Cách Dạy Trẻ Từ 1-2 Tuổi Về Tính Kỷ Luật - Mẹ Không Hoàn Hảo

Vì xót con nên trong cách dạy con của mình phần lớn cha mẹ thường không nỡ la mắng khi bé hư nên vô tình hình thành thói quen xấu cho bé. Cách dạy trẻ từ 1-2 tuổi cần nhiều tình yêu thương và cả sự cứng rắn, kiên định.

Bé con chập chững biết đi là một trải nghiệm thú vị cho các bậc làm cha mẹ, nhưng đồng thời đây cũng là một giai đoạn đầy thử thách vì bé chưa phân biệt rõ được giữa đúng sai. Trong tình yêu thương đôi khi cần sự cứng rắn và kiên định để dạy bé tốt hơn vậy nên đừng vì xót con mà hình thành thói quen xấu cho bé.

Cách dạy trẻ 1-2 tuổi về tính kỷ luật

Bé 1 tuổi vẫn chưa có đủ nhận thức xã hội lẫn khả năng ghi nhớ để hiểu được những nguyên tắc hoặc sự cảnh cáo được ba mẹ đưa ra.

Mặc khác, ở tuổi này, bé đang dần khẳng định sự độc lập của mình và nếu như bị cấm đoán hay không đạt được những gì mình muốn, bé dễ trở nên cáu giận và hung dữ.

Vậy nên, cách tốt nhất là để cho bé tự tìm hiểu những hậu quả tự nhiên, để bé tự nhận ra và rút kinh nghiệm cho bản thân.

Tất nhiên, điều này chỉ nên được áp dụng trong những tình huống không gây nguy hại cho bé. Ví dụ như việc bé ném đồ ăn xuống sàn nhà, nếu ba mẹ cho bé những thức ăn khác thay thế thì bé sẽ không thể nào biết được hành vi ném thức ăn của mình là sai trái. Nhưng nếu ba mẹ lơ đi, hoặc không cho bé thức ăn nữa thì dần dần bé sẽ hiểu rằng “À, nếu mình ném thức ăn như vậy thì mình sẽ không có gì để ăn nữa”.

Cách dạy trẻ từ 1-2 tuổi về tính kỷ luật

Trong tình yêu thương đôi khi cần sự cứng rắn và kiên định để dạy bé tốt hơn

Tương tự với những món đồ chơi, nếu bé ném đi và làm vỡ nó hay không muốn nhặt lại, hãy nói với bé rằng “Nếu con không nhặt lên và cố gắng lần sau không làm vỡ” thì con sẽ không được chơi món đó nữa”. Bé có thể phản ứng bằng cách khóc lóc, nổi giận nhưng bạn hãy cứ cất món đồ đó đi nhé bởi vì điều tiên quyết khi dạy cho bé tính kỷ luật đó chính là sự kiên định.

Khi bé lớn hơn một chút và có một món đồ chơi yêu thích. Nếu bé có hành vi không đúng và bạn tịch thu món đồ đó nhưng sẽ trả lại cho bé khi bé hiểu và tỏ ra ngoan ngoãn hơn vì bé muốn có lại món đồ chơi của mình. Tuy nhiên với thức ăn hãy để cho bé hiểu rằng “Vứt là sẽ không được ăn nữa và bé phải biết tôn trọng đồ ăn mình có”!

Quy trình hình thành sự kỷ luật cho bé

Xây dựng quy tắc theo thứ tự ưu tiên. Vì bé vẫn còn khá nhỏ nên nếu nhồi nhét quá nhiều những quy tắc sẽ khiến bé cảm thấy hoang mang và ức chế. Vì thế, bạn cần xây dựng một danh sách những quy tắc theo thứ tự ưu tiên.

Ví dụ, khi bé học đi (giữa 9 và 16 tháng tuổi), sự an toàn là vấn đề kỷ luật quan trọng hàng đầu. Cho bé tự do khám phá nhưng vẫn phải đảm bảo bé an toàn.

Cho bé biết những gì được và không được phép. Nên giúp cho bé hiểu rằng hành động bạo lực như đánh, cắn là không được phép. Một khi bé thông thạo những quy tắc này, mẹ có thể dạy bé quy tắc về cách cư xử chẳng hạn như không la hét nơi công cộng, không ném thức ăn, không viết/vẽ lên tường…

Cách dạy trẻ từ 1-2 tuổi về tính kỷ luật hình ảnh 2

Cho bé biết những gì được và không được phép

Thiết lập kỷ luật cho bé nên hợp lý tuỳ theo độ tuổi. Việc bạn đòi hỏi một đứa trẻ 18 tháng phải yêu thương ông bà hơn việc thích ra ngoài chơi là bất hợp lý hay bạn không thể cấm đoán bé chạy nhảy, khám phá những đồ đạc trong nhà.

Thay vào đó, hãy đặt những món đồ nguy hiểm (bàn ủi, lò nướng, ổ điện, đồ dễ vỡ, thuốc men, xà phòng…) tránh xa khỏi tầm tay bé.

