Cách Nhận Biết Tình Trạng đau đầu Hậu Covid - VnExpress Sức Khỏe

Nghiên cứu đa quốc gia ở hơn 3.760 người kéo dài 7 tháng đăng trên tạp chí y khoa The Lancet năm 2021 cho thấy, có hơn 78% bệnh người bệnh gặp tình trạng đau đầu sau khi khỏi Covid-19.

PGS.TS.Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, để phân biệt đau đầu hậu Covid với những cơn đau đầu thông thường là điều không dễ. Tuy nhiên, người bệnh cần biết các dấu hiệu cảnh báo tình trạng đau đầu nguy hiểm (ví dụ như: đau đầu dữ dội kèm theo buồn nôn, nôn, sốt, tê yếu tay chân, nói khó...) hoặc những dạng đau đầu dai dẳng bất thường để đến các cơ sở khám chữa bệnh kịp thời.

Phó giáo sư Liệu chia sẻ thêm, đau đầu có hoặc không liên quan hậu Covid đều có chung đặc điểm là biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau, nhiều mức độ và vị trí khác nhau. Một số người bệnh bị đau nhói ở một bên đầu kèm thêm các triệu chứng như nhạy cảm quá mức (khó chịu) với ánh sáng và tiếng ồn. Có người đau xuất phát từ một bên giống như đau nửa đầu sau đó lan ra cả đầu. Những bệnh nhân khác trải qua cơn đau đầu tồi tệ nhất trong cuộc đời và trở nên dai dẳng trong một thời gian dài. Một số bệnh nhân cho biết cơn đau không thuyên giảm hoặc có giảm nhưng không đáng kể mặc dù đã dùng thuốc. Trong khi đó, một số người trải qua tình trạng đau đầu hậu Covid ở thể nhẹ thì chỉ đau âm ỉ, nhẹ dần rồi biến mất.

"Đau đầu hậu Covid cũng thường đi kèm với tình trạng giảm trí nhớ, kém tập trung, rối loạn nhận thức (sương mù não) cũng như các vấn đề khác như mỏi mệt, suy nhược, chán ăn, vốn là những vấn đề dễ gặp phải sau khi khỏi Covid-19", Phó giáo sư Liệu cho biết.

Đau đầu kèm mệt mỏi là những di chứng thường gặp hậu Covid-19. Ảnh: Shutterstock

Đau đầu kèm mệt mỏi là những di chứng thường gặp hậu Covid-19. Ảnh: Shutterstock

Về thời gian, cơn đau đầu có thể thuyên giảm sau 2-3 tháng nhưng cũng có thể kéo dài hơn. Theo thông tin từ Phòng khám Mayo (Mỹ), có khoảng 8% bệnh nhân bị đau đầu kéo dài 6 tháng sau khi khỏi Covid. Đau đầu có thể không xảy ra trong giai đoạn bệnh cấp tính, nhưng lại khởi phát muộn hơn, sau khi bệnh nhân đã khỏi Covid-19.

Theo thông tin đăng tải trên website của Tổ chức đau nửa đầu Mỹ (American Migraine Foundation), những người bị chứng đau nửa đầu mạn tính dễ bị đau đầu hậu Covid hơn so với những người không có tiền sử bệnh này. Tần suất bị cơn đau đầu ở nhóm này cũng diễn ra thường xuyên hơn, có thể lên đến 10-15 lần mỗi tháng.

Phó giáo sư Liệu cho biết, nguyên nhân của chứng đau đầu sau nhiễm Covid-19 đến nay còn chưa được sáng tỏ. Có nhiều nghiên cứu được tiến hành và đưa ra một số giả thuyết như: nCoV có thể tấn công vào mạch máu khiến cho các tế bào nội mô mạch máu (lớp trong cùng của thành động mạch) bị tổn thương cùng với rối loạn của hệ miễn dịch dẫn đến tình trạng lòng động mạch hình thành các cục máu đông li ti khiến lượng máu lên não bị hạn chế. Sự tổn thương của các tế bào nội mô mạch máu cũng khiến cho lượng nitric oxide sinh ra bị giảm sút, dẫn đến tình trạng co giãn mạch máu trở nên bất thường, gây nên những cơn đau đầu.

Tình trạng căng thẳng, stress trong thời gian bị nhiễm Covid -19 cũng khiến cơ thể tăng sinh vô số gốc tự do, yếu tố khởi đầu cho quá trình lão hóa trong cơ thể. Các gốc tự do khi tấn công vào não bộ sẽ làm tổn thương tế bào thần kinh và thành mạch máu, khởi phát quá trình viêm, thúc đẩy hình thành xơ vữa và cục huyết khối, làm giảm lượng máu và oxy lên não. Đây đều là những yếu tố thúc đẩy có thể làm cho tình trạng đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn.

Hình ảnh chụp viêm thần kinh ở bệnh nhân bị nhiễm nCoV. Ảnh: Nature

Hình ảnh chụp viêm thần kinh ở bệnh nhân bị nhiễm nCoV. Ảnh: Nature

Cách giảm đau đầu hậu Covid-19

Để giảm bớt tình trạng đau đầu sau nhiễm Covid, người bệnh nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, dành thời gian cho bản thân thư giãn, gặp gỡ trò chuyện với bạn bè. Người đang bị đau đầu nên giảm bớt thời gian sử dụng các thiết bị điện tử.

Các thực phẩm có lợi cho não bộ cũng được khuyến khích nhằm giảm bớt tình trạng đau đầu, như thực phẩm giàu omega-3 (các loại cá, các loại hạt, trái bơ), thực phẩm giàu vitamin nhóm B (thịt gà, thịt bò, bí đỏ, cà rốt), thực phẩm giàu magie và kẽm (rau lá xanh, trái việt quất, trái dâu tây...).

Tăng cường thêm nguồn dưỡng chất cho não bằng cách sử dụng các tinh chất từ thiên nhiên cũng là gợi ý. Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học Mỹ, tinh chất từ blueberry có lợi não bộ, nhờ chứa bộ đôi hoạt chất anthocyanin và pterostilbene có tác dụng trung hòa gốc tự do, góp phần bảo vệ các tế bào não, tăng cường kết nối thần kinh. Bên cạnh chiết xuất từ blueberry, tinh chất ginkgo biloba hỗ trợ tăng cường oxy và dưỡng chất lên não, giảm tình trạng đau đầu, mất ngủ vốn là những vấn đề thường gặp của hội chứng hậu Covid.

Theo Phó giáo sư Liệu, trong trường hợp chứng đau đầu xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid kéo dài không thuyên giảm hoặc tăng nặng theo thời gian ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt, đặc biệt những trường hợp có dấu hiệu gợi ý tình trạng đau đầu nguy hiểm (ví dụ như: đau đầu dữ dội kèm theo buồn nôn, nôn, sốt, tê yếu tay chân, nói khó...), người bệnh nên chủ động tới bệnh viện để được thăm khám kịp thời và có phác đồ điều trị phù hợp.

Giang Lê

Từ khóa » đau Nửa đầu Bên Phải Sau Covid