Cách Làm Tắc Ngâm đường Ngon, ít đắng, để được Lâu - Yêu Trẻ

Tắc ngâm đường
Tắc ngâm đường được làm và dùng khá phổ biến hiện nay. Ảnh Internet 

1. Cách làm tắc ngâm đường nguyên quả

Cách làm tắc ngâm đường nguyên quả được xem như một biến tấu của tắc hay chanh muối. Mặc dù muối tắc cũng để được lâu nhưng nhiều người cho rằng không ngon được như chanh muối hoặc ngâm tắc với đường. Có lẽ chính vì điều này, tắc ngâm đường hoặc ngâm muối đường được áp dụng phổ biến hơn. Với cách ngâm này, bạn nên chọn tắc vừa không quá chín vàng. Theo một số kinh nghiệm, tắc chín vàng ngâm nguyên quả dễ bị mềm hơn loại vừa hoặc vẫn còn hơi xanh.  

1.1. Nguyên liệu

  • 1kg tắc (quất/ hạnh) ngon
  • 400g đường cát
  • 800ml - 1 lít nước
  • Hũ thủy tinh có nắp để ngâm tắc 
Tắc tươi
Chọn tắc ngon, tươi để ngâm tắc ngon lâu hư. Ảnh Internet 

1.2. Cách làm tắc ngâm đường

  • Mang tắc đi phơi nắng cho đến khi tắc hơi héo.
  • Trong khi chờ tắc héo, pha đường với nước mang đi nấu sôi, để nguội.
  • Tắc héo bớt, cắt cuống, rửa sạch với nước muối hột pha loãng, để thật ráo.
  • Cho tắc vào hũ và đổ nước đường vào sao cho nước đường ngập tắc. Dùng phên tre hoặc túi nước cho vào hũ đè tắc xuống để tắc không bị nổi lên.
  • Mang hũ tắc đi phơi khoảng 3 nắng. Sau đó để hũ tắc nơi thoáng mát, khoảng vài tuần đến 1 tháng là có thể lấy ra dùng. Tùy theo tắc bạn chọn to hay nhỏ hoặc xanh hay chín.  
  • Tắc ngâm đường nguyên quả có thể dùng để trị ho như tắc chưng đường phèn, trị đau cổ, rát họng. Bạn cũng có thể dùng tắc này để pha nước giải khát những khi cần giải nhiệt, hoặc làm trà tắc mật ong  dùng ấm cũng khá ngon. 
Cách làm tắc ngâm đường nguyên quả
Cách làm tắc ngâm đường nguyên quả. Ảnh Internet

2. Cách ngâm tắc đường phèn

Cách ngâm tắc đường phèn cho vị ngọt thanh hơn so với đường cát trắng thông thường. Tuy nhiên, khi ngâm với đường phèn, thời gian để tắc ngấm thấu sẽ lâu hơn đường cát. Nếu dùng đường cát, sau phơi nắng là ta có thể dùng ngay, ngâm đường phèn thì cần đợi khoảng 1 tuần để đường tan cũng như tắc đủ thấm. Trong cách làm này chúng ta nên chọn tắc chín vàng, như vậy vỏ sẽ bớt the đắng hơn so với tắc còn xanh. 

2.1. Nguyên liệu

  • 400g tắc
  • 300g đường phèn
  • 2 thìa canh muối hột
  • Hũ để ngâm tắc 
Nguyên liệu làm tắc ngâm đường phèn
Nguyên liệu làm tắc ngâm đường phèn. Ảnh Internet 

