Cách Ngồi Thiền Tại Nhà đúng Pháp

Nhiều người tìm hiểu về Thiền, thích ngồi Thiền, nhưng chẳng biết cách ngồi Thiền đúng là như thế nào. Đa phần cứ tưởng xếp bằng hai chân, nhắm mắt nghĩa là ngồi thiền! Vậy nên sau vài tuần tập thiền, có đến hơn 99% số người bỏ cuộc.

Nguyên lai là bởi họ chẳng nắm được mục đích và cách ngồi Thiền. Vì không nắm được những điều căn bản nên hễ xếp chân vài phút là tê cứng rồi đau nhức. Thêm ít phút nữa thì lưng mỏi rồi ngả nghiêng, xiêu bên này vẹo bên kia. Thêm ít phút nữa thì tâm khởi vọng niệm tán loạn, hôn trầm theo đó đến ngay lập tức.

Có người ngồi thiền lâu năm, thấy thân mình hoặc rung lắc, hoặc trên đầu, cổ rần rần như có con gì bò; hoặc cảm giác như trên thân mình nháy chỗ này, giật chỗ kia…lại lầm lạc cho rằng mình nhập định hay đắc được cái gì đó mà chẳng biết rằng: Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, sểnh một chút là tẩu hỏa nhập ma như chơi!

  • Cách phòng tránh tẩu hỏa nhập Ma khi thiền.
  • Bốn cảnh giới của Thiền Định.
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Niệm Phật Tông Yếu.
  • Dấu hiệu người đắc quả Tu đà Hoàn.
  • Cách giúp những người bị Ma nhập.
  • Các cảnh giới trên bước đường học Phật.
Cách ngồi Thiền đúng pháp
Cách ngồi Thiền đúng pháp

 Cách Ngồi Thiền Đúng Pháp

Ngồi Thiền hay Tọa Thiền là một phương pháp rất thông dụng, chẳng những trong đạo Phật mà ở ngoại đạo cũng vẫn có từ xưa. Ngồi thiền tức là ngồi để tham cứu một vấn đề gì. Thế nên, Ngồi thiền không phải là một phương pháp chứng quả thành đạo, mà là một trong vô lượng phương tiện giúp cho thân được an, để cho tâm không loạn và được chánh niệm chánh quán. Ngoại đạo chỉ chú trọng nơi thân mà không để ý đến tâm, trong khi thật ra, tâm mới là phần chánh, đáng chú trọng hơn cả. Cách ngồi Thiền có ba bước quan trọng:

Cách ngồi Thiền đúng: 1. Điều Thân

Thân lúc nào cũng làm duyên trợ cho tâm. Thế nên, nếu thân có những cử động thô thiển, khí lực sôi nổi, và lẽ tất nhiên tâm ý sẽ phù động, do đó khó mà nhập định được. Cho nên, trước khi ngồi thiền, cần phải điều hòa thân. Vậy phải điều hòa thân bằng cách nào?

Phải điều dưỡng sự ăn uống

Sự ăn uống đối với thân rất hệ trọng, vì bệnh thường phát sanh do nơi sự ăn uống. Có những thực vật hạp với cơ thể người này nhưng lại không thể hạp với người kia và trái lại. Dù sao, không nên dùng những thứ có dầu mỡ nhiều; tránh những chất hăng, kích thích thần kinh như cà phê đặc, rượu, trà đặc, thuốc hút v.v… chỉ nên dùng những món ăn sơ sài trong sạch. Trước giờ ngồi thiền, không nên ăn quá no mà chỉ ăn vừa đủ. Vì nếu ăn quá no sẽ làm mệt dạ dày, ngồi không yên ổn. Không ăn chiều, lẽ tất nhiên là thích hợp đặc biệt với việc ngồi thiền niệm Phật.

Y phục

Trước khi ngồi thiền, phải tắm rửa cho thân thể được sạch sẽ để tránh khỏi ngứa ngấm trong người. Sau đó, trời lạnh thì mặc áo ấm, trời nóng thì dùng y phục mỏng, rộng rãi và sạch sẽ. Đai lưng (lưng quần) lúc nào cũng phải nới rộng ra. Những điều trên đây giúp cho sự hô hấp dễ dàng và không bị lay chuyển bởi thời tiết.

