Cách Chăm Sóc Hoa Hồng Cây Tốt, Không Sâu Bệnh Và Ra Hoa đẹp

Trồng Hoa Hồng của bạn ở nơi có nắng và thoát nước tốt. Bón phân cho chúng thường xuyên để có những bông hoa ấn tượng. Tưới nước đều để giữ ẩm cho đất. Tỉa những bụi Hồng vào đầu mùa xuân. Để ý các bệnh như phấn trắng hoặc đốm đen. Hãy tuân theo 8 quy tắc cần thiết sau để học cách trồng và chăm sóc Hoa Hồng.

1. Cách chọn cây hoa hồng giống

Điều đầu tiên bạn cần phải làm trước khi trồng hoa hồng là chọn giống cây. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hoa hồng khác nhau và được phân loại theo:

- Màu sắc: hoa hồng có rất nhiều màu sắc khác nhau như: trắng, vàng, đỏ, hồng, tím, xanh, vàng cam,....

- Hình dáng, kiểu dáng: Hoa hồng leo, hoa hồng chùm.

- Nguồn gốc xuất xứ: hoa hồng cổ Sapa, hoa hồng đào cổ, hoa hồng bạch cổ, hoa hồng bạch xếp Nam Định, hoa hồng cổ Vân khôi, hoa hồng leo cổ Hải Phòng, hoa hồng cổ Huế, hoa hồng cổ Tứ Quý, hoa hồng cổ Son Môi, hoa hồng cổ Sơn La, và rất nhiều loại hoa hồng ngoại khác.

Cách trồng và chăm sóc hoa hồng hầu như đều giống nhau, một số loại hoa hồng đặc biệt có cách chăm sóc hơi khác một chút. Tóm lại, trước tiên bạn phải lựa chọn được loại hoa hồng mà mình muốn trồng và phù hợp với điều kiện nơi trồng cây.

Tiếp theo, chọn loại cây giống. Hiện nay, hoa hồng giống có 2 loại là: đã được trồng trong chậu hoặc trồng dưới dạng cây rễ trần. Mỗi loại hoa hồng giống lại có những lợi ích riêng của nó:

- Cây hồng ươm sẵn: là loại Hoa Hồng đã được nhà vườn ươm trong chậu hoặc bầu ươm. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho những người mới học cách trồng hoa hồng vì chúng dễ trồng, dễ chăm sóc. Nên mua cây Hoa Hồng ươm sẵn vào mùa cây phát triển mạnh giúp bạn chăm sóc hoa hồng dễ dàng hơn. Vì thời điểm này hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi cho cây phát triển. Hơn nữa, hoa hồng ươm sẵn tỉ lệ sống cao hơn và nhanh ra hoa hơn.

Hồng được trồng và ươm sẵn trong chậu

Hồng được trồng và ươm sẵn trong chậu

- Hoa Hồng rễ trần: Một trong những lợi thế của Hồng rễ trần là có nhiều lựa chọn giống hơn và giá thành cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, không giống như Hoa Hồng ươm sẵn trong chậu, cây rễ trần cần ngâm rễ qua đêm trong nước trước khi trồng. Sau khi trồng xong cần tưới nước giữ ẩm cho đất thường xuyên.

Cây Hoa Hồng rễ trần

Cây Hoa Hồng rễ trần

- Hoa hồng chiết cành: Một trong những cách chọn giống hoa hồng được ưa chuộng là chiết cành. Nhược điểm là sau khi chọn được giống hoa hồng ưng ý, bạn sẽ phải chờ khoảng 21 ngày - 30 ngày mới có thể trồng hoa hồng ra chậu hoặc trồng xuống đất. Ưu điểm là chọn được giống cây ưng ý và cây phát triển tốt, nhanh ra hoa. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian chiết cành, bạn có thể tìm mua cành chiết của giống hoa hồng mình mong muốn.

