Cách Bón Vôi Hiệu Quả Và An Toàn Trong Việc Rửa Phèn, Mặn Cho ...

Cách bón vôi hiệu quả và an toàn trong việc rửa phèn, mặn cho vườn cây ăn trái

Ngày đăng: 08-06-2020 | Chuyên mục: Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN | Tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt-Nguyên Phó Chi cục Trưởng chi cục TT và BVTV

Trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, thời tiết cực đoan, mùa khô 2019-2020 vừa qua, các vườn cây ăn trái đã phải trải qua đợt hạn mặn gay gắt. Hiện nay mùa mưa bắt đầu, khôi phục vườn cây là công việc cấp thiết mà các nhà vườn đang khẩn trương thực hiện. Trong đó, rửa phèn mặn là việc làm trước tiên và nông dân thường bón vôi kết hợp tưới nước là biện pháp đuổi phèn, mặn hiệu quả. Tuy nhiên, không phải cứ lạm dụng vôi, bón nhiều và bón bất cứ lúc nào cũng sẽ mang lại hiệu quả. Vì vậy, cần bón vôi như thế nào để đem lại hiệu quả tốt nhất cho vườn cây ăn trái, đây là vấn đề nhà vườn cần quan tâm.

Vườn sầu riêng bị ảnh hưởng mặn (xã Tân Phú, huyện Châu Thành).

Đa số nông dân đều hiểu biết tác dụng của vôi: Cung cấp canxi cho cây trồng, Canxi là một nguyên tố dinh dưỡng rất cần cho cây vì Ca chiếm tới 30% trong số các chất khoáng của cây; Làm tăng PH đất; Tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động tốt, phân giải các chất hữu cơ trong đất; Tăng độ hòa tan các chất dinh dưỡng và tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của cây; Diệt được một số bệnh hại cây trồng; Khử độc cho đất do thừa nhôm (Al), Sắt (Fe), H2S…; Ngăn chận sự suy thoái của đất, giúp giữ chất mùn không bị rửa trôi, phục hồi cấu trúc đất làm đất thông thoáng, thấm nước tốt, qua đó sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất rõ rệt. Đặc biệt, vôi khử được tác hại của mặn, rất có hiệu quả trong việc rửa phèn, đuổi mặn.

Có nhiều dạng vôi, nông dân cần hiểu rõ tác dụng của từng dạng vôi trước khi sử dụng.

* Vôi nung (CaO)

Còn gọi là vôi sống. Được tạo ra bằng cách nung đá vôi trong lò nung ở nhiệt độ cao, không cho nước vào. Màu trắng, phân rã nhanh trong nước và tỏa nhiệt. Loại này tác dụng mạnh và nhanh nhất nhưng dễ gây bỏng khi gặp nước; có tác dụng sát khuẩn cực mạnh. Tăng pH đất rất nhanh, diệt khuẩn mạnh khi pha nước tưới. Thích hợp sử dụng để khống chế và tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên loại vôi này dễ gây cháy lá, da tay và nhất là giai đoạn cây ra rễ non. Khi sử dụng chỉ nên cho vôi này vào nước và không được làm ngược lại.

*Vôi tôi (Ca(OH)2)

Còn gọi là vôi tôi. Được sản xuất bằng cách nung đá vôi ở nhiệt độ cao 800 – 900oC, sau khi nung thì cho một lượng nước lớn vào khi đá vôi còn nóng, lúc đó vôi tả ra thành bột, sinh nhiệt (khoảng 150oC) và bốc hơi. Vôi có màu trắng xám. Dạng vôi này tác dụng cũng khá nhanh; tạo phản ứng rất mạnh khi gặp nước và có tác dụng diệt khuẩn mạnh,tăng độ PH nhanh.

* Bột đá vôi (CaCO3)

Được làm ra bằng cách nghiền mịn đá vôi hay vỏ sò. Màu trắng, không phân rã nhanh trong nước. Loại này tác dụng chậm, thường từ 2-6 tháng sau khi bón tùy theo độ mịn của bột đá; Phản ứng nhẹ, diệt khuẩn yếu, làm tăng pH đất nhanh, dễ sử dụng, không gây cháy lá, rễ cây.

