Cách Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa Cột Sống - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Thoái hóa cột sống là gì?
- Vì sao bấm huyệt có thể chữa thoái hóa cột sống?
- Cách bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống
- Lưu ý trong quá trình bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống
- Những phương pháp đông y khác điều trị thoái hóa cột sống
Hiện nay, thoái hóa cột sống dần trở nên phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Bệnh lý này gây nên các vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. May mắn thay, cùng với sự tiến bộ của ngành y học, liệu pháp bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống của y học cổ truyền được ghi nhận với nhiều kết quả tích cực. Vậy liệu bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống có thực sự hiệu quả? Mời quý độc giả của bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu về phương pháp này qua bài viết sau đây nhé.
Thoái hóa cột sống là gì?
Theo Y học hiện đại
Khái niệm
Thoái hóa cột sống là bệnh mãn tính tiến triển kéo dài từ từ. Ban đầu có thể không có biểu hiện nhưng theo thời gian sẽ xuất hiện một số triệu chứng như đau nhức, hạn chế vận động, biến dạng cột sống… Theo các tài liệu, tổn thương cơ bản của bệnh lý này là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống, phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.1
Nguyên nhân
Đây là hậu quả của nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Sự lão hóa, lao động nặng, giới nữ, tiền sử chấn thương cột sống, tư thế lao động, thói quen sinh hoạt…
- Do quá trình chịu áp lực quá tải lên đĩa đệm và sụn khớp lặp đi lặp lại, kéo dài trong nhiều năm. Điều này dẫn đến những tổn thương cấu trúc của sụn khớp, đĩa đệm, dây chằng, bao khớp…1
Triệu chứng
Triệu chứng chủ yếu là đau tại chỗ, ít lan (ngoại trừ chèn ép rễ và dây thần kinh). Đau mỏi cột sống âm ỉ, tính chất đau kiểu cơ học (đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi). Ở giai đoạn nặng, cơn đau cấp dữ dội hơn, liên tục, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt. Bên cạnh đó, một số đối tượng sẽ có triệu chứng kèm theo khác như cứng cột sống buổi sáng, co cơ phản ứng, hạn chế vận động, biến dạng cột sống…1
Xem thêm: Cách trị gai cột sống tại nhà giúp giảm đau lưng
Theo Y học cổ truyền
Theo Đông y, biểu hiện của thoái hóa cột sống có thể gặp trong phạm vi chứng tý, chứng thống… Một số nguyên nhân chủ yếu như:
- Khí huyết bất túc: Do bẩm sinh tinh huyết kém trong quá trình nuôi dưỡng lúc mang thai đến trưởng thành. Hoặc có thể do dị tật làm ảnh hưởng đến khí huyết trong cơ thể khiến khí hư huyết trệ, vận hành không thông.
- Nội thương: Bệnh lâu ngày làm rối loạn chức năng tạng phủ đặc biệt là Can, Thận. Điều này tác động không tốt đến hoạt động nuôi dưỡng xương, tủy, cân mạch. Ngoài ra, sự lão hóa cũng ảnh hưởng đến chức năng của ngũ tạng nói chung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nhức mỏi, tê nặng khớp xương, cơ… ở người lớn tuổi.
- Chấn thương, vận động sai tư thế: Ảnh hưởng trực tiếp đến cân mạch, xương, vận hành khí huyết…2
Vì sao bấm huyệt có thể chữa thoái hóa cột sống?
Các động tác bấm huyệt có bản chất là kích thích cơ học lên vùng da cơ tại nơi cố định, gọi là huyệt đạo. Theo đó, vị trí này được công nhận là nơi hội tụ của khí huyết, thần kinh và cơ quan cảm thụ của cơ thể. Hiệu quả khi bấm huyệt vùng cột sống gồm:
- Giải phóng endorphin và kích thích tạo chất nhờn, tăng khả năng chịu đựng và làm giảm cơn đau.
- Thúc đẩy lưu thông khí huyết và nuôi dưỡng kinh lạc, cân, cơ, xương khớp, đả thông kinh mạch…
- Tăng cường bồi bổ khí huyết, cải thiện chức năng tạng phủ rối loạn, đặc biệt là tạng Can, Thận.
