Cách Trồng Và Chăm Sóc Lan Vanda Nở Quanh Năm - Sfarm

Có một loại hoa lan được nhiều người yêu thích không chỉ bởi hình dáng đẹp, màu sắc hoa đa dạng mà còn bởi độ bền của hoa đó chính là hoa lan Vanda. Lan Vanda có thể nở hoa 2 – 3 lần trong năm nếu được chăm sóc tốt. Vậy làm thế nào để lan Vanda nở đẹp, lâu tàn, lại có thể cho hoa nở nhiều lần trong năm? Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây.

  1. 1/ Đặc điểm của lan Vanda
  2. 2/ Các loại lan Vanda phổ biến
  3. 3/ Điều kiện sinh trưởng của lan Vanda
    1. 3.1 Độ ẩm
    2. 3.2 Ánh sáng
    3. 3.3 Nhiệt độ
  4. 4/ Chuẩn bị trồng lan vanda
    1. 4.1 Giá thể trồng
    2. 4.2 Chậu trồng
    3. 4.3 Giống
  5. 5/ Cách trồng lan vanda
  6. 6/ Cách chăm sóc lan vanda
    1. 6.1 Tưới nước
    2. 6.2 Phân bón
    3. 6.3 Sâu bệnh
    4. 6.4 Thay chậu
    5. 6.5 Nhân giống

1/ Đặc điểm của lan Vanda

Hoa lan Vanda có nguồn gốc xuất xứ từ vùng châu Á Thái Bình Dương, được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Lào, Trung Quốc, Himalaya,… Lan Vanda được biết đến với 45 loài trong tự nhiên và có hơn 1000 loài được lai tạo, chia thành 3 loại chính: loại lá dẹp (strap-shaped leaves), loại lá tròn (cylindrical or terete leaves), và loại lá nửa tròn nửa dẹp (semi-terete leaves). Hoa lan Vanda không những được ưa chuộng bởi hình dáng đặc trưng mà còn nổi bật với nhiều màu sắc hoa rất đẹp mắt. Đây là loại cây có thân đơn, mọc thẳng, lá cứng, dày và xòe sang hai bên giống như những cánh quạt. Hoa mọc thành chùm, cánh mỏng, tuy nhiên độ bền của hoa tương đối lâu lên đến 8 tuần. Một điều mà nhiều người yêu thích loài hoa này có lẽ là đài hoa luôn lớn hơn hoặc bằng cánh hoa, điểm làm nổi bật lan Vanda khác với những loại lan khác.

2/ Các loại lan Vanda phổ biến

Hiện nay tại Việt Nam có 5 loại lan Vanda được trồng phổ biến gồm: Vanda lilacina, vanda liouvillei, Vanda denisonaliana, Vanda concolor và Vanda pumila. Trong đó, loài Vanda denisonaliana được ưa chuộng hơn cả bởi không những hoa đẹp mà thời gian chơi hoa cũng lâu hơn những loại Vanda khác. Những loại này được trồng phổ biến ở vùng Lâm Đồng, nơi có khí hậu mát mẻ.

3/ Điều kiện sinh trưởng của lan Vanda

Lan Vanda được nhận xét là khá dễ trồng. Tuy nhiên, không chỉ lan Vanda mà bất kỳ loại cây nào trước khi có ý định trồng cần phải nắm rõ điều kiện sinh trưởng của chúng. Từ đó, có kế hoạch chăm sóc đúng cách, cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa đẹp.

3.1 Độ ẩm

Độ ẩm yêu cầu chung của loại lan này từ 60 – 70%. Nếu cây bị thiếu ẩm sẽ ảnh hưởng đến khả năng ra hoa. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong độ ẩm cũng dẫn đến những thay đổi trong cây. Nếu độ ẩm thấp quá sẽ gây hiện tượng chuồn lá (lá bị rụng ở gần gốc). Ngược lại nhiệt độ cao cây dễ bị thối rễ.

3.2 Ánh sáng

Đây là một loại lan ưa thích ánh sáng. Cây sẽ ra hoa nếu kích thích đủ ánh sáng. Loài Vanda lá tròn hay Vanda TMA chỉ ra hoa nếu được phơi sáng 100%. Nhìn chung yêu cầu ánh sáng cho các loại Vanda từ 60% là đủ. Nghĩa là bạn phải để chậu lan nơi có ánh sáng tán xạ và che nắng 40%.

3.3 Nhiệt độ

Lan Vanda được chia làm hai loại: Lan Vanda vùng nóng và lan Vanda vùng lạnh. Nhiệt độ tối hảo cho chúng phát triển tốt ở 25 – 30 độ C. Căn cứ vào nhiệt độ ngoài trời để có chế độ tưới nước phù hợp. Nhiệt độ cao nên tăng cường nước tưới cho cây 2 – 3 lần/ngày, nhiệt độ thấp nên giảm lượng nước tưới.

4/ Chuẩn bị trồng lan vanda

4.1 Giá thể trồng

Lan Vanda hầu như không cần giá thể vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường nếu cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thường xuyên. Nhưng để cây phát triển tốt nên trồng cây trên những giá thể trơ như than củi, vỏ dừa. Vì rễ lan Vanda ưa ẩm, lại không chịu được úng, yêu cầu giá thể trồng phải thông thoáng.

4.2 Chậu trồng

Nên sử dụng giỏ hoặc chậu bằng gỗ để trồng cây thay vì chậu nhựa. Những chậu này đảm bảo độ thông thoáng tốt, giúp rễ cây phát triển tối đa.