2.2. Cách làm

  • Cho tắc vào thau, thêm muối hột và nước ngâm tắc 30-45 phút.
  • Vớt tắc ra, để cho thật ráo nước.
  • Cắt tắc ra làm đôi, vắt nước tắc. Lược nước tắc bỏ hạt. Phần vỏ tắc cắt sợi. Phần đường phèn bạn giã cho nhỏ bớt. Hoặc, bạn có thể dùng đường phèn hạt to để ngâm, rất tiện. 
Ngâm và cắt tắc
Ngâm tắc và cắt vỏ tắc. Ảnh Internet 
  • Cho tắc vào hũ với lớp tắc lớp đường cho đến khi gần đầy hũ. Đổ nước tắc đã vắt vào hũ. Đậy nắp, để hũ tắc nơi thoáng mát khoảng người ngày đường ngấm là có thể lấy ra dùng. 
Cách làm tắc ngâm đường phèn
Cách làm tắc ngâm đường phèn. Ảnh Internet 

3. Cách làm tắc ngâm đường thái sợi nhỏ

Giống như cách làm tắc xí muội, tắc ngâm đường dạng sợi thái nhỏ được ưa chuộng nhất. Vì, thái nhỏ ngâm tắc nhanh ngấm đường hơn và thời gian giảm độ đắng của vỏ tắc cũng ngắn hơn.

3.1. Nguyên liệu

  • 900g tắc
  • 900g đường
  • 1 thìa canh muối
  • 1 hũ thủy tinh có nắp 
Tắc chín và đường
Dùng tắc chín để ngâm sẽ cho màu đẹp. Ảnh Internet 

3.2. Cách làm

  • Hũ thủy tinh rửa sạch, luộc qua nước sôi để khô ráo. Bạn có thể phơi nắng cho hũ thật khô.
  • Tắc cắt cuống rửa sạch, để ráo. Sau đó, cắt tắc làm đôi, vắt nước. Phần nước nước lược hột. Phần vỏ tắc cắt sợi.
  • Cho đường, muối cùng nước tắc vào phần vỏ tắc đã cắt đảo đều. Để khoảng vài tiếng cho phần đường tan hết. 
Sơ chế tắc
Sơ chế tắc. Ảnh Internet 
  • Đổ tắc ra mâm sâu mang đi phơi nắng khoảng 3 nắng. Sau 3 nắng tắc vàng và nước tắc trong rất ngon. Lúc này có thể dùng tắc được rồi. Nếu muốn ngon hơn, bạn hãy để lâu hơn vài ngày rồi dùng.
  • Cho tắc vào hũ thủy tinh, đậy nắp kín, để nơi thoáng mát, dùng dần. 
Phơi tắc và pha nước
Phơi nắng khoảng 3 ngày, tắc ngấm ngon và có màu đẹp, dùng pha nước rất thơm. Ảnh Internet 

4. Cách làm tắc ngâm đường phèn mật ong

Tắc ngâm đường phèn mật ong là bài thuốc trị ho, cảm, thông họng được dùng khá phổ biến. Vào mùa lạnh, tắc ngâm đường phèn mật ong rất được ưa chuộng, dùng pha nước uống khi còn ấm để góp phần tăng đề kháng. Tuy nhiên, mùa hè hay ngày nóng, dùng tắc này pha nước làm nước giải khát cũng rất tuyệt vời.

Tắc ngâm đường phèn với mật ong có nhiều cách làm. Bạn có thể sơ chế sạch tắc, thái sợi rồi cho vào hũ cùng đường phèn xen kẽ tắc, thêm nước tắc cùng mật ong ngâm đến khi tan hết là có thể dùng. Tuy nhiên, cách làm này nếu không kỹ, tắc rất dễ bị nổi váng và mau hư. Để dùng được lâu hơn, bạn có thể làm theo cách dưới đây nhé.

banner ads

4.1. Nguyên liệu

  • 1kg tắc
  • 1kg đường phèn
  • 200ml mật ong
  • 1 thìa canh muối hột 
Tắc đường phèn mật ong
Nguyên liệu làm tắc ngâm đường phèn mật ong. Ảnh Internet 

