Cách Hạch Toán Tỷ Giá Hàng Nhập Khẩu - Luật Việt An

Đối với doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa, những người làm công tác kế toán tại doanh nghiệp, dịch vụ kế toán phải lưu ý cách hạch toán tỷ giá hàng nhập khẩu, cách hạch toán thuế nhập khẩu, kê khai thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu theo đúng quy định Luật quản lý thuế, Luật kế toán.

Điểm 3, khoản 4, Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 quy định trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế như sau:

  • Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
  • Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.

Cách hạch toán tỷ giá hàng nhập khẩu theo từng trường hợp như sau:

Thanh toán trước toàn bộ số tiền cho nhà cung cấp, nhập hàng sau

Trường hợp ứng trước cho nhà cung cấp, khi đủ điều kiện ghi nhận tài sản hoặc chi phí kế toán áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch). Hạch toán cụ thể:

Tại thời điểm thanh toán trước:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (tỷ giá giao dịch thực tế)

Có các TK 111, 112,… (tỷ giá giao dịch thực tế)

Tại thời điểm hàng về:

Nợ TK 152, 153, 211, 156…(tỷ giá tại ngày thanh toán trước)

Có TK 331

Thanh toán nhiều lần cho nhà cung cấp

Khi phát sinh các khoản nợ phải trả cho người bán bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch). Riêng trường hợp ứng trước cho nhà thầu hoặc người bán, khi đủ điều kiện ghi nhận tài sản hoặc chi phí thì áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh đối với số tiền đã ứng trước.

Tại thời điểm ứng trước:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày ứng trước)

Có các TK 111, 112,… (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày ứng trước)

Tại thời điểm nhận hàng:

Nợ TK 152, 153, 211, 156…(Số tiền ứng trước x tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày ứng trước + Số tiền còn lại x tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận hàng)

Có TK 331 (Số tiền ứng trước x tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày ứng trước + số tiền còn lại x tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận hàng)

Tại thời điểm thanh toán công nợ còn lại

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (Số tiền còn lại x tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận hàng)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Phát sinh chênh lệch)

Có các TK 111, 112,… (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày thanh toán)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (Phát sinh chênh lệch)

Thanh toán sau cho nhà cung cấp

Tại thời điểm nhận hàng:

Nợ TK 152, 153, 211, 156…( tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận hàng)

Có TK 331 ( tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận hàng)

Tại thời điểm thanh toán công nợ

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận hàng)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Phát sinh chênh lệch)

Có các TK 111, 112,… (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày thanh toán)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (Phát sinh chênh lệch)

Một số lưu ý

  • Tỷ giá trên tờ khai hải quan là tỷ giá tính thuế, không áp dụng tính giá trị hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên trong quá trình thanh kiểm tra quyết toán thuế, cơ quan thuế vẫn ngầm chấp nhận cho các doanh nghiệp áp dụng tỷ giá này.
  • Thuế GTGT hàng nhập khẩu kê khai khấu trừ căn cứ theo ngày trên giấy nộp tiền thuế.

Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ Đại lý thuế Việt An để được sử dụng dịch vụ kế toán, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật!

Từ khóa » Hạch Toán Tỷ Giá Trên Tờ Khai Hải Quan