Cách Làm Chân Gà Sả Tắc [Chân Gà Rút Xương Ngâm Sả Tắc Xoài, Kiểu ...

Một hũ chân gà ngâm sả tắc (miền Bắc gọi là chân gà ngâm sả quất) với hương vị hấp dẫn là món ngon quá tuyệt vời để lai rai mỗi dịp cuối tuần hay lễ Tết. Đặc biệt, nếu món chân gà sả tắc ấy do chính tay bạn làm ra thì lại càng tuyệt vời hơn. Tuy nhiên, làm món này dù không khó nhưng không phải ai cũng biết cách. Dưới đây là hướng dẫn cách làm chân gà sả tắc ngon, chân gà rút xương ngâm sả tắc xoài, kiểu Thái thơm chuẩn vị, vừa đơn giản lại hấp dẫn dành cho những ai yêu nấu nướng!

Chân gà gâm sả tắc có gì?

Không phải món chân gà sốt thái mà chính là chân gà ngâm sả tắc (hay chính là quả quất) được rộ lên trong thời gian gần đây. Món ăn được coi là một trong những món ăn vặt hấp dẫn được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ.

Bạn thử nghĩ mà xem, khi được nhâm nhi chiếc chân gà trắng muốt, giòn giòn sần sật, hương thơm hòa quyện của sả, tắc (quất), ớt cay cay, cùng vị chua cay mặn mặn mới tuyệt hảo làm sao. Tuy vậy, không phải bất cứ ai cũng biết cách làm chân gà ngâm sả tắc đúng chuẩn, trọn vị. Thực tế hiện nay, món chân gà sả tắc có nhiều cách làm khác nhau. Mỗi cách làm lại có hương vị đặc trưng riêng.

Chân gà ngâm sả tắc truyền thống

Đầu tiên, cách làm chân gà ngâm sả tắc truyền thống hay cơ bản này phương pháp phổ biến đông đảo người làm. Món ăn này đã chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội được nhiều người yêu thích. Công đoạn chế biến đơn giản, dễ làm cũng như mức giá vô cùng rẻ để bạn làm số lượng lớn để nhâm nhi cùng bạn bè hoặc gia đình.

Nguyên liệu

  • Chân gà: 20 cái. Bạn nên chọn loại chân gà công nghiệp hoặc giống gà có chân to, nhiều thịt. Không nên chọn chân gà ta để làm vì loại gà này chân rất nhỏ, dai và không có thịt.
  • Gừng: 2 củ. Để cho thơm, bạn nên chọn loại gừng ta. Tuy gừng này hơi nhỏ nhưng hương vị lại thơm và tốt hơn gừng lai to.
  • Sả: 15 cây.
  • Tắc xanh (Quất): 20 quả.
  • Ớt: 8 – 10 quả.
  • Rượu trắng: 3 chén uống rượu nhỏ.
  • Nước mắm: 6 thìa canh.
  • Muối: 1 thìa nhỏ.
  • Đường trắng: 6 thìa nhỏ.
  • Giấm gạo: 6 thìa nhỏ.
  • Hạt tiêu xay nhuyễn/hạt thô: 1 thìa nhỏ.
  • Bình thủy tinh: 1 hũ to.

Thực hiện

Cách làm chân gà sả tắc không hề khó. Chúng ta chỉ mất thời gian ở khâu xử lí chân gà vì các bước này khá lách cách, cần sự tinh tế và chuẩn bị kĩ càng. Các bước làm món chân gà sả tắc bao gồm:

Bước 1: Xử lí sơ bộ chân gà

Rửa sạch chân gà đã mua. Lột bỏ lớp da ngoài màu vàng cũng như tất cả các móng trên các ngón chân gà. Dùng dao cắt bỏ phần tật ở chân gà nếu có. Rửa kĩ lại với nước sạch có pha chút muối.

Đổ chân gà ra một thau nhỏ. Cho 3 chén rượu trắng cùng vài lát gừng đập nát vào, trộn đều với chân gà và ngâm trong vòng 5 phút. Rượu và gừng sẽ có tác dụng khử mùi cho món chân gà, loại bỏ các mùi tanh, hôi.

cách làm chân gà sả tắc

Sau khi ngâm đủ thời gian, mang chân gà ra rửa sạch lại lần nữa với nước. Chặt đôi phần bàn chân và cẳng chân của gà ra để dễ ngâm và các gia vị sau này ngấm đều hơn.

Bước 2: Xử lí các loại gia vị ngâm

Các loại gia vị có ý nghĩ rất quan trọng trong cách làm chân gà sả tắc. Bởi chỉ cần thiếu một gia vị là món chân gà của bạn sẽ thiếu đi một phần linh hồn. Do đó, không được bỏ qua sự hiện diện của các loại gia vị này các bạn nhé!

Trong thời gian ngâm chân gà với rượu và gừng, chúng ta tranh thủ xử lí các loại gia vị còn lại.

Sả: Loại bỏ phần vỏ già bên ngoài củ sả, rửa sạch. Đập dập 3 củ sả và thái thành từng khúc. Mỗi khúc khoảng 2 – 3 cm.  Số sả còn lại thái khoanh mỏng. Để cho đẹp hãy nghiêng củ sả và thái thành từng lát chéo mỏng.