2. Điều kiện trồng hoa hồng phù hợp

Để cây phát triển tốt, khỏe mạnh và ra hoa nhiều, thì cây Hoa Hồng nên nhận được ánh sáng mặt trời từ 6 - 8 giờ mỗi ngày. Tốt nhất nên tránh thời điểm nắng nóng gay gắt nhất vào giữa trưa và đầu giờ chiều. Vì vậy, nên làm mái che ở vị trí trồng cây hoặc di chuyển cây đến vị trí râm mát. Ở những vùng khí hậu lạnh, nên trồng cây tại các vị trí có chắn gió, mưa như hướng Nam hoặc Tây có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết.

Đất trồng hoa hồng nên chọn loại đất có khả năng thoát nước tốt, giàu chất hữu cơ. Loại đất trồng hoa hồng phát triển tốt nhất là hỗn hợp đất thịt, phân trùn quế, xơ dừa và trấu hun.

3. Nên trồng hoa hồng vào mùa nào?

Hoa Hồng được trồng tốt nhất vào đầu mùa xuân (sau đợt sương giá cuối cùng) hoặc đầu mùa thu. Trồng vào đầu mùa xuân là tốt nhất, vì thời điểm này thời tiết ấm áp, đất ẩm, giúp kích thích cây ra rễ nhanh và có sức đề kháng tốt. Trồng vào đầu mùa thu giúp rễ cây hoa hồng có đủ thời gian để hình thành trước khi cây ngủ đông trong mùa đông.

Thời điểm không nên trồng hoa hồng

Vào mùa hè, không nên trồng hoa hồng vì nước ta có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều nên mua hè rất nắng và nóng. Hơn nữa, mùa hè còn có những đợt gió Lào nóng và khô. Trong khi đó, mùa đông cũng không nên trồng hoa hồng vì thời tiết rất lạnh sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Đó là lý do vì sao khi trồng hoa hồng vào mùa hè, mùa đông cây không phát triển, thậm chí héo dần và chết. Vì vậy, tuyệt đối không nên trồng hoa hồng vào mùa hè và mùa đông.

4. Kỹ thuật trồng hoa hồng đúng cách

Sau khi đã chọn được loại cây giống, vị trí trồng, loại đất và thời điểm trồng hoa hồng phù hợp thì sẽ tiến hành thực hiện kỹ thuật trồng hoa hồng sao cho cây phát triển và sinh trưởng tốt nhất. Sau đây là kỹ thuật trồng hoa hồng trong vườn và trong chậu.

7 bước trồng hoa hồng trong vườn đơn giản

Bước 1: Chọn vị trí trồng hoa hồng trong những khu đất trống, thông thoáng và thoát nước tốt. Vì hoa hồng là loài cây không chịu được ngập úng.

Bước 2: Đào hố trồng hoa hồng rộng khoảng 20cm - 30cm và sâu khoảng 20cm để cây có thể bám rễ.

Bước 3: Chuẩn bị đất: đập nhỏ đất đào lên từ hố, trộn đều cùng phân trùn quế hoặc phân chuồng, xơ dừa hoặc mùn dừa và trấu hun theo tỉ lệ 5:3:1:1.

Bước 4: Lấy 1/2 hỗn hợp đất đã chuẩn bị cho vào đáy hố và đặt hoa hồng giống vào trong hố.

Bước 5: Lấy 1/2 hỗn hợp còn lại lấp kín xung quanh gốc, sau đó rải một ít phân bón chậm và lấp nốt số đất còn lại vào xung quanh sao cho kín gốc.

Bước 6: Dùng tay tay ấn nhẹ đất xung quanh gốc để cây đứng thẳng không lung lay.

Bước 7: Tưới nước đều vào phần đất xung quanh gốc và vun phần đất tơi xốp xung quanh vào gốc cây giống để bảo vệ cây hoa hồng giống trong thời gian đầu thích nghi với đất mới.

* Lưu ý: Nếu trong vườn đang trồng nhiều bụi hoa hồng, nên đặt mỗi bụi cách nhau khoảng 50cm để cây lớn sẽ có không gian để phát triển.