- Hỗ trợ loại trừ tà khí như phong, hàn, thấp… (nếu có).
- Giãn cơ, xoa dịu co cứng cơ, khớp… nhờ đó tăng tính linh hoạt, độ dẻo dai của khớp, mang lại cảm giác dễ chịu khi vận động.
Cách bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống
Chỉ định, chống chỉ định
Chỉ định
Các trường hợp bị thoái hóa cột sống, có các triệu chứng như đau, mỏi, tê,…
Chống chỉ định
Những trường hợp mắc bệnh do nguyên nhân thực thể như u, viêm, chấn thương… cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, những đối tượng đang gặp bệnh lý ngoại khoa, cấp cứu, viêm nhiễm nặng, bệnh da liễu tại vùng da thực hiện thao tác… cũng không nên bấm huyệt.
Thao tác bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống
Khuyến khích phối hợp xoa bóp với bấm huyệt trong điều trị thoái hóa cột sống để đạt kết quả khả quan nhất. Đặc biệt, tùy theo tình trạng bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ đưa ra phương huyệt cụ thể khác nhau. Trong đó, thường ưu tiên thực hiện các huyệt tại chỗ như A thị huyệt, Giáp tích, du huyệt trên kinh Bàng quang tương ứng vùng đau… Có thể kèm theo huyệt:
- Huyệt vùng lưng như: Mệnh môn, Yêu dương quan, Chí thất, Bát liêu, Ủy trung,…
- Huyệt vùng cổ như: Phong trì, Kiên tỉnh, Đại chữ, Đại chùy, Phong môn,…
Ngoài ra có thể gia thêm một số huyệt theo tình trạng bệnh lý:
- Bổ Can: Thái xung, Tam âm giao, Can du…3
- Bổ Thận: Thái khê, Thận du, Quan nguyên…3
- Bổ Tỳ: Tỳ du, Thái Bạch, Tam âm giao…3
- Bổ khí huyết: Quan nguyên, Khí hải…3
Xoa bóp kết hợp với bấm huyệt xen kẽ các huyệt trên với nhau. Thời gian khoảng 30 phút/lần/ngày, mỗi liệu trình điều trị từ 10 – 15 ngày.4
Một số vị trí huyệt thường dùng
A thị huyệt hay áp thống điểm: Không có vị trí cố định, được xác định bằng điểm đau tức, khó chịu tại chỗ khi ấn vào.
Giáp tích: Nhóm huyệt phân bố dọc theo 2 bên cột sống, từ mỏm gai đốt sống đo ra mỗi bên 0,5 thốn.
Thận du: Lấy điểm giữa đốt sống thắt lưng L2 – L3 đo ra mỗi bên 1,5 thốn.
Can du: Lấy điểm giữa đốt sống lưng D9 – D10 đo ra mỗi bên 1,5 thốn.
Mệnh môn: Được xác định là điểm chính giữa 2 huyệt Thận du, ngay giữa đốt sống lưng L2 – L3.
Chí thất: Điểm giữa đốt sống thắt lưng L2 – L3 đo ra mỗi bên 3 thốn (cách Thận du 1,5 thốn).
Yêu dương quan: Được xác định là hõm dưới mỏm gai đốt sống lưng L4 – L5, ngang với mào chậu.
Ủy trung: Nằm ở chính giữa nếp gấp khoeo chân.
Phong trì: Nằm ở chỗ hõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.
Đại chùy: Nằm ngay chỗ lõm, phía dưới đốt sống cổ C7.
Phong môn: Nằm dưới mỏm gai đốt sống lưng thứ 2, đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
Lưu ý trong quá trình bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống
Các thao tác day, ấn, bấm huyệt điều trị thoái hóa cột sống nên được tiến hành với lực vừa phải, phù hợp từng người bệnh. Hạn chế thao tác thô bạo, xác định sai huyệt đạo, tác động mạnh vào vị trí nhạy cảm…
Bấm huyệt là một trong phương pháp bổ trợ điều trị thoái hóa cột sống được ưa chuộng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được phối hợp thêm các liệu pháp khác để đạt được lợi ích mong muốn nhanh chóng hơn. Vì vậy, cần tham khảo và có sự theo dõi của thầy thuốc trong quá trình thực hiện liệu pháp.