* Vôi Dolomite (CaMg(CO3)2)

Màu đen, không phân rã nhanh trong nước. Đây là dạng vôi có chứa Magnesium (Mg). Khả năng diệt khuẩn yếu hơn các dạng vôi khác, làm tăng pH đất chậm nhưng dễ sử dụng, không gây cháy lá, rễ cây. Bón loại vôi này vào đất cây không những cung cấp Canxi mà còn được cung cấp thêm Magnesium.

Vôi Dolomite (CaMg(CO3)2).

* Vôi dạng Phosphat Ca3(PO4)2 có trong Lân nung chảy. Trung tính, hỗ trợ vi khuẩn có lợi phát triển. Dễ sử dung, kết hợp được với các chế phẩm vi sinh có lợi. Đất phèn càng nặng sử dụng càng có hiệu quả.

* Vôi thạch cao (CaSO4):

Đây là dạng vôi đặc biệt có chứa lưu huỳnh, tác dụng nhanh nhưng không nên sử dụng ở đất có phèn. Có tác dụng cải tạo tốt đất mặn, đất kiềm.

Trãi qua thời gian dài chịu hạn mặn, bón vôi trong vườn cây là biện pháp rất cần thiết để giải phóng Na + ra khỏi keo đất tạo thuận lợi cho việc rửa mặn. Để việc bón vôi đạt hiệu quả và an toàn cho cây trồng nên tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng loại, đúng lúc, đúng lượng và đúng cách.

Tùy theo loại đất, độ chua của đất và mục đích sử dụng mà chọn loại vôi và liều lượng thích hợp. Những vùng đất nhiễm mặn, phèn, nên xử lý bằng bột đá vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) hoặc vôi tôi (Ca(OH)2) để rửa mặn, hạ phèn. Vùng có nhiều nấm bệnh trong đất nên bón vôi nung (CaO) hoặc vôi tôi (Ca(OH)2). Còn đất mặn không phèn, bón vôi thạch cao (CaSO4). Trường hợp đất có pH >5- 6 sử dụng bột đá vôi CaCO3 hoặc vôi Dolomite CaMg(CO3)2. Đất phèn nặng sử dụng lân nung chảy (Vôi dạng Phosphat Ca3(PO4)2).

Lượng vôi có thể bón từ 300kg đến 500kg/ha, tùy theo đất bị chua nhiều hay ít (độ PH đất). Đất sét cần bón nhiều vôi nhưng sau nhiều năm mới cần bón lại. Đất cát không nên bón một lần với lượng quá nhiều vì nó có thể làm ức chế sự hấp thụ một số dưỡng chất khác. Ngoài ra, bón vôi tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ trong đất: đất giàu hữu cơ bón nhiều vôi nhưng vài năm bón một lần. Ngược lại nếu đất nghèo hữu cơ nên bón lượng vôi ít hơn nhưng bón thường xuyên hơn.

Cách bón vôi tốt nhất là rải đều lượng vôi trên mặt liếp rồi xới xáo cho vôi trộn đều với đất, tiếp theo phải tưới nước và tưới nhiều lần cho vôi hòa tan trong đất mới có tác dụng tốt. Để rửa phèn mặn thì sau khi bón vôi cần tưới một lượng nước ngọt dư thừa mới đẩy mặn ra khỏi liếp. Vôi càng mịn thì hiệu quả càng nhanh.

Chú ý:

- Sử dụng vôi không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi.

- Khi bón vôi không nên trộn chung với các loại phân hóa học khác, bón trước hoặc sau đợt bón phân ít nhất 15 ngày vì vôi khi gặp các loại phân bón chứa đạm sẽ làm mất đạm khiến cây không hấp thu được.

Bón vôi là biện pháp cần thiết trong sản xuất trồng trọt vì vôi có nhiều tác dụng tốt cho cây trồng đặc biệt là trong giai đoạn cần rửa phèn, đuổi mặn cho vườn cây. Tuy nhiên cần hiểu rõ đặc tính và cách sử dụng mới phát huy hết tác dụng của vôi đối với đất và cây trồng, giúp môi trường canh tác bền vững.

Từ khóa » đất Nhiễm Phèn Người Ta Thường Dùng Thành Phần Nào để Hạ Phèn