Gừng, ớt, tỏi: Rửa sạch. Bạn có thể đập dập, thái lát hoặc để nguyên các loại gia vị này. Tuy nhiên, để cho phần nước ngâm thêm đậm đà và nhanh thấm vào chân gà, hãy đập dập hoặc thái lát mỏng chúng sau khi rửa sạch.

cách làm chân gà sả tắc

Quả tắc (quất): Rửa sạch, loại bỏ cuống và cắt đôi mỗi quả quất. Nếu được bạn có thể loại bỏ phần hạt trồi ra ở mỗi nửa.

Bước 3: Luộc chân gà trước

Cho vài nhánh gừng đập dập hoặc thái lát cùng vái nhánh sả đập dập và một nồi nước. Đun sôi, sau đó cho chân gà vào luộc trong khoảng 5 phút.

Lưu ý với mỗi cách làm chân gà sả tắc bằng các loại chân gà có thể có thời gian luộc khác nhau. Gà công nghiệp thịt mềm sẽ có thời gian luộc ít hơn. Còn gà ta lai hoặc các loại gà không phải gà công nghiệp thì có thể đun lâu hơn một chút. Hãy kiểm tra độ chín của chân gà trước khi tắt bếp.

Sau khi tắt bếp, lập tức vớt chân gà ra một thau nước đá to. Bỏ thêm một chút muối trắng vào ngâm cùng để chân gà giữ màu. Ngâm trong khoảng 10 đến 15 phút.

Vớt chân gà ra rổ cho ráo nước. Sau đó, cho vào bát to, bọc lại bằng màng thực phẩm và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Thời gian là khoảng 30 phút. Khâu này giúp cho chân gà có độ giòn sần sật nhất định và không bị khô sau khi luộc.

Bước 4: Pha nước ngâm chân gà ngâm

Một khâu vô cùng quan trọng khác trong cách làm món chân gà sả tắc chính là khâu pha nước ngâm. Để có được âu nước ngâm chân gà đúng chuẩn hương vị, bạn cần tuân thủ chính xác tỉ lệ của các loại gia vị. Các bước pha nước ngâm như sau:

Trước tiên, đun sôi 1 lít nước lọc. Sau đó pha gia vị với tỉ lệ như sau: 6 thìa đường/6 thìa nước mắm/6 thìa giấm gạo/ 1 thìa muối trắng. Dùng đũa khuấy đều để các gia vị tan hết.Tiếp tục đun sôi trong 1 hoặc 2 phút nữa, như vậy nước sẽ trong hơn. Tắt bếp và để nguội bớt phần nước vừa đun.

cách làm chân gà sả tắc

Khi nước trong nồi chỉ còn nhiệt độ khoảng 60 – 70 độ C, cho thêm sả, tỏi, gừng, ớt đã chuẩn bị vào và khuấy đều.

Bước 5: Ngâm chân gà

Khi nước nguội hẳn thì chân gà để trong tủ lạnh cũng đã đủ 30 phút. Lấy chân gà ra cho vào nước ngâm. Trong quá trình cho chân gà vào, cho cả phần quất đã cắt đôi vào cùng và trộn đều. Cho thêm tiêu bắc vào.

Sau đó, xếp chân gà vào hũ thủy tinh. Khi xếp chân gà nên xếp đều chân gà, quất và các gia vị to như gừng. Sau đó đổ toàn bộ phần nước ngâm vào bình.

Để cẩn thận hơn, tránh chân gà bị nổi lên trên phần nước ngâm, bạn có thể dùng một chiếc vỉ nén chân gà xuống.

Bước 6: Hoàn thành và bảo quản chân gà sả tắc

Với cách làm chân gà sả tắc cơ bản như trên, bạn có thể sử dụng ngay hũ chân gà vừa ngâm. Tuy nhiên, để chân gà ngấm gia vị đều bạn nên để qua đêm rồi hãy dùng. Thông thường chân gà ngâm sau khoảng 8 tiếng là đã ngấm đủ hương vị và dậy mùi.

cách làm chân gà sả tắc

Lưu ý là nên bảo quản hũ chân gà vừa ngâm trong tủ mát. Như vậy, bạn có thể kéo dài thời gian sử dụng lên 4 đến 5 ngày.

Cách làm chân gà sả tắc sa tế chua cay

Nói đến Sa tế chắc không mấy ai lạ lẫm, hỗn hợp phụ gia được tạo thành từ nguyên liệu chính là ớt, dầu ăn, có thể có thêm sả. Sa tế thường được dùng như một loại gia vị để tẩm ướp chân gà nướng, là nguyên liệu chính trong món chân gà nướng sa tế hoặc dùng cho nước lẩu. Thay vì làm chân gà sả tắc thông thường, bạn có thể đổi vi một chút là ngâm với sa tế. Mình tin chắc rằng món chân gà ngâm này cũng làm bạn ngất ngây bởi rất hấp dẫn đặc biệt là những bạn thích ăn cay.