Cách chăm sóc Hoa Hồng cây tốt, không sâu bệnh và ra hoa đẹp - 3

7 bước trồng hoa hồng trong chậu dễ làm

Bước 1: Lựa chọn chậu trồng cây có đường kính khoảng 30 đến 40cm, đáy chậu có lỗ thoát nước.

Bước 2: Rải một lớp than củi hoặc đất nung size lớn hoặc xỉ than dưới đáy chậu để tăng khả năng thoát nước khi tưới mà vẫn đảm bảo giữ ẩm.

Bước 3: Chuẩn bị đất trồng (giá thể): Trộn hỗn hợp đất bao gồm phân hữu cơ là phân chuồng hoặc trùn quế, trấu hun, mùn dừa, đất nung theo tỉ lệ 3:1:1:1. Đảm bảo đất trồng phải tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt.

Bước 4: Cho hỗn hợp đất trồng đã chuẩn bị vào 1/3 đáy chậu, đặt cây hoa hồng giống vào chính giữa, sau đó vun đất kín xung quanh gốc.

Bước 5: Sau đó dùng tay nén chặt phần đất xung quanh gốc để giữ cây không bị lung lay, đứt gốc.

Bước 6: Rải một ít phân bón tan chậm xung quanh gốc cây, sau đó phủ lên bề mặt đất một lớp đất nung.

Bước 7: Tiến hành tưới nước để giữ ẩm cho đất.

* Lưu ý: Đặt chậu cây ở nơi thoáng mát từ 3 - 5 ngày, tưới ít nước, chỉ cần giữ cho đất có độ ẩm vừa phải là được. Khi cây đã ổn định, đem ra nắng và tăng lượng nước tưới cho cây quang hợp để cây sinh trưởng tốt hơn.

Cách chăm sóc Hoa Hồng cây tốt, không sâu bệnh và ra hoa đẹp - 4

Nhiều bạn mới bắt đầu trồng hoa hồng sẽ thắc mắc trong bài có nhắc đến từ “giá thể”. Vậy giá thể trồng hoa hồng là gì? Giá thể là tên gọi chung của các hỗn hợp đất, phân hữu cơ, và những vật liệu khác. Giúp tạo độ thoáng, thoát nước tốt và giữ ẩm giúp cây hoa hồng phát triển tốt hơn so với loại đất thịt bình thường.

5. Cách chăm sóc cây hoa hồng

Hoa hồng là loài hoa khác dễ chăm sóc, nhưng để cây nở hoa to đẹp, lâu tàn thì bạn cần phải những cách chăm sóc hoa hồng sau đây

Bón phân thường xuyên

Để cây ra hoa đẹp, màu sắc rực rỡ và tươi lâu thì cần bón phân đều đặn cho cây. Nên bón phân hữu cơ hàng tháng, sử dụng phân chuồng ủ hoai và các loại phân hữu cơ và tự nhiên khác để bổ sung hữu cơ giúp các vi sinh vật có lợi trong đất và cân bằng độ pH trong đất. Ví dụ: phân trùn quế là một loại phân bón hữu cơ giúp cung cấp đạm, lân, kali và bổ sung vi lượng đầy đủ cho cây.

Cách chăm sóc Hoa Hồng cây tốt, không sâu bệnh và ra hoa đẹp - 5

* Lưu ý: Đối với cây rễ trần mới trồng: Bón bổ sung hữu cơ cho đất khi mới trồng. Chờ cho đến khi cây ra những bông hoa đầu tiên mới bón phân đầy đủ để không làm cháy rễ mới.

Cách bón phân cho hoa hồng

- Sau khi đưa cây trồng xuống đất hoặc lên chậu được 10 ngày thì tiến hành bón phân trùn quế cho cây với liều lượng khoảng 300gr - 500gr/gốc. Tuỳ thuộc vào kích thước lớn hay nhỏ mà bạn điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.

- Tần suất bổ sung phân trùn quế từ 7 - 10 ngày một lần. Vì phân trùn quế là loại phân có độ pH trung tính nên khi bón nhiều cũng không sợ cây bị nóng hay cháy cây như các loại phân bón khác. Bón phân trùn quế thường xuyên giúp kích thích cây đâm chồi mới.

