Sốc Nhiệt Và Những điều Bạn Cần Biết - Hello Bacsi

Sốc nhiệt, hay còn gọi là đột quỵ do nhiệt, rất nguy hiểm cần được cấp cứu ngay. Vì không ít người đã tử vong vì tình trạng này. Hiểu được nguyên nhân và các triệu chứng có thể giúp bạn xử lý hiệu quả khi tình trạng này xảy ra cũng như phòng ngừa nó tái phát.

Vậy sốc nhiệt là gì và làm thế nào để cấp cứu kịp thời? Hãy cùng Hello Bacsi khám phá trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Sốc nhiệt là gì?

Hiện tượng sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao đến mức gây tổn thương đến hệ thống thần kinh trung ương và các cơ quan khác, thường khi nhiệt độ cơ thể đạt mức 40°C hoặc cao hơn.

Con người là động vật hằng nhiệt, khi khỏe mạnh, cơ thể sẽ điều chỉnh để nhiệt độ bên trong luôn ở khoảng 37 độ. Tuy nhiên, cơ thể không thể duy trì được các chức năng bình thường khi ở trong môi trường nhiệt độ quá cao trong một thời gian dài, dẫn tới hệ thống kiểm soát nhiệt độ của cơ thể bị hư hỏng. Tình trạng này được gọi là chứng tăng thân nhiệt. Thân nhiệt tăng quá cao từ trên 40 độ gọi là sốc nhiệt.

Sự mất nước, nghĩa là sự thiếu hụt lượng chất lỏng và chất điện giải, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do nhiệt hoặc làm cho tình trạng này trở nên nguy hiểm hơn. Khi chúng ta tập luyện thể dục thể thao, cơ thể sẽ tỏa ra nhiệt. Nếu nhiệt độ cơ thể vốn đã cao do môi trường bên ngoài quá nóng, lại cộng thêm hoạt động thể dục thể thao sản sinh ra nhiệt, bạn cũng có thể bị sốc nhiệt.

Tình trạng này được xem là một loại đột quỵ. Tuy nhiên, chúng khác biệt hoàn toàn so với loại đột quỵ do mạch máu hoặc cục máu đông. Dù cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng sốc nhiệt không liên quan đến tuần hoàn máu. Sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong cao và luôn là một trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp.

Triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng sốc nhiệt là gì?

Sự kiệt sức vì nóng có thể dẫn đến đột quỵ do nhiệt, đặc biệt nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời. Đôi khi quá trình kiệt sức vì nóng có thể diễn ra rất nhanh khiến chúng ta không kịp để ý đến. Thông thường, triệu chứng dễ nhận thấy nhất của tình trạng này là ngất xỉu.

triệu chứng sốc nhiệt

Bạn cũng có thể gặp phải các dấu hiệu sốc nhiệt, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt và choáng váng
  • Đổ mồ hôi
  • Da đỏ, nóng và khô
  • Yếu cơ hoặc chuột rút
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Nhịp tim nhanh
  • Thở nhanh, thở nông
  • Thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng
  • Co giật
  • Mất ý thức hoặc hôn mê.

Nguy cơ mắc phải

Những trường hợp nào dễ bị sốc nhiệt?

Hiện tượng sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có tham gia tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt. Thông thường, những người trẻ, khỏe không nhận thấy được các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt cũng như không mấy chú tâm đến chúng.

Thông thường, những người dễ bị sốc nhiệt lại ít có khả năng kêu gọi sự giúp đỡ. Một vài trường hợp sốc nhiệt phổ biến như:

Người có bệnh mãn tính

Họ bao gồm người bệnh tim mạch, thận, phổi, thần kinh, tiểu đường và béo phì. Những người mắc bệnh tâm thần cũng dễ bị tổn thương bởi nhiệt độ cao do nền tảng thể chất của họ.

Sử dụng một số thuốc

Các thuốc thông thường như thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamin, thuốc kháng cholinergic và thuốc điều trị Parkinson có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt do can thiệp vào cơ chế điều hòa nhiệt.

Em bé hoặc trẻ nhỏ bị bỏ lại trong xe dưới trời nắng nóng

Các bậc cha mẹ hoặc người chăm trẻ thường cho rằng mình chỉ chạy ra ngoài một chút rồi quay lại xe ngay nên để bé ở luôn trong xe hơi cho tiện. Tuy nhiên, họ thường đi ra ngoài lâu hơn là họ nghĩ và trong lúc đó, bé có thể bị sốc nhiệt. Vì vậy, không bao giờ được để trẻ nhỏ ở lại trong xe một mình, đặc biệt giữa trời nắng nóng.

Người cao tuổi hoặc bệnh tật

Người cao tuổi có sức khỏe yếu thường ít khi mở máy điều hòa hoặc mở quạt khi trời nóng. Đôi khi, họ cũng không mở cửa sổ khi ở trong phòng. Điều này khiến nhiệt độ môi trường xung quanh tăng cao và có thể gây ra cơn sốc nhiệt.

