Cách Trồng Và Chăm Sóc Hoa Hồng Chuẩn Nhất - Web Cây Cảnh

Hoa hồng thuộc cây thân gỗ bụi lâu năm, có thể trồng quanh năm nhưng trồng vào mùa xuân và mùa thu là phù hợp nhất. Bên cạnh đó đây còn là biểu tượng của tình yêu, là sự vĩnh cửu của vẻ đẹp tâm hồn nên được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên để trồng được một chậu hồng ra hoa đẹp không phải điều đơn giản. Nếu có kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng tốt, cây sẽ cho ra nhiều hoa với màu sắc rực rỡ và tươi tắn.

Mục Lục

  • Các bước chuẩn bị trước khi trồng hoa hồng
    • Lựa chọn giống cây hoa hồng
    • Làm đất trước khi trồng hoa hồng
    • Lựa chọn chậu cho cây hoa hồng
    • Vị trí đặt cây hoa hồng 
  • Cách trồng cây hoa hồng
  • Cách chăm sóc hoa hồng
    • Phân bón
    • Tưới nước
    • Cắt tỉa cành 
    • Phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây hoa hồng
      • Bệnh phấn trắng
      • Bệnh đốm đen
      • Bệnh gỉ sắt
      • Rệp
  • Lời kết

Các bước chuẩn bị trước khi trồng hoa hồng

Chuẩn bị những vật dụng cần thiết là khâu rất quan trọng, là tiền đề để có một chậu hay một khóm hoa hồng ra nhiều hoa và phát triển tốt.

Lựa chọn giống cây hoa hồng

Có rất nhiều cách để trồng hoa hồng trong đó phổ biến nhất là từ hạt, giâm cành, tách bụi hay từ những cây giống được ươm. Tuy nhiên nên chọn cây con được chủ vườn ươm sẵn, đặc biệt là những cây mập mạp, tươi tốt, có cành nhiều, lá nhiều vì tỉ lệ sống sẽ cao hơn và không tốn nhiều thời gian.

trong-hoa-hong-bang-giam-canh

Trồng hoa hồng bằng phương pháp giâm cành

Làm đất trước khi trồng hoa hồng

Tuy hoa hồng là cây dễ sống, có thể phát triển trong nhiều loại đất khác nhau, nhưng muốn chăm sóc hoa hồng ra nhiều hoa thì ta nên chọn trồng trong đất tơi xốp, có độ thoát nước tốt không để nước tưới bị ứ đọng làm hỏng rễ. Người trồng có thể mua đất sẵn hoặc cũng có thể trộn đất với phân hữu cơ đã hoai mục như trùn quế, xơ dừa…

Lựa chọn chậu cho cây hoa hồng

Sau khi chọn xong vị trí trồng, tiếp đến bạn cần lưu ý đến cách lựa chọn chậu. Nên chọn chậu trồng phù hợp với độ tuổi và kích thước của cây hoa hồng.

chọn chậu trồng hoa hồng phù hợp

Chọn chậu trồng hoa hồng phù hợp

Nếu đó là một cây hồng trưởng thành, thân cây lớn, nhu cầu nước nhiều thì trồng trong một chậu lớn sẽ giúp giữ ẩm lâu. Còn nếu chỉ để trồng những cành giâm mới mọc rễ và còn yếu thì nên chọn chậu nhỏ, để không bị ngậm nhiều nước sẽ khiến rễ cây bị thối. Lý tưởng nhất là những chậu có chiều cao 30cm, và đường kính khoảng 40cm hoặc chậu men cỡ số 4.

