CÁCH CẦM VỢT CHO CÚ THUẬN TAY - Viet-tennis

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

CÁCH CẦM VỢT CHO CÚ THUẬN TAY

1 Cách cầm vợt: Trước khi đánh bất cứ cú quả nào việc đầu tiên của người mới chơi Tennis là tìm hiểu cách cầm vợt. Đây là điều rất nhiều người mới chơi thiếu sót, họ thường cầm vợt một cách tư phát và khi mới tập họ chú tâm đến đánh trái bóng hơn là thế cầm vợt của họ, vì thế người mới chơi thường đánh bóng lên trời hoặc rúc lưới, điều này sẽ làm mất nhiều thời gian của bạn. Với tôi, tôi khuyên các bạn cần xác định cho mình thế cầm vợt trước vì thế cầm vợt sẽ giúp bạn định hình khả năng đánh bóng ngay thời gian ban đầu. Sau này việc cầm vợt đúng thế đánh sẽ giúp bạn tinh chỉnh cú đánh rất hiệu quả. Để dễ cho việc định hình tư thế cầm vợt, bạn cần tưởng tượng cạnh cán vợt của bạn được chia theo số thứ tự như hình vẽ sau: Khi cầm vợt bạn cần nối hai điểm trên lòng bàn tay như hình bên dưới và đặt đường thẳng này trùng với cạnh của cán vợt của hình trên cho thế cầm vợt của bạn Trên mạng đã có quá nhiều bài viết về cách cầm vợt nhưng tựu chung không phân tích kỹ càng về từng cách cầm vợt như thế nào. Tôi sẽ phân tích kỹ càng từng thế cầm vợt nhé: ·Thế cầm vợt số 3: Cách cầm như hình bên dưới Thế cầm này có nghĩa là đường thẳng lòng bàn tay bạn như tôi nói ở trên sẽ trùng với mặt cạnh vợt số 3. Đây là thế cầm vợt tự nhiên nhất và cũng cho ta cảm giác thoải mái nhất, với thế cầm này bạn sẽ đánh tốt bóng có độ nảy từ ngang hông đến ngang vai. Thế đánh này cho phép bạn đè trái banh xuống mặt sân nhiều hơn và bóng sẽ đi thấp hơn đầu gối của đối thủ với lực mạnh, người cầm thế cầm vợt này đánh rất tốt những quả banh ngắn và ngang mặt lưới, bạn cũng có thể tạo bóng xoáy với cách cầm vợt này. Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của thế cầm vợt này là bạn bắt buộc phải đánh trái banh ở phía trước thân người của bạn, đồng nghĩa với việc bạn phải chuẩn bị động tác đánh bóng phải nhanh và sớm trước khi banh tới thân người của bạn, đây là điều rất khó cho những người mới tập chơi. Bên cạnh đó, khi đánh bóng ở thế cầm vợt này bạn phải đảm bảo cho mặt vợt luôn vuông góc khi tiếp xúc với bóng (lại một điều khó cho người mới tập chơi khi các bạn chưa quen khóa cổ tay), cuối cùng đây là thế cầm vợt thích hợp cho người có lối chơi tấn công lên lưới nhưng không hiệu quả cho những cú đánh từ cuối sân, đồng nghĩa với việc nếu bạn chọn lựa thế cầm này bạn phải luyện tập thêm cú giao bóng thật tốt nữa. ·Thế cầm vợt số 4: Cách cầm vợt như hình bên dưới: Với thế cầm này, đường thẳng lòng bàn tay sẽ trùng với mặt cạnh vợt số 4.Cảm giác đầu tiên khi cầm số 4 là rất khó thực hiện cú đánh, tuy nhiên khi đã làm quen với cảm giác cầm vợt này thì bạn sẽ cảm thấy đây là một thế cầm vợt rất chắc chắn do bàn tay của bạn ôm sâu vào cạnh sau của vợt. Thế cầm vợt số 4 cho bạn thực hiện cú đánh có độ xoáy tốt hơn, khi thực hiện cú đánh bằng thế cầm vợt này thì thông thường bóng sẽ xoáy vòng lên cao và sau khi chạm sân bóng sẽ nảy lên rất cao gây ra cho đối phương sự khó chịu khi trả bóng. Bạn sẽ tạo lực tốt hơn khi đánh bóng với cách cầm số 4 vì bản chất tự nhiên của kiểu cầm này là tạo ra một góc nhọn giữa mặt vợt và bóng nên bạn sẽ thêm lực đánh vào trái bóng tùy ý mà xác xuất bóng vào sân vẫn cao. Bạn cũng có thể đánh rất tốt những trái bóng ở tầm cao mà cảm giác tay không bị gò bó và thế cầm vợt này rất thuận tiện cho bạn điều hướng banh. Nhưng bạn sẽ khó xử lý những trái bóng thấp dưới đầu gối, việc xử lý những trái bóng thấp đòi hỏi bạn phải luyện tập rất nhiều với thế