- Mỗi lần bón phân thì bổ sung thêm phân chuối trứng sữa tươi nhẹ lên gốc, thân cây vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Công thức làm phân chuối trứng: Xay nhuyễn hỗn hợp gồm 1kg chuối, 3 quả trứng gà, 10gr mật rỉ đường, 3 lít nước sạch và 10 gói men tiêu hoá của người. Sau đó đem hỗn hợp vừa xay nhuyễn ủ trong tối khoảng 30 ngày là có thể sử dụng được.

- Sau 3 tháng, tiến hành vun, xới tơi đất quanh gốc và rải một lớp phân trùn quế để rễ cây có thể đâm lên trên hút dinh dưỡng tốt hơn. Từ đó tăng khả năng đề kháng cho cây hoa hồng, giúp cây chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

- Khi nụ hoa vừa mới nhú, bạn có thể bón thêm phân trùn quế và bổ sung thêm vỏ trứng gà để tăng dinh dưỡng cho cây. Giúp hoa hồng có màu sắc đậm hơn, lâu phai màu hơn. Lưu ý, dừng tưới phân và tuyệt đối không tưới nước lên cánh hoa khi nụ hoa đã bắt đầu nở.

Hướng dẫn tưới nước cho cây hoa hồng

Trong quá trình sinh trưởng, đất trồng hoa hồng cần phải được giữ ẩm thường xuyên. Lượng nước và tần suất tưới nước sẽ phụ thuộc vào loại đất và khí hậu nơi trồng hoa hồng. Cây Hồng phát triển trên đất cát sẽ cần nhiều nước hơn so với trồng trong đất thịt.

Nên tưới đẫm nước cho cây vào buổi sáng và chiều mát, tuyệt đối không tưới nước cho cây lúc giữa trưa thời điểm nắng nóng gay gắt nhất. Khi tưới nước, hạn chế tưới ướt lá, sử dụng vòi tưới, bình tưới có vòi, khi tưới tưới hướng thẳng vào đất.

Không nên tưới nước cho cây vào buổi tối, vì lúc này, nước sẽ không thể bốc hơi mà đọng lại trên lá cây khiến lá cây dễ bị nấm.

Hướng dẫn cắt tỉa cây hoa hồng

Bấm ngọn là một trong những công việc chăm sóc cây hoa hồng nên làm. Việc bấm ngọn cây hoa hồng không chỉ giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi hoa mà còn giúp cây đâm chồi mới và phát triển cành bên. Từ đó tán cây sẽ rộng hơn và hoa sẽ to hơn đẹp hơn. Quá trình bấm ngọn hoa hồng thường được thực hiện vào thời kỳ cây chuẩn bị ra hoa.

Tương tự như bấm ngọn, cắt tỉa sẽ giúp cây hoa hồng khoẻ mạnh, phát triển tốt và ra nhiều hoa hơn. Khi cắt tỉa cành sâu xuống gần gốc giúp cho cây ra chồi gần gốc hơn, từ đó chồi sẽ to, khoẻ mạnh hơn và ra nhiều hoa hơn. Tuy nhiên, việc cắt tỉa sâu chỉ nên thực hiện trên những cây hoa hồng khoẻ mạnh, xanh tốt. Đối với những cây yếu, bị bệnh khi cắt tỉa sâu sẽ khiến cây bị chết.

Các bước cắt tỉa cây hoa hồng tiến hành như sau:

Thời điểm cắt tỉa cây hoa hồng tốt nhất là vào đầu mùa xuân, lúc này không khí ấm áp, độ ẩm phù hợp cho cây đâm chồi mới. Trước khi cắt tỉa cành hoa hồng khoảng 5 ngày, bạn nên bón phân trùn quế vào gốc cây. Để cây có thời gian hấp thu dưỡng chất trước.