Nguyên liệu

  • Chân gà: 1 kg chân gà sống.
  • Giấm trắng: 20ml. Nên chọn giấm gạo.
  • Nước mắm: 200ml. Không nên dùng các loại mắm nấu mà nên chọn các loại mắm chấm ăn ngay. Mắm nấu sẽ có độ mặn cao nên có thể làm món chân gà bị nồng mùi mắm.
  • Tương ớt: 2 thìa canh.
  • Sa tế: 1 thìa canh.
  • Ớt tươi: 10 quả.
  • Sả: 15 cây.
  • Tắc (quất): 25 quả xanh. Không nên chọn quả chín quá hay đã để lâu ngày.
  • Hành nhỏ: khoảng 5 củ hành tím.
  • Tỏi: 2 củ.
  • Gừng: 4 củ.
  • Lá chanh: 10 lá.
  • Đường: 200gr.
  • Muối trắng, rượu.
  • Bình thủy tinh: 1 bình to hoặc 2 bình nhỏ. Bạn có thể sử dụng hộp nhựa có nắp.

Thực hiện

Cách làm chân gà sả tắc sa tế có các bước tiến hành như sau:

Bước 1: Sơ chế chân gà

Mang chân gà ra lột bỏ lớp màng ngoài có màu vàng nhạt. Chặt bỏ các móng gà rồi rửa sạch lần 1 với nước. Sau đó, vớt ra chậu, bóp cùng với rượu và muối trắng để loại bỏ mùi hôi cùng các chất bẩn còn sót lại.

Ngâm trong vài phút rồi rửa sạch lại bằng nước sạch. Chặt đôi chân gà thành hai khúc vừa ăn.

Bước 2: Chuẩn bị gia vị

Trái tắc (trái quất): Rửa sạch và cắt đôi từng quả, để nhẹ nhàng vào rổ hoặc bát.

Sả: Rửa sạch và thái thành lát mỏng.

Hành, tỏi và gừng: Rửa sạch phần đất và vỏ bên ngoài, rồi thái lát mỏng, đập dập.

Ớt: Băm nhỏ.

Lá chanh: Rửa sạch, thái sợi mỏng.

Bước 3: Luộc chân gà

Cách làm chân gà sả tắc nào cũng quan trọng nhất là phần xử lí chân gà. Hãy luộc chân gà trong nước sôi từ 3 – 5 phút cho chín hẳn. Không nên luộc chín quá khiến chân gà bị khô và rút thịt.

Khi nước sôi cho vài nhánh gừng và sả đập dập vào để chân gà có mùi thơm. Cho thêm một chút đường khi nước sôi và khuấy đều trong 1 phút.

Khi tắt bếp, vớt chân gà ra ngâm ngay vào 1 chậu nước đá để chân gà được giòn và trắng. Ngâm khoảng 15 phút.

Vớt chân gà ra ngoài, để ráo nước rồi cho vào tủ lạnh. Để trong ngăn mát khoảng 30 phút .

Bước 4: Pha nước ngâm chân gà

Cho các gia vị như nước mắm, giấm, đường, tương ớt, sa tế vào khoảng 200ml nước rồi đun sôi. Trong quá trình đun khuấy đều cho các gia vị tan hoàn toàn và hòa quyện với nhau. Nước sôi 1 đến 2 phút thì dừng lại và để nguội nồi nước.

Bước 5: Ngâm chân gà sả tắc

Mang chân gà ra đổ vào một nồi to. Trộn các gia vị đã chuẩn bị sẵn trước đó là sả, ớt, hành củ, gừng, tỏi, tắc (quất), lá chanh vào trộn đều. Sau đó chia hỗn hợp trên vào bình hoặc các hộp dùng để ngâm.

cách làm chân gà sả tắc

Đổ phần nước ngâm đã nguội vào. Lưu ý phần nước ngâm phải ngập số chân gà trong nồi. Nếu chân gà nổi lên, hãy dùng vỉ dìm chúng xuống.

Bước 6: Bảo quản chân gà ngâm

Để bình hoặc hộp chân gà ngâm vào trong ngăn mát của tủ lạnh. Thông thường, thời gian ngâm sẽ là khoảng trên 3 tiếng.

cách làm chân gà sả tắc

Với cách làm chân gà sả tắc sa tế như vậy, gia vị sẽ thấm đều vào tận phần xương của chân gà, mang lại hương vị thơm ngon cho món chân gà của bạn.

Cách làm chân gà ngâm sả tắc kiểu Thái

Một trong những món chân gà sả tắc cũng được yêu thích chính là chân gà sả tắc kiểu Thái. Hương vị chủ yếu của những món Thái là hương vị cay nồng, rất thích hợp với người ăn được cay. Ngoài món này ra, chân gà sốt thái cũng mang đến cho người ăn những cảm giác riêng mà chỉ có thưởng thức bạn mới cảm nhận được. Còn hôm nay, bạn cứ làm chân gà ngâm sả tắc kiểu Thái này đã nhé.

Nguyên liệu

  • Chân gà: 500gr.
  • Ớt: 50 gr ớt sừng.
  • Hành tím: 2 củ.
  • Tỏi: 2 củ.
  • Riềng: 50gr riềng.
  • Sả: 10 cây.
  • Ngò rí: 10gr.
  • Lá chanh: 10 lá.
  • Tắc (quất): 10 quả.
  • Rượu trắng: 20ml.
  • Nước mắm: 120ml.
  • Muối: 3 muỗng.
  • Đường: 120gr.

