và linh hồn của ông ta cũng đã bị hư mất đời đời nơi hỏa ngục. Cuối cùng chúng cùng nhau suy gẫm cầu chuyện Giáng sinh về: III. Ba Vua Đông phương Kinh Thánh cho biết ba Vua đến từ Đông phương, ngày nay được gọi là Iran khoảng 1435 miles (2296 KM) đến Bết-lê-hem. Họ đã lặn lội đường xa chỉ muốn đến gặp và thờ phượng một hài nhi Jêsus mà thôi. Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh và đầy đủ phương tiện di chuyển. Máy bay có thể bay đến 500 – 600 miles một giờ hoặc xe cũng có thể chạy đến 100 miles một giờ, nhưng tôi và qúy vị tự hỏi tinh thần tìm kiếm Chúa Jêsus của chúng ta như thế nào? Ba vua Đông phương được Kinh Thánh cho là ba vị vua khôn ngoan vì ba món qùa mà họ dâng lên Chúa, như vàng, nhũ hương, và mộc dược. Vàng là lễ vật dâng cho vua xứng cho hài nhi Jêsus, vì Ngài sanh ra để làm vua. Nhũ hương là lễ vật cho Thầy tế lễ dùng để xông hương có mùi thơm dịu khi dâng sinh tế. Chúa Jêus không những là vua, nhưng Ngài còn là thầy tế lễ cả mở đường cho loài người đến với Đức Chúa Trời. Một dược là hương liệu để xông xác người chết. Các lễ vật này dự báo rằng Chúa Jêsus là Vua chân thật, là thầy tế lễ trọn vẹn, và là Chúa Cứu Thế chết thế cho tội lỗi của loài người. Họ là các vị vua khôn ngoan, nhưng điều gì đã khiến họ phải quyết tâm lặn lội đường xa đến Bế-lê-hem tìm gặp nhài nhi Jêsus mà thờ lạy Ngài. Trước khi ra đi họ phải hoạch định chương trình và lộ trình nào để đến Bết-lê-hem. Bao nhiêu người sẽ đi với họ và ăn uống, ngủ nghĩ như thế nào? Họ phải đem bao nhiêu tiền bạc và các vật dụng cho lúc đi và lúc trở về. Thật sự mà nói đây không phải là chuyện dễ dàng để chuẩn bị một hành trình như vậy, nhưng họ không ngại khó khăn chỉ muốn tìm gặp cho được hài nhi Jêsus để thờ lạy Ngài. Ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm về việc hoạch định Vacation cho gia đình mình một tuần thôi cũng tốn mất nhiều thì giờ, chứ đừng nói chi là hoạch định một cuộc hành trình từ một vài tháng cho đến hơn cả năm. Vì Kinh Thánh cho biết khi họ gặp Chúa Jêsus thì lúc này Ngài đã là một con trẻ chứ không phải một em bé mới sanh. Ngoài việc chuẩn bị tiền bạc, phương tiện di chuyển và nhân lực, thì họ cũng phải chuẩn bị tinh thần. Nếu không thì khi gặp những đoạn đường khó khăn ngăn trở, họ sẽ dễ dàng chán nản bỏ cuộc. Quý vị thuờng xem các trận đấu thể thao, thì cũng biết được tinh thần rất quan trọng cho các cầu thủ trong lúc chơi. Nếu tinh thần lên cao thì họ chơi rất là sôi nổi và người xem cũng cảm thấy phấn khởi, nhưng nếu tinh thần xuống dốc thì họ cảm thấy chán, và cũng sẽ làm cho khán gỉa cảm thấy chán theo. Hành trình đến Bết-lê-hem của ba vua Đông phương tốn kém nhiều tiền bạc và công sức, nhưng họ chỉ muốn tìm và mong có cơ hội sấp mình xuống thờ lạy Ngài. Trong mùa Lễ Giáng Sinh năm nay, chúng ta bỏ tiền bạc, công sức, và tinh thần của chúng ta để tìm kiếm gì? Chúng ta có thấy sự Giáng sinh của Chúa Jêsus là niềm vui mừng thật sự để chúng ta tập trung thì giờ tiền bạc để đến sấp mình xuống thờ lạy Ngài, như ba vua Đông phương đã thờ lạy không? Nguyện xin Chúa Thánh Linh giúp cho mỗi chúng ta thấy được ý nghĩa thật của ngày Lễ Giáng sinh trong năm 2019 này. Kết luận: Các vua trong câu chuyện giáng sinh tiêu biểu cho ba hạng người mà chúng ta thường thấy: Hạng người thứ nhất giống như Vua Giu-đa là khiêm nhường hạ mình. Ngài không ngại bị tra trấn , sỉ nhục, và xã thân mình vác thập tự giá đến đồi Gô-gô-tha để chịu chết cho nhân loại hư mất để họ tin và nhận được sự cứu rỗi. Hạng người thứ hai giống như Vua Hê-rốt tham quyền lực, danh vọng, uy tín, tiền tài vật chất đến nỗi bất chấp mọi thủ đoạn. Ngay cả vợ con mình cũng không tha, huống chi là những người khác. Hạng người này không thiếu trong thời đại chúng ta đang sống. Hạng người thứ ba giống như ba vua Đông phương thật lòng muốn tìm đến thờ phượng Chúa để dâng lên Ngài những món qùa qúy giá, và không ngại mất thì giờ tiền bạc công sức. Hạng người này thật khó kiếm được ngày hôm nay. Buổi tối hôm nay, tôi và quý vị tự hỏi mình đã học được bài học gì từ các vua trong câu chuyện Giáng sinh, và chúng ta muốn mình giống như vua nào, và mình sẽ theo vua nào? 1. Theo Vua Jêsus thì phải vác thập tự gía theo Ngài, vì Ngài muốn ai theo Chúa thì phải hy sinh chịu khổ, có khi phải mất hết những gì mình có, để nhận phần thưởng trong nước thiên đàng mà Chúa Jêsus hứa ban cho. 2. Theo Vua Hê-rốt thì luôn tìm quyền thế, tiền tài, danh vọng ở đời này. Họ không cần thờ lạy Chúa Jêsus, nhưng vẫn thấy mình thành công trong cuộc sống tạm bợ ở thế gian này. Cuối cùng cũng chẳng đem theo được gì, ngược lại linh hồn bị hư mất đời đời nơi hoả ngục. 3. Theo ba Vua đông phương thì phải hy sinh thì giờ, tiền bạc, công sức, nhưng kết quả họ được Kinh Thánh ghi chép lại việc làm của họ. Khi chúng ta sống như ba vua Đông phương này chúng ta sẽ được Chúa ghi tên mình vào sách sự sống của Ngài để rồi tên của chúng ta cũng được đọc trong ngày phán xét của Ngài. Nguyện xin lời Chúa ở cùng với Hội Thánh. Amen! |