4.3 Giống

Việc lựa chọn giống trồng có thể sử dụng giống có trong tự nhiên, màu sắc rất đẹp, đem về thuần hóa và để chúng đẻ tự nhiên. Hoặc chọn những giống đã lai tạo bằng phương pháp cấy mô, mua cây con về trồng.

Cách trồng lan vanda

Hoa lan Vanda

5/ Cách trồng lan vanda

Đối với trồng giỏ không cần giá thể, bạn chỉ cần cuộn phần rễ nằm gọn trong giỏ và treo lên cao, nơi thoáng mát là được. Còn nếu trồng chậu có sử dụng giá thể nên xử lý giá thể trước khi trồng. Vỏ thông hoặc vỏ dừa cắt khúc lớn khoảng 1 inch, ngâm vào dung dịch sát khuẩn bao gồm: thuốc sát trùng (Physan 20), thuốc kích rễ (vitamin B1), phân bón (20 – 20 – 20). Liều lượng pha cụ thể ½ muỗng cafe Physan 20 : 1 muỗng vitamin B1 : 1 muỗng phân bón 20 – 20 – 20 hòa vào 4 lít nước sạch, ngâm trong vòng 3 – 5 ngày để loại bỏ chất chát có trong giá thể và cung cấp dinh dưỡng trước khi trồng. Cho giá thể vào chậu rồi đặt cây vào giữa chậu, lưu ý không được chôn lấp phần thân gốc vào hỗn hợp. Tiến hành tưới nước sau đó từ 1 – 2 tuần trồng.

6/ Cách chăm sóc lan vanda

Sau khi trồng lan Vanda, việc tiếp theo là chăm sóc chúng cho ra hoa đẹp, đặc biệt làm sao để chúng nở hoa quanh năm.

6.1 Tưới nước

Nước tưới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của cây. Vì thế nên điều chỉnh lượng nước sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết và nhu cầu nước của cây. Mùa Hè có thể tưới 2 lần/ngày hoặc nhiều hơn nếu nhiệt độ cao. Đối với mùa Thu và mùa Xuân chỉ cần tưới 2 lần/tuần là đủ, đặc biệt không tưới nước vào mùa Đông. Muốn biết khi nào thì cây đủ nước hãy quan sát phần rễ của cây, nếu chúng chuyển từ màu trắng sang màu xanh đen tức là cây đã đủ nước, không cần tưới thêm.

6.2 Phân bón

Có một điểm đặc biệt ở loài lan Vanda này là sinh trưởng quanh năm, chúng không có mùa nghỉ như những loại lan khác. Do đó, việc cung cấp phân bón cần được thực hiện một cách thường xuyên. Cây lan Vanda khá dễ tính với các loại phân bón, chúng rất thích những loại phân có chứa nitrogen vì chịu nhiều ánh sáng. Có thể sử dụng phân bón 20 – 20 – 20 với liều lượng ½ muỗng phân bón hòa trong 4 lít nước sạch, phun xịt lên cây, tưới đều đặn 2 ngày/1 lần.

6.3 Sâu bệnh

Một số sâu bệnh thường bắt gặp trên loại lan Vanda đó là rệp vàng và bệnh thối đọt. Những con rệp trú ngụ ở mặt lá và hút hết nhựa cây, dần dần lá héo vàng và chết đi. Khi xuất hiện bệnh thối đọt trên lan, cần tiến hành cắt bỏ phần đọt ngay, tránh để lây lan sang cây khỏe. Sau đó bôi vôi hoặc vaseline lên vết cắt. Tốt nhất chúng ta nên phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng các loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa nấm bệnh như Topsil, Zineb với nồng độ 1/400, định kỳ 15 – 20 ngày phun phòng một lần.

6.4 Thay chậu

Đến một khoảng thời gian khi cây phát triển khỏe mạnh, có sự mất cân đối giữa cây và chậu thì nên tiến hành sang chậu lớn hơn. Đối với cây trồng trong giỏ nhựa không sử dụng giá thể trồng, việc thay chậu diễn ra 3 – 5 năm 1 lần. Trước khi thay chậu cần nhúng phần rễ vào nước khoảng 30 phút cho chúng mềm ra, sau đó cuộn rễ lại theo vòng tròn và đặt vào giỏ mới. Đối với trồng cây có giá thể là vỏ thông, vỏ dừa, việc thay chậu diễn ra thường xuyên hơn. Chú ý nên xử lý giá thể trước khi trồng. Sau khi thay chậu khoảng 3 tháng tiến hành kích thích rễ bằng dung dịch N3M hoặc ANA với nồng độ 1/1.000.000, rễ sẽ phát triển rất nhanh.

6.5 Nhân giống

Kỹ thuật nhân giống lan Vanda khá đơn giản. Khi cây phát triển quá cao, có thể cắt ngắn đi, chừa lại phần ngọn tối thiểu 3 rễ để cây lại tiếp tục phát triển. Lý do có thể cắt ngắn cây là vì Vanda có rễ mọc ra trên thân. Phần gốc đã cắt không nên vứt đi vì chúng có thể tái sinh cành mới. Hãy để gốc nơi râm mát khi chúng phát triển nhánh mới thì có thể đem trồng.

Vừa rồi bạn vừa đọc cách trồng và chăm sóc lan vanda nở quanh năm. Hy vọng bạn sẽ có một chậu lan Vanda to, khỏe và ra hoa đều. Nếu có bất cứ thắc mắc gì thì vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 bạn nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

  • Những điều cần biết về lan trầm trắng không thể bỏ qua
  • Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc lan trần mộng sai hoa
  • Học ngay cách trồng lan móng rùa chuẩn chuyên gia
  • Cách trồng địa lan chuẩn chuyên gia
=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé! Đánh giá bài viết

Từ khóa » Cách Kích Vanda Ra Hoa