Các Yếu Tố Nguy Cơ Của Viêm Tụy Mạn Tính ở Người Lớn

05:00 PM 14/10/2021 Viêm tụy mạn tính là một quá trình bệnh lý mà ở đó quá trình viêm và xơ hóa làm tổn thương cả nang tuyến tụy ngoại tiết đồng thời với tiểu đảo tụy nội tiết. Biểu hiện lâm sàng của bệnh gồm đau bụng, đai tiện phân mỡ và tăng lượng đường trong máu, hình ảnh tổn thương tụy cũng có thể quan sát thấy trên chẩn đoán hình ảnh. Viêm tụy mạn có bệnh sinh và bệnh nguyên phức tạp gồm các yếu tố di truyền và môi trường sống. Trước đây, viêm tụy cấp và viêm tụy mạn được cho là hai bệnh lý riêng biệt, ngày nay, viêm tụy cấp, viêm tụy cấp tái diễn hay viêm tụy mạn được cho là các diễn biến của một quá trình bệnh lý.

Tỷ lệ mắc viêm tụy mạn khác nhau tùy vùng địa lý, một phần do tiêu chuẩn chẩn đoán còn chưa được thống nhất. Theo các thống kê, tỷ lệ mắc viêm tụy mạn trên thế giới khoảng 5 đến 12/100.000 dân, có vùng tỷ lệ này là 50/100.000 dân. Ở các nước nhiệt đới, con số này dao động rất lớn từ 20 đến 125/100.000 dân. Ở Mỹ, viêm tụy mạn do rượu chiếm một nửa các trường hợp, viêm tụy mạn vô căn khoảng 10-30% là nhóm viêm tụy mạn hay gặp ở nữ giới (ở nam giới chủ yếu là viêm tụy mạn do rượu).

Các yếu tố nguy cơ của viêm tụy mạn được liệt kê theo hệ thống TIGARO là các từ viết tắt của các nhân tố:

T - Toxic-metabolic factors: các chất độc chuyển hóa

I – Idiopathic: vô căn

G – Genetic: yếu tố di truyền

A – Autoimmune: yếu tố tự miễn

R - Recurrent and severe acute pancreatitis: viêm tụy cấp

O - Obstructive factors: yếu tố bít tắc

Các chất độc chuyển hóa được liệt kê gồm rượu, thuốc lá và tăng triglycerid máu. Cho đến nay, chưa có một ngưỡng rõ ràng cho lượng rượu tiêu thụ có thể gây viêm tụy mạn. Một số nghiên cứu đưa ra tối thiểu uống 5 ly rượu trong 1 ngày và liên tục trong 5 năm là yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên chỉ một mình rượu không là yếu tố nguy cơ, nhiều trường hợp khi người bệnh biểu hiện viêm tụy cấp lần đầu đã có hình ảnh của viêm tụy mạn, đồng thời chỉ dưới 5% người uống rượu nhiều biểu hiện viêm tụy mạn. Điều đó cho thấy vai trò của các yếu tố phổi hợp khác trong bệnh sinh viêm tụy mạn, yếu tố kết hợp quan trong nhất phải kể đến thuốc lá (90% bệnh nhân viêm tụy mạn do rượu hút thuốc lá). Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tạo sỏi, suy giảm chức năng tụy ngoại tiết cũng như nội tiết và làm tăng nguy cơ ung thư tụy. Bên cạnh đó, người bệnh tăng triglycerid máu, suy thận do đái tháo đường hay bệnh lý tim phổi nặng cũng là yếu tố nguy cơ của viêm tụy mạn tính.

Các đột biến gen là yếu tố nguy cơ quan trọng của viêm tụy mạn, hay gặp nhất là đột biến gen PRSS1 gây bất thường men trypsin từ đó hoạt hóa các men tiêu hóa khác của tụy. Ở những gia đình này thường gặp người viêm tụy mạn rất sớm, đồng thời tăng nguy cơ ung thư tụy ở những người hút thuốc lá. Các đột biến khác phải kể đến là gen kazal-1, chymotripsin C, carboxypeptidase A-1, carboxy ethyl lipase và claudins.

Viêm tụy tự miễn (AIP) là tình trạng viêm tụy do tác động của yếu tố tự miễn, quá trình tổn thương này có thể bảo gồm cả cơ quan khác (typ 1) hoặc chỉ khu trú ở tụy (typ2). Ở Typ1 biểu hiện tăng globulin miễn dịc typ4 (IgG4), đặc trưng bởi tổn thương viêm xơ hóa không chỉ ở tụy mà còn thấy ở đường mật, tuyến nước bọt, khoang sau phúc mạc và cầu thận. Ở typ2 tổn thương chỉ khu trú ở ống tụy, xét nghiệm IgG4 không tăng, thường kết hợp với viêm ruột.

Viêm tụy cấp nặng và viêm tụy cấp tái diễn là yếu tố nguy cơ mạnh nhất của viêm tụy mạn. Sau một đợt viêm tụy cấp, khoảng 10% bệnh nhân xuất hiện viêm tụy mạn, hay gặp hơn ở nhóm viêm tụy nặng (hoại tử), viêm tái diễn và bệnh nhân có uống rượu, hút thuốc lá.

Các yếu tố bít tắc gồm u tụy, nang thành tá tràng và sỏi ống tụy. Khi ống tụy bị cản trở lưu thông sẽ gây phản ứng viêm của tổ chức tụy ở trước chỗ bít tắc. Ở trẻ em, một nguyên nhân nữa được nhắc tới là bất thường phân chia đường mật tụy. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố nguy cơ gây viêm tụy mạn ở người lớn, ở những trường hợp này viêm tụy mạn xuất hiện trên cơ địa đột biến gen gây viêm tụy mạn.

Như đã đề cập ở trên, một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân viêm tụy mạn vô căn. Tùy thời gian biểu hiện bệnh có thể có chia thành thể sớm và muôn. Ở thể xuất hiện sớm, thường gặp bệnh nhân độ tuổi 20, đau là triệu chứng chủ yếu (90%), ít gặp các biểu hiện thực thể ở tụy như sỏi, suy chức năng tụy nội tiết cũng như ngoại tiết. Ngược lại, ở thể muộn hay gặp độ tuổi 56, ít đau (50%), hay gặp sỏi tụy và suy chức năng tụy.

Từ những điều nói trên, khi khám xét một trường hợp viêm tụy mạn cần hỏi kỹ lưỡng về tiền sử bệnh lý kết hợp, sử dụng rượu, thuốc lá cũng như tiền sử gia đình. Bên cạnh đó cần làm các xét nghiệm máu chẩn đoán rối loạn glycerid máu, xét nghiệm globulin miễn dịch IgG4 cũng như các xét nghiệm đột biến gen (khi nghi ngờ yếu tố di truyền).

ThS.BS. Hồ Văn Linh

Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy – Bệnh viện TWQĐ 108

Từ khóa » Chẩn đoán Hình ảnh Viêm Tuỵ Mạn