Giữ thân cho được ngay thẳng và vững vàng

Nghĩa là làm thế nào mà khi quên nó, không nghiêng ngã hay lay động. Muốn được như vậy, chỉ có cách duy nhất là ngồi. Vì đi, đứng hay nằm không thể đạt được mục đích vừa nói trên. Nhưng nếu ngồi mà thòng hai chân xuống, thì khi quên, thân lại cũng không vững. Hơn nữa, lúc ở trong nhà, thất, có bàn, ghế, giường v.v… thì không nói chi; nhưng khi ra ngoài vườn tược, đồng ruộng hay đến núi rừng để tọa thiền, khó tìm ra chỗ ngồi có thể thòng chân xuống được dễ dàng. Thế nên, chỉ có cách rút chân xếp bằng lại, là giúp cho chúng ta ngồi ngay thẳng và vững vàng mà thôi.

Tư Thế ngồi Thiền đúng

Có hai tư thế ngồi thiền căn bản và vững chãi nhất, hành giả cần phải chọn lựa cho thích hợp với mình:

1. Tư thế ngồi Thiền Toàn già, còn gọi là Kiết già hay Kim Cang Tọa: Cách ngồi như sau: Gác bàn chân trái lên đùi bên phải, sau đó gác bàn chân mặt lên đùi bên trái, gót hai bàn chân đều phải sát vào bụng.

2. Tư thế ngồi thiền Bán già, có hai cách:

  • Hàng ma tọa: Gác bàn chân mặt lên đùi bên trái (như ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát).
  • Kiết tường tọa: Gác bàn chân trái lên đùi bên mặt (như ngài Phổ Hiền Bồ tát).

Trong hai tư thế ngồi thiền ở trên, khi ngồi phải tập cho đầu gối đồng sát xuống chiếu như nhau; hai mông cùng chịu đều như nhau thì mạch máu không bị cấn, chân không bị tê; cũng không nên dùng nệm quá dày. Một điều nên để ý, là thường lúc ban sơ, khi vừa ngồi kiết già hay nghe một chân nặng một chân nhẹ. Để sửa chữa khuyết điểm đó, chỉ có một cách là dùng hai tay chống xuống chỗ ngồi để nâng toàn thể thân lên và hạ bên chân hay mông nhẹ xuống trước, bên nặng xuống sau; đôi ba lần thì hai chân hoặc hai mông sẽ đều, không còn cảm tưởng nặng nhẹ nữa.

Tư thế ngồi thiền: 1. Tư thế của Tay

Hai bàn tay để ngửa, bàn tay mặt đặt lên trên bàn tay trái, vừa sát bụng và để nhẹ trên hai bàn chân; hai đầu ngón tay cái đâu lại (Tam muội ấn). Phương pháp để bàn tay như vậy, theo cổ đức nói, làm cho điện lực trong thân lưu thông đều đặn, không biến thoát ra ngoài, giúp cho tâm dễ an ổn.

Tư thế ngồi thiền: 2. Tư thế của Lưng

Tay chân đều đâu vào đó rồi, phải lay chuyển thân thể độ ba, bốn lần cho được ung dung và phải giữ xương sống ngay thẳng, chẳng khác nào một cây cột đối với cái nhà. Nếu cột xiêu thì nhà đổ vậy.

Tư thế ngồi thiền: 3. Tư thế của Đầu và cổ

Đầu và cổ cũng phải giữ cho ngay, nhưng không được ngước thẳng quá.

Mắt: Mắt hơi nhắm lại, để chỉ còn thấy tướng trắng hay sáng sáng bên ngoài thôi; đừng mở hẳn sẽ tán loạn; mà cũng đừng nhắm hẳn sẽ bị hôn trầm.

Miệng: Miệng phải ngậm lại, chót lưỡi để trên chân răng hàm trên. Răng phải để cho thong thả, đừng cắn cứng lại, nhờ đó hơi thở sẽ nhẹ nhàng.

