Cách Tiếp Cận Hỗn Hợp Trong Nghiên Cứu Việt Nam Học

Lượt xem: 1.064

MIXED APPROACH IN VIETNAMESE STUDY

NGUYỄN CHÍ HÒA (Phó Giáo sư.Tiến sĩ, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội)

1. Đặt vấn đề

     Ngành Việt Nam học chính thức xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2002 dưới sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngành Việt Nam học đã có mặt trên 76 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Ngành Việt Nam học tuy là một ngành mới nhưng đã có nhiều thành công đáng kể; việc thành lập viện nghiên cứu của riêng mình hay những diễn đàn thảo luận về chuyên môn, các hội thảo quốc tế về Việt Nam học, các cuộc trao đổi học thuật thường niên là cơ sở ban đầu cho sự phát triển vững mạnh của ngành. Ở nước ngoài, ngành Việt Nam học và tiếng Việt xuất hiện ở nhiều trường đại học lớn. Việc thành lập các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước đã có tác dụng thống nhất khung chương trình đào tạo cho ngành, tạo ra một tiếng nói chung cho các học giả Việt Nam học. Trên thế giới, số bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới trên 40.000 bài, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội và 20 năm thành lập Khoa Việt Nam học – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi thử nhìn nhận lại nền tảng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của ngành học này. Trên cơ sở khẳng định các khía cạnh cốt lõi của ngành khu vực học, Bài viết này trả lời câu hỏi: Cách tiếp cận đặc thù của ngành Việt Nam học là gì? Bài viết khẳng định cách tiếp cận hỗn hợp là cách tiếp cận phù hợp với ngành Việt Nam học. Vậy, cách tiếp cận hỗn hợp là gì? Nó có những lợi ích cơ bản nào? Cuối cùng, bài viết trả lời câu hỏi: những cách tiếp cận chủ yếu của phương pháp hỗn hợp là những cách nào?

2. Giảng dạy và nghiên cứu Việt Nam học – một hướng nghiên cứu liên ngành

     Liên ngành trong giáo dục đại học có phải là hướng suy nghĩ mới không? Như Graff (2015) đã lưu ý, hướng suy nghĩ này vừa phổ biến lại vừa là vấn đề tranh cãi trong các tài liệu học thuật. Việc thừa nhận sự cần thiết phải nghiên cứu liên ngành để giải quyết những thách thức xã hội mang tính toàn cầu đang gia tăng.

     Thực tế cho thấy trong khi nội dung cốt lõi và ranh giới khoa học của ngành khu vực học không thể được xác định một cách rõ ràng, đặc biệt là, do có sự chồng chéo đáng kể và sự liên quan có tính dòng dõi đối với các ngành khác, thì việc nhấn mạnh lại tính liên ngành của khoa học khu vực sẽ giúp phân biệt khu vực học với các ngành khoa học xã hội khác và đảm bảo được sự liên quan của nó với những ngành gốc của nó.

Các khía cạnh cốt lõi của khu vực học

     Các ngành học được đặc trưng bởi một tập hợp các câu hỏi nghiên cứu, các khía cạnh giá trị cốt lõi được áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề có tính quy phạm và phương pháp luận nghiên cứu. Những đặc điểm chung này tạo thành các mặt cốt lõi của ngành học. Về nguyên tắc, ngành – và các tiểu lĩnh vực của nó – được xác định bởi ranh giới của chúng, nhưng ranh giới chính xác của một ngành cũng có thể được/bị xáo trộn và có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, một trọng tâm của bài viết này là khảo sát các khía cạnh cốt lõi của ngành khu vực học. Vì nguồn gốc đa ngành và tính chất liên ngành của ngành khu vực học của chúng ta, nên ranh giới của chúng mờ nhạt và không rõ ràng, có sự chồng chéo giữa khoa học khu vực và các ngành gốc gác của nó. Khía cạnh cốt lõi của ngành này và ranh giới của ngành khu vực học rất năng động. Ngày nay, trong đào tạo đại học, người ta thường đặt ra khẩu hiệu “Nói không với đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển ngành khu vực học phải đặt ra nhiệm vụ cho mình là đáp ứng những yêu cầu của xã hội.

     Khoa học khu vực cũng chia sẻ với các ngành khác về khả năng thay đổi do những đổi mới về lý thuyết hoặc phương pháp. Nó làm thay đổi ranh giới và có thể theo đuổi câu trả lời cho các câu hỏi mới.

