Cách Tránh Bị Sốc Nhiệt Trong Thời Tiết Nắng Nóng Gay Gắt

Cách tránh bị sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng gay gắt
Nắng gay gắt nhất là vào thời điểm 12-16 giờ hàng ngày. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 20/6, từ ngày 21/6 có xu hướng giảm dần. Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt.

Gần như năm nào, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận những trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc được người dân đưa vào cấp cứu. Những trường hợp này thường do làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng, đi dưới trời nắng lâu.

Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (thường trên 40 độ C), do kết hợp của việc tiếp xúc với nhiệt nóng từ môi trường và việc tăng thân nhiệt do cơ thể vận động quá mức, lại mất nước. Hậu quả là hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể bị ngừng lại hoặc rối loạn, dẫn tới tổn thương rất nhiều cơ quan như hôn mê, co giật, trụy tim mạch, tổn thương gan, suy gan, rối loạn đông máu nội quản rải rác, tiêu cơ vân, suy thận…

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bệnh thường rất nặng. Nạn nhân thường không tử vong ngay tại chỗ nhưng tử vong thường tại các cơ sở y tế do đến muộn, suy đa tạng hoặc không được cấp cứu ban đầu kịp thời và đúng cách.

Nắng gay gắt nhất là vào thời điểm 12-16 giờ hàng ngày. Nếu đi đường, làm việc lâu ngoài nắng vào thời điểm này sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não.

Làm gì để phòng tránh sốc nhiệt

Người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15h. Tùy theo tính chất, đặc thù công việc mỗi người cần chống nắng khác nhau, có mũ rộng vành, áo dài tay, kính mắt để che chắn, giảm tác động của nhiệt. Lưu ý mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.

Đặc biệt cần phải uống đủ nước. Bởi nước mất đi rất nhiều qua mồ hôi, nếu không uống đủ nước cũng khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, dễ gây sốc nhiệt. Thời tiết nóng như hiện nay cần uống 2 - 3 lít nước mỗi ngày.

Lưu ý không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Tốt nhất là chọn các loại như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…

Thời gian làm việc vào buổi sáng nên bắt đầu từ sớm và kết thúc sớm, buổi chiều bắt đầu muộn và kết thúc muộn. Khi làm việc nếu thấy nóng quá, mệt hoặc khó chịu nên tạm nghỉ và thường xuyên uống các loại nước pha muối (như oresol, nước quả, nước rau luộc cho thêm muối, nước khoáng….).

Dấu hiệu của sốc nhiệt

Dấu hiệu đầu tiên của sốc nhiệt là vã mồ hôi khi cơ thể phản ứng tỏa nhiệt. Nhiệt độ tăng dần, tăng dần đến khi cơ thể không giải phóng được khiến bệnh nhân kiệt sức và ngất xỉu.

Ngoài ra, người bệnh có thể thấy đau đầu, chóng mặt và choáng váng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và ói mửa; nhịp tim nhanh; thở nhanh, thở nông. Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…

Xử lý khi sốc nhiệt

Việc sơ cứu, điều trị tích cực sớm cũng rất quan trọng nhằm càng hạn chế các tổn thương lên các cơ quan. Khi phát hiện thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc nặng hơn là bất tỉnh thì người dân phải cho tạm nghỉ và kiểm tra.

Cụ thể:

- Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất).

- Cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng..., có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể.

- Có thể tưới một lớp nước lạnh hoặc ấm trên toàn bộ da nạn nhân và quạt mát, giữ cho toàn bộ vùng da luôn ướt. Thậm chí có thể nhúng cơ thể nạn nhân trong nước.

- Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

- Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc. Chú ý liên tục duy trì việc làm mát cơ thể nạn nhân.

Các loại bệnh nền dễ trầm trọng hơn trong thời tiết nắng nóng Các loại bệnh nền dễ trầm trọng hơn trong thời tiết nắng nóng

Với những người mắc bệnh tự miễn dịch, thời tiết nắng nóng mùa Hè có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cũng như ...

Hè 2022: Nắng nóng không quá gay gắt Hè 2022: Nắng nóng không quá gay gắt

Các chuyên gia khí tượng cho rằng, năm nay, tại Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng khả năng xuất hiện muộn hơn so với ...

Từ khóa » Sốc Nhiệt Nên Làm Gì