Cách ngồi Thiền đúng: 2. Điều Tức

Điều Tức là điều hòa hơi thở. Khi thân đã nghiêm chỉnh rồi, bấy giờ hành giả mới bắt đầu thở ra nhẹ nhàng nhưng cho dài: Tâm nghĩ tất cả ô trược trong thân đều tựa theo không khí mà ra ngoài hết. Đến khi hít vô cũng phải nhẹ nhàng và cho dài: Nghĩ bao nhiêu điều thanh tịnh bên ngoài đều vào trong hết. Làm như vậy được hai ba lần hay đến năm bảy lần nếu cần, cho trong thân được khoan khoái. Sau đó phải giữ hơi thở nhẹ nhàng thong thả, suông êm, dài ngắn cho quân bình.

Nên để ý, khi điều hòa hơi thở, hành giả thường gặp hai lỗi sau:

1. Phong tướng: Tức là hơi thở ra hít vào, nghe có tiếng gió, do vì hơi thở quá mạnh.

2. Suyễn tướng: Tức là tuy thở ra vào không nghe tiếng nhưng lại gấp rút hoặc rít sáp không thông. Nếu khi ngồi tĩnh tọa mà thấy hai tướng trên đây, đó là triệu chứng tâm không được an định. Nếu khéo điều nhiếp, dùng sổ tức thở ra hít vào thong thả, ít lâu sẽ thuần thục, tự nhiên hơi thở sẽ điều hòa, huyết mạch được lưu thông, trong người sẽ được ung dung khoan khoái. Thế nên, điều hòa hơi thở là một công phu hệ trọng đối với phép tĩnh tọa

Cách ngồi Thiền: 3. Điều tâm

Trước khi tọa thiền, hành giả có phát tâm trước, hoặc sổ tức, hoặc quán bất tịnh, hoặc niệm Phật v.v… Nếu đã phát tâm niệm Phật, thì hành giả phải nghĩ ta bà ngũ trược, nhớp nhơ; là nguồn gốc của muôn ngàn thống khổ, nơi thân và hiện cảnh; phải làm thế nào thoát ly cho được, tức là phải yểm ly (chán nản) sanh tử nơi ta bà mà cầu sanh về Cực Lạc.

Hành giả nhớ ngay đến cảnh Cực Lạc thuần vui không khổ, có đủ thắng duyên, thắng cảnh. Những điều này trợ lực cho hành giả mau  thành Phật quả, quảng độ chúng sanh; đến Đức Phật A Di Đà tướng hảo quang minh, lúc nào cũng duỗi lòng từ tiếp dẫn chúng sanh về Lạc quốc.

Lúc bấy giờ, hành giả khởi niệm câu dài: “Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật”; rồi lần lần thâu ngắn lại còn sáu chữ “A Di Đà Phật”. Lúc đầu niệm lớn, sau niệm thầm để nhiếp tâm cho an trụ vào đó. Khi niệm ra tiếng hoặc thầm, đều cần thiết là phải niệm cho tiếng nổi rõ trong tâm chậm rãi; tâm ý nghe rõ, nhận rõ từng tiếng từng chữ, tức là “Quán trí hiện tiền”. Nếu không, tâm sẽ tạp niệm (tán loạn), hay ngủ gục (hôn trầm).

Cách đối trị tâm hôn trầm tán loạn

Nếu tán loạn, không rõ, lơ là hay khi hôn trầm muốn đến, hành giả phải cử tâm ngay bằng cách chú ý đến câu niệm Phật. Có khi hành giả cố gắng kiềm tâm, nhưng tâm vẫn chạy; và nếu tâm chạy mãi, thì có cách phải niệm Phật và nghĩ ở đầu hai ngón tay cái, đầu hai ngón chân cái; hoặc nghĩ ở nơi cái rún mà niệm. Làm như vậy, thần kinh hệ sẽ hạ xuống, tức cái tâm sẽ hạ xuống mà bớt tán loạn.

Còn nếu bị hôn trầm thì phải nghĩ ở đỉnh đầu hay ở trán mà niệm thì sẽ hết, vì ý chí phấn khởi. Hoặc hành giả có thể niệm theo phương pháp “Thập niệm ký số”: Khi niệm Phật, phải ghi nhớ rành rẽ từ một đến mười câu; hết mười câu liền trở lại một, cứ như thế xoay vần mãi. Nhưng phải niệm trong vòng mười câu mà thôi, không được hai mươi hoặc ba mươi câu; lại không nên lần chuỗi vì dùng tâm ghi nhớ. Có thể phân làm hai đoạn từ một đến năm, từ sáu đến mười. Hoặc còn thấy kém sức lại chia ra làm ba hơi: Từ một đến ba, bốn đến sáu, bảy đến mười.