     Chúng ta hãy xem xét các ngành Hoa Kỳ học và Hàn Quốc học như là những ví dụ về khu vực học trên thế giới.

     Nghiên cứu Hoa kỳ học hay nền văn minh Hoa Kỳ là một lĩnh vực liên ngành liên quan đến nghiên cứu về Hoa Kỳ. Theo truyền thống, nó kết hợp nghiên cứu lịch sử, văn học, lý thuyết phê bình văn học, nhưng cũng bao gồm các lĩnh vực đa dạng như luật, nghệ thuật, truyền thông, phim ảnh, nghiên cứu tôn giáo, nghiên cứu đô thị, nghiên cứu phụ nữ, nghiên cứu về giới, nhân chủng học, xã hội học, nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi, nghiên cứu Chicano, nghiên cứu người Mỹ gốc Á, nghiên cứu người Mỹ gốc Ấn, chính sách đối ngoại và văn hóa của Hoa Kỳ và một số lĩnh vực khác.

     Tương tự như vậy, nghiên cứu Hàn Quốc cũng là một ngành học thuật, tập trung vào nghiên cứu về Hàn Quốc. Các lĩnh vực thường được bao gồm là lịch sử Hàn Quốc, văn học Hàn Quốc, nghệ thuật Hàn Quốc, múa Hàn Quốc, ngôn ngữ và ngôn ngữ học Hàn Quốc, xã hội học và nhân chủng học Hàn Quốc, khoa học – chính trị Hàn Quốc, kinh tế học Hàn Quốc, văn hóa dân gian Hàn Quốc và các nghiên cứu về văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Ngành Hàn Quốc học có thể được so sánh với các ngành nghiên cứu khu vực khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ học và Trung Quốc học. Các nghiên cứu về Hàn Quốc; đôi khi, được bao hàm trong những nghiên cứu ở một khu vực tập trung rộng lớn hơn như “nghiên cứu Đông Á” hoặc “nghiên cứu châu Á”. Muộn hơn so với Hàn Quốc, chương trình Việt Nam học được chính thức ra đời vào năm 2002. Ngành Việt Nam học được hình thành các khía cạnh cốt lõi và phương pháp từ ngành Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài1.

     Các khía cạnh cốt lõi và phương pháp luận nghiên cứu khu vực cũng luôn luôn được đổi mới và bổ sung. Ngành Hoa kỳ học là một ví dụ. Hơn 50 năm trước Meyer (1963) công bố một kết quả khảo sát có ảnh hưởng đến kinh tế khu vực trong Tạp chí Kinh tế Mỹ. Ấn phẩm này là một trong những tạp chí có uy tín nhất có tính chuyên nghiệp, được thành lập đã được công nhận chính thức là một ngành mới sau đó nó là một chuyên ngành của kinh tế học. Tuy không phải là dấu hiệu bắt đầu của một tạp chí phân tích về khu vực học nhưng có thể coi kinh tế khu vực đã có tổ tiên rất rõ ràng và quan trọng, và quả thật, nó có vẻ có nhiều khả năng là một sự phát triển lý thuyết về kinh tế nói chung, đặc biệt là, nó cung cấp các khái niệm cơ bản mà không có những thuật ngữ này thì kinh tế khu vực học không thể phát triển mạnh mẽ. Trong cuộc khảo sát của mình, Meyer đã coi kinh tế khu vực (regional economics), khoa học khu vực học (regional science), như là những thuật ngữ đồng nghĩa.

     Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ coi kinh tế khu vực, dù lớn, nhưng cũng chỉ là một bộ phận của khoa học về khu vực học. Nó là một tập hợp con vì còn có các ngành khác ngoài kinh tế, đặc biệt là các ngành địa lý, hành chính công, xã hội học, quy hoạch đô thị, và khu vực học cũng đã có đóng góp vào lý thuyết và phương pháp, vào sự phát triển của quan điểm có tính chuẩn mực về khu vực học. Vì khoa học về khu vực học bị ảnh hưởng đặc biệt mạnh mẽ bởi kinh tế và địa lý, bên cạnh những ngành khác như quy hoạch đô thị và khu vực học, xã hội học, nhân khẩu học, khoa học chính trị và hành chính công,… tức là các môn học trong ngành khoa học xã hội và nhân văn nên các giá trị của các môn này đã được đông đảo các nhà khoa học về khu vực học thừa nhận.