Thực hiện

Cách làm chân gà sả tắc kiểu Thái được khá nhiều người ưa thích. Tưởng chừng khi làm sẽ phức tạm nhưng không phải như vậy. Mọi thứ đều vô cùng đơn giản, nhịp nhàng đúng theo quy trình.

Bước 1: Xử lí nguyên liệu

Bóc vỏ, làm sạch các loại củ và lá, rau thơm.

Xay nhuyễn một nửa tất cả các loại bao gồm: hành, tỏi, ớt, ngò, riềng.

Trộn hỗn hợp nước ngâm theo tỉ lệ như sau: 100ml nước lọc:100ml giấm trắng:120gr đường:15gr muối và phần hỗn hợp hành tỏi ngò riềng đã xay nhuyễn. Đun sôi hỗn hợp này rồi tắt bếp, bắc ra ngoài để cho thật nguội.

Tắc (quất) thì rửa sạch và cắt đôi mỗi quả.

Lá chanh rửa sạch, thái sợi mỏng.

Bước 2: Sơ chế chân gà

Rửa sạch chân gà. Loại bỏ móng, lớp da sừng màu vàng, các nốt tật bệnh nếu có. Dùng muối trắng và rượu bóp cho sạch nhớt cũng như mùi tanh của chân gà.

Bước 3: Luộc chân gà

Luộc chân gà trong nước sôi ít nhất 3 phút cho chín đều. Sau khi vớt ra thì ngâm ngay trong một nồi nước đá to. Ngâm khoảng 10 phút rồi vớt ra, để ráo bớt nước rồi bỏ vào tủ lạnh trong 30 phút.

Dù với cách làm món chân gà sả tắc nào thì việc ngâm chân gà vào nước đá để chân gà được giòn đều rất được coi trọng.

Bước 4: Ngâm chân gà

Chặt đôi chân gà thành hai khúc. Ướp chân gà cùng với số tỏi, hành, sả, ớt riềng còn lại. Bỏ thêm tắc và lá chanh đã thái sợi.

Chia hỗn hợp vừa trộn vào các hũ, bình ngâm. Đổ nước ngập chân gà và mang bảo quản trong tủ lạnh.

cách làm chân gà sả tắc

Sau 3 đến 8 tiếng, chân gà đã ngấm đều gia vị là bạn đã có thể thưởng thức thành quả của mình.

Cách làm chân gà sả tắc cóc bao tử

Một cách làm chân gà sả tắc khá phổ biến khác là chân gà sả tắc với cóc non. Món này làm vào mùa hè khi mùa cóc rộ sẽ là một trong những món ăn vặt lai rai mỗi cuối tuần cực tuyệt vời.

Nguyên liệu

  • Chân gà: 1 kg.
  • Cóc non (cóc bao tử): 500gr.
  • Sả: 10 cây.
  • Tắc (quất): 15 quả.
  • Hành tím: 3 củ.
  • Tỏi: 2 củ.
  • Ớt tươi: 10 quả.
  • Ớt bột: 1 thìa canh.
  • Giấm: 4 thìa canh.
  • Đường trắng: 10 thìa cà phê.
  • Rượu trắng và muối trắng.

Thực hiện

Công thức cho món chân gà sả tắc cóc non sẽ thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Sơ chế chân gà

Làm sạch số chân gà đã mua. Loại bỏ toàn bộ lớp da bên ngoài chân, các lớp sừng, móng và các dị tật trên chân gà.

Rửa sạch một lần với nước rồi dùng rượu và muối trắng bóp sạch sẽ. Rửa lại lần 2 với nước cho thật sạch.

Bước 2: Luộc chân gà

Cách xử lí chân gà trong cách làm sả tắc cóc non cũng giống như các món chân gà sả tắc thông thường.

Luộc chân gà trong nước sôi. Khi nước sôi cho thêm vài nhánh sả đập dập và gừng vào nồi nước. Khoảng 3 phút sau chân gà sẽ chín. Kiểm tra xem đã chín hẳn chưa thì cho thêm một chút đường vào, đun thêm 1 phút thì tắt bếp.

Chuẩn bị sẵn một chậu nước đá to. Vớt toàn bộ chân gà vừa luộc vào chậu nước này. Thêm một chút muối trắng và ngâm 10 phút. Sau đó, vớt ra nồi hoặc bát khác, bọc lại và mang để tủ lạnh.

Bước 3: Chuẩn bị gia vị

  • Trái tắc (quất) rửa sạch và cắt làm hai hoặc làm ba.
  • Sả cắt lát mỏng dài hoặc tròn tùy vào sở thích và sự khéo léo của bạn. Nếu không bạn có thể đập dập phần củ, thái thành từng khúc 0.5cm, phần cuống ăn được thái thành từng khúc 2 cm.
  • Cóc non: Rửa sạch, gọt bỏ vỏ và cắt thành hai nửa mỗi quả.
  • Hành, tỏi: Bóc vỏ và đập dập một phần, phần còn lại chỉ đập nhẹ sơ qua.

Bước 4: Pha nước ngâm

Việc pha nước ngâm trong cách làm chân gà sả tắc cóc non cũng rất đơn giản.