Bên cạnh đó, người bệnh thường được khuyến khích chế độ sinh hoạt lành mạnh, bao gồm:
- Đảm bảo đúng tư thế khi hoạt động, nhất là khi mang vác vật nặng.4
- Cần thay đổi tư thế mỗi 20 – 30 phút/lần, tránh ngồi cúi gập về trước hoặc lệch vẹo về một bên.4
- Dinh dưỡng nên cung cấp đầy đủ chất, đặc biệt là calci, vitamin D… đồng thời cải thiện cân nặng phù hợp.4
Những phương pháp đông y khác điều trị thoái hóa cột sống
Xoa bóp
Bên cạnh bấm huyệt trị thoái hóa cột sống, thủ thuật xoa bóp cũng thường được kết hợp, đem lại nhiều sự tích cực. Một số thủ thuật cơ bản như xát, xoa, miết, phân, hợp, day, bóp, lăn, chặt, phát… vùng lưng, cổ thường được áp dụng.4
Dưỡng sinh và vận động cột sống
Khuyến khích vận động vùng lưng, cổ hay các động tác dưỡng sinh phù hợp. Điều này sẽ hạn chế tình trạng dính khớp, cứng khớp, teo cơ, tăng độ đàn hồi và tính linh hoạt cho khớp xương.
Châm cứu
Châm cứu là liệu pháp hỗ trợ những đối tượng thoái hóa cột sống thông qua kích thích huyệt đạo bằng kim châm. Hiện nay có nhiều kỹ thuật châm đa dạng như điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm, thủy châm… Tùy theo tình trạng người bệnh và sự chỉ định của bác sĩ.4
Xem thêm: Châm cứu chữa thoái hóa đốt sống cổ và những thông tin cần biết
Thuốc y học cổ truyền
Thuốc dùng ngoài: Chườm tại chỗ vùng đau bằng muối sống rang nóng, cồn xoa bóp, 100g ngải cứu tươi đem sao nóng với muối ăn.4
Thuốc dạng uống (thuốc thang, viên hoàn,…): Dựa vào thể bệnh lâm sàng và phép trị mà bác sĩ sẽ chỉ định bài thuốc phù hợp.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phườn pháp bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống. Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến và mang lại nhiều kết quả tích cực. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên đến các cơ sở uy tín để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp và đúng cách nhé.
Từ khóa » Cách Xoa Bóp Chữa Thoái Hóa đốt Sống Lưng
-
[Hướng Dẫn] Xoa Bóp Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa Cột Sống Từ Chuyên ...
-
Hướng Dẫn Xoa Bóp Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa Cột Sống Lưng
-
Hướng Dẫn Cách Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa đốt ... - Khương Thảo Đan
-
Hướng Dẫn Xoa Bóp Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa đốt Sống Cổ, Lưng
-
Hướng Dẫn Xoa Bóp, Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa đốt Sống
-
Xoa Bóp, Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa Cột Sống Lưng Có Thực Sự Hiệu ...
-
Xoa Bóp Chữa đau Lưng - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Xoa Bóp Bấm Huyệt Chữa Bệnh đau Lưng, Thoái Hóa Cột Sống Thắt Lưng
-
Xoa Bóp Chữa đau Thắt Lưng - Bệnh Viện Quận 4
-
Cách Bấm Huyệt Chữa Thoát Vị đĩa đệm Có Hướng Dẫn đầy đủ Và Chi Tiết
-
Bấm Huyệt Chữa Thoát Vị đĩa đệm Hiệu Quả Thế Nào? | Vinmec
-
Bấm Huyệt Chữa đau Lưng Hiệu Quả Và An Toàn | Vinmec
-
Chia Sẻ Cách Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Tại Nhà
-
Hướng Dẫn Cách Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa đốt ... - Thuốc Dân Tộc