      Quy mô địa lý vùng như một khía cạnh cốt lõi của của khu vực học

     Quy mô địa lý vùng là một trong những khía cạnh cốt lõi khoa học trong khu vực học. Nó đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới chứng minh với các định nghĩa khác nhau về “khu vực học” và “khoa học về khu vực”. Mối quan tâm đối với quy mô địa lý trong khoa học về khu vực học là sự kế thừa từ một trong các ngành gốc – ngành địa lý mà trong đó nó tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt là, trong phương pháp phân tích không gian. Tuy nhiên, còn có xu hướng khá mới đi từ toán học đến địa lý mang tính định lượng. Tất nhiên, không chỉ các nhà địa lý là những người duy nhất nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy mô địa lý trong nghiên cứu khu vực học mà các nhà nghiên cứu nhân khẩu học cũng đã chứng minh rằng họ cũng quan tâm đến quy mô địa lý. Ngoài ra, các nhà kinh tế trong khu vực học cũng chú ý đến quy mô địa lý. Người ta thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy mô địa lý trong nghiên cứu kinh tế vĩ mô trong một chu kỳ kinh doanh.

     Đơn vị không gian trong phân tích khoa học về khu vực học có được một sự công nhận về tầm quan trọng của nó trong phân tích xử lý với các ngành gốc của nó, đặc biệt là vị trí địa lý.

     Như vậy có thể thấy: Các khía cạnh cốt lõi của khoa học khu vực gồm ba thành tố cốt lõi như được trình bày ở dưới đây. Nghiên cứu khu vực học; theo đó, buộc phải sử dụng phương pháp tiếp cận của nhiều ngành khác nhau, nghĩa là nghiên cứu khoa học khu vực buộc người nghiên phải sử dụng đến các phương pháp tiếp cận định tính, định lượng và cách tiếp cận hỗn hợp.

Sơ đồ 1. Các thành tố cốt lõi của khu vực học

     Ở Việt Nam, Việt Nam học hay Nghiên cứu Việt Nam là một ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam theo từng chuyên ngành như lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học, văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái,… hay theo tính liên ngành của khu vực học.

3. Cách tiếp cận hỗn hợp như một phương pháp đặc thù của ngành Việt Nam học

     Xác định đặc trưng của một nghiên cứu theo phương pháp hỗn hợp không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Nói một cách thật đơn giản thì một cuộc khảo sát theo cách tiếp cận hỗn hợp là một cuộc khảo sát định lượng được bổ sung bằng các cuộc phỏng vấn định tính. Thuật ngữ “nghiên cứu theo cách tiếp cận hỗn hợp”, đã rất phổ biến. Tuy nhiên, sự đồng thuận về ý nghĩa của nó vẫn còn khó nắm bắt. Những bất đồng về quan điểm không chỉ đơn thuần là về ngữ nghĩa mà chúng còn phản ánh sự khác biệt về nội dung trong phân loại và cách hiểu về phương pháp này một cách đúng đắn. Sự khác biệt giữa các tác giả chủ yếu là về (a) những gì mà các thuật ngữ định lượng và định tính đề cập đến và (b) những yếu tố nào trong quá trình nghiên cứu mà nó được các tác giả tin rằng đang được trộn lẫn vào nhau. Hiểu một cách đơn giản nhất thì một nghiên cứu được gọi là nghiên cứu hỗn hợp khi tác giả của nó sử dụng cả cách tiếp cận định tính và định lượng.

     Cách tiếp cận hỗn hợp chấp nhận một chiến lược nghiên cứu sử dụng nhiều hơn một phương pháp nghiên cứu. Các phương pháp tiếp cận hỗn hợp có thể là sự pha trộn giữa phương pháp định tính và định lượng, một sự kết hợp của các phương pháp trong cách tiếp cận định lượng hoặc kết hợp các phương pháp trong cách tiếp cận định tính.