Bạn hãy dùng 300ml nước lạnh, pha kèm 5 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh ớt bột, 1 thìa cà phê muối, 10 thìa cà phê đường, 2 thìa canh giấm gạo. Đun sôi hỗn hợp này dưới ngọn lửa nhỏ. Trong quá trình đun khuấy đều vài vòng cho đến khi hỗn hợp sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp.

Để nước ngâm thật nguội.

Bước 5: Ngâm chân gà

Khi nước ngâm đã nguội cũng là lúc chân gà đã để trong tủ lạnh được khoảng 30 phút. Lúc này ta sẽ tiến hành ngâm chân gà.

Trộn đều chân gà với tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị: Tắc, cóc non, sả, hành, tỏi, ớt….Xếp hỗn hợp này vào hũ thủy tinh, lưu ý xếp xen kẽ các nguyên liệu với nhau cho đều.

cách làm chân gà sả tắc

Sau đó đổ nước ngâm đã pha sẵn vào bình rồi mang bảo quản trong tủ lạnh. Ngâm khoảng 2 giờ là bạn có thể thưởng thức ngay.

cách làm chân gà sả tắc

Mỗi đợt làm chân gà sả tắc cóc non bạn có thể sử dụng trong vòng 3 -5 ngày. Cách làm như này quả thật rất đơn giản mà lại ngon miệng.

Cách làm chân gà ngâm sả tắc xoài xanh

Món chân gà ngâm sả tắc xoài xanh hay ngâm xoài non cũng tương tự như những cách làm trên. Tuy nhiên xoài cũng là nguyên liệu dễ ăn, đặc biệt là khi ngâm với hỗn hợp nước ngâm. Khi ăn chân gà kèm xoài cũng là cách giảm đi độ ngán của chân gà, kích thích vị giác hơn.

Nguyên liệu

  • Chân gà: 10-15 chiếc
  • Xoài xanh: 01 quả
  • Cà rốt: 01 củ
  • Quất, sả, ớt tươi, ớt khô, gừng tỏi
  • Đường, nước mắm, muối, giấm

Nguyên liệu 3 bạn nữ ăn, nhưng theo mình là không đủ :D. các bạn tùy thuộc vào số lượng người ăn, tránh làm nhiều quá để lâu hỏng mất vị ngon cũng như ăn không tốt cho sức khỏe.

Thực hiện

Bước 1: Sơ chế chân gà

Chân gà mua về các bạn đem rửa sạch với nước nóng hoặc nước ấm, bỏ móng, chặt làm đôi. Sau đó luộc cùng một chút giấm, gừng dập nhỏ để khử mùi hôi của chân gà.

Luộc chân gà được, các bạn thả luôn  vào thau nước đá khoảng 10 phút. Vớt ra để ráo rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để cho chân gà dai, giòn hơn.

Bước 2: Sơ chế xoài xanh

Đối với xoài, các bạn có thể để cả vỏ nếu xoài xanh không phải xoài chín hoặc có thể gọt vỏ cũng được tùy các bạn. Xoài đem rửa sạch, thái miếng vừa ăn.

chân gà ngâm sả tắc xoài
Sơ chế xoài xanh

Bước 3: Sơ chế quất (tắc)

Tắc đem sửa thật sạch với nước sau đó ngâm với nước muối trong khoảng 15 phút rồi thái khoanh.

Bước 4: Sơ chế nguyên liệu khác

Đối với cà rốt thì các bạn rửa sạch, gọt vỏ, thái miếng, có thể tỉa hình hoa hòe, hoa sói đều được.  Sả, gừng, ớt tươi thái lát mỏng, tỏi băm nhuyễn.

Bước 5: Làm nước ngâm chân gà

Món chân gà ngâm sả tắc xoài có ngon hay không phụ thuộc hầu như vào cách làm nước ngâm này. Nhưng yên tâm với công thức sau: Pha 4 muỗng canh nước mắm, 40gr giấm gạo, 2 tép tỏi, 2 quả ớt, 1 muỗng canh ớt bột trộn đều cho đến khi đường tan.

chân gà ngâm sả tắc xoài
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Bước 6: Ngâm chân gà

Chuẩn bị một hộp đừng chân gà, có lắp đậy hoặc sử dụng lọ thủy tinh cho đảm bảo.  Các bạn cho hỗn hợp nước ngâm cùng chân gà, xoài, sả, gừng, cà rốt, quất vào ngâm (các bạn có thể sắp xếp một lớp chân gà rồi một lớp nguyên liệu khác). Sau đó để ngăn mát tủ lạnh khoảng 1-1.5 ngày là có thể lấy ra thưởng thức rồi.

chân gà ngâm sả tắc xoài
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Còn nước chấm thì các bạn có thể tham khảo bên dưới cho cách làm chân gà ngâm sả tắc xoài này.

Cách làm chân gà rút xương ngâm sả tắc

Đối với cách làm chân gà rút xương ngâm sả tắc thì cách làm tương tự như mấy cách trên. Riêng cá nhân mình thích những món chân gà rút xương, đỡ phải nhằn xương gà, chứ thế là chén hết phần da với gân gà mà chẳng gặp trở ngại gì. Ở cách làm này, lâu nhất và tỉ mỉ công đoạn rút xương chân gà thôi mọi người ạ. Sau đây sẽ là hướng dẫn làm chân gà rút xương ngâm sả tắc tỉ mỉ nhất.

