Tọa đàm Khoa Học Số 06: Tiếp Cận đa Ngành, Liên Ngành, Xuyên ...

Diễn giả trình bày tại buổi tọa đàm là GS.TS. Võ Khánh Vinh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội – người có bề dày khoa học trong nghiên cứu và giảng dạy luật học. Tham dự trực tiếp tại hội trường buổi tọa đàm có các thầy giáo, cô giáo của Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và đại biểu các trường đại học, các viện nghiên cứu chuyên ngành. Ngoài ra, trên Zoom meetings của tọa đàm đã thu hút sự tham gia của hơn 60 khách mời là giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học ở các cơ sở đào tạo.

GS.TS. Võ Khánh Vinh - diễn giả tại buổi tọa đàm và PGS.TS. Đinh Thị Mai - chủ trì tọa đàm

Tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu luật học là một trong những phương pháp nghiên cứu vô cùng quan trọng được sử dụng trong nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện Khoa học xã hội trong nhiều năm qua. Tại buổi tọa đàm, bằng kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành nhiều năm, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã đề cập đến cách tiếp cận này với 3 nhóm vấn đề: 

Một là, thông qua việc khái quát chung về các cách tiếp cận nghiên cứu và đào tạo luật học truyền thống theo luật thực định, phân tích xu hướng đổi mới cách tiếp cận nghiên cứu và đào tạo luật học, từ đó làm rõ khái niệm và quan điểm về cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật học ở Việt Nam hiện nay. Có thể nói, trong nghiên cứu luật học tiếp cận đơn ngành và đa ngành không triệt tiêu nhau mà góp phần bổ trợ cho nhau.

Hai là, tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật học là nhu cầu tất yếu để giải quyết các vấn đề thực tiễn về nhà nước và pháp luật. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này có ý nghĩa quan trọng xuất phát từ hoạt động đào tạo pháp luật và yêu cầu hợp tác quốc tế. Giá trị của cách tiếp cận này được diễn giả đánh giá trên 3 cấp độ: giá trị tri thức đa ngành, giá trị tri thức liên ngành, và giá trị tri thức xuyên ngành. Cách tiếp cận này tạo ra các giá trị tri thức thông thái hơn về nhà nước và pháp luật; hình thành đa dạng hơn về chủ đề và hướng nghiên cứu luật học; xây dựng các môn học mới; và mang lại các giá trị nghiên cứu mới…

Ba là, cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu luật học được thực hiện ở hai góc độ là: (1) Ngành luật học trong mối quan hệ, tương tác với các ngành khác; (2) Tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nội tại của ngành luật học. Trên cơ sở đó, diễn giả đã chỉ ra cách thức triển khai tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật học ở nước ta hiện nay nên được tiến hành như thế nào. Đồng thời, chỉ ra các vấn đề cần phải lưu ý khi triển khai nghiên cứu luật học theo cách tiếp cận này. Đặt biệt là khi viết luận văn, luận án thì học viên và nghiên cứu sinh cần sử dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu của mình để làm sâu sắc, toàn diện hơn vấn đề nghiên cứu.

Toàn cảnh tọa đàm trực tiếp tại Học viện Khoa học xã hội.

Ngoài 3 nhóm vấn đề trên, buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến, bình luận đóng góp, cũng như quan điểm đa chiều của các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ luật học đến từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật học của Việt Nam. Tất cả đều nhấn mạnh, tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành là phương pháp nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng, tất yếu, không thể thiếu trong nghiên cứu và đào tạo luật học hiện nay.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm.

Trên cơ sở triển khai thực hiện các nội dung ký kết hợp tác giữa Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội và tiếp nối thành công của 6 buổi tọa đàm, Diễn đàn Luật học VNLAW sẽ tiếp tục thực hiện các buổi tọa đàm trao đổi về vấn đề luật học và học thuật vào tuần thứ 3 hàng tháng. Các buổi tọa đàm sẽ được tổ chức tại hội trường hai đơn vị chủ trì là Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời có kết nối trực tuyến qua Zoom để đáp ứng nhu cầu tham dự của đại biểu quan tâm.

Từ khóa » Cách Tiếp Cận Liên Ngành Là Gì