     Cách tiếp cận hỗn hợp cũng có nghĩa là làm việc với các loại dữ liệu khác nhau. Nó có thể liên quan đến việc sử dụng của các nhà nghiên cứu khác nhau – đôi khi, các nhóm nghiên cứu khác nhau làm việc theo những mô hình nghiên cứu khác nhau. Vì những lý do này mà nghiên cứu theo cách tiếp cận hỗn hợp thường được gọi là nghiên cứu đa chiến lược (multi-strategy research) với ngụ ý là áp dụng một số chiến lược nghiên cứu khác nhau có liên quan đến một phạm vi nghiên cứu phức tạp, câu hỏi nghiên cứu và thiết kế nghiên cứu phức tạp. Mặt khác, các cách tiếp cận hỗn hợp có thể là một phần của một chiến lược dài hạn (vài năm) như trong những nghiên cứu theo “chương trình” được thực hiện trong một thời gian dài bởi một nhóm hoặc một số nhóm các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp và những cách tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn, Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Chương trình”, bao gồm đề tài khoa học và công nghệ, đề án khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án khoa học và công nghệ để thực hiện mục tiêu của Chương trình. Một “chương trình” có thể kéo dài dăm bảy năm.

      Những lợi ích của cách tiếp cận hỗn hợp

     Trong nhiều dự án nghiên cứu, người ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau. Các loại câu hỏi mà người ta đặt ra dẫn đến việc họ phải lựa chọn phương pháp và, ngày càng phổ biến, là người ta sử dụng một tổ hợp phương pháp nghiên cứu. Do đó, lựa chọn phương pháp nghiên cứu là một phần liên quan đến nội dung, bản chất của (các) câu hỏi nghiên cứu và cần phải tính đến các căn cứ nhận thức luận của chúng. Thông thường, một chiến lược nghiên cứu được xây dựng phù hợp nhất với một mục đích nghiên cứu cụ thể.

     Nghiên cứu theo cách tiếp cận hỗn hợp gắn liền với việc thu thập và phân tích dữ liệu. Việc phân tích dữ liệu, xét cho cùng là tạo ra ý nghĩa từ các nguồn dữ liệu khác nhau: Những kết quả được rút ra từ hai nguồn dữ liệu có tương thích hay mâu thuẫn nhau? Đây là một câu hỏi quan trọng. Để trả lời câu hỏi này các nhà khoa học đã dựa vào khái niệm đạc tam giác. Trong khoa học xã hội, việc sử dụng thuật ngữ đạc tam giác (triangulation) đã đưa đến một nghĩa hơi khác một chút so với ban đầu. Đó là cách kiểm tra lại kết quả bằng các phương pháp khác nhau, nhằm xác nhận hoặc chứng thực cho một phương pháp khác là đúng hay không. Ý tưởng này được dùng để cho phép một sự hiểu biết về một hiện tượng xã hội từ các cách nhìn với những điểm lợi thế khác nhau, để từ dữ liệu, phân tích dữ liệu khác nhau cùng đi đến kết luận tương tự (Denzin, 1970).

     Theo quan điểm của Moran – Ellis và cộng sự thì dữ liệu được thu thập từ các phương pháp khác nhau không chỉ đơn giản có thể được thêm vào với nhau để tạo ra một kết quả thực tế hoặc một chân lý. Có nhiều cách khác nhau trong việc kết hợp các kết quả từ các phân tích dữ liệu khác nhau ngoài việc chứng thực hay xác nhận. Những cách kết hợp đó cho phép:

     (1) Xây dựng hoặc mở rộng kết quả nghiên cứu – ví dụ như phân tích dữ liệu định tính có thể minh họa cho mô hình dựa trên phân tích dữ liệu định lượng được áp dụng trong các trường hợp cụ thể. Ở đây, việc sử dụng một loại phân tích dữ liệu làm tăng thêm sự hiểu biết của người ta.

     (2) Phát hiện mâu thuẫn – ở đâu mà các dữ liệu định tính và các phát hiện định lượng xung đột nhau thì, việc tìm hiểu các mâu thuẫn giữa các loại dữ liệu khác nhau này giả định rằng cần đi đến một cuộc thẩm tra lại về các phương pháp và về mức độ xác thực của mỗi một phương pháp này đối với phương pháp khác (về việc đánh giá tính hợp lệ hoặc độ tin cậy). Ngoài ra, nhà nghiên cứu có thể phải đặt những mâu thuẫn cạnh nhau với những người khám phá khác để tìm hiểu thêm. Trong trường hợp này, thông thường hơn cả là, người ta tìm một loại/bộ dữ liệu có thể được trình bày và giả định là “tốt hơn” chứ không phải là, tìm cách giải thích mâu thuẫn liên quan đến một số thực tế hữu thể.

      (3) Khởi đầu lại: Nếu hai kết quả định lượng và định tính cho hai kết quả khác nhau hay không tương thích thì trong trường hợp đó buộc người ta phải khởi đầu lại bằng việc sử dụng một phương pháp làm sáng tỏ các giả thuyết mới hoặc các câu hỏi nghiên cứu mới.