Loại bỏ bất kỳ cành hoặc nhánh cây nào bị chết hoặc bị hỏng (cành hoặc cây có màu nâu, da khô là đã chết). Chi cần cắt tỉa phần bị chết không cần cắt cả cành hoặc cây.

Cắt tỉa bớt lá cây và các cành nhỏ bị sâu bệnh không phát triển được để cây thông thoáng hơn, không có sâu bệnh trú ngụ.

Đối với hoa đã nở hết và bắt đầu phai màu thì nên cắt bỏ, khi cắt cần cắt bấm ngọn thêm hai tầng lá để tạo cho cây hoa hồng có sức đâm nhánh mới. Khi đó, từ mỗi đầu nhánh đó sẽ cho ra những nụ hoa mới.

Cách chăm sóc Hoa Hồng cây tốt, không sâu bệnh và ra hoa đẹp - 6

Ngoài ra, cần quan sát những nụ gầy, nụ bị cháy lá, nụ mọc quá dày cũng nên cắt tỉa để tập trung dinh dưỡng cho những bông khỏe, nụ to đẹp, giúp cho bông hoa to, cân bằng mật độ hoa khi nở.

Sau khi cắt tỉa cành và lá cây, bạn nên phun thuốc trừ sâu và nấm để bảo vệ chồi mới ra, giúp chồi mới sinh trưởng khỏe mạnh.

* Lưu ý: Khi cắt tỉa cành cây hoa hồng cần phải quan sát sao cho cành, nhánh hai bên cân đối so với gốc. Cắt tỉa lá thì chỉ nên loại bỏ những lá héo úa, sâu bệnh, không nên cắt sạch lá trên cành hoặc nhánh, tối thiểu nên chừa lại từ 2 - 3 cặp lá.

Thay giá thể cho chậu hoa hồng

Một trong các bước chăm sóc cây hoa hồng khá quan trọng mà có thể nhiều người đã bỏ qua là thay giá thể cho hoa hồng trồng trong chậu. Việc thay giá thể không chỉ giúp chậu cây hoa hồng phát triển tốt, khoẻ mạnh mà còn giúp cây ra nhiều hoa, hoa to, màu sắc đậm và lâu phai hơn.

Thông thường, khi trồng trong chậu từ 6 tháng đến 1 năm, phần giá thể của cây đã mất dần dinh dưỡng và sự màu mỡ. Vì vậy, nếu vẫn sử dụng tiếp thì cây sẽ còi cọc, không phát triển thêm được nữa. Dù bạn có sử dụng các loại phân bón để cải tạo đất, cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây thì hiệu quả thực sự sẽ không cao. Lúc này, khi chăm sóc cây hoa hồng, bạn nên thay giá thể cho chậu cây hoa hồng.

Hỗn hợp đất để làm giá thể mới cho chậu cây hoa hồng bao gồm 30% đất thịt mềm đập nhỏ, 30% phân hữu cơ là phân trùn quế hoặc phân chuồng (nên sử dụng phân trùn quế), 10% xơ dừa hoặc mùn dừa, 10% đất nung non viên nhỏ và 20% trấu hun. Trộn đều các nguyên liệu làm giá thể sau đó loại bỏ phần đất cũ trong chậu cây và thay thế bằng hỗn hợp đất mới vừa làm.

Tại sao khi làm giá thể mới cho cây hoa hồng nên sử dụng phân trùn quế? Để giải thích cho câu hỏi này, cần phải hiểu rằng, phân trùn quế là loại phân hữu cơ vi sinh có hệ vi sinh vật phong phú nhất và giàu hàm lượng dinh dưỡng hơn các loại phân hữu cơ còn lại. Hơn nữa, trong phân trùn quế có chứa chất mùn giúp xử lý các loại độc tố và nấm độc hại có trong đất, từ đó bảo vệ bộ rễ của cây luôn khoẻ mạnh.

Chính vì vậy, nên sử dụng phân trùn quế để làm giá thể mới cho chậu cây hoa hồng, giúp cây có bộ rễ khoẻ mạnh. Cây sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng trong đất tốt hơn, nên việc phục hồi sau khi thay giá thể của cây sẽ nhanh hơn.