Nguyên liệu

  • Chân gà: 500gr (Có thể mua chân gà rút xương sẵn hoặc tự rút tại nhà)
  • Quất: 10 quả
  • Sả: 3 củ
  • Ớt tươi: 5 trái
  • Gừng: 1 củ
  • Gia vị: Đường, nước mắm, giấm, muối, nước lọc

Thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

cách làm chân gà rút xương ngâm sả tắc

  • Chân gà: Rửa sạch với nước muối ấm, cắt bỏ.
  • Gừng cạo vỏ, đập dập nhỏ
  • Quất các bạn rửa sạch cắt lát hoặc để nguyên tép tùy thuộc sở thích.
  • Sả ớt rửa sạch, sả cắt khoanh hoặc tước sợi dài 3-4 cm, ớt tươi thái lát mỏng.

Bước 2: Luộc chân gà

  • Chân gà luộc khoảng 10-15p cùng với gừng đập dập. Không luộc quá lâu vì chân gà dễ nát.
  • Khi chân gà được, các bạn vớt ra ngâm chân gà trong nước đá lạnh khoảng 10 phút. Để ráo để rút xương.

Bước 3: Rút xương chân gà

– Các bạn dùng dao khía từng ngón chân và phân chân, dùng kéo bẻ các khớp xương và lấy ra.– Phần xương dài dùng dao rạch 1 đường dài và dùng tay róc phần da xung quanh và tuốt ngược lên đến phần khớp thì bẻ xương bỏ ra.– Làm lần lượt cho đến hết.

cách làm chân gà rút xương ngâm sả tắcLưu ý: Mỗi lần làm lấy ra vài chân rút xương rồi cho vào lại ngăn mát, để ngoài lâu sẽ không ngon, làm lần lượt cho đến hết.

Bước 4: Làm nước ngâm

Các bạn sử dụng khoảng 500ml nước, 3 muỗng đường, 3 muỗng nước giấm, 3 muỗng nước mắm vào nồi rồi đun sôi. Sau đó để nguội hẳn rồi cho thêm sả ớt, quất vào.

Bước 5: Ngâm chân gà

  • Xếp chân gà rút xương ngâm sả tắc vào một lọ thủy tinh sạch
  • Đổ nước ngâm đã nguội hẳn vào lọ sao cho ngập hết chân gà cùng với các nguyên liệu khác.
  • Ngâm chân gà rút xương ít nhất trong 4 tiếng rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
  • Bạn chỉ cần ngâm trong thời gian khoảng 1 ngày là có thể ăn ngon rồi.

Lưu ý: Khi ăn các bạn cũng có thể trộn thêm: nộm dưa chuôt, cà rốt ăn kèm cho món ăn thêm hấp dẫn. 

Bạn thấy đó, cách làm chân gà rút xương ngâm sả tắc không khó khăn một chút nào cả. Chỉ cần làm theo hướng dẫn này, nhất định sẽ thành công trong lần làm đầu tiên.

Thành phẩm món chân gà rút xương ngâm sả tắc

cách làm chân gà rút xương ngâm sả tắc

Yêu cầu chung món chân gà ngâm sả tắc

Món chân gà sả tắc khi thành phẩm phải có được độ dai, giòn nhất định. Các hương vị đặc trưng của sả, vị cay của gừng, tỏi và ớt phải hòa quyện với nhau, không vị nào át hết đi vị nào.

cách làm chân gà rút xương ngâm sả tắc

Nước ngâm của chân gà không bị đóng váng, nhớt. Chân gà không bị thâm, khô hay đắng.

Khắc phục chân gà sả tắc bị hỏng khi làm

Trong quá trình làm chân gà sả tắc nhiều khi chúng ta vẫn mắc một số lỗi nhất định, khiến món ăn không đạt chuẩn. Do đó, để giúp các bạn làm món này đúng chuẩn vị, dưới đây sẽ là một số lỗi cơ bản và cách khắc phục hiệu quả.

Đóng váng và nhớt trên bề mặt

Một lỗi cơ bản mà nhiều người làm mắc phải khiến cho món chân gà bị đóng váng ở trên. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta hãy để cho chân gà thật khô sau khi vớt ra từ nước đá rồi mới cho vào tủ lạnh.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các hộp nhựa với thành phần không đảm bảo cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đóng váng và nhớt của hộp chân gà. Nó không liên quan đến các bước tiến hành trong cách làm chân gà sả tắc của bạn. Do đó, bạn hãy chọn những hũ thủy tinh có nguồn gốc an toàn và đảm bảo vệ sinh để ngâm chân gà.

Chân gà bị thâm

Trong quá trình ngâm, chân gà có thể bị nổi lên trên bề mặt nước ngâm nếu như chúng ta không sử dụng các vỉ nén. Phần nhô lên sẽ bị thâm đen do không có nước bao bọc.Vì vậy, hãy kiểm tra thật kĩ và dùng vỉ nén để khắc phục tình trạng này.