4.2. Cách làm

  • Ngâm tắc với nước muối hột pha loãng khoảng 20-30 phút.
  • Sau khi ngâm vớt tắc ra để ráo. Cắt cuống tắc, cắt đôi quả, vắt lấy nước. Lược hột tắc. Phần vỏ cắt sợi. 
Ngâm tắc với nước muối pha loãng
Bạn ngâm tắc với nước muối hột pha loãng để tắc thật sạch, làm tắc lâu hư. Ảnh Internet 
  • Nấu đường phèn cho tan, cho phần vỏ tắc vào nấu sôi thì cho nước tắc. Giảm lửa, tiếp tục nấu cho sôi, giảm nhỏ lửa. Trong quá trình nấu, thường xuyên hớt bọt.
  • Khi tắc sánh lại, cho mật ong, tắc vừa sôi tắt bếp để nguội.
  • Cho tắc vào hũ thủy tinh, đậy nắp kín để nơi thoáng mát, dùng dần. 
Cách làm tắc ngâm đường phèn mật ong
Cho mật ong vào khi tắc đã sánh như ý. Ảnh Internet 

5. Mẹo hay làm tắc ngâm đường để được lâu

Dù làm tắc ngâm đường theo cách nào, có 3 bí quyết nhỏ nhất định bạn cần dùng đến:

  • Ngâm tắc với nước muối hột pha loãng : Bạn luôn nên ngâm tắc với nước muối hột pha loãng khoảng 15-30 phút trước khi vắt và cắt vỏ tắc. Muối hột vừa giúp làm sạch tắc, an toàn, góp phần giữ tắc lâu hư. Nước muối này cũng góp phần giúp vỏ tắc giảm đắng. Bên cạnh đó, muối hột thấm vào vỏ tắc cũng không bị mặn như muối thường. Đây là kinh nghiệm hay được những chị em thường ngâm tắc ngon chia sẻ. Bạn nhớ áp dụng nhé. 
Muối hột
Muối hột làm sạch, giảm đắng và góp phần giữ tắc lâu hư. Ảnh Internet 
  • Dùng hũ thủy tinh, khử trùng kỹ để đựng tắc : Mặc dù dùng hũ nhựa là lựa chọn cũng khá phổ biến nhưng bạn được khuyên nên chọn hũ thủy tinh có nắp là tốt nhất. Chúng ta có thể dùng hũ nhựa nếu như phơi tắc bằng đồ đựng khác. Đồ nhựa phơi nắng không tốt. Hũ đựng tắc phải được khử trùng kỹ lưỡng bằng cách rửa thật sạch, luộc qua rồi để thật khô ráo. Bạn có thể phơi nắng sau khi luộc để hũ khô hoàn toàn. 
Hũ thủy tinh
Dùng hũ thủy tinh để đựng tắc. Ảnh Internet
  • Mang tắc đi phơi nắng : Thời gian phơi tắc dưới nắng khoảng 2-3 ngày. Bạn không nên phơi nắng lâu. Phơi nắng giúp tắc lên màu đẹp, giảm đắng và giữ được lâu hơn.

Một lưu ý nhỏ dành cho bạn nếu phơi tắc không được nắng hoặc bạn làm tắc trúng vào ngày có nắng yếu, hãy sên tắc như mứt. Cách này sẽ giúp giữ tắc được lâu và không bị đen. 

Bạn thấy đấy, cách làm tắc ngâm đường cũng khá dễ phải không nào. Chúng ta cũng rất thường hay dùng vì nhiều lợi ích khác nhau. Vì thế, bạn hãy làm một hũ tắc để sẵn trong nhà khi cần thì luôn có. Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn hy vọng bạn có thể thử các cách như trên để có tắc ngon, bảo quản được lâu. Nếu có thêm bí quyết khác, bạn đừng ngần ngại chia sẻ cho mọi và và Yeutre.vn, để chúng ta có thêm kinh nghiệm phong phú hơn cho bài thuốc, thức uống cực thông dụng này nữa nhé.

Cát Lâm tổng hợp

Từ khóa » Tắc Làm Gì