6. Hướng dẫn phòng chống, điều trị sâu bệnh cho cây hoa hồng

Khi chăm sóc cây hoa hồng, bạn cần phải chú ý phòng chống sâu bệnh cho cây. Cách tốt nhất để phòng bệnh cho hoa hồng là chọn giống kháng bệnh. Giống hoa này được chọn lọc và lai tạo để chống lại các bệnh phổ biến nhất của hoa hồng bao gồm cả bệnh phấn trắng và đốm đen.

Đối với những giống hoa hồng khác, có thể bị nhiễm bệnh bởi những nguyên nhân sau: trồng chậu ở nơi thiếu ánh sáng và ẩm ướt, hoặc nơi dễ bị ngập úng sau trời mưa. Khi bị bệnh, cây hoa hồng sẽ yếu, lá và hoa bị héo, úa, hoặc thối, thân cây suy kiệt dẫn đến chết đây. Sau đây, bạn có thể tham khảo cách phòng chống, điều trị sâu bệnh cho cây hoa hồng.

Bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng

Bệnh phấn trắng là căn bệnh phổ biến trên hoa hồng, thường xuất hiện vào mùa hè. Đặc biệt là những ngày khô nóng, ẩm ướt vào ban đêm. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm lá cuộn tròn và xoắn lại, hình thành lớp phấn trắng trên lá, thân khô, nụ ít, hoa thường không nở thậm chí chết cây.

Cách chăm sóc Hoa Hồng cây tốt, không sâu bệnh và ra hoa đẹp - 7

Để tránh bệnh phấn trắng, khi tưới nước chỉ tưới nước sát gốc vào buổi sáng và chiều mát. Không nên tưới ướt lá vào buổi tối vì nước đọng lại trên phiến lá có thể gây bệnh phấn trắng. Cắt tỉa bớt các tán lá để tạo sự thông thoáng giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh phấn trắng. Ngoài ra, bạn có thể phun thuốc đặc trị để phòng chống bệnh phấn trắng.

Để điều trị bệnh phấn trắng, khi cây bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh, bạn nên cắt tỉa hết các phần bị nhiễm bệnh như lá, chồi, nụ và hoa. Sau khi đã cắt tỉa các phần bị nhiễm bệnh trên cây, bạn nên để phần nhiễm bệnh tránh xa cây hoa hồng khác. Sau đó, bạn nên pha hỗn hợp baking soda với nước để phun lên toàn bộ cây hồng còn lại với tần suất 1 - 2 lần/tháng. Cuối cùng, mang phần rác bị bệnh ra xa đổ hoặc đốt bỏ.

Bệnh đốm đen trên cây hoa hồng

Bệnh đốm đen trên hoa hồng là loại nấm lây lan qua đường nước. Bệnh đốm đen có triệu chứng là mặt trên trên lá cây xuất hiện những đốm tròn màu đen hoặc nâu gây ra hiện tượng rụng lá.

Để phòng chống bệnh đốm đen trên cây hoa hồng, khi lá cây xuất hiện các đốm đen, bạn nên tiến hành cắt tỉa tương tự như đối với bệnh phấn trắng. Giúp cải thiện độ thông thoáng của cây và chỉ nên tưới nước ở mặt đất sát gốc.

Cách chăm sóc Hoa Hồng cây tốt, không sâu bệnh và ra hoa đẹp - 8

Để điều trị bệnh đốm đen trên cây hoa hồng, bạn nên pha hỗn hợp gồm baking soda và dầu hoa quả sau đó nên phun lên toàn bộ cây. Từ đó giúp chống lại sự lây lan của bệnh đốm đen. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng thuốc diệt nấm hữu cơ 3 trong 1 phun để điều trị bệnh đốm đen trên cây hoa hồng.

Bệnh bọ trĩ trên cây hoa hồng

Các loài côn trùng thích kiếm ăn trên các bụi hoa hồng bao gồm rệp, bọ rùa, ve nhện, bướm và bọ trĩ. Đặc biệt là bọ trĩ gây hại rất nghiêm trọng cho cây hoa hồng. Việc điều trị bệnh bọ trĩ trên cây hoa hồng cũng rất kho khăn và tốn nhiều thời gian, công sức.