     (4) Bổ sung kết quả – kết quả định tính và định lượng được coi là những cách tiếp cận khác nhau. Mỗi loại phân tích dữ liệu tạo ra một sự tăng cường khác nhau. Cùng phân tích dữ liệu từ hai phương pháp này được đặt cạnh nhau và tạo ra những hiểu biết bổ sung cho nhau, cùng nhau tạo ra một bức tranh lớn hơn.

     Như Hammersley (2005) đã chỉ ra, những cách kết hợp khác nhau từ các dữ liệu khác nhau cho thấy có một số giả thuyết cho rằng có một số mảng hiện thực có thể được chấp nhận, bất chấp những lời phàn nàn về mỗi phương pháp xây dựng một bộ dữ liệu khác biệt. Nghiên cứu theo cách tiếp cận hỗn hợp ngày càng được sử dụng nhiều là vì nó tương đối mới trong khoa học xã hội và nhân văn. Đây là một cách tiếp cận nghiên cứu, rất hữu ích để chuyển tải sự xác định và mô tả cách tiếp cận cơ bản trong một đề xuất nghiên cứu.

4. Một số cách tiếp cận hỗn hợp chủ yếu

     Có một số cách phân loại và xác định các loại chiến lược trong cách tiếp cận hỗn hợp mà những người phát triển đề xuất nghiên cứu có thể sử dụng. Creswell và Plano Clark (2011) đã xác định được hệ thống phân loại được rút ra từ các lĩnh vực đánh giá, điều dưỡng, y tế cộng đồng, nghiên cứu chính sách giáo dục, nghiên cứu xã hội và hành vi. Trong bảng phân loại này, các tác giả đã sử dụng các thuật ngữ đa dạng cho các loại thiết kế của họ và một số lượng đáng kể các lớp chồng lên nhau tồn tại trong các loại hình. Trong phần dưới đây, chúng tôi sẽ thảo luận chủ yếu về ba cách tiếp cận hỗn hợp. Mỗi cách tiếp cận sẽ được thảo luận dưới dạng một bản mô tả thiết kế chung nhất.

     4.1. Thiết kế cách tiếp cận hỗn hợp song song hỗn hợp song song hay

      Thiết kế theo cách tiếp cận hỗn hợp song song

Sơ đồ 2. Quy trình tiếp cận hỗn hợp song song

     4.2. Thiết kế theo cách tiếp cận hỗn hợp tuần tự/kế tiếp nhau

     Cách tiếp cận hỗn hợp kế tiếp là một thiết kế theo cách tiếp cận hỗn hợp mà nền tảng của nó là cách tiếp cận định lượng mạnh. Nó bao gồm một dự án hai giai đoạn trong đó nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu định lượng trong giai đoạn đầu tiên, phân tích các kết quả và sau đó sử dụng kết quả đó để lên kế hoạch (hoặc xây dựng) cho giai đoạn thứ hai – định tính. Các kết quả định lượng thường thông báo cho những người tham gia nghiên cứu lựa chọn một cách có mục đích cho giai đoạn định tính và các loại câu hỏi sẽ được hỏi đối với người tham gia. Mục đích chung của thiết kế này là để các dữ liệu định tính giúp giải thích thêm chi tiết cho các kết quả định lượng ban đầu. Một thủ tục/quy trình điển hình có thể liên quan đến việc thu thập dữ liệu nghiên cứu trong giai đoạn đầu tiên, phân tích dữ liệu, và sau đó theo dõi các cuộc phỏng vấn định tính để giúp giải thích cụ thể hơn các kết quả định lượng ban đầu. Một quy trình điển hình có thể liên quan đến việc thu thập dữ liệu điều tra trong giai đoạn đầu tiên, phân tích dữ liệu và sau đó thực hiện các cuộc phỏng vấn định tính để giúp giải thích phản hồi khảo sát.