Chuyển hướng sự chú ý của bé cũng là một bí quyết. Thay vì liên tục nói “Con không được…” hãy đánh lạc hướng bé bằng một cuốn sách hay các trò chơi khác.

Bạn cũng nên chú ý đến bé những khi bé mệt mỏi, đói, đau ốm hay trong một môi trường khác. Ví dụ như đến giờ bé ngủ trưa nhưng mẹ vẫn đưa bé đi ra ngoài thì có thể bé sẽ khó chịu, cáu kỉnh và la hét.

Nên làm gì khi bé vi phạm những quy tắc?

Dù cố gắng đến đâu thì thi thoảng bé vẫn sẽ vi phạm 1 hoặc nhiều những quy tắc hàng đầu. Khi chuyện đó xảy ra, hãy để bé biết bạn không hài lòng bằng sự biểu cảm trên nét mặt và giọng nói.

Những lúc này, ba mẹ thường mất đi sự bình tĩnh cần thiết. Hãy hít thở sâu hoặc nhờ người thân trông bé và đi ra ngoài cho đến khi bình tĩnh trở lại nếu cần thiết. Những hành động của bạn trong lúc nóng giận có thể ảnh hưởng rất xấu đến bé và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Đừng dùng bất cứ hình phạt nào về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ. Vì điều này vô tình khiến cho bé nghĩ rằng: được phép dùng đòn roi hay la hét khi giận dữ. Đó là lý do tại sao, những đứa trẻ thường bị đánh có xu hướng bạo lực và thường dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Hơn nữa, nếu trừng phạt bằng đòn roi có thể làm tổn thương thể chất của bé. Khi ba mẹ không thể kiềm chế được cơn giận của mình thường đánh con mạnh hơn, đánh mông không ăn thua sẽ chuyển sang mặt, đầu hoặc tay chân của con.

Cách tốt nhất để xử lý những hành vi không đúng của bé là “cách ly” bé trong thời gian ngắn: Không chú ý, không đồ chơi, không vui vẻ!

Cách dạy trẻ từ 1-2 tuổi về tính kỷ luật hình ảnh 3

Áp dụng hình phạt time out phù hợp với từng độ tuổi

Hình thức kỷ luật này được nhiều gia đình áp dụng bằng cách dành một góc nhỏ, an toàn trong nhà với tên gọi “góc bình yên” hay “góc im lặng”. Khi bé làm sai, bé sẽ phải vào căn phòng đó trong 1 thời gian ngắn. Ví dụ như bé 1 tuổi vào 1 phút, bé 2 tuổi vào 2 phút. Mục đích của góc này là giúp cho bé suy nghĩ về những lỗi sai của mình và giúp bé tăng khả năng quản lý cảm xúc của mình.

Sự tương tác giữa ba mẹ và bé trong việc thiết lập kỷ luật

Trong quá trình nuôi dạy trẻ, bạn sẽ nhận ra rằng bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ có những hành vi không như bạn mong muốn. Bạn có thể hướng dẫn bé, dạy bé điều gì là đúng nhưng không thể bắt bé làm chính xác những gì bạn muốn.

Vì bé có nhận thức giới hạn về tốt – xấu, không hiểu được hết các khái niệm về quy luật hay cảnh báo nên việc dạy cho bé tính kỷ luật ở độ tuổi này cần nhiều thời gian, sự kiên trì và nhất quán.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng kỷ luật đồng nghĩa với nghiêm khắc và hình phạt. Thật ra, kỷ luật nghĩa là dạy dỗ, hướng dẫn. Nói một cách khác, kỷ luật chính là một hình thức khác của sự yêu thương.

Cách dạy trẻ từ 1-2 tuổi về tính kỷ luật hình ảnh 4

Cách dạy trẻ từ 1 -2 tuổi về tính kỷ luật

Chính tình cảm và sự chăm sóc của ba mẹ hình thành nên cốt lõi cho mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái. Cách bạn quan tâm, tôn trọng bé sẽ dạy cho bé cách yêu thương và tôn trọng người khác hay chính bản thân mình.

Ngoài ra, thái độ nhẹ nhàng, kiên nhẫn của mẹ trong quá trình giúp bé học hỏi những điều đúng sai cũng sẽ trở thành hình mẫu cho sự phát triển tính cách của bé sau này.

Một cách đơn giản, con cái chính là hình ảnh phản chiếu của ba mẹ. Nếu bạn dễ nóng giận, hay quát tháo thì bé cũng sẽ hung dữ, ngang bướng và khó bảo. Vì thế, dạy con tính kỷ luật cũng chính là giúp cho ba mẹ tập tính kiên nhẫn và kiềm chế.

Đọc thêm tại đây:
  1. Secrets to Toddler Discipline. Tham khảo tại: < http://www.parents.com/toddlers-preschoolers/discipline/tips/secrets-to-toddler-discipline/>. [Ngày 6 tháng 10 năm 2014].
  2. Ways to Discipline a Child. Tham khảo tại: <https://www.youtube.com/watch?v=54PHW2kLydM>. [Ngày 6 tháng 1 năm 2014].
  3. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA. Page 323.

Từ khóa » Cách Nuôi Dậy Trẻ 1 Tuổi