Để phòng bệnh bọ trĩ trên cây hoa hồng, bạn nên dọn dẹp cỏ dại, rác, lá cây, cành khô rụng xung quanh gốc cây. Nhằm loại bỏ nơi cư ngụ, ẩn nấp của bọ trĩ. Phần rác vừa dọn nên mang đến nơi khác để đốt bỏ.

Để trị bệnh bọ trĩ trên cây hoa hồng, bạn nên cắt bỏ toàn bộ lá, cành già hoặc bị bệnh, cắt bỏ toàn bộ hoa và nụ trên cây. Sau đó, thực thiện theo cách chăm sóc hoa hồng như vừa mới trồng, để cây phát triển lại từ đầu.

Trong trường hợp có rệp sáp và các loại ve gây hại bạn có thể sử dụng tinh dầu cây Neem hoặc xà phòng diệt côn trùng để phun cho cây.

Bệnh nhện đỏ, nhện đen và nhện vàng trên cây hoa hồng

Nhện cũng là một loài côn trùng gây hại rất nhiều cho cây hoa hồng. Dấu hiệu nhận biết cây hoa hồng bị nhện hút là trên lá xuất hiện những đốm loang màu vàng từng mảng xa nhau. Nặng hơn thì bạn sẽ thấy có nhện bên trên mặt lá là những đốm li ti như hạt bụi có màu đen, đỏ, vàng hoặc trắng. Thậm chí khi quá nặng, nhện sẽ làm tổ trên cây và giăng tơ kín ngọn cây, lúc này, lá cây sẽ bị khô, dần chuyển sang màu vàng đồng xỉn.

Để điều trị bệnh nhện đỏ, nhện đen và nhện vàng trên cây hoa hồng, khi phát hiện lá cây có các đốm vàng, bạn cần phải tiến hành dùng nước xịt mạnh vào từng lá. Đặc biệt ở mặt dưới lá, vì đây là nơi nhện sinh sống nhiều nhất. Xịt nước kết hợp dùng tay miết hai mặt lá như rửa lá để loại bỏ hoàn toàn nhện khỏi lá cây. Quá trình này nên thực hiện vài ngày vì sau khi loại bỏ nhện, trứng nhện còn bám lại trên lá sẽ nở và lại gây hại.

Kết hợp phun diệt nhện trên cây hoa hồng bằng hỗn hợp nước + nước rửa bát hoặc nước + sữa tắm hoặc kết hợp cả nước và sữa tắm cùng với nước để phun liên tục trong vài ngày.

Để phòng bệnh nhện hại trên cây hoa hồng, hàng tuần bạn nên pha hỗn hợp tinh dầu Neem cùng sữa tắm baby với nước sau đó phun.

Ngoài ra, trên cây hoa hồng còn xuất hiện bệnh gỉ sắt, nếu không phát hiện sớm thì cây sẽ còi cọc, chậm lớn, thậm chí là chết cây. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc cây hoa hồng, bạn cần phải chú ý đến những biểu hiện lạ trên cây hoa. Cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh thường xuyên để cây phát triển tốt và đơm hoa đẹp.

Trên đây là những chia sẻ về cách chăm sóc cây hoa hồng mà chúng tôi đã gửi đến quý bạn đọc. Hy vọng qua bài viết này, vườn cây hoa hồng của bạn được chăm sóc tốt sẽ nở hoa to đẹp.

Ý nghĩa hoa hồng nhung và cách trồng ra hoa đẹp Ý nghĩa hoa hồng nhung và cách trồng ra hoa đẹp Hoa hồng nhung sắc đỏ tươi thắm mang nhiều ý nghĩa. Cách trồng và chăm sóc ra sao sẽ được hướng dẫn chi tiết dưới đây. Bấm xem >>

Từ khóa » Trồng Hoa Hồng