Sơ đồ 3. Quy trình tiếp cận hỗn hợp tuần tự/kế tiếp nhau

     4.3. Thiết kế theo cách tiếp cận hỗn hợp khám phá tuần tự

     Nếu chúng ta đảo ngược cách tiếp cận hỗn hợp kế tiếp tuần tự và bắt đầu với một pha nghiên cứu định tính đầu tiên sau đó là một pha định lượng, thì chúng ta có một cách tiếp cận khám phá tuần tự. Một cách tiếp cận hỗn hợp khảo sát tuần tự là một thiết kế mà người nghiên cứu đầu tiên bắt đầu bằng cách thăm dò với dữ liệu, phân tích định tính và sau đó sử dụng những phát hiện để phục vụ cho một giai đoạn thứ hai – định lượng. Giống như giải thích cách tiếp cận tuần tự, cơ sở dữ liệu thứ hai dựa trên kết quả của cơ sở dữ liệu ban đầu. Các ý định của chiến lược này là phát triển các phép đo tốt hơn với các mẫu quần cư cụ thể và để xem xét liệu dữ liệu từ một vài cá nhân (trong giai đoạn định tính) có thể được khái quát thành một mẫu lớn của một mẫu cư dân (trong giai đoạn định lượng) hay không. Ví dụ, nhà nghiên cứu; đầu tiên, sẽ thu thập dữ liệu nhóm trọng điểm, phân tích kết quả, phát triển một công cụ dựa trên kết quả này và, sau đó, tổ chức/điều hành/khảo sát theo một mẫu quần cư theo cách tiếp cận định lượng. Trong trường hợp này, có thể không có đầy đủ dụng cụ đo các khái niệm với mẫu mà nhà nghiên cứu mong muốn nghiên cứu. Để có hiệu quả, nhà nghiên cứu sử dụng một quy trình ba bước với giai đoạn đầu tiên là thăm dò, thứ hai là phát triển công cụ và thứ ba là quản lý công cụ cho một mẫu quần cư. Quy trình của cách tiếp cận hỗn hợp khám phá tuần tự có thể được mô tả như sau:

     

Sơ đồ 4. Quy trình tiếp cận hỗn hợp khám phá tuần tự

5. Kết luận

     Một trong những phát triển quan trọng nhất trong vài thập kỷ qua là sự phát triển của một cộng đồng các học giả liên ngành, những người thừa nhận, phát triển và thúc đẩy cách tiếp cận hỗn hợp. Các học giả này, trong các lĩnh vực đa dạng trong khoa học xã hội và nhân văn, trong giáo dục học, trong nghiên cứu đánh giá,… đã tập hợp được một tài liệu thực tế lớn để phát triển một hệ thống thuật ngữ chung, thiết lập một bộ quy tắc đang còn phát triển và đặt ra nhiều điều cho các cuộc tranh luận về cách thức tiến hành một cách đúng đắn phương pháp nghiên cứu hỗn hợp. Họ đã thiết lập nghiên cứu theo cách tiếp cận hỗn hợp. Liệu cộng đồng các học giả này sẽ có thành công trong việc hình thành một lĩnh vực độc lập hay không, vẫn là một câu hỏi mở. Mặc dù lĩnh vực mới hình thành này vẫn chưa được đúc kết đầy đủ toàn diện về mặt trí tuệ, nhưng chắc chắn nó đã được thực hiện một cách có tổ chức thông qua các tạp chí, hội nghị và sách chuyên ngành và chúng đã trở thành công cụ phổ biến cho các nghiên cứu phương pháp hỗn hợp có tính kinh nghiệm trong vài thập kỷ qua. Nghiên cứu Việt Nam học thực chất là nghiên cứu liên ngành và theo chúng tôi, phương pháp phù hợp nhất với ngành này là cách tiếp cận hỗn hợp.

__________ 1. Năm 2002, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng ngành Việt Nam học đã được thành lập. Hội đồng này gồm Chủ tịch là GS Phan Huy Lê, Phó Chủ tịch là GS.TSKH Vũ Minh Giang, thành viên gồm GS.TS Hoàng Chí Bảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, PGS.TS Nguyễn Chí Hòa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Denzin, N.K. (1970). The Research Act: A Theoretical Introduction to Sociological Methods. Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.

2. Graff, H.J. (2015). Undisciplining Knowledge: Interdisciplinarity in the Twentieth Century. Baltimore: Johns Hopkins University Press.

3. Hammersley, M. (1999). The Dilemma of Qualitative Method: Herbert Blumer and the Chicago Tradition, London: Routledge.

4. Morgan, D.L. (1996). “The relationship between qualitative and quantitative research: Paradigm loyalty versus methodological eclecticism”. In J.T.E. Richardson (ed.) Handbook of Research in Psychology and the Social Sciences, Leicester UK: BPS Books.

5. Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8. NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 128 đến trang 135)

Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Từ khóa » Cách Tiếp Cận Liên Ngành Là Gì