Vị trí đặt cây hoa hồng 

Hoa hồng là loại cây thích hợp sống trong điều kiện thoáng gió và có nhiều ánh nắng. Nhà ở các thành phố lớn hiện nay thường bị che khuất, thiếu ánh sáng nên cây dễ mắc bệnh, chất lượng hoa xấu, kém năng suất. Do vậy bạn nên chọn nơi trồng cây hoa hồng có hướng nắng mặt trời chiếu buổi sáng hay nắng chiếu xuyên, tránh ánh nắng gay gắt.

noi-de-hoa-hong

Nên để cây ở nơi thoáng gió và tràn ngập ánh nắng 

Cách trồng cây hoa hồng

Như các bạn đã biết có rất nhiều cách để trồng hoa hồng như trồng từ hạt, trồng bằng phương pháp giâm cành, tách bụi hay từ những cây giống được ươm. Sau đây mình xin chia sẻ một trong những cách trồng đem lại hiệu quả cao và dễ dàng nhất, đó là trồng cây hoa hồng bằng cây giống được ươm sẵn. Cùng bắt tay vào thực hiện nhé.

Đầu tiên hãy lót dưới đáy chậu một ít than củi khô, sỏi hoặc xỉ than để thoát nước tốt, tạo độ thông thoáng tránh úng rễ. sau đó cho đất nhiều dưỡng chất đã chuẩn bị vào 2/3 chậu.

lót xỉ than dưới đáy chậu

Lót xỉ than dưới đáy chậu

Tiếp đến khoét một lỗ chính có kích thước vừa với bầu đất của cây và đặt cây vào, phủ thêm một lớp đất cao tầm 8/10 của chậu. Khi trồng cây, dùng ngón tay nhấn chặt để gốc không bị lỏng. Để nơi thoáng mát 3-5 ngày, tưới rất ít, chỉ cần giữ cho đất có độ ẩm vừa phải. Sau đó đem ra nắng và tăng lượng nước tưới.

cay-giong-hoa-hong

Cây giống hoa hồng được ươm sẵn

Bạn có thể cắm một cái que ở giữa chậu mục đích giúp cây đứng vững khi có gió to, tránh ảnh hưởng đến bộ rễ đang còn non. Cẩn thận hơn thì cắm thêm một vài cọc ở xung quanh để bảo vệ cây khỏi một số loài gặm nhấm như chuột.

Cách chăm sóc hoa hồng

Phân bón

Bón phân cho cây là một phần không thể thiếu trong quá trình trồng và chăm sóc hoa hồng. Sau khi trồng từ 3-5 ngày phun phân bón lá để giúp cây phát triển bộ rễ tốt giúp hoa ra có màu sắc sống động. Từ 10-15 ngày khi cây ra rễ, phát ra lá non thì bón bổ sung phân hạt Dynamic, phân dơi quanh gốc cây rồi tưới nước giúp cây hấp thu tốt dinh dưỡng, sử dụng muỗng cà phê để định lượng phân bón cho an toàn. Kết hợp xen kẽ định kỳ mỗi tháng 1 lần đối với phân bón lá và bón gốc. Tuyệt đối không tưới phân lên hoa sẽ làm hoa mau tàn.

Tưới nước

Hoa hồng là cây ưa nước nên cần bổ sung nước cho cây đều đặn. Nguyên nhân chính của hiện tượng lá bị vàng và rụng là do cây bị thiếu nước.

tưới nước cho hoa hồng

Tưới nước bằng vòi giúp hoa hồng loại bớt sâu bệnh trên lá

Bạn nên tưới cây bằng vòi phun nhẹ tưới đều vào buổi sáng, vào các ngày nắng gắt nên tưới thêm cho cây vào lúc chiều mát nhưng không quá muộn, tránh trường hợp lá và nụ còn ướt qua đêm dễ tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển. Mách nhỏ với các bạn “nước vo gạo” cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho việc nuôi dưỡng cây, và “nước vôi trong” phòng khử sâu bệnh rất tốt.

Cắt tỉa cành 

Khi cây đã phát triển tốt, nhiều cành và nhánh chen nhau, bạn nên thường xuyên cắt bỏ cành, lá hoa bị hư. Khi cắt cần cắt bấm ngọn thêm hai tầng lá để tạo cho cây hoa hồng có sức đâm nhánh mới, từ mỗi đầu nhánh đó sẽ cho ra những nụ hoa mới.