Cần để ý: Niệm nhớ và nghe phải rõ ràng, vọng niệm mới không xen vào được. Dùng phép này lâu sẽ được nhất tâm. Điều tâm là pháp môn tu chủ chánh. Nếu có sự biến chuyển nơi thân, không nên để ý đến, mà phải chuyên gìn chánh niệm.

Cách ngồi Thiền: 4. Xả Thiền

Khi xả thiền, hành giả làm ngược lại tất cả. Nghĩa là trước hết phải xả nơi tâm, kế xả nơi tức và sau cùng là xả thân.

  1. Xả tâm: Hành giả phải nhớ lại, coi hiện giờ mình ngồi chỗ nào, nãy giờ mình làm gì. Nhớ coi mình có bị tán loạn hay hôn trầm không? Và dù có hay không, cũng vẫn hồi hướng công đức về Tây Phương để trang nghiêm Tịnh độ.
  2. Xả tức: Sau khi xả tâm xong, hành giả mở miệng thở ra vài hơi thật dài. Mục đích để cho khí nóng trong người giảm bớt, và để hồi phục lại trạng thái bình thường như trước khi tĩnh tọa.
  3. Xả thân: Tâm, tức đều xả xong, lúc bấy giờ hành giả se sẽ giao động nơi lưng và cổ. Khi mạch lạc chạy đều, từ từ duỗi hai tay ra; lấy hai bàn tay xoa nhè nhẹ với nhau, rồi xoa lên mắt, kế từ từ mở mắt. Sau đó, uốn lưỡi một vài lần và nuốt chút nước miếng. Tay và mắt xả xong, đến lượt hai chân. Trước hết phải lấy tay xoa hai bắp vế, rồi tháo lần lần hai chân ra; thoa hai bắp chuối và hai bàn chân. Khi nghe hai chân nóng hết rồi, hành giả chuyển động nhè nhẹ toàn thân rồi đứng dậy, đi tới đi lui.

Những điều cần biết để Ngồi thiền có kết quả

Hôn trầm, ngủ nghỉ là một chướng trong việc tu thiền, thế nên, nơi thân phải bớt ngủ nghỉ. Phật dạy đầu hôm cuối đêm thì tham thiền, nửa đêm thì tụng kinh để tự tiêu tức; nhưng nếu mình không kham nổi thì nên bớt sự ngủ nghỉ. Ban đêm thì chỉ nghỉ ba canh, từ 11 giờ đến 04 giờ sáng thôi, đó là lời dặn dò của cổ đức vậy. Còn nơi tâm thì phải có sự điều nhiếp theo hai cách dưới đây: 1. Không niệm tham dục. 2. Không niệm sân hận.

Nếu thực hành hai cách này mà không đắc lợi trên đường chánh định, hành giả phải kiểm điểm lại nơi tâm coi sanh tội lỗi chi không. Hằng ngày phải nói lời dịu dàng, hòa nhã cho tâm lóng xuống. Đối với người và vật, giữ cho tâm mát mẻ và luôn luôn nhẹ nhàng.

Ngoài giờ tĩnh tọa, phải giữ câu niệm Phật không rời tâm. Tâm tương ứng với chánh định thì phát ra khinh an, trong thân sẽ thấy khoan khoái. Thân tâm hiệp nhất, thân cảnh không hai. Lúc bấy giờ, hành giả ở trong định vắng lặng sẽ thấy thân tướng Phật, nghe Phật thuyết pháp và những cảnh giới nhiệm mầu không sao kể xiết… Đó là tướng niệm Phật thiện căn phát hiện do công phu tọa thiền niệm Phật mà thành công vậy.

( Cách ngồi thiền tại nhà đúng Pháp – Theo Trí Tịnh Toàn Tập )

Tuệ Tâm 2021.

5/5 - (6 bình chọn)
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Cách Thiền Tại Nhà