Thanh thiếu niên đang tập luyện thể thao

Thanh thiếu niên luyện tập thể thao mà không nghỉ ngơi hợp lý, cộng thêm với ít uống nước, quần áo không phù hợp… có thể góp phần dẫn đến sốc nhiệt. Điều này đặc biệt phổ biến ở các buổi luyện tập lúc giữa trưa nhưng kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.

Tắm nắng

Tắm nắng trong nhà hay ngoài trời là hoạt động nằm dưới trời nắng trong khoảng thời gian dài dưới nhiệt độ cao. Những người tắm nắng thường nằm thư giãn hoặc ngủ quên và vì thế không nhận thấy được các triệu chứng khi bị sốc nhiệt, ví dụ như chóng mặt và đau đầu. Ngoài ra, chế độ ăn của họ cũng thường rất gắt gao và không đủ chất. Điều này dễ gây kiệt sức vì nóng và sốc nhiệt.

Những người làm việc ngoài trời

Nhiều người thường phải làm việc ngoài trời suốt ngày, ngay cả trong thời tiết nóng. Những người này có thể làm việc quên ăn, quên uống nước hoặc không để ý đến các dấu hiệu sốc nhiệt.

Tình trạng sốc nhiệt

Chẩn đoán và điều trị

Cách chẩn đoán tình trạng sốc nhiệt

Các bác sĩ thường có thể dễ dàng nhận biết triệu chứng sốc nhiệt của bạn. Nhưng các xét nghiệm có thể giúp họ xác định chẩn đoán, loại trừ nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng của bạn và đánh giá tổn thương nội tạng. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Đo nhiệt độ trực tràng
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Kiểm tra chức năng cơ
  • Chụp X-quang và các xét nghiệm hình ảnh khác

Sốc nhiệt nên làm gì?

Sơ cứu khi bị sốc nhiệt

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị đột quỵ do nhiệt, hãy gọi 115 hoặc đưa họ đến bệnh viện ngay lập tức. Trong thời gian chờ đợi, bạn hãy tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân. Đầu tiên, bạn di chuyển người đó vào một nơi mát mẻ, thoáng khí và cởi bỏ quần áo không cần thiết.

Sau đó, bạn có thể thực hiện thêm các bước:

  • Chườm nước mát lên để làm ẩm da và quạt mát cho họ
  • Chườm đá vào nách, bẹn, cổ và lưng của bệnh nhân
  • Làm mát cơ thể bằng cách tắm hoặc ngâm trong bồn nước mát

Lưu ý không dùng nước đá cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân có bệnh mãn tính hoặc người bị sốc nhiệt không do vận động mạnh.

Cách điều trị sốc nhiệt

Điều trị khi bị sốc nhiệt

Điều trị sốc nhiệt tập trung vào việc làm mát để đưa cơ thể về nhiệt độ bình thường, từ đó ngăn ngừa hoặc làm giảm các tổn thương do tình trạng này gây ra. Bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp sau:

  • Tắm nước lạnh hoặc nước đá. Phương pháp này đã được chứng minh giúp hạ nhiệt độ cơ thể hiệu quả.
  • Sử dụng kỹ thuật làm mát bay hơi. Nếu không thể tắm nước lạnh, nhân viên y tế sẽ cố gắng hạ nhiệt độ cơ thể của bạn bằng các phương pháp làm bay hơi. Nước mát được phun sương lên cơ thể bạn trong khi không khí ẩm được thổi qua người. Điều này giúp nước bốc hơi và làm mát da của bạn.
  • Chườm đá hoặc đắp chăn mát chuyên dụng.
  • Hỗ trợ bất kỳ cơ quan hay hệ thống nào bị tổn thương.
  • Truyền dịch tĩnh mạch. Để làm mát và bổ sung nước, điện giải.

Phương pháp phòng ngừa

Phương pháp ngăn ngừa sốc nhiệt

Nếu nhiệt độ môi trường tăng cao, bạn nên ở trong phòng có quạt hoặc máy lạnh. Nếu cần phải ra ngoài, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Mặc quần áo mỏng, sáng màu, rộng rãi, thấm hút tốt mồ hôi và đội mũ rộng vành.
  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, hạn chế ở ngoài quá lâu khi trời nắng nóng.
  • Uống nhiều nước, tránh cà phê hoặc rượu bia vì chúng có thể khiến bạn bị mất nước nhiều hơn
  • Tập thể dục vừa phải
  • Đảm bảo phòng ở luôn thoáng mát
  • Tắm với nước mát hơn
  • Không ở lại một mình trong xe hơi đang đậu nếu trời nóng bức, đặc biệt là trẻ em và người từ 65 tuổi trở lên.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Sốc Nhiệt Nên Làm Gì