cầm vợt này, hơn nữa với thế cầm vợt này bạn sẽ rất khó chuyển thế cầm về những cạnh vợt khác để thực hiện các cú volley hay cắt bóng. Cầm số 4 bạn có thể đánh bóng trước hoặc ngang hông, như thế có nghĩa là động tác chuẩn bị đánh của bạn sẽ từ tốn hơn thế cầm vợt số 3. Cách cầm vợt này được các chuyên gia đánh sân đất nện lựa chọn vì ở mặt sân đất nện bóng thường nảy rất cao. Thế cầm vợt này rất thích hợp cho người có lối chơi bám đường biên cuối sân. ·Thế cầm vợt 3.5 Cách cầm như hình bên dưới: Thế cầm vợt này bạn phải đặt đường thẳng lòng bàn tay trùng với đường cạnh vợt giữa mặt cạnh vợt số 3 và mặt cạnh vợt số 4. Đây là thế cầm vợt mà hầu hết các tay vợt chuyên nghiệp hiện nay lựa chọn và cũng là thế cầm vợt mà tôi khuyên bạn nên tập cầm. Với cách cầm này các tay vợt có có thể đánh bóng xoáy hơn, đặc biệt xử lí các quả bóng cao tầm vai rất tốt. Do đó các tay vợt đánh khá toàn diện công và thủ. Khi bóng tấn công nảy cao với độ xoáy khoảng 3000 vòng 1 phút , bay với vận tốc khoảng 150 km/h thì việc tiếp bóng sớm để phản công là gần như không thể. Ngoài ra với kiểu cầm này các tay vợt có thể đánh bóng từ dưới lên để tăng độ xoáy nhiều hơn khi dùng thế đứng mở để phòng thủ. Bạn có thể đánh bóng cao, thấp, cận chận, bóng trước thân hoặc ngang người đều dễ dàng. Với cách cầm vợt này bạn cũng có thể dễ dàng tăng lực đánh và điều hướng banh. Nói chung đây là thế cầm phù hợp nhất cho tennis hiện đại vì sự linh động của nó. Khuyết điểm duy nhất của thế cầm vợt này là bạn phải tự điều chỉnh mặt vợt cho từng cú đánh và ý đồ đánh của bạn. ·Thế cầm vợt số 5 Cách cầm như hình: Thế cầm vợt này bạn phải đặt đường thẳng lòng bàn tay trùng với mặt cạnh vợt số 5. Cũng giống như thế cầm vợt số 4, cảm giác bạn sẽ rất khó đánh khi cầm vợt số này, nhưng khi đã quen thì điều đó không còn là vấn đề. Ưu điểm: Đây là một kiểu cầm vợt xa nhất mà đặt rất nhiều chuyển động lên trái banh. Vị trí của cổ tay ép cây vợt vụt vào phía sau lưng của trái banh rất nhiều, tạo nên độ xoáy tới rất khủng khiếp. Bạn có thể đánh trái banh cao hơn lưới rất nhiều mà vẫn rớt vào trong sân. Cú đánh làm bóng thường nảy lên cao và nhanh, đẩy đối thủ ra xa đằng sau vạch cuối sân. Vùng đánh banh cũng cao hơn và xa hơn về phía trước hơn tất cả các kiểu đánh khác. Khả năng xử lí banh cao là lí do làm cho kiểu cầm này rất phổ biến đối với các chuyên gia mặt sân đất nện và lứa tuổi thiếu niên. Yếu điểm: Banh thấp có thể là khó chịu. Đó là lý do những chuyên gia sử dụng kiểu cầm này không chơi tốt trên các mặt sân nhanh hơn, nơi mà banh nẩy thấp. Cũng vậy bạn cần tăng tốc độ đầu vợt lên rất cao và sức mạnh ở cổ tay để tạo tốc độ và độ xoáy tương ứng. Ngoài ra cú đánh của bạn có thể rớt gần và đối thủ có thể sử dụng để tấn công. Đối với một số người thật khó để đánh flat với kiểu này, và do vậy đẩy banh đi xa là một vấn đề. Và giống như kiểu cầm vợt số 4, lên lưới và bắt một quả volley đầu hiệu quả là một thách thức chủ yếu. ·Cầm vợt số 2 Cách cầm như hình: Cách cầm vợt này bạn phải đặt đường thẳng lòng bàn tay trùng với mặt cạnh vợt số 2, ở những thập niên trước đây các tay vợt sử dụng cách cầm vợt này cho tất cả các cú đánh. Nhưng với tennis đương đại thì cách cầm vợt này không phù hợp nữa. Ngày nay, các tay vợt sử dụng cách cầm vợt này cho cú Volley, giao bóng và smash (đập bóng trên đầu). Các cú đánh và cách cầm vợt này tôi sẽ phân tích kỹ ở các phần sau nhé.
  • Phần tham khảo: Các bạn xem các Video hướng dẫn của HLV Trương Quang Vũ nhé:
Tiến Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Từ khóa » Cách Cầm Vợt đánh Tennis