Để chân gà được trắng hơn, khi luộc bạn cũng có thể cho nửa quả chanh vào. Axit trong chanh sẽ là chất tẩy nhẹ giúp làm sạch các mảng bám và mang lại độ trắng mềm cho chân gà.

Chân gà bị khô, không thấm đều gia vị

Việc chân gà không thấm đều gia vị là do bạn chưa thục hiện đúng bước sắp xếp xen kẽ đều các loại gia vị cùng với chân gà theo hướng dẫn. Hãy cẩn thận sắp xếp để món chân gà của bạn ngấm đều gia vị hơn nữa nhé.

Chân gà bị đắng

Nguyên nhân của việc món chân gà sả tắc bị đắng là do khi trộn nước ngâm vào chân gà, bạn chưa thật sự để nguội phần nước ngâm. Vỏ tắc và nước nóng gặp nhau sẽ tạo ra vị đắng, khiến món chân gà của bạn mất điểm về hương vị. Vậy nên hãy để nước ngâm thật nguội rồi mới được sử dụng.

Những lưu ý khi làm chân gà sả tắc

Món chân gà sả tắc có cách làm không khó nhưng để có được món chân gà tuyệt vời nhất, bạn hãy nhớ một vài những lưu ý sau:

Lưu ý về việc lựa chọn nguyên liệu

Nguyên liệu có quyết định rất lớn đến chất lượng món chân gà sả tắc. Vì thế, các bạn cần lưu ý trong cách chọn một số nguyên liệu sau đây:

Chân gà

Để đảm bảo thì bạn hãy lựa mua chân gà tại các siêu thị vì chân gà ở đây đã được kiểm duyệt về chất lượng và nguồn gốc. Nếu không bạn cần phải mua ở những cơ sở có uy tín. Không nên ham rẻ mua chân gà tại các địa điểm không rõ ràng.

Chân gà công nghiệp là một lựa chọn tốt cho món chân gà sả tắc. Loại gà này chân to, có nhiều thịt và gân lại giòn.

Ngoài chân gà nguyên xương thì bạn cũng có thể lựa chọn chân gà rút xương cho món ngon của mình.

Tắc (quất)

Nhiều người sợ quất xanh có vỏ chứa nhiều dầu là nguyên nhân khiến cho món chân gà bị đắng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề nếu như bạn làm đúng bước để nguội nước ngâm trong hướng dẫn cách làm chân gà sả tắc.

Không nên chọn những quả quá chín hoặc quá xanh. Quả quá chín thì vị của nó có thể khiến món chân gà không chua mềm. Còn quả quá xanh thì không có nước và khả năng bị đắng là rất cao.

Lưu ý bỏ hết hạt quất trồi ra ngoài và đặc biệt là những hạt đã bị dao cắt phạm phải.

Gừng, tỏi

Việc chọn gừng, tỏi như nào cũng là vấn đề nhiều người quan tâm. Nếu chọn loại to thì bạn có thể xử lí một cách dễ dàng và món ăn cũng có một phần đẹp mắt. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn là hãy chọn loại gừng ta, tỏi ta. Những loại này tuy nhỏ nhưng lại có hương vị đặc trưng hơn. Nó sẽ giúp cho món chân gà của bạn với bất kì cách làm nào thêm phần đậm đà.

Lưu ý trong các bước tiến hành

  • Khi luộc chân gà, đảm bảo là chân gà đã ngập hoàn toàn trong nước sôi. Như vậy, chân gà sẽ không bị khô và rút. Không đậy vung nồi nước luộc chân gà. Nếu chân gà khi luộc xuất hiện các lớp bọt mỏng hoặc mỡ, hãy dùng muôi loại bỏ chúng.
  • Sau khi luộc chân gà và ngâm với nước đá, hãy để chân gà thật nguội rồi mới cho vào tủ lạnh.
  • Để nước ngâm thật nguội trước khi ngâm chân gà với các gia vị như tắc, sả, ớt, gừng…
  • Vệ sinh thật sạch sẽ và khô ráo hũ thủy tinh. Không được để dính các tạp chất như bơ, mỡ,…
  • Dùng vỉ ngâm để đảm bảo chân gà ngập hoàn toàn trong nước ngâm.

Lưu ý trong bảo quản và sử dụng

Chân gà sả tắc sau khi ngâm có thể dùng trong 4 – 5 ngày với điều kiện bảo quản ở nhiệt độ mát trong tủ lạnh.

Không nên kéo dài quá lâu thời hạn sử dụng của món chân gà sả tắc vì khi để lâu, các axit trong bình ngâm sẽ lên men, gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của chúng ta.

Nước chấm chân gà ngâm sả tắc

Để có thể thưởng thức món chân gà ngâm sả tắc một cách hoàn hảo nhất, bạn cần lựa chọn loại nước chấm theo sở thích của gia đình mình. Mỗi một loại nước chấm sẽ mang lại cho món chân gà thêm một tầng hương vị khác nhau.

Dùng bột canh

Pha bột canh (có thể dùng bột canh mì tôm cho đậm đà), một chút ớt thái lát và vắt chanh hoặc quất. Nước chấm sền sệt và có vị chua, cay, mặn vừa đủ.