Cắt tỉa hoa hồng

Cắt tỉa cành, lá, hoa đã héo thường xuyên để kích thích cây ra mầm mới.

Nếu muốn hoa to thì cành phải to, nên bạn có thể tỉa những cành nhỏ thì bông sẽ to không bị bé dần đi.

Phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây hoa hồng

Trồng trong điều kiện thiếu ánh sáng, tưới nước quá nhiều hay môi trường quá ẩm đều là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu ở hoa hồng. Các bệnh nấm cây hay sự tấn công của những loài côn trùng gây hại sẽ khiến cây suy kiệt dần. Một số thông tin dưới đây sẽ giúp bạn ” bắt mạch ” và ngăn ngừa vườn hồng của bạn khỏi sâu bệnh.

Bệnh phấn trắng

Vị trí thường thấy trên các lá non, các lá bánh tẻ, chúng phát triển rất nhanh làm lá biến dạng, thân khô, cây chết.

Bệnh phấn trắng trên hoa hồng

Bệnh phấn trắng

Bạn có thể dùng thuốc Score 250 ND hoặc Anvil 5 SC để chữa bệnh này cho cây.

Bệnh đốm đen

Khi lá vàng, rụng hàng loạt, theo dõi thấy xuất hiện vết ở cả 2 mặt lá là những biểu hiện của bệnh đốm đen.

bệnh đốm đen trên cây hoa hồng

Bệnh đốm đen

Thuốc đặc trị cho bệnh này chính là Daconil 500 SC, Đồng Oxyclorua 30 BTN, Anvil 5 SC.

Bệnh gỉ sắt

Lá bị bệnh có nốt lấm tấm vàng cam, hoặc đỏ gạch như màu của gỉ sắt.

bệnh rỉ sắt trên hoa hồng

Bệnh rỉ sắt trên hoa hồng

Thuốc phòng trừ là Kocide, Vimonyl 72 BTN, Daconil 500 SC.

Rệp

Căn bệnh phổ biến nhất của cây hòa hồng là rệp. Nhiệt độ 20 – 22 độ C, độ ẩm cao (75% – 80%) là điều kiện lý tưởng để rệp phát triển, sinh sôi nảy nở. Chúng có màu đỏ, xanh hoặc xám, thường tập trung chủ yếu ở những mầm non, nụ hoa và phần ngọn. Khi số lượng rệp xuất hiện chưa nhiều thay vì dùng thuốc Supaside 40 ND nồng độ 0,15%, Supathion, Thiodal để tiêu diệt chúng,

Ta có thể làm theo cách sau, vừa hiệu quả lại, nguyên liệu dễ tìm, lại vừa tiết kiệm kinh tế: Cách 1: Bạn dùng một miếng bông, thấm nước và ốp nhẹ vào những vị trí có rệp và lau, rệp sẽ bị dính vào miếng bông.

Cách 2: Bạn có thể dùng nước xà phòng loãng phun, rồi dùng bàn chải đánh sạch những chỗ có rệp.

Rất đơn giản phải không ? Hãy kiên trì làm liên tục 3-5 lần mỗi lần cách nhau 2-3 ngày để sạch bóng rệp nhé.

Lời kết

Thú chơi hoa hồng tao nhã mà cũng lắm công phu. Để có được những khóm hoa hồng ưng ý, tỏa hương thơm ngát khiến tinh thần sảng khoái sau những giờ lao động mệt mỏi đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút của người trồng. Hy vọng bài viết này của webcaycanh.com sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cách trồng, chăm sóc cây hoa hồng và phòng ngừa sâu bệnh để cây không những luôn xanh tốt mà còn nở rộ quanh năm.

Chúc các bạn thành công!

Từ khóa » Trồng Hoa Hồng