Pha nước chấm

Vắt lấy nước 1 quả chanh hoặc 4 quả quất vào một bát nhỏ. Trộn thêm 2 thìa cà phê đường, ½ thìa sữa ông thọ, 5 thìa mắm. Băm nhỏ một chút ớt và tỏi trộn chung vào bát nước mắm. Lượng tỏi và ớt có thể nhiều hoặc ít phụ thuộc vào nhu cầu cũng như sở thích của các thành viên trong nhà.

Tương ớt

Sử dụng tương ớt kèm theo nước cốt canh, với lá chanh tươi thái sợi cũng là một trong những loại nước chấm ngon để chấm chân gà ngâm sả tắc này. Nguyên liệu đơn giản, dễ mua và pha chế cũng rất nhanh nữa.

Cách làm muối chấm chân gà sả tắc

Đây là một trong những cách làm được rất nhiều người tìm kiếm cũng như chia sẻ trên những nhóm nấu ăn nên mình sẽ hướng dẫn các bạn một công thức đặc biệt mình hay làm.

Nguyên liệu cần

  • Chanh tươi: 1 quả
  • Lá chanh: 5 lá (loại bánh tẻ)
  • Ớt tươi: 2 quả
  • Muối: 2 thìa cà phê
  • Hạt tiêu: 1/2 thìa cà phê
  • Mì chính (nếu bạn không thích ăn mì chính thì bỏ qua)

Các bước thực hiện

Bước 1. Quả chanh bạn rửa sạch, cạo lấy lớp vỏ để riêng sau đó vắt lấy nước cốt chanh. Lá chanh rửa và ớt rửa sạch sau đó cắt lát mỏng (lọc bỏ hạt bớt đi).

Bước 2: Các bạn cho muối ra bát, sau đó thêm nước cốt chanh, ớt tươi thái lát, lá chanh thái chỉ, hạt tiêu vào rồi đánh đều lên là có thể thưởng thức rồi.

muối chấm chân gà sả tắc
Đây cũng là loại nước chấm chân gà luộc vô cùng ngon

Làm muối chấm chân gà sả tắc này sẽ hòa quyện nhiều hương vị, chút chua chua, cay cay và mặn ngọn, ăn kèm với chân gà sả ớt vô cùng tuyệt vời.

cách làm muối chấm chân gà sả tắc

VIDEO cách làm chân gà ngâm sả tắc chuẩn

Để tăng hiệu quả trong việc tự làm chân gà ngâm tại nhà, mình có sưu tầm video làm chân gà ngâm sả tắc để các bạn tiện theo dõi nhé. Chúc các bạn thực hiện thành công!

Cách chọn chân gà ngâm chuẩn

Trong những bài hướng dẫn về món ngon từ chân gà mình đều nêu cách chọn chân gà tươi ngon nhất bởi nếu có chân gà ngon thì thành phẩm mới ngon được. Các bạn cần quan tâm những loại chân gà tươi, nhiều thịt và đảm bảo chất lượng. Ngoài cách tìm mua chân gà ở những cơ sở uy tín, bạn cũng có thể nhận diện chân gà không an toàn bằng cách quan sát kỹ bằng mắt thường như sau:

– Dùng tay bóp nhẹ vào chân gà, nếu chân gà bơm nước sẽ trở lên mềm nhũn, các phần đầu ngón chân trở lên căng phồng ra. Cứ tiếp tục ấn nhẹ, chân gà không được chắc nịch mà trở nên khá mềm, sờ vào thấy bùng nhùng ở tay giống như một chiếc túi.

– Màu sắc ở chân gà: Nếu nguyên liệu có màu trắng hồng tự nhiên; không xuất hiện sắc lạ như đốm đỏ, xanh, vàng và sờ không bị nhớt thì có thể lựa chọn.

– Chân gà tươi, sạch là chân gà không có bất cứ mùi lạ và mùi khó chịu nào, ngửi mùi chân gà không thấy có mùi khó chịu hoặc mùi ôi thiu tức là chân gà ngon mà bạn có thể chọn.

– Chân gà nguyên chất thường có 4 ngón cong, xu hướng gập vào trong, chỉ khi nắm hay bóp mạnh mới chịu phồng thịt ra. Trái lại, chân gà bơm đẫy nước các móng có dấu hiệu căng, ngón tách nhau khá rõ rệt.

Nhiều người nghĩ rằng chân gà công nghiệp không tốt bằng chân gà ta. Thực tế không phải như vậy, theo nghiên cứu cho thấy chân gà công nghiệp có chứa nhiều chất béo và Protein hơn chân gà ta. Nhưng chân gà ta lại nhiều Ca (canxi) hơn chân gà công nghiệp. Nếu các bạn làm chân gà ngâm thì nên chọn chân gà công nghiệp vì chân gà nhiều da, gân hơn chân gà ta, ăn sẽ đã hơn nhiều.

Lời kết

Mỗi một cách làm chân gà ngâm sả tắc lại có những nguyên liệu đặc trưng khác nhau. Tuy nhiên, cách làm thì không đến mức quá khó dành cho bạn. Do đó, hãy tận hưởng những chiếc chân gà đậm đà hương vị, lại giòn ngon tươi mát mỗi cuối tuần với cả gia đình bạn nhé.

Từ khóa » Chan Ga Xoai Tac